Maserati Grecale giá từ 4,2 tỷ đồng: SUV cho người giàu hướng nội
(Dân trí) - Không quá hào nhoáng, phô trương nhưng Grecale đủ sang trọng và thực dụng. Vận hành có thể không phấn khích bằng Porsche Macan, mẫu xe của Maserati lại phù hợp với nhu cầu đi phố.
"Khách bước vào showroom xe sang thường biết rõ họ muốn gì, thậm chí còn nhắm trực tiếp đến một sản phẩm cụ thể. Thứ họ quan tâm là chủ yếu là màu sắc và "option" lắp thêm", đây là chia sẻ của một tư vấn bán hàng xe sang mà tôi nhớ mãi.
Người mua Mercedes-Benz thường hướng đến cảm giác sang trọng, tính nhận diện cao. Người chọn Porsche lại nhắm tới những trải nghiệm độc đáo trong vận hành, sự phấn khích sau tay lái. Vậy khách của Maserati sẽ là những người như thế nào?
Mang theo suy nghĩ đó, tôi nhận chiếc Maserati Grecale để lái thử và tự nhủ: "Có lẽ mình sẽ phần nào có được câu trả lời".
Grecale là mẫu SUV nhỏ nhất của nhà Maserati, ra mắt thị trường Việt Nam cách đây không lâu. Porsche Macan có thể tính là đối thủ của mẫu xe đến từ nước Ý, nếu xét cùng tầm tiền 4 tỷ đồng (Macan có giá khởi điểm từ 3,35 tỷ đồng nhưng lắp thêm "option" sẽ lên đến 4 tỷ đồng, thậm chí hơn).
Ngoại thất thanh tao kiểu Ý
Với chiều dài, rộng và cao lần lượt là 4.846mm, 1.948mm và 1.670mm, Maserati Grecale có kích thước lớn hơn một chút so với Porsche Macan (Ảnh: Nguyễn Lâm).
Grecale trong tiếng Italia mang nghĩa "cơn gió đông bắc của Địa Trung Hải". Với những lời quảng cáo như "mang đậm DNA của Maserati, thể thao, tốc độ…", xúc cảm ban đầu của tôi khi nhìn thực tế mẫu xe này lại gói gọn trong chữ "nhã".
Vóc dáng của Grecale tương đối khỏe khoắn nhưng tổng thể của xe lại có phần mềm mại.
Điều này có phần không khớp với tính chất thể thao mà mẫu xe này hướng tới nhưng lại tôn lên phong cách thiết kế đậm chất Ý. Những nét vuốt mềm mại trải dài từ trước ra sau đem lại xúc cảm thanh nhã, không quá phô trương nhưng đủ để thu hút.
Chiếc xe trải nghiệm thuộc phiên bản GT tiêu chuẩn, lớp sơn ngoại thất màu bạc ánh xanh là tùy chọn (Ảnh: Nguyễn Lâm).
Grecale mang lại cho tôi cảm giác muốn dạo chơi một cách nhẹ nhàng, thả chậm tốc độ để người đi đường có thể ngắm nghía. Xe không gây chú ý theo kiểu hầm hố, không quá bóng bẩy và hào nhoáng nhưng vẫn nổi bật nhất định giữa đám đông.
Lướt trên đường hay khi dừng đèn đỏ, tôi không ít lần bắt gặp ánh mắt và cái chỉ tay của những người xung quanh. Chẳng thể đảm bảo sự thu hút ấy là vì xe đẹp, xe sang mà có khi đơn giản vì logo "đinh ba" chưa thực sự nhiều người Việt biết tới.
Nội thất thực dụng, tập trung vào người lái
Nội thất màu đỏ là tùy chọn, nguyên bản trên biến thể GT của Grecale sẽ chỉ có da màu đen (Ảnh: Nguyễn Lâm).
Không gian bên trong của Grecale khá gọn gàng. So với những mẫu xe sang khác, thiết kế của "tân binh" nhà Maserati không có gì nổi trội, do đều theo đuổi phong cách hiện đại.
Dẫu vậy, tôi thích cái cách mà hãng xe Italia này chiều chuộng vị trí cầm lái.
Nút bấm khởi động của Maserati Grecale được đặt ngay lên vô-lăng. Các nhà sản xuất xe sang, xe thể thao vẽ nên câu chuyện rằng thiết kế này bắt nguồn từ những chiếc xe đua bởi nó giúp tay lái tiết kiệm được thời gian. Còn ở hiện tại, ít nhất nó tạo được sự khác biệt so với các mẫu xe phổ thông.
Mặt trên cụm điều khiển vô-lăng không thấy sự xuất hiện của nút tăng/giảm âm lượng và chuyển nhạc. Thay vào đó, những phím này được chuyển ra mặt sau của vô-lăng, giúp người dùng có thể thao tác mà không cần nhìn, tập trung hơn vào việc lái xe.
Như bao mẫu xe thể thao khác, Grecale có lẫy chuyển số sau vô-lăng và được thiết kế to bản. Nhưng nếu chỉ như thế thì đâu có gì khác so với các mẫu xe thông thường?
Không có cần số kiểu truyền thống, Grecale chuyển sang dạng phím bấm P-R-N-D, được đặt ở khu vực trung tâm ngay dưới màn hình giải trí. Đây cũng là phong cách thiết kế hiện đại được nhiều hãng xe áp dụng trong những năm gần đây, nhưng gây bất tiện trong việc thao tác.
