1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nghịch lý thời Covid-19: Y bác sĩ cứu người nhưng bị cộng đồng kỳ thị

(Dân trí) - Bị kỳ thị như những đối tượng truyền nhiễm virus corona, các nhân viên y tế làm việc ở tuyến đầu chống dịch tại nhiều quốc gia đang bị tấn công, tẩy chay, thậm chí dọa cưỡng hiếp.

Nghịch lý thời Covid-19: Y bác sĩ cứu người nhưng bị cộng đồng kỳ thị - 1

Những người lính gác bên ngoài một bệnh viện ở Ciudad Juarez, Mexico để bảo vệ các nhân viên y tế. (Ảnh: Reuters)

Fabiana Zepeda Arias, Giám đốc chương trình điều dưỡng của Viện An sinh Xã hội Mexico, ngày 21/4 đã xuất hiện trên sóng truyền hình quốc gia, thay mặt các đồng nghiệp y bác sĩ của mình, khẩn thiết kêu gọi công chúng: “Xin hãy ngừng hành hung chúng tôi!”

Các y tá làm việc dưới quyền của bà đã bị tấn công dữ dội ít nhất 21 lần trên khắp Mexico, với cáo buộc rằng họ đang lan truyền virus corona. Bà Arias cho biết nhiều người đã không còn mặc đồng phục khi đi du lịch hoặc đi làm vì sợ bị tổn thương.

“Chúng tôi có thể cứu mạng bạn. Hãy cho chúng tôi được chăm sóc bạn, vì vậy chúng tôi cần bạn chăm sóc chúng tôi”, bà Arias truyền thông điệp tới những người tấn công.

Các y tá ở bang Jalisco cho biết họ bị chặn sử dụng các phương tiện giao thông công cộng vì nghề nghiệp của mình. Một y tá ở bang Sinaloa ở phía tây bắc Mexico tiết lộ cô từng bị xịt chất clo sát khuẩn vào người khi đi bộ trên đường phố.

“Thật đau lòng khi nói về điều này, thật đau lòng khi nói về những gì xảy ra với các nhân viên của bạn”, bà Arias nói trong nước mắt. “Bạo lực là thứ không ai mong muốn, chúng tôi mong các bạn tôn trọng chúng tôi”.

Các cuộc tấn công chống lại nhân viên y tế “dường như bắt nguồn từ nỗi sợ hãi và sự thiếu hiểu biết do thông tin sai lệch”, Edith Mujica Chávez, Chủ tịch Ủy ban điều dưỡng liên viện tại bang Jalisco, cho biết.

“Thật dễ hiểu, trong bối cảnh có nhiều thông tin sai lệch và không chắc chắn ngoài kia, một số người hoảng loạn và tự nhốt mình trong nhà, một số khác nghĩ sẽ không có chuyện gì xảy ra với họ và đi loanh quanh, còn một số cho rằng các y bác sĩ sẽ truyền virus vì chúng tôi tiếp xúc với bệnh nhân”, cô Chávez nói trong một cuộc phỏng vấn.

Mexico ban bố lệnh giãn cách xã hội và khuyến khích mọi người ở nhà vào ngày 30/3, muộn hơn so với các quốc gia khác. Trong những tuần gần đây, số ca mắc Covid-19 tại Mexico đã tăng mạnh với ít nhất 15.529 trường hợp nhiễm bệnh và 1.434 người tử vong. Trong số đó, hơn 500 nhân viên y tế đã bị mắc bệnh. Nhiều cuộc biểu tình của các y bác sĩ phản đối việc thiếu trang thiết bị bảo hộ đã nổ ra trong những ngày qua.

Trong cuộc họp báo ngày 24/4, ông Hugo López-Gatell, Thứ trưởng Bộ trưởng Y tế Mexico, đã gọi các cuộc tấn công và phân biệt đối xử với đội ngũ y tế, những người làm việc để giữ an toàn cho đất nước, là “rất đáng lo ngại và hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

“Rõ ràng, các nhân viên y tế tuyến đầu, những người có khả năng và có ý định giúp đỡ người khác nhất, lại đang bị tấn công chỉ vì họ là nhân viên y tế”, ông López-Gatell nói.

“Bác sĩ đang bị xã hội kỳ thị”

Nghịch lý thời Covid-19: Y bác sĩ cứu người nhưng bị cộng đồng kỳ thị - 2

Nhiều y bác sĩ mặc đồ bảo hộ chuyển một bệnh nhân mắc Covid-19 tại bệnh viện San Raffaele ở Milan, Italia. (Ảnh: Reuters)

Ở nhiều thành phố, các y bác sĩ và nhân viên chăm sóc sức khỏe được chào mừng với những tràng pháo tay và tiếng reo hò vì những nỗ lực trong cuộc chiến chống đại dịch. Nhưng ở một số nơi khác, nhân viên y tế đang bị kỳ thị như những người truyền nhiễm virus vì công việc tiếp xúc với nhiều người bệnh. Họ đã bị hành hung, lạm dụng và bị tẩy chay.

Tại tỉnh Sultan Kudarat, Philippines, 5 kẻ tấn công đã ném thuốc tẩy vào người một nam y tá, khiến anh này tổn thương thị lực vĩnh viễn, vì nghĩ rằng anh bị nhiễm virus sau khi tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19.

Trong một bài phát biểu trên truyền hình trong tháng này, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cảnh báo những người phân biệt đối xử với nhân viên y tế sẽ bị xử lý mạnh tay.

“Tôi muốn ra lệnh cho cảnh sát bắt giữ bất cứ ai quấy rối các y bác sĩ. Khi họ ở trong tù, đừng cho họ ăn. Hãy để họ chết đói”, ông Duterte nói.

Ở Karachi, Pakistan, y tá Ghazala Bhatti và 3 đứa con của cô đã bị đuổi khỏi tòa nhà chung cư của họ vì lo ngại rằng cô sẽ lây bệnh cho những người khác trong tòa nhà sau khi điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Chủ nhà nói anh ấy lo lắng cho sức khỏe của người cha 72 tuổi đang chiến đấu với căn bệnh ung thư, người cũng đang sống ở tầng một của tòa nhà.

Bhatti sau đó đã phải chuyển đến sống cùng anh trai vì không thể tìm nhà khi thành phố phong tỏa.

“Tôi rất đau lòng. Tôi chưa bao giờ cảm thấy sợ làm y tá cho đến khi điều này xảy ra”, Bhatti cho biết.

Tại Ấn Độ, các nhân viên y tế nói rằng họ bị tấn công về thể xác, nhổ nước bọt và đe dọa bạo lực tình dục vì điều trị bệnh nhân Covid-19.

Hồi đầu tháng, các bác sĩ mặc đồ bảo hộ đã bị một đám đông ném đá đuổi theo ở Indore, Ấn Độ sau khi họ kiểm tra một phụ nữ nhiễm Covid-19.

"Người dân hét lên: “Bắt chúng! Hãy đánh chúng!”. Chúng tôi không biết tại sao tình hình trở nên tồi tệ như vậy”, một bác sĩ nói với India Today.

Một bác sĩ tại một bệnh viện chính phủ ở bang Odisha, Ấn Độ đã khiếu nại với cảnh sát sau khi cư dân trong tòa nhà chung cư của cô cáo buộc cô lây lan virus. Trong tuyên bố của mình, bác sĩ cho biết một người dân đe dọa cô sẽ bị cưỡng hiếp nếu không chuyển ra ngoài.

Một nữ bác sĩ khác làm việc tại thành phố Surat, Ấn Độ cho biết những người hàng xóm đã cố gắng ngăn cô vào tòa nhà và nói với cô rằng cô nên bị “đuổi khỏi xã hội”.

“Tôi không biết tôi có thể ở đây bao lâu, hiện có rất nhiều hoảng loạn và hiềm khích. Bác sĩ đang bị xã hội kỳ thị”, nữ bác sĩ cho biết.

Hà Phương

Theo New York Times