Bi kịch nhậu nhẹt lái xe: Mổ não sau tiệc cưới, ngã quỵ vì tông chết người
(Dân trí) - Lái xe sau cuộc nhậu "chỉ vài chén cho vui", nhiều người phải nhận những cái kết đắt giá, khi không chỉ mất đi sức khỏe, tương lai mịt mờ mà còn gieo đau thương, tang tóc cho những cuộc đời khác.
"Tôi cũng là người uống rượu, nhưng nhìn tình cảnh của em trai hiện giờ, vừa ám ảnh vừa thấy đau lòng quá…", người đàn ông nói khi hai tay cố gắng giữ bệnh nhân đang mê sảng, kích động trên giường.
Vỡ sọ phải mổ não, làm khổ vợ con sau cuộc nhậu mừng cưới
Mới cách đây 3 tuần, anh V.H. (39 tuổi, ngụ thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) còn là một người chồng, người cha khỏe mạnh, trụ cột của gia đình 4 người. Nhưng chỉ sau một cuộc nhậu, bi kịch đã ập đến.
Ngước nhìn người em đang nhắm nghiền mắt, không làm chủ được hành vi, trong khi chân trái bị xiên các thanh sắt cố định xương, anh Hải (45 tuổi, anh trai bệnh nhân) ngậm ngùi kể, một buổi trưa cuối tháng 9, H. có đến nhà người quen để ăn cưới.
Trong ngày vui, người đàn ông nhậu từ 12h đến 15h, sau đó tự chạy xe máy về. Khi chỉ còn cách nhà không xa, anh H. va chạm mạnh với một xe máy chở 3 khác cũng vừa trong cuộc "chén tạc chén thù", chạy chiều ngược lại.
Cú tông mạnh khiến người đàn ông bị hất văng khỏi xe, bất tỉnh, máu chảy dài dưới đường. Phát hiện sự việc, người dân đã đưa anh H. vào bệnh viện gần hiện trường, rồi chuyển lên một bệnh viện tư nhân ở TPHCM.
Vì vết thương ở đầu và chân quá nặng nề, anh H. được lên kế hoạch mổ não và xử lý vết thương ở chân khẩn cấp. Ba ngày sau mổ, người đàn ông lại được chuyển tiếp đến Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM vì vết thương quá nặng.
Các bác sĩ xác định, bệnh nhân bị dập và xuất huyết nhiều nơi trên não, tụ máu não, vỡ vòm sọ, gãy xương cẳng chân, tổn thương động mạch xương chày… Bệnh nhân phải tiếp tục mổ lần 2 xử lý tình trạng chấn thương ở chân, dùng hàng loạt kháng sinh, thuốc giảm đau, dịch truyền.
Đến ngày 5/10, sau khi tạm qua giai đoạn nguy hiểm, anh H. được chuyển về Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TPHCM (Bệnh viện 1A) để điều trị phục hồi, khi vẫn trong tình trạng lơ mơ, phải thở máy qua nội khí quản.
Sau tai nạn bất ngờ, đến nay tổng chi phí gia đình đã đóng để lo cho anh H. phẫu thuật, điều trại tại các nơi đã khoảng 120 triệu đồng (riêng Bệnh viện 1A mới tạm ứng 8 triệu đồng), đa phần là tiền vay mượn, giúp đỡ từ người thân, hàng xóm.
Những ngày xảy ra biến cố, vợ anh H. phải gửi 2 con nhỏ cho bà ngoại ở quê, lên TPHCM chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho chồng.
"Nó có hai con trai, đứa lớn học lớp 6, đứa nhỏ mới vào mẫu giáo. Mấy ngày qua, thằng lớn cứ gọi hỏi thăm cha hoài, hỏi sao cha chưa về. Nhưng giờ em tôi vẫn còn mê, chưa nhận ra mình và người xung quanh là ai, làm sao biết khi nào mới được về.
Tôi khuyên mọi người nếu có đi đám tiệc cần uống rượu bia, hãy thuê xe hoặc nhờ người khác chở. Ăn nhậu chừng mực, vì mình nằm xuống còn gánh nặng cho vợ con…", anh Hải nhắn nhủ.
