Những ký hiệu cảnh báo xe ô tô có thể "đổ bệnh" mà tài xế nên lưu ý
(Dân trí) - Trong quá trình sử dụng ô tô, nếu xuất hiện những ký hiệu này, chủ xe cần sớm kiểm tra, sửa chữa để giảm thiểu khả năng phương tiện gặp vấn đề nghiêm trọng.

Đèn cảnh báo phanh tay

Phanh tay là bộ phận nhiều tài xế quên kiểm tra, hạ trước khi di chuyển (Ảnh: Uchanics).
Biểu tượng: Thường là chữ P trong vòng tròn hoặc hình bàn đạp phanh
Nguyên nhân: Đèn báo bật sáng trong trường hợp quên hạ phanh tay, thường xuất hiện khi lái mới căng thẳng trước "thực chiến". Trong trường hợp đã hạ phanh tay nhưng đèn vẫn sáng, khả năng mức dầu phanh đang ở ngưỡng thấp hoặc đèn báo bị lỗi.
Cách xử lý: Kiểm tra và hạ phanh tay nếu chưa hạ. Nếu đèn vẫn sáng, không nên cố chạy và cần kiểm tra ngay hệ thống phanh để tránh ảnh hưởng đến má phanh, đĩa phanh và mâm xe. Phanh là bộ phận quyết định đến an toàn khi lái xe.
Đèn cảnh báo động cơ

Hãy luôn để ý đèn báo động cơ, nếu không hãy chuẩn bị ngân sách phục vụ cho việc sửa chữa (Ảnh: Istockphoto).
Biểu tượng: Hình động cơ hoặc hình cờ-lê
Nguyên nhân: Nhiều chi tiết có thể khiến đèn báo sáng như hỏng bộ chia điện, dây cao áp, bugi, cảm biến đo gió...
Cách xử lý: Hãy lập tức dừng xe, mở nắp capo và kiểm tra sơ bộ tình hình. Sau đó liên hệ với gara để được "chẩn đoán" kịp thời và đưa xe tới cơ sở sửa chữa bảo dưỡng. Đèn sáng liên tục thường nghiêm trọng hơn đèn nhấp nháy.
Đèn cảnh báo áp suất dầu động cơ

Nhiều tài xế không chú trọng kiểm tra mức dầu trong máy (Ảnh: Loren Automotive).
Biểu tượng: Hình giọt dầu hoặc bình dầu
Nguyên nhân: Chủ yếu do sự thờ ơ với việc thay dầu xe đều đặn. Ngoài ra còn do dầu nhớt bẩn, không đúng loại dầu, hỏng cảm biến, bơm nhớt.
Cách xử lý: Kiểm tra mức dầu và chất lượng dầu động cơ. Nếu áp suất dầu ở mức thấp có thể gây nóng máy, ma sát cao giữa các chi tiết dẫn đến tăng tốc độ hao mòn hoặc hư hại các bộ phận. Ngược lại, áp suất cao có thể gây hại cho bơm nhớt, lọc nhớt động cơ.
Đèn cảnh báo nhiệt độ nước làm mát

Nhiệt độ nước làm mát ở mức tiêu chuẩn cho phép động cơ vận hành tốt (Ảnh: Euro Pro).
Bên cạnh dầu nhớt, nước làm mát cũng đóng vai trò bảo vệ tuổi thọ cho động cơ. Khi nhiệt độ động cơ cao hơn mức cho phép, thiếu nước làm mát hay thủng két nước… đèn báo sẽ xuất hiện. Hãy dừng xe ngay lập tức, kiểm tra các chi tiết trên hoặc lập tức đưa xe tới cơ sở sửa chữa.
Trường hợp khi động cơ quá nhiệt, tránh dùng nước lạnh tưới lên động cơ bởi sự thay đổi nhiệt độ đột ngột sẽ gây nứt gãy, biến dạng bộ phận. Một số tài xế thậm chí châm nước thường vào két nước mát dẫn đến đóng cặn trong hệ thống, giảm khả năng thoát nhiệt cho động cơ.
Đèn cảnh báo lỗi ắc-quy

Nguyên nhân đèn báo ắc quy sáng chủ yếu do các linh kiện gặp trục trặc (Ảnh: SuaotoHaiPhong).
Biểu tượng: Hình ắc-quy hoặc dấu +/-
Nguyên nhân: Cáp nối ắc-quy bị hỏng hoặc bị ăn mòn. Các thành phần khác của hệ thống như bộ sạc, bộ phận điều khiển điện thế hay nguồn điện gặp trục trặc.
Cách xử lý: Sau khi phát hiện tín hiệu cảnh báo, nếu vẫn phải di chuyển, hãy tắt bớt hệ thống đèn, âm thanh, điều hòa để tránh ắc-quy hết điện hoàn toàn. Cần đưa xe đến cơ sở sửa chữa để kiểm tra ắc-quy và hệ thống điện càng sớm càng tốt.
Đèn cảnh báo túi khí

