Cháu bà Trương Mỹ Lan: "Thâm tâm bị cáo không muốn lừa, nhưng..."
(Dân trí) - Bà Trương Huệ Vân thừa nhận hành vi phạm tội và nói thâm tâm bị cáo không muốn lừa, chiếm đoạt tiền của ai. Bên cạnh đó, bị cáo này gửi lời xin lỗi tới các bị hại.
Trải qua một ngày xét hỏi, HĐXX tiến hành hỏi 13 bị cáo trong nhóm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Những người này bị cáo buộc đồng phạm giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 35.000 tỷ đồng.
Trong phần xét hỏi, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng nêu, giữ nguyên lời khai tại cơ quan điều tra và cho rằng từ năm 2018 đến năm 2020, bà Lan là người đã đề ra chủ trương, chỉ đạo các đồng phạm sử dụng 4 công ty: An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra, phát hành 25 mã trái phiếu "khống", bán cho các nhà đầu tư, thu về tổng số tiền 30.081 tỷ đồng.
Các bị cáo đều khai thực hiện theo chỉ đạo, là người làm công ăn lương, tin tưởng các chủ trương do Trương Mỹ Lan đề ra, các bị cáo rất hối hận và không hình dung được hành vi của mình đã gây ra thiệt hại quá lớn cho người dân, các bị cáo hứa cố gắng sắp xếp tài chính để khắc phục hậu quả vụ án, xin HĐXX khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.
Xin lỗi bị hại
Một trong những bị cáo thân cận với bà Lan, có vai trò trong cả 2 giai đoạn là Trương Huệ Vân (cháu gái bà Lan). Theo hồ sơ vụ án, thực hiện chủ trương phát hành trái phiếu của bà Trương Mỹ Lan, bà Trương Huệ Vân (Tổng giám đốc Công ty Windsor) ký các hợp đồng, chứng từ khống để Công ty Windsor chuyển 13.000 tỷ đồng cho Công ty An Đông.
Số tiền này để mua sơ cấp và giúp bà Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm phát hành hai mã trái phiếu ADC-2018.09.1 và ADC-2019.1 của Công ty An Đông, chiếm đoạt số tiền 13.000 tỷ đồng của 20.623 bị hại.
Liên quan đến việc phát hành trái phiếu của Công ty An Đông, bà Trương Huệ Vân nói lúc đó bị cáo chỉ tập trung vào hoạt động quản lý, khai thác các tòa nhà, căn hộ, trung tâm thương mại dịch vụ cho thuê, còn hoạt động tài chính bà không nắm vấn đề.
Bà Vân cho biết bà được trình lên một bộ hồ sơ, trong đó các lãnh đạo đã ký hết, mọi người rất khẩn trương, nên bà chỉ ký vào chỗ đã đánh dấu sẵn chứ không kịp nắm vấn đề.
Bà không tham gia bất kỳ cuộc họp phát hành trái phiếu nào của Công ty An Đông, mọi thứ đã có sẵn hết. Cháu gái bà Lan cho rằng, không ai chỉ đạo bà và bà không chỉ đạo ai. Khi bị mời lên cơ quan công an thì bà mới biết.
"Số tiền quá lớn, bị cáo làm thuê với mức lương 80 triệu đồng/tháng nên khó có khả năng khắc phục, nhưng bị cáo có vận động gia đình cố gắng. Thâm tâm bị cáo không muốn lừa, chiếm đoạt tiền của ai. Bị cáo xin lỗi các bị hại vì mình đã làm ảnh hưởng đến gia đình người ta như thế", bị cáo Vân trình bày tại tòa.
Trong giai đoạn 1 của vụ án, Trương Huệ Vân bị TAND TPHCM phạt 17 năm về tội Tham ô tài sản. Bà Huệ Vân bị cáo buộc đã thực hiện chỉ đạo của bà Lan, đồng thời lợi dụng chức vụ quyền hạn là Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, chỉ đạo cấp dưới thành lập, sử dụng 52 công ty "ma" và 4 công ty có hoạt động thật, tạo lập 155 khoản vay tại SCB, giúp bà Lan chiếm đoạt hơn 1.088 tỷ đồng, gây thiệt hại 25 tỷ.
Cho rằng mức án trên có phần nghiêm khắc, bị cáo Vân kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Hiện vụ án chưa được TAND Cấp cao tại TPHCM xét xử phúc thẩm.