Ở phòng bên cạnh, anh N.V.T. (39 tuổi, quê Bình Phước) cũng đang co mình chống chọi những cơn đau, sau tai nạn trước đó một tuần lễ. Trước đó vào chiều 7/10, anh T. có tổ chức nhậu tại nhà. Sau đó, người đàn ông tự chạy xe máy đi viếng đám tang.
"Khi tôi vọt ga qua bên kia đường thì một người phụ nữ chạy xe máy hướng khác lao ra, va chạm phải. Tôi chỉ nhớ mình ói ra máu, mũi và đầu cũng chảy đầy máu, tay sưng vù rồi choáng váng. Tôi được đưa vào trạm y tế sơ cứu, rồi vào Bệnh viện huyện Bình Long (Bình Phước) và Bệnh viện Chợ Rẫy", anh T. nói với phóng viên.
Cử nhân Nguyễn Xuân Mạnh, Phó trưởng phòng Điều dưỡng, Bệnh viện 1A chia sẻ, dù đã qua cơn nguy hiểm, bệnh nhân trên vẫn còn máu tụ trong đầu, nên khi chuyển từ Bệnh viện Chợ Rẫy sang nơi phục hồi chức năng, bệnh nhân phải tiếp tục dùng thuốc và theo dõi tích cực.
Nhờ sự chăm sóc tận tình của các y bác sĩ Bệnh viện 1A, từ chỗ ảnh hưởng sức khỏe nặng, người đàn ông đã dần hồi phục, dự kiến sẽ sớm được xuất viện trong ít ngày tới. Nhưng dù đã điều trị nhiều ngày, anh T. vẫn cho rằng mình chỉ "uống vài ly rượu", vẫn rất tỉnh táo khi lái xe, nên tai nạn xảy đến với mình chỉ do… xui.
Khổ mình, hại người
Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ Hà Đăng Thiệp, Trưởng đơn vị Chấn thương sọ não, Bệnh viện 1A cho biết, trung bình mỗi ngày nơi đây điều trị cho hơn 80 bệnh nhân, với 10-15 trường hợp nhập viện mới/ngày. Trong đó, đa số là bệnh nhân tai nạn giao thông (TNGT).
Đáng chú ý, 65% số bệnh nhân bị TNGT nằm tại đơn vị do uống rượu bia. Về độ tuổi, có 75% bệnh nhân diện này là người trẻ, trong tuổi lao động. Ngoài ra, còn có các trường hợp bị tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt và các nguyên nhân khác.
Bác sĩ Thiệp cho biết, việc uống rượu bia không làm chủ tay lái, gây TNGT để lại những di chứng nặng nề. Cụ thể, bệnh nhân có thể hôn mê, mất trí nhớ, liệt tứ chi, liệt nửa người.
Bệnh nhân cũng dễ gặp đa chấn thương, như chấn thương vùng đầu, hàm mặt, chấn thương ngực, gãy tay chân, xương đùi, phải đoạn chi… hay bị những rối loạn tâm thần, tổn thương dây thần kinh gây mù mắt, điếc tai.
"Có trường hợp chấn thương sọ não kèm gãy tứ chi, đa chấn thương, phải nằm dài ngày, kéo theo viện phí tăng cao nhưng hoàn cảnh bệnh nhân lại khó khăn. TNGT để lại những hậu quả rất nặng cho người bệnh, gia đình và xã hội", cử nhân Nguyễn Xuân Mạnh phân tích.
Không chỉ gây ảnh hưởng cho chính bản thân mình, người uống rượu bia gây tai nạn còn khiến những người xung quanh chịu khổ theo.
Như trường hợp của cô Hoa (46 tuổi, tên đã thay đổi), giảng viên một trường đại học ở TPHCM. Trưa 6/10, sau giờ đứng lớp, cô chạy xe máy hướng từ quận 5 về TP Thủ Đức.
Khi đang di chuyển trong hầm Thủ Thiêm, một thiếu niên mới 17 tuổi đã có men trong người, điều khiển xe máy tốc độ cao cố vượt lên, tông vào tay lái bên trái xe của người phụ nữ.
Va chạm làm nữ giảng viên ngất ngay tại chỗ. Ngay lúc đó, xe cứu thương của một bệnh viện chạy ngang qua, đưa cả người tông lẫn người bị tông đi cấp cứu.
Tại bệnh viện, cô Hoa được xác định gãy rất nhiều xương sườn, chấn thương sọ não. Trong vòng 2 tiếng, bệnh nhân được chuyển khẩn lên tuyến trên. Sau 2 ngày nằm cấp cứu ở Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân được chuyển vào Bệnh viện 1A theo dõi, tiêm thuốc tan máu bầm não.
"Giờ tôi vẫn còn rất đau. Bác sĩ nói tôi gãy 5 xương sườn, có chỗ vỡ nát. Phía gia đình cậu thiếu niên gây tai nạn có báo sẽ chịu trách nhiệm, nhưng tôi nói họ hãy để tiền lo cho cháu.
Tôi còn giữ được sự sống này là nhờ chiếc mũ bảo hiểm. Xin mọi người ra đường cần làm chủ tốc độ, đi đúng làn đường. Hiện nay, nhiều thanh niên đi xe máy rồ ga, để người bên cạnh giật mình rất dễ xảy ra tai nạn. Tôi gặp thường xuyên. Cơ quan chức năng cần xử nghiêm khắc, hình phạt phải răn đe cao để không còn tình trạng này.
Giờ tôi phải cắt hết lịch dạy, xem như cuối năm nghỉ việc, nguồn sống bị ảnh hưởng", cô Hoa nói rồi vuốt tay lên trán, nén nỗi đau.
Hối hận muộn màng
Trao đổi với phóng viên Dân trí, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Sử, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) cho biết, cứ đến 3 ngày cuối tuần, nơi đây đều phải gánh 15-20 ca/đêm vào cấp cứu trong tình trạng say xỉn.
Có những trường hợp bệnh nhân chấn thương nặng, kiểm tra nồng độ cồn lên đến hơn 300mg/ml máu, khi vào viện đã hôn mê, say khướt.
Bác sĩ Sử chia sẻ, trong số các tai nạn cấp tính liên quan đến việc uống rượu bia gây TNGT, chấn thương gãy tay chân là phổ biến nhất. Nặng hơn, bệnh nhân có thể bị xuất huyết tiêu hóa, vỡ nội tạng, phải xử lý thuyên tắc mạch máu hoặc phẫu thuật khẩn.
Về lâu dài, người lạm dụng rượu bia có thể bị viêm tụy mạn, viêm tụy cấp, thậm chí xơ gan. Đó là chưa kể những hệ lụy của việc quá chén, như gây nên những mâu thuẫn xã hội, đả thương, đâm chém nhau. Đã có những trường hợp bệnh nhân di chứng lâu dài, gây yếu liệt vĩnh viễn.
Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, ông không thể nào quên hình ảnh một người dân ôm đầu ngã quỵ trước cổng khoa Cấp cứu, khi trước đó vài tiếng còn vui vẻ cụng ly trong cuộc nhậu.
Đó là trường hợp của người đàn ông khoảng 50 tuổi, vừa mới tập lái ô tô. Buổi tối hôm ấy, bệnh nhân uống vài chai bia cùng bạn rồi cao hứng lấy xe ô tô chạy đi hóng gió. Khi qua đoạn đường ở quận 12, người đàn ông mất lái, húc đổ hàng rào của một nhà ven đường rồi tông trúng cụ ông 80 tuổi đang ngồi trước hiên uống trà.
Ngay sau tai nạn, người đàn ông hốt hoảng gọi xe đưa nạn nhân đi cấp cứu. Nhưng vì bị đa chấn thương quá nặng, cụ ông mất ngay sau đó.
"Lúc nghe loa thông báo cụ ông đã mất, tôi thấy anh ta đã suy sụp, ngồi bệt xuống hành lang khoa. Cảnh tượng ấy thật khó tả, vì người bị tông không qua khỏi, còn người uống rượu gây tai nạn thì hối hận muộn màng. Tương lai xem như đã khép lại chỉ vì một cuộc nhậu", bác sĩ Sử chia sẻ.
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân nếu sử dụng rượu bia hãy uống một cách chừng mực, tùy theo thể trạng của mình. Đồng thời, đã nhậu nhẹt tuyệt đối không lái xe, để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc, đau lòng.