Tỉnh từng có 2 thị xã cùng 11 huyện theo thứ tự từ H1 đến H11
(Dân trí) - 22/11/1904 được đánh dấu là ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk, vùng đất trung tâm của Tây Nguyên. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Đắk Lắk đã trải qua nhiều lần sáp nhập, tách tỉnh.

Đắk Lắk nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, phía Bắc giáp Gia Lai, phía Đông giáp Phú Yên và Khánh Hòa, phía Nam giáp Lâm Đồng và Đắk Nông, phía Tây giáp Vương quốc Campuchia.
Tổng diện tích tự nhiên hơn 13.000km2, tỉnh Đắk Lắk đứng thứ 4 cả nước, có 49 dân tộc anh em cùng sinh sống, với dân số hơn 1,9 triệu người.
Trung tâm Tây Nguyên, thủ phủ Trung kỳ
Theo tài liệu từ Ban Tuyên giáo và Dân vận tỉnh Đắk Lắk, vào nửa cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp đã cử các phái đoàn lên Tây Nguyên điều tra, khảo sát tình hình. Cũng từ đó, không ít lần Pháp đưa quân đội lên Tây Nguyên với ý đồ chiếm đóng vùng đất này.

Bản đồ tỉnh Đắk Lắk (Ảnh: Cổng thông tin tỉnh Đắk Lắk).
Ngày 16/10/1888, Khâm sứ Trung kỳ Bovlloche buộc triều đình Huế sắp đặt vùng Tây Nguyên dưới sự đặc trách của người Pháp.
Ngày 31/1/1899, Toàn quyền Đông Dương đã ban hành nghị định thành lập cơ sở hành chính tại Bản Đôn (huyện Buôn Đôn ngày nay).
Ngày 22/11/1904, trước phong trào đấu tranh bền bỉ và quyết liệt của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên và sức ép của triều đình nhà Nguyễn, Toàn quyền Đông Dương buộc phải ban hành nghị định thành lập một tỉnh mới đặt dưới quyền hành chính và chính trị của Khâm sứ Trung kỳ lấy tên là tỉnh Đắk Lắk.
Với nghị định này, Đắk Lắk chính thức trở thành một trong 20 tỉnh Trung kỳ và một trong 73 tỉnh, thành phố Việt Nam thời Pháp thuộc.

Thành phố Buôn Ma Thuột, trung tâm của tỉnh Đắk Lắk (Ảnh: Thúy Diễm).
Sau khi thực dân Pháp thành lập các tỉnh Kon Tum và Đồng Nai Thượng, địa giới của tỉnh Đắk Lắk như sau: phía Bắc giáp tỉnh Kon Tum, phía Đông giáp tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, phía Nam giáp tỉnh Đồng Nai Thượng, phía Tây giáp Campuchia.
Ngày 9/2/1913, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập tỉnh Kon Tum (trước là đại lý Kon Tum trực thuộc Tòa công sứ Quy Nhơn), bao gồm đại lý Kon Tum tách khỏi tỉnh Bình Định, đại lý Cheo Reo tách từ tỉnh Phú Yên và đại lý Đắk Lắk.
Ngày 2/7/1923, Toàn quyền Đông Dương tách đại lý Đắk Lắk khỏi tỉnh Kon Tum để thành một tỉnh độc lập. Lúc mới thành lập, tỉnh Đắk Lắk chưa được chia thành các huyện, tổng mà chỉ có đơn vị làng dựa theo các buôn làng có sẵn của các dân tộc thiểu số.
Năm 1931, trong cuộc cải cách hành chính toàn Đông Dương, địa bàn tỉnh Đắk Lắk được chia thành 5 quận là Buôn Ma Thuột, Buôn Hồ, Đắk Song, Lắk và M'Đrắk.

