PhotoStory

Bệnh viện chuyên khoa tuyến đầu khu vực phía Nam xuống cấp trầm trọng

Thực hiện: Hoàng Lê - Trần Đạt

(Dân trí) - Ở cạnh ký túc xá quá cũ, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM từng bị ống sắt rơi xuyên xuống phòng mổ, đe dọa tính mạng bệnh nhân và bác sĩ, nước thải chảy tràn vào làm nhiễm khuẩn khu vực cấp cứu.

Bệnh viện chuyên khoa tuyến đầu khu vực phía Nam xuống cấp trầm trọng - 1

Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM (số 929, đường Trần Hưng Đạo, quận 5) được xây dựng vào năm 1968 với diện tích hơn 5.000m2, quy mô 100 giường. Trước nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân, bệnh viện phải đặt thêm 500 giường khác, bao gồm nhiều giường nằm ở khu vực hành lang các khoa phòng. Đến nay, trải qua hơn 50 năm hoạt động, cơ sở hạ tầng của nơi này đã xuống cấp trầm trọng.

Bệnh viện chuyên khoa tuyến đầu khu vực phía Nam xuống cấp trầm trọng - 2

Ghi nhận của phóng viên Dân trí vào sáng 1/11, trong khuôn viên nhỏ hẹp, cũ kỹ của khu vực khoa Khám bệnh đổ dài xuống vị trí phòng xét nghiệm, phòng chụp MRI, rất đông người dân ngồi kín các hàng ghế chờ đến lượt.

Anh Trần Thanh Quân (43 tuổi, quê Phan Thiết) đưa em trai bị tai nạn đứt dây chằng từ quê đến bệnh viện lúc 4h sáng, xếp hàng bốc số khám bệnh lúc 6h30, nhưng đến 10h30 mới đến lượt chụp MRI. 

"Tôi mới đi bệnh viện này lần đầu tiên. Thấy cảnh chờ đợi như vầy, chỉ mong em trai mau khỏe để không phải quay lại nữa" - anh Quân nói.

Bệnh viện chuyên khoa tuyến đầu khu vực phía Nam xuống cấp trầm trọng - 3

Ngồi cạnh bên, chị Diệu Linh (40 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) cũng nhăn mặt vì đã mất nhiều giờ đồng hồ để lo cho chồng tái khám, điều trị giãn dây chằng. Theo chia sẻ của chị Linh, hai vợ chồng đến bệnh viện từ 6h30, sợ chờ lâu nên đăng ký khám chuyên gia ngay, nhưng đến 11h vẫn chưa đến lượt đo điện cơ.

"Đo xong cũng phải ở lại bệnh viện đến chiều để chờ nhận kết quả. Lúc nào đến đây chữa bệnh cũng mất cả ngày. Chỉ hy vọng bệnh viện giảm tải và có quy trình tốt hơn để người dân đỡ cực" - chị Linh chia sẻ.

Bệnh viện chuyên khoa tuyến đầu khu vực phía Nam xuống cấp trầm trọng - 4
Bệnh viện chuyên khoa tuyến đầu khu vực phía Nam xuống cấp trầm trọng - 5
Bệnh viện chuyên khoa tuyến đầu khu vực phía Nam xuống cấp trầm trọng - 6

Dãy nhà của khoa Cột sống B (tầng trệt), khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (tầng 1) và khoa Khớp (tầng 2) là khu vực cũ nhất của Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, khi các bờ tường đã bong tróc từng mảng lớn từ lâu mà chưa được xây mới.

Bệnh viện chuyên khoa tuyến đầu khu vực phía Nam xuống cấp trầm trọng - 7

Nhiều hệ thống điện bên trong bệnh viện xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

Bệnh viện chuyên khoa tuyến đầu khu vực phía Nam xuống cấp trầm trọng - 8

11h trưa, anh Võ Lê Minh Tiên (36 tuổi, quê Lâm Đồng) ngồi co ro ở góc cầu thang của khoa Khớp. Anh Tiên té công trình bị đứt dây chằng chéo chân, từ quê vào viện lúc sáng sớm rồi chuyển lên khoa khớp. Vì phòng bệnh không có giường trống, anh được nhân viên y tế kê giường xếp cho nằm.

"Bác sĩ nói khi có ai xuất viện về sẽ được chuyển vào phòng. Phải chịu khó chút, vì ai cũng vậy mà" - anh Tiên nói. 