Để khắc phục hạn chế trên, Maserati cho phép người dùng chuyển sang số D bằng việc gạt lẫy + phía sau vô-lăng, về số R bằng lẫy - và khi nháy cả hai lẫy, xe sẽ chuyển về số N. Riêng số P vẫn phải sử dụng phím bấm. Trong quá trình vận hành xe, tôi đã rất nhanh làm quen với "cần số" tiện lợi này.
Ở khu vực trung tâm, đồng hồ cơ học được chuyển thành dạng điện tử. Có 4 chế độ hiện thị đi kèm 3 phong cách thiết kế khác nhau cho người dùng lựa chọn. Màn hình giải trí kích cỡ 12,3 inch có nhiều tính năng, trong đó có chế độ Drag Race cho phép người dùng theo dõi các thông số như thời gian tăng tốc, quãng đường phanh, tốc độ phanh…
Phía bên dưới là màn hình cảm ứng 8,8 inch thay cho các phím bấm vật lý để chỉnh ghế, điều hòa, đèn trước, sấy kính trước/sau, làm mát và sưởi ấm hàng ghế đầu.
Cửa sổ trời toàn cảnh là trang bị tùy chọn (Ảnh: Nguyễn Lâm).
Hàng ghế trước của Maserati Grecale có thiết kế dạng thể thao với tựa đầu cao cùng hai cánh dày nhưng không quá ôm lưng hành khách, cho cảm giác dễ chịu khi ngồi lâu. Phần đệm có thể kéo dài nhưng chỉ có thể chỉnh cơ.
So với thiết kế trên Porsche Macan, hàng ghế thứ 2 của Maserati Grecale rộng rãi hơn một chút nhờ chiều dài cơ sở lên đến 2.900mm.
Hệ thống 14 loa Sonus Faber là trang bị tiêu chuẩn, có tùy chọn nâng cấp lên 21 loa (Ảnh: Nguyễn Lâm).
Cửa mở dạng điện với nút bấm nhưng không có mô-tơ nên vẫn cần dùng tay thao tác. Thiết kế này có phần sang trọng hơn kiểu tay nắm cửa truyền thống nhưng đáng tiếc rằng không có tính năng cảnh báo luồng giao thông như Lexus RX.
Lái dễ chịu trong phố, đủ thể thao khi cần
Maserati Grecale được trang bị động cơ mild-hybrid gồm máy xăng tăng áp, 4 xy-lanh, dung tích 2.0L và mô-tơ điện 48V, cho công suất tối đa 300 mã lực và mô-men xoắn 450Nm.
Xét về thông số, Grecale mạnh hơn Porsche Macan nhưng lại cho trải nghiệm lái khác biệt đáng kể, dù đều hướng tới yếu tố thể thao.
Macan được dân chơi tốc độ chú ý đến nhờ hộp số PDK 7 cấp, cho khả năng sang số nhanh, tạo nên những cú đề-pa phấn khích. Maserati Grecale ngược lại, nước ga đầu không quá mạnh, phải đến khi đồng hồ vượt mốc 40km/h mới cảm thấy "dính ghế", do mô-tơ điện kích hoạt muộn.
Bù lại, điều này khiến Grecale trở thành một mẫu SUV "thân thiện" với điều kiện đô thị hơn Porsche Macan. Hệ thống phanh hoạt động hiệu quả nhưng khá êm, không giật cục, tạo nên trải nghiệm lướt đi trong phố theo cách nhẹ nhàng và thư giãn.
Xe có 3 chế độ lái gồm: Comfort (Thoải mái), GT (Đường trường) và Sport (Thể thao), tương ứng với độ nhạy của chân ga. Tại chế độ Sport, âm thanh từ 4 ống xả sẽ "lực" hơn, đem lại cảm giác phấn khích hơn trong những pha bứt tốc.
Hệ thống treo sẽ là điểm cộng của Grecale. Kể cả khi chuyển sang chế độ Sport, giảm xóc cứng hơn nhưng xe vẫn cho khả năng dập tắt dao động nhanh khi qua ổ gà, ít tác động tới người ngồi. Với Macan, người lái có thể thực hiện những pha "chém cua" mượt mà hơn Grecale nhưng phải đánh đổi sự êm ái.
Như bao mẫu xe sang trên thị trường, Grecale sở hữu đầy đủ trang bị an toàn nhưng tính năng hỗ trợ đỗ xe chủ động sẽ không có trên bản tiêu chuẩn (Ảnh: Nguyễn Lâm).
Khách hàng của Maserati Grecale là ai?
Để hiểu hết về một chiếc xe, khoảng thời gian 2 ngày trải nghiệm là chưa đủ. Vì thế để phác họa chân dung khách hàng của Maserati Grecale lại càng không đơn giản như suy nghĩ ban đầu của tôi.
Họ có thể là những doanh nhân thành đạt thích sự thể thao nhưng không quá hào nhoáng, là một nghệ sỹ có gu thẩm mỹ cao, yêu vẻ đẹp và văn hóa Ý hay đơn giản là một người có kinh tế tốt muốn hưởng thụ nhưng không muốn phô trương...
Vận hành phù hợp với điều kiện tại Việt Nam nhưng Maserati Grecale không dễ để trở thành lựa chọn của phần đông người giàu tại nước ta. Nhất là khi với tầm giá 4 tỷ đồng còn có hàng loạt mẫu xe khác như Range Rover Evoque, Lexus RX, Mercedes-Benz GLE hay BMW X5.