Tỉnh Đắk Nông từng sáp nhập với Đắk Lắk năm 1976 và đến năm 2003 được tách thành 2 tỉnh (Ảnh: Thúy Diễm).
Ngày 9/4/1934, Khâm sứ Trung Kỳ ban hành nghị định chia Đắk Lắk thành 24 tổng, đứng đầu các tổng là Cai tổng.
Ngày 6/1/1942, Khâm sứ Trung Kỳ chia Đắk Lắk thành 3 quận (Buôn Ma Thuột, Buôn Hồ, Lắk) và 2 đại lý (M'Đrắk, Đắk Dam).
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, về hành chính, cả nước được chia thành Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ với 73 đơn vị hành chính cấp tỉnh. Để thống nhất chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tỉnh Đắk Lắk được đặt thuộc Ủy ban kháng chiến hành chính miền Nam Trung Bộ.
Sau Hiệp định Geneve, từ năm 1954 đến 1960, tỉnh Đắk Lắk trực thuộc Quân khu V, gồm 7 huyện, thị xã.

Tỉnh Đắk Lắk có 49 đồng bào các dân tộc anh em cùng sinh sống (Ảnh: Thúy Diễm).
Tháng 10/1965, trước những chuyển biến của phong trào cách mạng tại Đắk Lắk, Khu ủy V quyết định giải thể Liên tỉnh ủy B3, B5. Đồng thời, hợp nhất các đơn vị thành tỉnh Đắk Lắk, đặt dưới sự chỉ đạo của Khu ủy V.
Đến đầu năm 1975, tỉnh Đắk Lắk có 2 thị xã là Buôn Ma Thuột và Cheo Reo, cùng 11 huyện theo thứ tự từ H1 đến H11.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975), chính quyền cách mạng tỉnh Đắk Lắk tạm thời sắp xếp lại các đơn vị hành chính trong tỉnh.
Đầu năm 1976, theo chủ trương của Trung ương, 2 tỉnh Đắk Lắk và Quảng Đức (Đắk Nông ngày nay) được sáp nhập thành tỉnh Đắk Lắk. Lúc này, toàn tỉnh có 5 huyện (Krông Búk, Krông Pắk, Đắk Mil, Đắk Nông, Lắk) và thị xã Buôn Ma Thuột.

Đắk Lắk còn được mệnh danh là "thủ phủ cà phê của Việt Nam" (Ảnh: Thúy Diễm).
Tháng 11/2003, Quốc hội thông qua nghị quyết về việc chia tách tỉnh Đắk Lắk thành Đắk Lắk và Đắk Nông.
11 huyện từng được đánh số
Nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk có vai trò chiến lược về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia. Đây vừa là cửa ngõ kết nối giữa các tỉnh Tây Nguyên, vừa nằm trong tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam với nhiều cơ hội hợp tác, thu hút đầu tư quốc tế.
Tỉnh Đắk Lắk có diện tích đất bazan chiếm trên 1/3 tổng diện tích đất toàn tỉnh, thích hợp với cây công nghiệp dài ngày và cây lấy gỗ. Đặc biệt cà phê, cao su cho năng suất và chất lượng cao.
Bên cạnh đó, tỉnh còn có diện tích rừng và trữ lượng gỗ lớn, với nhiều loại gỗ quý; có các cánh rừng nguyên sinh rộng lớn với hệ động, thực vật phong phú, đa dạng, nhiều chủng loại với số lượng lớn.

Với những thế mạnh, tiềm năng tỉnh Đắk Lắk có nhiều cơ hội để phát triển vượt bậc (Ảnh: Thúy Diễm).
Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, tỉnh Đắk Lắk đã đề ra phương châm phát triển dựa trên nền tảng: môi trường - xã hội - kinh tế, đảm bảo ổn định về sinh thái môi trường, bảo tồn các giá trị di sản văn hóa, giá trị nhân văn, định hướng lựa chọn các hoạt động kinh tế phù hợp với những yếu tố đặc trưng là sinh thái đất - nước - rừng, bản sắc văn hóa Tây Nguyên.
Đắk Lắk hướng tới trở thành điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế; Buôn Ma Thuột là một cực phát triển của vùng Tây Nguyên, hội nhập, liên kết theo hướng mở với khu vực và quốc tế.
Tỉnh Đắk Lắk đang bước vào hành trình mới với mục tiêu, khát vọng, từng bước phát triển xứng tầm vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên.