DMagazine

Bác sĩ Trương Hữu Khanh 30 năm ám ảnh khuôn mặt nghìn đứa trẻ trước lúc mất

(Dân trí) - Dành cả đời để cứu chữa cho hàng nghìn bệnh nhi, livestream hướng dẫn chăm sóc cho hàng vạn F0 giữa lúc bản thân đang dương tính… Với tôn chỉ: Ai cũng có thể gặp, điện thoại luôn nhấc máy....

Dành cả đời để cứu chữa cho hàng nghìn bệnh nhi, livestream hướng dẫn chăm sóc cho hàng vạn F0 giữa lúc bản thân đang dương tính… Với tôn chỉ: Ai cũng có thể gặp, điện thoại luôn nhấc máy, ở đâu đều sẵn sàng giúp đỡ một cách lạc quan, vui vẻ, Trương Hữu Khanh được mệnh danh là vị "bác sĩ quốc dân".

Thế nhưng ít ai biết, 30 năm trước, người đàn ông "mê con nít" này lại quyết định không sinh con vì lý do đặc biệt.

Lần đầu tiên chúng ta được lắng nghe những chia sẻ lạ lùng từ ông!

Bác sĩ Trương Hữu Khanh 30 năm ám ảnh khuôn mặt nghìn đứa trẻ trước lúc mất - 1

Huy Hậu: Tôi theo dõi ông rất lâu trên mạng xã hội, trước khi ông trở thành hiện tượng viral. Bề ngoài, Trương Hữu Khanh luôn tràn đầy năng lượng lạc quan, vui vẻ, khiếu buôn chuyện hài hước… thế nhưng đôi mắt bác sĩ luôn gợi cho tôi một điều gì đó bí mật?

Trương Hữu Khanh: (Cười)! Cả 2 vợ chồng tôi đã quyết định không sinh con.

Lúc trước, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi với cô ấy kết hôn. Như bao cặp đôi khác, chúng tôi dự tính sẽ có con, xây dựng mái ấm… Nhưng 2-3 năm sau khi làm việc tại bệnh viện, chúng tôi đã quyết định vậy.

Huy Hậu: Điều gì đã xảy ra trong 2 năm ấy, thưa ông?

Trương Hữu Khanh: Thú thật, thời điểm những năm 1990, giáo dục sức khỏe tại Việt Nam còn yếu kém lắm! Cha mẹ chưa hiểu biết về bệnh, thiết bị y tế thiếu hụt, trẻ con được đưa tới viện hầu hết đều nặng, nhiều đứa mất vì những căn bệnh hết sức bình thường.

Nhớ lúc đó, ca đầu tiên khi tôi mới ra trường. Con bé khoảng 12 tuổi, ốm yếu. Sáng sớm, tôi với nó còn nói chuyện, vậy mà vài tiếng sau, nó bị thủng ruột. Lúc đó, nếu tất cả chúng tôi biết trước, con bé đã sống... nhưng mọi thứ không thể.

Ngày nào tâm trạng tôi cũng vô cùng nặng nề! Bạn biết không? Đến tận bây giờ, 30 năm, tôi vẫn nhớ như in khuôn mặt hàng nghìn đứa trẻ trước lúc chúng mất, bố mẹ chúng bất lực ra sao, thất thần, gào khóc rồi tuyệt vọng đến thế nào…

Tôi nhớ để dặn mình còn nhiều sai sót, nhiều điều chưa làm được cho ngành y.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh 30 năm ám ảnh khuôn mặt nghìn đứa trẻ trước lúc mất - 3

Một ngày năm 1992, tôi gợi ý với vợ: "Chúng ta sẽ không có con". Cô ấy im lặng.

Cho đến năm tôi nhận được cuộc gọi báo em trai đột tử. Nó mất khi mới hai mấy tuổi, vừa ra trường, còn rất trẻ. Điều đó khiến tôi càng chắc chắn hơn quyết định sẽ không bao giờ sinh con.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh 30 năm ám ảnh khuôn mặt nghìn đứa trẻ trước lúc mất - 5

Huy Hậu: Thật sự xin lỗi khi gợi cho bác sĩ quá nhiều ký ức buồn…

Trương Hữu Khanh: Không hiểu tại sao tôi không thể thoát ra được cái chết. Đó là nỗi ám ảnh trong nghề y. Có rất nhiều bạn bè nói với tôi về sự vô thường, an yên, mọi thứ sẽ qua… Nhưng cách suy nghĩ ấy chỉ để chúng ta tự an ủi bản thân, để không đau lòng thêm.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh 30 năm ám ảnh khuôn mặt nghìn đứa trẻ trước lúc mất - 7

Tôi sợ! Sợ phải đối diện với sự ra đi của người thân. Sợ sinh con ra, liệu nó có bất trắc không? Sợ mình khác đi, ác hơn không? Có vì nó mà phải giành giật, thủ đoạn với người khác? Làm sao tôi biết tình cảm tôi dành cho nó sẽ ở mức nào?

Đến sau này, tôi vẫn nhớ lời của cô hộ lý nói: "Ông Khanh này, ổng không có con bởi vì ổng quá thương con…".

Huy Hậu: Ngay cả người ngoài còn phản ứng, vậy vợ ông, bà ấy trải qua thời gian đó như thế nào?

Trương Hữu Khanh: Thời gian đầu, bà ấy im lặng. Nhưng sau thời gian đó, khi thấy những cảnh lúc nào đi về nhà, tâm trạng tôi cũng u uất. Nhất là mấy đợt dịch tễ, tin tức về tôi nhan nhản trên báo chí, bà ấy đọc tất cả. Những lần thế, bà ấy nhìn khuôn mặt tôi và hỏi nhẹ: "Hôm nay có vẻ căng?"

May mắn, đến tận bây giờ, vợ chồng tôi chưa bao giờ cãi nhau quá 3 lần, và mỗi lần không giận quá 2 tiếng dù quyết định khó khăn như thế nào. Gần đây thì bà ấy bảo: "Em cảm thấy may mắn hơn vì không có con".

Còn riêng tôi, tôi có thêm nhiều thời gian để chăm sóc cho tụi con nít, toàn tâm toàn ý để có thể cứu sống chúng và gia đình chúng.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh 30 năm ám ảnh khuôn mặt nghìn đứa trẻ trước lúc mất - 8

Huy Hậu: Có phải sự toàn tâm toàn ý đó là lý do bác sĩ Trương Hữu Khanh đã lên tiếng mạnh mẽ để giúp đỡ người dân thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ tại Việt Nam?

Trương Hữu Khanh: Thú thực đây không phải lần đầu tiên tôi trải qua đại dịch. Trước đây, tôi từng chứng kiến cái chết ở trẻ con khủng khiếp hơn nhiều, như dịch tay-chân-miệng, sốt xuất huyết…

Năm 2002, Bệnh viện Nhi Đồng 1 là nơi phát hiện ra ca nhiễm tay-chân-miệng đầu tiên tại Việt Nam. Lúc đó, chúng tôi đều không biết đó là bệnh gì? Con virus ấy hoạt động như thế nào? Nhưng tụi trẻ con nhập viện và chết hàng loạt.

Tôi nhớ, có buổi sáng, đứa trẻ vừa chuyển vào, vẫn còn tỉnh táo, đang cười cười nói nói, một tiếng sau thì chết. Cha mẹ chúng gào khóc, phản đối, rồi kiện cáo, bác sĩ áp lực đến mức nghỉ việc. Thậm chí, ngay trong giới y khoa cũng bắt đầu nghi ngờ nhau. Họ bảo làm gì có thứ bệnh kỳ lạ đó, gièm pha chúng tôi bịa ra để che giấu cái làm bậy của mình.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh 30 năm ám ảnh khuôn mặt nghìn đứa trẻ trước lúc mất - 10

Mãi cho đến năm 2004 và 2011, tay-chân-miệng bùng phát thêm lần nữa, mọi người mới công nhận những điều tôi nói là đúng và sử dụng phác đồ điều trị mà tôi xây dựng trong 2 năm.

Giống như cơ thể chúng ta đến 100 tuổi rồi sẽ chết, SARS-CoV-2 nói riêng, virus nói chung nó đều có quy luật tồn tại chung.

Thời điểm đầu khi Covid-19 bùng phát, các nhà khoa học, giáo sư đưa ra rất nhiều các báo cáo, văn bản khoa học, nhưng ngôn từ vô cùng hàn lâm, cẩn trọng. Có người dân nói tôi như này: "Ông này nói rồi, nhưng tôi không hiểu".

Bởi vì sao? Vì công việc của họ là nghiên cứu, cần một kết quả, số liệu chuẩn xác. Còn tôi đơn thuần đã trải qua các đợt dịch trước, là người trực tiếp bắt tay vào làm nên tôi biết quy luật nó như thế nào, cần làm gì cho mau hết, vai trò vaccine ra làm sao… thành ra tôi lên tiếng để cho tất cả mọi người đều hiểu.

Huy Hậu: Phản ứng tiếp nhận của người dân lúc đó như thế nào?

Trương Hữu Khanh: Nhiều lắng nghe, nhưng cũng rất nhiều lời phản đối!

Thậm chí sau vài buổi livestream, cơ quan chức năng đã gõ cửa. Họ bảo tôi nhiều vấn đề phát biểu hơi quá, yêu cầu gỡ video. Tôi xem lại, nếu cái nào nói quá thật tôi gỡ, còn thấy vẫn đúng thì để lại.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh 30 năm ám ảnh khuôn mặt nghìn đứa trẻ trước lúc mất - 12

Sau này, một nữ CEO đã livestream chửi tôi trên mạng xã hội. Thực ra vấn đề đó là của Bệnh viện Nhi Đồng 1, của người bác sĩ quản lý cũ chứ không phải tôi. Nhưng nó ảnh hưởng tới đám đông thì bắt buộc tôi phải lên tiếng.

Hôm sau, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 hỏi tôi có buồn, có tổn thương không? Chưa bao giờ!

Bác sĩ Trương Hữu Khanh 30 năm ám ảnh khuôn mặt nghìn đứa trẻ trước lúc mất - 13

Bởi tôi nói là nói cho cộng đồng, cho những người muốn nghe, chứ không phải cho người ghét mình. Tôi chưa bao giờ cãi vì bản thân. Chỉ khi nào nó động chạm, tuyên truyền tư tưởng sai lệch làm ảnh hưởng tới cộng đồng… tôi sẽ cãi tới cùng.

Và cuối cùng vẫn có kết quả mà!

Huy Hậu: - Kết quả ấy là gì, thưa ông?

Trương Hữu Khanh: Sau này, chính thành phố chúng ta đã có thay đổi chính sách tích cực về chiến lược cách ly, oxy, vaccine, tiêm chủng… 

Đến tận bây giờ, tôi vẫn nhận nhiều tin nhắn, thư cảm ơn từ người được giúp đỡ. Có gia đình bảo nhờ tôi mà tất cả họ đã lần nữa được sống. Có người thì gửi hũ mắm, bọc trái cây, tô cá kho,… từ tận miền Trung vào. Có người còn đòi vào tận Sài Gòn để được thấy mặt bác sĩ Khanh…

Đó là tình cảm rất lớn! Bởi tôi đâu phải giáo sư, tiến sĩ hay nhà khoa học gì, tôi chỉ là một bác sĩ thấy việc cần thì làm thôi.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh 30 năm ám ảnh khuôn mặt nghìn đứa trẻ trước lúc mất - 14

Huy Hậu: Ở thời kỳ của ông, tôi đã được tiếp xúc với rất nhiều bạn bè đồng môn ông, giờ họ đã là giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II… Tại sao lúc đó ông chọn dừng lại ở việc tốt nghiệp cử nhân bác sĩ?

Trương Hữu Khanh: Tôi không thích đi học! (Cười). Tôi rất tôn trọng những người học cao bởi họ có chí hướng riêng. Nhưng tính tôi, tôi không thích bị ràng buộc bởi những cuộc thi, môn học mà tôi không thích. Thời gian đó, tôi thích dùng để tự mày mò, tìm tòi những vấn đề mình thích và học qua cách làm thực tế, chăm sóc bệnh nhân.

Tôi chưa bao giờ thích làm bác sĩ. Hồi đó, có thằng bạn rủ tôi đi thi y, tôi về hỏi mẹ, bà ấy đồng ý thế là tôi thi. Năm đầu tiên tôi thi rớt, năm sau thi lại. Nhưng tính cách tôi là đã học cái gì, làm cái gì phải tới cùng. Tôi chỉ dừng lại khi thế hệ sau có người giỏi hơn, thay thế mình đi tiếp.

Giống như ngày xưa tôi mở phòng mạch cho bọn trẻ con. Mở cửa lấy tiền ít thì đông, lấy đắt quá lại không giúp đỡ được nhiều người. Sau này, khi phòng mạch phát triển mạnh, trẻ con nó dễ tiếp cận được bác sĩ rồi thì tôi bỏ, chuyển sang giáo dục sức khỏe.

Tôi cũng không thích bằng cấp, giải thưởng. Có nhiều đồng nghiệp bảo, tại sao không nghiên cứu, tìm kiếm giải thưởng này nọ đi. Nhưng tôi đều nhường lại cho học trò. Tôi cũng từng được trao tặng Huân chương Lao động, Thầy thuốc ưu tú,… nhưng nhận xong, tôi mang về cho ba má ở Hóc Môn để ông bà biết và tự hào về những gì tôi làm.

Tôi cũng chẳng thích viết sách. Tôi là người ham chơi nên không đủ kiên nhẫn để rị mọ ngồi viết cái này cái kia đâu.

Huy Hậu: Có người nào từng thừa nhận bác sĩ Khanh "rất khùng"?

Trương Hữu Khanh: Nhiều lắm chứ! Đồng nghiệp bảo tôi gàn dở, tức vừa gàn, vừa dở.

Nhưng trong nghề nghiệp, tôi có 2 tôn chỉ: Một, đã học là học cho bệnh nhân, bởi chữa bệnh là chữa cho người khác chứ đâu phải bản thân mình. Hai, đã làm là phục vụ cho bệnh nhân.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh 30 năm ám ảnh khuôn mặt nghìn đứa trẻ trước lúc mất - 16
Bác sĩ Trương Hữu Khanh 30 năm ám ảnh khuôn mặt nghìn đứa trẻ trước lúc mất - 18

Huy Hậu: Đã giúp rất nhiều người, bác sĩ đã nhận lại sự giúp đỡ từ ai chưa?

Trương Hữu Khanh: Mỗi tháng vẫn có người sợ tôi đói, cho tôi tiền xài. Từ chối không được nên tôi dùng để làm cái này cái kia. Nhưng thu nhập tôi cao lắm!

Huy Hậu: Cao là ở mức nào, thưa ông?

Trương Hữu Khanh: Bây giờ, tôi được cái may mắn đi nói chuyện thôi cũng ra tiền. Thế nhưng, tôi không biết trong túi mình là bao nhiêu, tài sản mình có gì, vì thực sự tôi không cần xài nhiều tiền.

Huy Hậu: Nói về những con số, facebook cá nhân của ông đã đạt hơn gần 600.000 người theo dõi, ông biết điều đó chứ?

Trương Hữu Khanh: Không, trừ khi facebook nhắc. Tôi không quan tâm chuyện đó đâu, lúc nào rảnh thì tôi dùng thôi, thường lúc khi tập thể dục 5-6 giờ sáng, còn lại tôi bận lắm.

Huy Hậu: Vậy thứ ông quan tâm là gì?

Trương Hữu Khanh: Chế độ cho đội ngũ y tế ở nước ta còn quá thấp trong khi công việc cực vô cùng. Tôi biết điều đó rất khó thay đổi, còn tùy thuộc vào thời gian. Vì vậy, tôi hay bảo đàn em đã chọn cái ngành này thì chịu cực. Nhưng tụi trẻ bây giờ yêu nghề bác sĩ lắm.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh 30 năm ám ảnh khuôn mặt nghìn đứa trẻ trước lúc mất - 20

Huy Hậu: Sắp tới đây, ông còn mong muốn gì nữa?

Trương Hữu Khanh: Đợt dịch Covid-19 kéo dài quá khiến tôi rất áy náy vì chưa giúp đỡ được nhiều đứa trẻ bị bệnh khác. Tôi chỉ mong dịch hết, tôi sẽ quay về cuộc sống và tiếp tục con đường hỗ trợ chúng.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Nội dung: Huy Hậu      

Ảnh: Hải Long              

Thiết kế: Khương Hiền