Bệnh viện chuyên khoa tuyến đầu khu vực phía Nam xuống cấp trầm trọng - 9

Đông đúc nhất là khu vực của khoa Chi dưới. Hầu như mỗi ngày bệnh nhân đều nằm kín các phòng, nhất là thời điểm sau dịch Covid-19. Chính vì thế, tình trạng bệnh nhân nằm la liệt hành lang diễn ra như cơm bữa.

Bệnh viện chuyên khoa tuyến đầu khu vực phía Nam xuống cấp trầm trọng - 10

Theo đại diện Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM, trong thời gian dài, nơi này luôn hoạt động trong tình trạng quá tải, với cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng.

"Mỗi ngày, chúng tôi tiếp nhận khám ngoại trú 1.500-2.000 trường hợp. Cộng với thân nhân, người lao động, sinh viên… có khoảng 5.000 con người vào viện một ngày" đại diện bệnh viện nói.

Bệnh viện chuyên khoa tuyến đầu khu vực phía Nam xuống cấp trầm trọng - 11

Bệnh viện chỉ có 1 con đường "độc đạo" để di chuyển khám bệnh, chụp X-quang, chuyển bệnh nhân mổ cấp cứu, và thậm chí để di chuyển rác thải, nên thường bị "kẹt xe".

Kể cả khuôn viên để xe cho nhân viên y tế, bệnh viện cũng không có, phải thuê nhà dân bên ngoài cho nhân viên. Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình giống như một cái áo chật chội nên nơi nào cũng quá tải…" - phía bệnh viện cho biết.

Bệnh viện chuyên khoa tuyến đầu khu vực phía Nam xuống cấp trầm trọng - 12

Khu vực khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn cũng là nơi "tập kết" các trang thiết bị, sửa chữa giường bệnh.

Bệnh viện chuyên khoa tuyến đầu khu vực phía Nam xuống cấp trầm trọng - 13

Đáng chú ý, ký túc xá Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng cạnh bệnh viện cũng đã xây dựng từ rất lâu, kiến trúc cũ kỹ, không đảm bảo về phòng cháy chữa cháy. Trước đây, nhiều mảng bê tông của ký túc xá rơi xuống bệnh viện, gây ảnh hưởng đến tính mạng, không an toàn cho người dân, thân nhân bệnh nhân và các y bác sĩ.

Bệnh viện chuyên khoa tuyến đầu khu vực phía Nam xuống cấp trầm trọng - 14

Cụ thể vào năm 2007, một tấm đan bê tông từ lầu 5 tòa nhà này rơi xuống, làm chết một người lái xe ôm đậu trước cổng số 2 của bệnh viện. Đến năm 2015, một đoạn ống nước bằng sắt rơi từ lầu 8 ký túc xá xuyên qua mái tôn lao xuống phòng mổ của bệnh viện. Nước thải của tòa nhà trên cũng từng chảy sang bệnh viện, làm nhiễm khuẩn khu vực cấp cứu.

Gần đây nhất là vào năm 2019, chỉ trong vài ngày, ký túc xá Cao Thắng đã 2 lần bị cháy, khiến bệnh nhân và các y bác sĩ gặp một phen hoảng hốt, nháo nhào bỏ chạy.

Bệnh viện chuyên khoa tuyến đầu khu vực phía Nam xuống cấp trầm trọng - 15

Ký túc xá Cao Thắng cạnh Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình đã xuống cấp trầm trọng.

"Viên chức, người lao động bệnh viện rất mong chờ dự án Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình mới tại Khu đô thị Nam thành phố (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) hoàn thành, đưa vào hoạt động để giải quyết trình trạng quá tải. Nhưng đến nay đã 12 năm kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương, dự án trên vẫn chưa thực hiện xong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và Sở Y tế cũng đã trình UBND Thành phố xin hủy dự án này" - đại diện bệnh viện chia sẻ.

Trước thực trạng trên, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM đã đề xuất Sở Y tế và các Sở, Ban ngành liên quan kiến nghị UBND TPHCM di dời khu ký túc xá Cao Thắng, đồng thời cho phép tiến hành dự án xây dựng mới khoảng 200-300 giường nội trú vị trí gần bệnh viện hiện tại. Việc này sẽ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giải quyết trình trạng đang quá tải của bệnh viện chuyên khoa tuyến đầu khu vực phía Nam.