DNews

Ẩn họa từ thử thách bắn dây chun đỏ cổ tay, cõng nhau đi qua gai nhọn

Minh Nhật

(Dân trí) - Bắn dây thun vào cổ tay, cõng nhau trên hoa hồng có gai, trói tay ăn cơm hộp... Những thử thách "đánh thức bản lĩnh" là mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của người tham gia.

Ẩn họa từ thử thách bắn dây chun đỏ cổ tay, cõng nhau đi qua gai nhọn

Video nữ "tổng tài" bắn dây thun vào cổ tay của nhiều cấp dưới trong một buổi đào tạo mới đây đã trở thành "hiện tượng mạng". Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu xuất hiện thử thách gây sốc như thế này trên mạng xã hội.

Dưới danh nghĩa "rèn luyện ý chí" hay "đánh thức bản lĩnh", hàng loạt các thử thách như cõng nhau đi trên hoa hồng có gai, trói tay ăn cơm hộp hay đấm vào thanh gỗ liên tục xuất hiện trong các buổi đào tạo của các nhân vật tự xưng là chuyên gia làm giàu, người quản lý hệ thống.

Ẩn họa từ thử thách bắn dây chun đỏ cổ tay, cõng nhau đi qua gai nhọn - 1

Thử thách bắn dây thun vào cổ tay (Ảnh: Cắt từ video).

Video ghi lại những thử thách này khi được đăng tải lên mạng xã hội nhanh chóng nhận được lượng tương tác khủng, khiến không ít người giật mình trước sự liều lĩnh của người tham gia.

Dưới sự dẫn dắt của các "tổng tài", người tham gia được khuyến khích thực hiện những thử thách nguy hiểm với lời hứa hẹn về sự kiên cường, bản lĩnh và thành công.

Đằng sau những tiếng hò reo, cổ vũ là những nguy cơ tổn thương thể chất và tâm lý nghiêm trọng, khiến các bác sĩ phải lên tiếng cảnh báo về hậu quả khó lường.

Bắn dây thun vào cổ tay: Nguy cơ tắc mạch, tổn thương lâu dài

Ngày 23/9, mạng xã hội không ngừng chia sẻ clip quay cảnh một số phụ nữ ăn mặc sang trọng đứng trên sân khấu. Một người trong số đó dùng tay liên tục kéo căng nhiều dây thun đang đeo ở cổ tay 2 người đối diện rồi bật thật mạnh.

Vừa kéo dây thun, người này vừa lớn tiếng đặt câu hỏi tại sao hội nhóm của người kia "không trung thực".

Ẩn họa từ thử thách bắn dây chun đỏ cổ tay, cõng nhau đi qua gai nhọn - 2

Cổ tay người tham da bị dây thun bắn đỏ ửng (Ảnh: Cắt từ video).

Một cô gái khác vừa hứng chịu thử thách, vừa bị nhận xét là "không xứng đáng làm người đứng đầu", "không nỗ lực"… Cổ tay hai cô gái ửng đỏ và biểu cảm gương mặt cho thấy họ khá đau đớn, thậm chí đã khóc nấc lên.

"Đây là một bài học chỉ những người kinh doanh hệ thống mới hiểu. Qua đó, mọi người sẽ thấy nỗi đau về thể xác dù rất đáng sợ nhưng là nỗi đau dễ nguôi ngoai. Nhưng có nỗi đau còn lớn hơn đó là sự thiếu nỗ lực, thiếu trung thực… và người lãnh đạo sẽ là người chịu trận", một trong những cô gái xuất hiện trong đoạn video lý giải về thử thách với phóng viên Dân trí.

Theo chuyên gia, nguy cơ của thử thách này không chỉ dừng lại ở những vết đỏ ửng trên cổ tay như có thể quan sát trong video, mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe nghiêm trọng hơn

ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam, chia sẻ rằng cổ tay là khu vực tập trung nhiều dây thần kinh, gân và mạch máu nằm ngay dưới bề mặt da. Việc bắn dây thun vào cổ tay với lực mạnh có thể gây ra các tổn thương nguy hiểm đến mạch máu và mô mềm.

"Cổ tay là nơi nhạy cảm, động mạch quay nằm nông ngay dưới da, chỉ cần tác động mạnh là có thể chấn thương. Khi dây thun bắn vào cổ tay, nó có thể gây bầm tím, chảy máu hoặc thậm chí gây tắc mạch nguy hiểm", BS Mạnh cảnh báo.

Ẩn họa từ thử thách bắn dây chun đỏ cổ tay, cõng nhau đi qua gai nhọn - 3

ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam (Ảnh: Bác sĩ cung cấp).

