1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bệnh viện quá tải… người chăm bệnh

“Bệnh viện đang quá tải người chămbệnh. Sẽ có nhiều nguy cơ với tình trạng quá tải này và đó là vấn đề không thể chấp nhận được” - ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dựphòng, nói.

Câu chuyện quá tải tại các bệnh viện (BV) tuyến trên luôn là bài toán khó đối với những người lãnh đạo ngành y tế, nhất là ở TP lớn như TP.HCM. Quá tải bệnh nhân đã khó giải quyết, thêm tình trạng quá tải người nhà bệnh nhân càng khiến nhiều BV đau đầu.

Con bệnh, một chồng, bốn “vợ” cùng chăm

Cậu con trai đổ bệnh phải nhập viện cấp cứu tại khoa Hồi sức tích cực chống độc BV Nhi đồng 1. Ông bố có đến bốn cô “vợ”, thấy con trai đổ bệnh cả nhà đều lo lắng nên kéo nhau đến BV chăm bệnh. Họ nói lo cho con, không ai chịu ra về, năm người cùng ở lại cho an tâm. Cả gia đình kiên quyết “cắm trại” ở BV khiến các bác sĩ rất khổ sở. Đó là câu chuyện do BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc BV Nhi đồng 1, kể lại.

Và còn vô số câu chuyện quá tải người nuôi bệnh khác khắp các BV. Tại khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1, khoảng 4 giờ chiều, khi người nhà được phép vào thăm thân nhân thì lượng người thân bỗng chốc đông gấp 4-5 lần lượng bệnh nhi.

Có con gái bị viêm não siêu vi nằm ở hành lang khoa Nhiễm, chị Đoàn Thị Tú (ngụ Đống Đa, Quy Nhơn) cho biết thường ngày cháu khỏe mạnh đã phải có hai người chăm lo cơm nước. “Bây giờ cháu đổ bệnh người khó chịu lắm, hết quấy khóc rồi nói mê, ăn uống không được, vệ sinh lại khó khăn. Nhà tôi có sáu người, cháu nó bệnh chỉ có bố ở quê lo kiếm tiền. Mấy bà cháu phải khăn gói vào BV mà chăm cho cháu nó. Bà nội chăm mệt thì mẹ phụ, hai đứa lớn cũng đang trong dịp hè nên cho chúng nó lên đây với em luôn” - chị Tú kể.

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1, cho biết: “Mặc dù khoa có quy định thời gian cho người thân vào chăm bệnh là 10 giờ sáng mỗi ngày, sau đó mọi người phải về nhà hoặc ra ngoài, không đến gần khu vực điều trị. Thế nhưng vẫn có rất nhiều người thân lén tự ý vào trong phòng bệnh hoặc tụ tập gần khu vực điều trị do không an tâm khi để người nhà nằm một mình. Biết là họ cũng có cái khó, chẳng hạn nhà xa không thể đi đi về về và họ xuống dưới sân hoặc trải chiếu ngồi ở BV dẫn đến tình trạng quá tải người nhà” - BS Khanh nói.


Quá tải người bệnh lẫn thân nhân người bệnh đang là vấn đề làm các bệnh viện đau đầu. Ảnh: HÀ PHƯỢNG

Quá tải người bệnh lẫn thân nhân người bệnh đang là vấn đề làm các bệnh viện đau đầu. Ảnh: HÀ PHƯỢNG

“Không chấp nhận được”

Trong chuyến kiểm tra của đoàn kiểm tra Bộ Y tế tại BV Nhi đồng 1, khi thấy tình hình bệnh nhân và người nhà tại khoa Cấp cứu, khoa Nhiễm…, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đã phải thốt lên rằng: “Tình trạng quá tải này là không thể chấp nhận được. Chúng ta đang quá tải người nhà bệnh nhân chứ không phải bệnh nhân. Sở Y tế TP.HCM bằng cách nào đó phải kiểm soát vấn đề thân nhân nuôi bệnh tại các BV”.

Thật ra không chỉ BV Nhi đồng 1 mới có tình trạng quá tải người bệnh. Các BV tuyến trên đều xảy ra tình trạng này, chẳng hạn: BV Nhi đồng 2, BV Chấn thương Chỉnh hình… Rất nhiều người, kể cả người sinh sống tại TP.HCM, tụm lại ngồi vạ vật. BV thông báo đã có điều dưỡng, thông báo giờ thăm bệnh nhưng họ vẫn nhất quyết không về.

Theo ông Phu, tình trạng quá tải bệnh nhân hiện nay đã gây rất nhiều khó khăn cho BV. Vì quá tải nên bệnh nhân phải nằm dưới gầm giường, điều dưỡng phải ngồi xuống sàn tiêm hoặc truyền dịch cho bệnh nhân, không đảm bảo an toàn. Ông Phu nói: “Nay thêm tình trạng quá tải người nhà bệnh nhân thì không chịu nổi. Không thể cho cùng lúc 3-4 người vào chăm một bệnh nhân, không gian chật hẹp làm sao nhân viên y tế làm việc. Phải có giải pháp gì đó, chẳng hạn cần có quy định sau mấy giờ người nhà mới được vào thăm người bệnh và thăm trong bao nhiêu lâu. Và chỉ cho từng lúc một người nhà thăm một người bệnh, người nhà thay phiên nhau, phải mặc áo chuyên chăm sóc do BV cấp và phải có thẻ mới được vào. Nếu cứ để ồn ào trong phòng bệnh thì sẽ không bao giờ giải quyết được mong muốn giảm tải” - ông Phu nhấn mạnh.

Cũng theo ông Phu, việc người nhà thoải mái vào BV khiến chất lượng điều trị giảm và tăng khả năng lây nhiễm trong BV, nhất là ở những khoa điều trị bệnh truyền nhiễm. Các BV cần nhanh chóng bố trí lại từng khoa, phòng. Cần tăng cường giường bệnh, cho người bệnh nhẹ đến những khoa, phòng khác nằm tạm hoặc cho về. Mặt khác, chỉ đạo tỉnh không chuyển bệnh vượt tuyến.

“Chúng ta cứ thương người nhà, cho họ vào BV sẽ là tự tạo gánh nặng cho bệnh nhân, ảnh hưởng chất lượng điều trị, hậu quả sẽ rất lớn” - ông Phu nói.

Đã kê thêm hơn 200 giường mà vẫn quá tải

Hiện BV Nhi đồng 1 được giao 1.400 giường nhưng thực tế đã kê hơn 1.600 giường. Tuy vậy, số bệnh nhi nhập viện vẫn rất đông trong khi BV không có quyền từ chối bệnh. BV đã nhiều lần tập huấn, trao đổi với các BV ở tỉnh để xử lý nhưng do nhân lực biến động, hầu hết các tỉnh phía Nam cũng quá tải trong mùa dịch bệnh cho nên việc giảm tải rất khó khăn. Thời gian qua BV cũng linh hoạt điều phối bệnh nhi giữa các khoa, tránh tập trung đông, dễ lây nhiễm chéo.

BS NGUYỄN THANH HÙNG, Giám đốc BV Nhi đồng 1

Siết lại các trường hợp chuyển viện

Cục Y tế dự phòng đề xuất sắp tới sẽ họp và chỉ đạo các tỉnh, thành về vấn đề chuyển bệnh nhân. Trong đó, Cục quy định trường hợp nào được chuyển, trường hợp nào phải giữ lại điều trị nhằm tránh gây áp lực cho BV tuyến trên. Đồng thời yêu cầu các BV báo cáo Sở Y tế để có hướng giải quyết với người chăm bệnh.

Theo Hải Âu

Pháp luật TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm