DNews

Vợ chồng bà Trương Mỹ Lan đã nộp lại bao nhiêu tiền?

Xuân Duy

(Dân trí) - Tại tòa, bà Trương Mỹ Lan cho biết, từ sau phiên tòa sơ thẩm, gia đình bà đã nộp khắc phục 500 tỷ đồng (cho giai đoạn 2). Trong thời gian xét xử phúc thẩm giai đoạn 1, bà nộp thêm 80 tỷ đồng.

Vợ chồng bà Trương Mỹ Lan đã nộp lại bao nhiêu tiền?

Trải qua 5 ngày làm việc, phiên tòa phúc thẩm xét xử bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Vạn Thịnh Phát) và 47 đồng phạm đã kết thúc phần xét hỏi.

Tại tòa, bà Trương Mỹ Lan cùng các đồng phạm đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng quy kết và cho rằng mức án tòa sơ thẩm xét xử quá nghiêm khắc, đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Vợ chồng bà Trương Mỹ Lan đã nộp lại bao nhiêu tiền? - 1

Bà Trương Mỹ Lan xin giảm nhẹ hình phạt. (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Bà Trương Mỹ Lan cho biết không kêu oan nhưng mong HĐXX xét xử xem xét lại tội Tham ô tài sản. Người phụ nữ này nói đã đưa hàng loạt bất động sản vào SCB để tái cơ cấu nhà băng này, không chiếm đoạt, sử dụng tiền của ngân hàng vào mục đích cá nhân. Đồng thời, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho mình cùng tất cả các bị cáo trong vụ án để có cơ hội làm lại cuộc đời.

Xin lại hàng loạt tài sản

Sau khi trình bày những nội dung liên quan tới vụ án, bà Lan mong muốn xin lại các tài sản đang bị kê biên, phong tỏa trong quá trình điều tra.

Cụ thể, bị cáo xin tòa giải tỏa 2 tòa nhà trên đường Trần Cao Vân và Lê Lợi (quận 1) vì đây là tài sản mẹ của bà cho riêng Trương Huệ Vân (cháu bà Lan), không liên quan vụ án.

Đồng thời, bà cũng xin giải tỏa kê biên căn biệt thự cổ trên đường Võ Văn Tần (quận 3). Điều này đã được bà trình bày rất nhiều tại phiên tòa sơ thẩm. Bị cáo nói đây là tài sản riêng của gia đình, có giá trị lớn về mặt văn hóa, di sản.

Vợ chồng bà Trương Mỹ Lan đã nộp lại bao nhiêu tiền? - 2

Bà Trương Mỹ Lan xin lại hàng loạt tài sản. (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Ngoài ra, bà đề nghị HĐXX giải tỏa tòa nhà số 19-25 Nguyễn Huệ (quận 1). Nữ bị cáo nói xin lại tài sản này để cho thuê, lấy tiền tu sửa biệt thự trên đường Võ Văn Tần vì nhiều năm nay SCB không thanh toán tiền thuê nhà.

Bà chủ Vạn Thịnh Phát cũng xin lại căn nhà số 78 Nguyễn Huệ (quận 1) vì đây là tài sản mua cho con gái và xin lại một du thuyền, 2 tàu, 19 ô tô đang bị kê biên trong quá trình điều tra vụ án.

Bị cáo Lan cũng xin HĐXX giải tỏa kê biên tòa nhà Time Square vì bà cho rằng đây là tâm huyết cả đời của ông Chu Lập Cơ (chồng bà Lan). Song song đó, bà chủ Vạn Thịnh Phát đề nghị dùng dự án 6A (tại huyện Bình Chánh) vào làm tài sản đảm bảo để hoán đổi cho tòa nhà trên.

Ngoài ra, bà Lan xin lại hàng loạt tài sản như sổ tiết kiệm, các bất động sản làm trụ sở Vạn Thịnh Phát vì được tạo lập trước khi bà tham gia tái cơ cấu SCB.

Vợ chồng bà Trương Mỹ Lan đã nộp lại bao nhiêu tiền? - 3

Bị cáo Trương Huệ Vân cũng xin lại tài sản đang bị kê biên. (Ảnh: Hải Long).

Bị cáo Trương Huệ Vân (cháu bà Lan) đề nghị giải tỏa kê biên 2 bất động sản tại quận 1 (TPHCM). Người này nói những tài sản trên do bà nội (mẹ bà Lan) cho mình, không liên quan tới vụ án.

Một số bị cáo khác cũng đề nghị HĐXX xem xét giải tỏa kê biên, phong tỏa một số tài sản.

Nhiều bị cáo nộp khắc phục thiệt hại

Trong phần xét hỏi, trả lời luật sư, bà Trương Mỹ Lan cho rằng, đối với 1.121 mã tài sản Công ty thẩm định giá Hoàng Quân định giá 295.000 tỷ đồng, là chỉ 60% giá trị tài sản.

Bà Lan nói chỉ 4 dự án lớn của bà, Công ty Hoàng Quân định giá đã chênh lệch 190.000 tỷ đồng. Bà chủ Vạn Thịnh Phát khai đối với những tài sản là bất động sản chỉ cần bán 10% thì đã được 500.000 tỷ đồng. Đối với tài sản là cổ phần, cổ phiếu chỉ cần bán chưa đến 10% thì đã được 100.000-200.000 tỷ đồng.

Bà Lan cho biết, bà có đơn xin được tham gia vào việc xử lý tài sản để thu hồi tài sản tối ưu nhất. Bà Lan nói bà có những tài sản không thế chấp ở SCB như dự án 30ha cảng Sài Gòn không vay mượn ở đâu, trong đó cổ đông nước ngoài chiếm 55%; dự án Amigo, dự án Mũi đèn đỏ… Đây là các dự án bà Lan đã đền bù hàng chục năm nay, mua từ những người nhỏ lẻ mới hình thành bộ mặt dự án.

Bà Lan không đồng ý để SCB xử lý tài sản vì bà cho rằng SCB không có kinh nghiệm xử lý tài sản. SCB sẽ xử lý theo quy trình của ngân hàng, phát mãi từng sổ sẽ trở lại trạng thái như lúc đầu, lãng phí tài sản quốc gia.

Cũng tại tòa, bà Trương Mỹ Lan cho biết từ sau phiên tòa sơ thẩm, gia đình bà đã nộp khắc phục 500 tỷ đồng (nộp cho giai đoạn 2). Trong thời gian xét xử phúc thẩm giai đoạn 1, gia đình bà tiếp tục nộp thêm 80 tỷ đồng.

Tương tự, chồng bà Lan là ông Chu Lập Cơ cũng khắc phục 7,5 tỷ đồng. Trước đó, người đàn ông này đã nộp khắc phục 2,5 tỷ đồng. Như vậy trong vụ án này, bị cáo Cơ nộp thêm 10 tỷ đồng.

Vợ chồng bà Trương Mỹ Lan đã nộp lại bao nhiêu tiền? - 4

Ông Chu Lập Cơ tại tòa. (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Bị cáo Trương Huệ Vân (cháu gái bà Trương Mỹ Lan) cũng tiếp tục khắc phục 7,5 tỷ đồng. Tổng cộng bà Vân đã khắc phục 10 tỷ đồng.

Tại tòa, ông Dương Tấn Trước (người được bà Lan cho hàng nghìn tỷ đồng) cũng đã nộp khắc phục toàn bộ hậu quả. Bên cạnh đó, nhiều bị cáo khác trong vụ án cũng nộp khắc phục bằng tiền, cổ phiếu…

Loạt đại gia đồng ý hoàn trả lại tiền cho bà Trương Mỹ Lan

Cũng trong phiên tòa xét xử phúc thẩm, người có quyền, nghĩa vụ liên quan kháng cáo có Công ty T&H Hạ Long và Công ty Âu Lạc Quảng Ninh (thuộc tập đoàn Tuần Châu của ông Hồng Tuyển, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn, thường gọi là Chúa đảo Tuần Châu).

Theo đó, bản án sơ thẩm xác định bà Trương Mỹ Lan có chuyển cho phía Công ty T&H Hạ Long và Công ty Âu Lạc Quảng Ninh 6.095 tỷ đồng, số tiền này có được từ Ngân hàng SCB, vì vậy cần phải thu hồi số tiền này về cho SCB để đảm bảo thu hồi khắc phục hậu quả cho vụ án.

Vợ chồng bà Trương Mỹ Lan đã nộp lại bao nhiêu tiền? - 5

Hàng loạt doanh nghiệp đồng ý trả lại tiền cho bà Trương Mỹ Lan. (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Tại tòa phúc thẩm, đại diện Công ty T&H Hạ Long và Công ty Âu Lạc Quảng Ninh cho biết, kháng cáo hủy một phần bản án sơ thẩm theo hướng hủy các hợp đồng khung mà các bên đã ký kết, đồng ý nộp lại hơn 6.000 tỷ đồng đã nhận từ bà Trương Mỹ Lan và yêu cầu giải tỏa kê biên các tài sản của hai công ty này.

Tương tự doanh nghiệp trên, bị cáo Trương Mỹ Lan sử dụng Công ty cổ phần đầu tư Sunny Island (gọi tắt Công ty Sunny Island) ký hợp đồng hứa mua, hứa bán dự án khu dân cư Bắc Phước Kiển với Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá 14.800 tỷ đồng.

Sau đó, Công ty Sunny Island của bị cáo Trương Mỹ Lan thanh toán cho Công ty Quốc Cường Gia Lai hơn 2.882 tỷ đồng để phía Quốc Cường Gia Lai tiếp tục bồi thường giải phóng mặt bằng.

Tòa sơ thẩm buộc Công ty Quốc Cường Gia Lai phải hoàn trả toàn bộ số tiền đã nhận từ bà Lan là hơn 2.882 tỷ đồng. Quốc Cường Gia Lai sẽ nhận lại các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Sunny Island (thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) nắm giữ trước đó.

Sau đó, doanh nghiệp này kháng cáo đề nghị xem xét chỉ trả hơn 1.441 tỷ đồng cho bà Trương Mỹ  Lan. Tuy nhiên, trước phiên tòa phúc thẩm, Quốc Cường Gia Lai rút kháng cáo, chấp nhận hoàn trả số tiền trên.

Ngoài ra, hàng loạt cá nhân, pháp nhân bị TAND TPHCM tuyên buộc có nghĩa vụ bồi hoàn hàng chục nghìn tỷ đồng cho bà Trương Mỹ Lan. Sau phán quyết trên, những người này chấp nhận bản án trên, không kháng cáo.

Bản án xác định, trong suốt 10 năm thâu tóm SCB, bà Lan đã chỉ đạo đồng phạm giải ngân cho nhóm công ty trong Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát tổng cộng hơn 2.500 khoản vay. Đến tháng 10/2022, nhóm bà Lan và Vạn Thịnh Phát còn 1.284 khoản vay với dư nợ 677.000 tỷ đồng gốc và lãi.

Hôm 11/4, sau hơn một tháng xét xử, TAND TPHCM đã tuyên phạt bà Lan mức án tử hình về các tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Tham ô tài sản và Đưa hối lộ; buộc bị cáo bồi thường gần 674.000 tỷ đồng cho SCB. Sau khi trừ đi một số khoản vay đã được tất toán sau khi khởi tố vụ án, bà Lan còn phải bồi thường gần 674.000 tỷ đồng cho SCB.

Bà Lan cùng 47 người kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Nhiều người có quyền nghĩa vụ liên quan kháng cáo về trách nhiệm dân sự.