Khóc nghẹn thừa nhận tội
Võ Tấn Hoàng Văn là một trong sáu bị cáo được HĐXX thẩm vấn tại phiên tòa ngày 20/9, nhằm làm rõ các sai phạm khi giúp sức bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) .
Trả lời HĐXX, ông Văn khai đã chỉ đạo các phòng ban giới thiệu, tư vấn bán trái phiếu sau khi đã đăng ký thành công với Ủy ban chứng khoán; ủy quyền cho đại diện phía ngân hàng ký kết hợp đồng với TVSI về việc hợp tác giới thiệu nhà đầu tư nhận chuyển nhượng, hoặc chuyển nhượng trái phiếu.
Chủ tọa hỏi: "Bị cáo có cho rằng việc SCB tư vấn, bán trái phiếu cho người dân là đánh tráo khái niệm không?". Bị cáo Văn đáp, điều này cũng được cơ quan điều tra đưa ra trước đó. "Trái phiếu là sản phẩm của bên thứ 3, SCB đã xây dựng quy trình, tài liệu để đào tạo toàn bộ nhân viên trước khi tư vấn cho khách hàng, và quá trình triển khai thực hiện được kiểm soát chặt chẽ", bị cáo Văn khai tại tòa.
Sau gần 30 phút trả lời thẩm vấn, ông Văn xin tòa được trình bày, sau đó ngập ngừng, nghẹn giọng, nói chỉ được ngân hàng trả lương theo tháng, và không hưởng lợi gì khác trong việc này.
"Thời điểm đó bị cáo chỉ nghĩ việc này là khai thác nguồn tài nguyên khách hàng mà SCB đã nỗ lực nhiều năm mới có được. Khi xảy ra sự việc, bị cáo rất đau lòng. Bị cáo không nghĩ rằng, gây thiệt hại cho quá nhiều người dân như vậy", ông Văn bật khóc.
Với các hành vi đã thực hiện, ông Văn bị cáo buộc là đồng phạm giúp sức tích cực cho bà Lan hoàn thành việc bán trái phiếu của các công ty: An Đông, Quang Thuận và Setra; đồng phạm với bà Lan chiếm đoạt số tiền hơn 28.000 tỷ đồng của của 35.818 bị hại.
Người nhà bị cáo cũng là bị hại
Cũng trong ngày làm việc 20/9, HĐXX đã tiến hành hỏi các bị cáo từng là cán bộ chủ chốt của SCB. Theo đó, bà Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó tổng giám đốc SCB) thừa nhận cáo trạng truy tố không oan sai. Tuy nhiên, bị cáo đề nghị HĐXX xem xét một số chi tiết, như không bàn bạc, trao đổi với bị cáo Trương Khánh Hoàng (quyền Tổng giám đốc SCB) về việc lên phương án chạy dòng tiền khống.
Về cáo buộc chỉ đạo cấp dưới, bị cáo Dung nói chỉ trao đổi chung về chủ trương chứ không trực tiếp trao đổi với từng bị cáo.
Tiếp đến, bị cáo Trương Khánh Hoàng khai trước khi làm việc tại SCB là nhân viên của một công ty bất động sản, nên không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, chứng khoán.
Bị cáo Hoàng nói thêm, trước khi vào làm việc tại SCB, việc phát hành trái phiếu đã diễn ra. Tại thời điểm ông này làm quyền Tổng giám đốc SCB, Hoàng nói do quá áp lực nên đã có những hành vi sai trái, đồng ý với chủ trương từ bà Trương Mỹ Lan, phát hành trái phiếu Setra.
"Hành vi của bị cáo là sai phạm, bị cáo rất đau xót về việc làm của mình, càng đau xót hơn khi mẹ, dì của bị cáo cũng là những bị hại trong vụ án", bị cáo Hoàng khai tại tòa.
Tương tự, ông Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT SCB) thừa nhận toàn bộ hành vi sai phạm và xin nhận trách nhiệm. Người đàn ông này nói tại thời điểm phát hành trái phiếu không biết sai phạm, vợ và nhiều người thân của ông ta cũng mua trái phiếu của SCB.
Ông Hoàng, ông Dũng và bà Dung bị cáo buộc có hành vi sai phạm trong việc phát hành trái phiếu Công ty Setra, giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt tiền của 2.431 bị hại.
Ngày 23/9, phiên tòa tiếp tục xét hỏi.