Vì sao bà chủ Xuyên Việt Oil xin ở tù thay em họ?
(Dân trí) - Bà Mai Thị Hồng Hạnh xin nhận thêm tội và nhận thêm hình phạt 7 năm tù cho bị cáo Nguyễn Thị Như Phương. Bà chủ Xuyên Việt Oil nói vì hành vi sai phạm của mình đã khiến em họ rơi vào cảnh ngục tù.
Sau hơn một tuần xét xử, ngày mai (29/11), TAND TPHCM sẽ tuyên án vụ án Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức liên quan.
Tại tòa, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (Chủ tịch Hội đồng thành viên Xuyên Việt Oil) thừa nhận có nhiều sai phạm, gây thất thoát tài sản Nhà nước 1.244 tỷ đồng và đưa hối lộ 22 lần cho nhiều cán bộ, công chức với tổng số tiền 31,6 tỷ đồng.
Những bị cáo còn lại trong vụ án thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng quy kết, nộp lại một phần tiền thu lợi bất chính và mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Trong phần luận tội, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh 30 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí và Đưa hối lộ.
Bị cáo Lê Đức Thọ (cựu Bí thư tỉnh Bến Tre) bị đề nghị mức án 28-29 năm tù về tội Nhận hối lộ và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Những bị cáo còn lại bị đề nghị mức án từ 18 tháng tù treo đến 8 năm tù.
Lời khai không đòi hỏi tặng quà, tiền là ngụy biện
Quá trình điều tra, truy tố và xét hỏi tại tòa xác định, các bị cáo là những người có thẩm quyền đã nhận tiền của bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh giúp cho Công ty Xuyên Việt Oil được cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu khi không đủ quy định.
Tại tòa, các bị cáo bị truy tố về tội Nhận hối lộ cho rằng, chỉ nhận quà cảm ơn dịp lễ, Tết chứ không đòi hỏi, vụ lợi, gợi ý bà Hạnh tặng tiền, quà. Đồng thời, bà chủ Xuyên Việt Oil khai mình chủ động tìm các cán bộ, công chức đưa hối lộ nhằm giúp doanh nghiệp của mình có cơ hội trong kinh doanh.
Trong phần luận tội, đại diện VKS cho rằng, lời khai của các bị cáo bị xét xử về tội Nhận hối lộ là sự ngụy biện vì việc đưa tiền, tài sản của bà Hạnh đều gắn với các việc làm cụ thể, giúp cho Xuyên Việt Oil đạt được các mục đích khác nhau.
Trong việc cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu, ông Nguyễn Lộc An (cựu Vụ phó Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương) sau khi được bà Hạnh đặt vấn đề, mặc dù biết Xuyên Việt Oil không đủ điều kiện để cấp phép kinh doanh xăng dầu, nhưng ông An đã hướng dẫn doanh nghiệp hợp thức bằng cách làm trái các quy định chuyên ngành để Công ty Xuyên Việt Oil được cấp giấy phép với mục đích nhận tiền hối lộ. Ông An đã nhận hối lộ 921 triệu đồng.
Ông Đỗ Thắng Hải với vai trò là Thứ trưởng Bộ Công Thương, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình tác động cấp dưới, tạo điều kiện làm nhanh thủ tục cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu, sau đó đã nhận của bà Hạnh 50.000 USD.
Ông Trần Duy Đông với vai trò Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương, đã lợi dụng chức vụ của mình, chỉ đạo Hoàng Anh Tuấn hoàn thiện hồ sơ, cùng bị cáo này nhận hối lộ 250.000 USD (5,6 tỷ đồng)
Ông Hoàng Anh Tuấn với vai trò Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ, không kiểm tra đầy đủ các điều kiện cấp giấy phép nhưng vẫn đề nghị lãnh đạo Bộ Công Thương cấp lại giấy phép, nhận hối lộ 5,9 tỷ đồng.
Hai cựu lãnh đạo Bộ Công Thương từng bị phạt tù
Theo đại diện VKS, các bị cáo Nguyễn Lộc An, Hoàng Anh Tuấn, Trần Duy Đông là những người được Đảng và Nhà nước giao những trọng trách quan trọng trong Bộ Công Thương về lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.
Đây là mặt hàng thiết yếu quan trọng trong nền kinh tế của đất nước. Nhưng các bị cáo đã đi ngược lại với đường lối, chủ trương, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng và Nhà nước đối với nhân dân nên cần có mức án nghiêm khắc nhằm phòng ngừa và giáo dục chung.