Biểu tượng: Hình người ngồi với túi khí bung ra phía trước
Nguyên nhân: Hỏng cáp túi khí, lỗi cảm biến hoặc hệ thống túi khí gặp vấn đề.
Cách xử lý: Nhanh chóng đưa xe đến trung tâm sửa chữa để khắc phục ngay lập tức. Túi khí là bộ phận bảo vệ an toàn quan trọng nhất cho người ngồi trong xe khi xảy ra va chạm, không nên chủ quan với đèn cảnh báo này.
Đèn cảnh báo phanh chống bó cứng (ABS)

Song song túi khí, ABS cũng đảm bảo sự an toàn trong trường hợp phanh gấp (Ảnh: Istockphoto).
Biểu tượng: Chữ ABS trong vòng tròn
Nguyên nhân: Hệ thống ABS gặp sự cố, không thể hoạt động đúng cách.
Cách xử lý: Khi đèn này sáng, hệ thống phanh thông thường vẫn hoạt động, nhưng chức năng chống bó cứng sẽ không làm việc. Điều này sẽ rất nguy hiểm khi phanh gấp, đặc biệt trên đường trơn trượt. Cần đưa xe đến cơ sở sửa chữa để kiểm tra càng sớm càng tốt.
Đèn cảnh báo áp suất lốp

Biểu tượng: Hình lốp xe với dấu chấm than
Nguyên nhân: Áp suất của một hay nhiều lốp xe nằm ngoài ngưỡng khuyến cáo.
Cách xử lý: Kiểm tra và điều chỉnh áp suất lốp theo thông số của nhà sản xuất. Không nên tiếp tục sử dụng xe khi thấy cảnh báo này vì có thể gây hao mòn lốp bất thường hoặc thậm chí nổ lốp khi di chuyển. Chuẩn bị sẵn dụng cụ như kích nâng, bơm điện tử và dụng cụ vá lốp để xử lý tại chỗ khi cần.
Đèn cảnh báo lỗi hệ thống trợ lực lái

Mất đi sự can thiệp của hệ thống trợ lực, tài xế sẽ gặp khó khăn khi cầm lái (Ảnh: Team BHP)
Biểu tượng: Hình vô lăng hoặc chữ EPS
Nguyên nhân: Đối với xe sử dụng trợ lực dầu, có thể do thiếu dầu trợ lực. Với xe dùng trợ lực điện, thường do lỗi hệ thống điện hoặc cảm biến.
Cách xử lý: Với trợ lực dầu, có thể kiểm tra và thêm dầu. Tuy nhiên, nếu có sự cố khác, cần có sự can thiệp của kỹ thuật viên. Đối với vô lăng trợ lực điện, hãy đưa xe tới gara ngay. Tránh lái xe khi hệ thống không hoạt động vì việc điều khiển xe nặng hàng tấn mà không có trợ lực là rất nguy hiểm.
Đèn báo mức nhiên liệu thấp

Không để lượng xăng cạn kiệt cũng phần nào bảo vệ các chi tiết trong động cơ (Ảnh: Pexels).
Biểu tượng: Hình bình xăng
Nguyên nhân: Lượng nhiên liệu trong bình đã xuống mức thấp, thường còn khoảng 5-10% dung tích bình.
Cách xử lý: Tìm trạm xăng dầu gần nhất để tiếp nhiên liệu. Không nên để xăng dầu cạn kiệt vì ngoài việc có thể bị mắc kẹt giữa đường (đặc biệt nguy hiểm trên cao tốc), xăng còn đóng vai trò tản nhiệt cho bơm xăng, giúp chống oxy hóa và gỉ sét ở thành bình.
Đèn cảnh báo lỗi hộp số

Hiệu suất hoạt động của xe có thể bị ảnh hưởng khi hộp số gặp vấn đề (Ảnh: Auction Auto).
Biểu tượng: Chữ AT, hình bánh răng hoặc dấu chấm than
Nguyên nhân: Hộp số gặp sự cố, thường gặp ở xe số tự động.
Cách xử lý: Đưa xe đến trung tâm bảo dưỡng ngay lập tức khi thấy đèn này. Chỉ một lỗi nhỏ cũng có thể khiến hộp số hư hại nặng, với chi phí sửa chữa rất cao. Có thể tạm thời lái xe ở chế độ "limp home" (chế độ an toàn) để đến gara gần nhất nếu cần thiết.