Theo chuyên gia này, những nguy cơ sức khỏe mà người tham gia thử thách có thể gặp phải bao gồm:

- Bầm tím và chảy máu dưới da: Lực va chạm mạnh từ dây thun cao su có thể gây bầm tím, chảy máu dưới da. Các mao mạch dễ bị vỡ khi chịu áp lực cao, dẫn đến xuất hiện các vết bầm tím hoặc mảng xuất huyết ngay lập tức.

BS Mạnh cho biết, trong trường hợp nhẹ, vùng cổ tay sẽ bị đỏ ửng lên, nhưng nếu lặp đi lặp lại, vùng tổn thương có thể trở nên nghiêm trọng hơn.

- Tổn thương dây thần kinh và đau dây thần kinh kéo dài: Cổ tay là nơi tập trung nhiều dây thần kinh quan trọng như: Dây thần kinh giữa (median nerve) và dây thần kinh trụ (ulnar nerve). Nếu dây thun bắn trúng vị trí này, nó có thể gây đau tức thời hoặc thậm chí làm tổn thương dây thần kinh, dẫn đến tê, mất cảm giác hoặc yếu tay.

"Việc lặp lại hành động này có thể gây ra hội chứng đau mãn tính, khó điều trị", BS Mạnh chỉ rõ.

- Gây viêm, sưng nề: Tác động mạnh từ dây thun có thể gây viêm, sưng nề và ứ đọng máu trong các mô quanh vùng bị bắn. Viêm và sưng có thể kéo dài trong nhiều ngày, ảnh hưởng đến chức năng cầm nắm, hoạt động bình thường của tay, thậm chí làm giảm lưu thông máu, gây đau nhức kéo dài.

- Nguy cơ tắc mạch: BS Mạnh cảnh báo rằng, mặc dù tỷ lệ tắc mạch không cao, nhưng việc dây thun bắn liên tục vào cổ tay với lực mạnh có thể làm tổn thương động mạch quay, gây huyết khối và tắc mạch.

"Nếu tình trạng này xảy ra, nó có thể dẫn đến đau đớn dữ dội, giảm lưu thông máu và cần can thiệp y tế ngay lập tức. Trong video, có thể thấy rõ phần cổ tay của người tham gia đã đỏ ửng lên, điều này cho thấy nguy cơ bị tổn thương mạch máu và tiềm ẩn các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng", BS Mạnh nhấn mạnh.

Cõng nhau đi trên hoa hồng: Nguy cơ nhiễm khuẩn rình rập

Trước video bắn dây thun, thử thách cõng nhau bước trên hoa hồng cũng đã khiến mạng xã hội một phen xôn xao. Được lý giải là một cách thể hiện sự gắn kết, đã có nhiều cặp đôi không ngần ngại tham gia thử thách này. Thậm chí, sau khi video gốc được đăng tải, đã nhiều người bắt chước lại thử thách này, để sản xuất nội dung cho mạng xã hội.

Ẩn họa từ thử thách bắn dây chun đỏ cổ tay, cõng nhau đi qua gai nhọn - 4

Hành động cõng nhau đi trên hoa hồng có gai đang nhận lại nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội (Ảnh: Chụp màn hình).

Đằng sau thử thách "lãng mạn" này là những rủi ro sức khỏe không thể xem nhẹ.

Theo BS Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, thử thách này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, việc gai hoa hồng chẳng may đâm vào chân có thể dẫn đến nhiều căn bệnh khác nhau.

"Khi gai hoa hồng đâm vào da, nó có thể gây rách da, chảy máu, và tạo ra những vết thương hở. Đây là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn xâm nhập, dẫn đến nhiễm trùng tại chỗ.

Việc nhiễm khuẩn da và mô mềm có thể làm tổn thương sâu hơn, gây khó chịu và đau đớn. Thậm chí, nếu không được xử lý đúng cách, gai hoa hồng có thể gãy và mắc kẹt trong lòng bàn chân, gây ra những biến chứng nghiêm trọng", BS Thiệu cho biết.

Ẩn họa từ thử thách bắn dây chun đỏ cổ tay, cõng nhau đi qua gai nhọn - 5

BS Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh: Bác sĩ cung cấp).

Một trong những nguy cơ tiềm ẩn khác là bệnh uốn ván, một bệnh lý do vi khuẩn Clostridium tetani gây ra khi vết thương bị nhiễm khuẩn này. Bệnh uốn ván có thể gây co thắt cơ nghiêm trọng, dẫn đến khó thở và thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Bên cạnh đó, BS Thiệu còn cảnh báo rằng, gai hoa hồng có thể đã bị nhiễm các loại hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu trong quá trình chăm sóc. Nếu những hóa chất này tiếp xúc trực tiếp với vết thương hở có thể gây ra nhiễm độc, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm khác.

Ngoài nguy cơ nhiễm độc, việc tiếp xúc trực tiếp với nhựa cây hoặc các hóa chất có trong gai hoa hồng cũng có thể gây ra các phản ứng dị ứng như: ngứa, phát ban hoặc sưng tấy. Đối với những người có cơ địa nhạy cảm, tình trạng này có thể trở nên nghiêm trọng và cần được điều trị y tế.

Trói tay ăn cơm hộp: Khi bữa ăn trở thành màn tra tấn

Video ghi lại hình ảnh khoảng 20 cô gái tay trói vòng ra phía sau lưng và phải dùng miệng ăn cơm hộp được đăng tải cũng đã từng gây sốc cho dư luận.

Theo dõi hình ảnh trong đoạn clip cho thấy, nhóm khoảng 20 cô gái mặc đồng phục áo phông trắng bị trói hai tay về phía sau và cúi rạp người xuống dùng miệng ăn những suất cơm hộp đặt dưới sàn nhà.

Ẩn họa từ thử thách bắn dây chun đỏ cổ tay, cõng nhau đi qua gai nhọn - 6

Được biết đây là hình thức đào tạo của một đơn vị kinh doanh mỹ phẩm (Ảnh: Cắt từ video).

Dù gặp khó khăn trong quá trình ăn uống, nhưng ai nấy đều cố gắng nhoài người để hoàn thành thử thách.

Đây được cho là hoạt động trong buổi đào tạo của một thương hiệu mỹ phẩm.

BS Lê Văn Thiệu nhấn mạnh: "Khi bị trói tay, người tham gia dễ mất kiểm soát khi ăn, dẫn đến nguy cơ nghẹn hoặc sặc. Thậm chí, nếu không may thức ăn lọt vào đường thở gây ngạt thở, rất nguy hiểm".

Tương tự, đấm gãy thanh gỗ cũng là một thử thách được nhiều "tổng tài" sử dụng trong các khóa học làm giàu, với lời giải thích để khơi dậy ý chí. 

BS Đoàn Dư Mạnh nhận định: "Với người chưa được rèn luyện, không có kinh nghiệm, đấm vào thanh gỗ không đúng kỹ thuật có thể gây tổn thương đến xương khớp và mô mềm. Thay vì giúp nâng cao bản lĩnh, thử thách này lại có thể gây rạn xương, tổn thương các khớp ngón tay và cổ tay cho người tham gia".

Mạng xã hội: "Đất diễn" cho những thử thách nguy hiểm

Ngoài những rủi ro về mặt thể chất, các thử thách còn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực về tâm lý.

BS Mạnh cảnh báo rằng, việc tham gia vào các thử thách đau đớn này không chỉ gây căng thẳng, lo lắng mà còn làm giảm khả năng nhận thức về nguy cơ có thể gây ra, khiến người tham gia dễ bị cuốn vào các hành động liều lĩnh khác.

Cũng theo chuyên gia này, TikTok là nền tảng với phần lớn người dùng trẻ tuổi. Việc tham gia và lan truyền các thử thách như bắn dây thun vào người khác có thể tạo tiền lệ xấu, khuyến khích các hành vi bạo lực nhẹ trong cộng đồng.

Điều này đi ngược lại với các giá trị về tôn trọng và bảo vệ sức khỏe bản thân lẫn người khác.

Trước tình trạng các thử thách nguy hiểm lan truyền trên mạng xã hội, BS Đoàn Dư Mạnh khuyến cáo:

- Tránh tham gia các trào lưu nguy hiểm: Mọi người cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tham gia vào các trào lưu mạng xã hội, đặc biệt là những hành động có thể gây chấn thương cho bản thân và người khác.

- Trang bị kiến thức bảo vệ sức khỏe: Tự trang bị kiến thức về sức khỏe, nhận biết các nguy cơ từ những hành động tưởng chừng như vô hại là cách tốt nhất để tự bảo vệ mình.

- Có ý thức khi chia sẻ nội dung: Thay vì chia sẻ những video thử thách nguy hiểm, hãy lan tỏa những thông tin khoa học, cảnh báo về các mối nguy hiểm tiềm tàng để cộng đồng nhận thức rõ hơn về hậu quả của những hành động này.

"TikTok và các nền tảng mạng xã hội mang đến nhiều niềm vui và kết nối, nhưng mỗi cá nhân cần tỉnh táo, biết chọn lọc những nội dung phù hợp để tránh những hệ lụy không đáng có. Sức khỏe là vốn quý, đừng để những trào lưu ngắn hạn ảnh hưởng đến cuộc sống và an toàn của chính mình", BS Mạnh nêu quan điểm.