Đối với lĩnh vực thuế, tài chính, ngân hàng, các bị cáo Lê Đức Thọ, Phan Kiến Anh, Lê Duy Minh, Đặng Công Khôi nhận hối lộ của bà Mai Thị Hồng Hanh nên cần có mức án phù hợp.
Ông Trần Duy Đông với vai trò là Vụ trưởng, là người quản lý, phụ trách chung thị trường trong nước, chịu trách nhiệm kiểm tra công việc của Phó vụ trưởng là Hoàng Anh Tuấn. Ông Tuấn là người phụ trách trực tiếp, tham mưu, đề xuất cấp giấy phép kinh doanh nhập khẩu xăng dầu.
Các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, VKS đề nghị HĐXX cân nhắc khi quyết định hình phạt. Về nhân thân, có 13/15 bị cáo có nhân thân tốt, ông Đỗ Thắng Hải và Nguyễn Lộc An từng bị xử phạt nhưng đã xóa án tích.
Theo VKS, ông Lê Đức Thọ đã nộp lại hơn 34 tỷ đồng, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác, có nhân thân tốt, gia đình có công với cách mạng, có nhiều bằng khen, giấy khen, nhiều tổ chức, cá nhân có đơn xin giảm nhẹ cho bị cáo.
Nhiều bị cáo đã chủ động nộp lại tiền thu lợi bất chính nên cơ quan công tố ghi nhận các tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác, có nhân thân tốt, gia đình có công với cách mạng...
Ân hận
Tại phần tranh luận, luật sư bào chữa cho bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh đề nghị HĐXX xem xét miễn hình phạt cho người phụ nữ về tội Đưa hối lộ.
Luật sư bào chữa cho ông Đỗ Thắng Hải đề nghị HĐXX tuyên miễn hình phạt cho thân chủ của mình. Những bị cáo còn lại trong vụ án trình bày nhiều tình tiết giảm nhẹ, xin HĐXX xem xét cho hưởng chính sách khoan hồng đặc biệt.
Tuy nhiên, các quan điểm trên của luật sư, bị cáo đều bị đại diện VKS bác bỏ và cho rằng cáo trạng truy tố là đúng người, đúng tội. Đồng thời, cơ quan này khẳng định bản luận tội đã xem xét, cân nhắc, đánh giá, phân hóa vai trò của từng bị cáo.
Trước khi HĐXX nghị án, các bị cáo được nói lời sau cùng. Bà Mai Thị Hồng Hạnh thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội, bày tỏ sự hối hận, cam kết dùng toàn bộ tài sản để khắc phục hậu quả.
"Ngoài mức án 30 năm tù, bị cáo xin nhận thêm tội, bị cáo xin nhận thêm hình phạt 7 năm tù cho bị cáo Nguyễn Thị Như Phương. Bị cáo ân hận về hành vi sai phạm của mình đã khiến em gái vào vòng lao lý", bị cáo Hạnh nói lời sau cùng.
Bị cáo Hạnh xin nhận tất cả trách nhiệm, các nhân viên của Công ty Xuyên Việt Oil chỉ làm công ăn lương, thực hiện theo chỉ đạo của bà chủ Xuyên Việt Oil, nên bà Hạnh xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho người làm thuê.
Tiếp đó, bị cáo Lê Đức Thọ nói rất hối hận về những gì xảy ra, trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử, ông đã thành khẩn khai báo, hợp tác với cơ quan điều tra, nộp lại toàn bộ tiền, quà thu lợi bất chính.
"Bị cáo xin gửi lời xin lỗi tới Đảng bộ, toàn thể nhân dân tỉnh Bến Tre. Bị cáo xin lỗi gia đình nội ngoại 2 bên, xin lỗi người thân, những người đã tin tưởng, luôn bên cạnh. Trong suốt quá trình công tác, bị cáo luôn mong muốn cống hiến vì sự phát triển chung, nhưng vi phạm pháp luật, bị cáo vô cùng ân hận", ông Thọ nói lời sau cùng.
Bên cạnh đó, ông Thọ kiến nghị HĐXX cân nhắc, xem xét ghi nhận cho bị cáo một số tình tiết giảm nhẹ như gia đình có công với cách mạng, có nhiều đóng góp cho xã hội. Từ đó, cựu Bí thư tỉnh Bến Tre xin tòa xem xét cho ông được hưởng khoan hồng, sớm trở về làm lại cuộc đời.
Những bị cáo còn lại trình bày các tình tiết giảm và mong HĐXX xem xét, cân nhắc trong quá trình lượng hình.