DNews

Sự tương đồng khi nhập Hải Phòng-Hải Dương, Đắk Lắk-Phú Yên, TPHCM-Vũng Tàu

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Chủ trương sáp nhập hàng loạt tỉnh, thành theo hàng lang Đông - Tây, có cửa khẩu ở hướng Tây và cảng biển ở phía Đông được kỳ vọng là cú hích cho định hướng phát triển kinh tế biển của Việt Nam.

Sự tương đồng khi nhập Hải Phòng-Hải Dương, Đắk Lắk-Phú Yên, TPHCM-Vũng Tàu

Sáp nhập tỉnh để phát triển kinh tế biển

Phân tích danh sách các tỉnh thành mới sẽ thành lập sau khi sáp nhập, TS Đoàn Anh Tú (Đại học Khánh Hòa) nhận định: "Phương án sáp nhập tỉnh thành thể hiện rất rõ định hướng phát triển kinh tế biển mà Trung ương đã xác định từ năm 2018".

Cụ thể, ngày 22/10/2018, Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Sự tương đồng khi nhập Hải Phòng-Hải Dương, Đắk Lắk-Phú Yên, TPHCM-Vũng Tàu - 1

Phát triển hướng biển đã được Trung ương định hướng từ lâu (Ảnh minh họa: Hải Long).

Một trong những chủ trương lớn mà Ban chấp hành Trung ương chỉ đạo thực hiện là phát triển các vùng biển dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.

Trong đó, chủ trương định hướng quy hoạch không gian biển theo các vùng bảo vệ - bảo tồn, vùng đệm và vùng phát triển kinh tế - xã hội để phát triển bền vững kinh tế biển. Định hướng quy hoạch này được xây dựng trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, bản sắc văn hóa, tính đa dạng của hệ sinh thái, bảo đảm tính liên kết vùng, giữa địa phương có biển và không có biển.

Vùng biển phía Bắc định hướng xây dựng khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển; là cửa ngõ, động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Vùng biển Bắc Trung Bộ, Duyên hải Trung Bộ (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận) phát triển các cảng biển nước sâu trung chuyển quốc tế, cảng biển chuyên dụng gắn với các khu liên hợp công nghiệp, dầu khí, điện, năng lượng tái tạo, công nghiệp sạch; phát triển các trung tâm du lịch lớn…

Vùng biển và ven biển Đông Nam Bộ (Bà Rịa - Vũng Tàu và TPHCM) phát triển cảng biển container quốc tế, dịch vụ hậu cần cảng biển, dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải, công nghiệp khai thác, chế biến dầu khí…

Sự tương đồng khi nhập Hải Phòng-Hải Dương, Đắk Lắk-Phú Yên, TPHCM-Vũng Tàu - 2

Tiến sĩ Đoàn Anh Tú (Ảnh: NVCC).

Theo TS Đoàn Anh Tú, so sánh định hướng trên với phương án sáp nhập tỉnh thành sắp tới có thể thấy sự tương đồng ở việc sáp nhập Hải Phòng với Hải Dương, Quảng Ngãi và Kon Tum, Bình Định và Gia Lai, Đắk Lắk với Phú Yên, TPHCM với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu…

TS Đoàn Anh Tú cho rằng: "Từ năm 2018, chúng ta đã xác định sẽ hướng ra biển, các quyết sách đều đặt câu hỏi làm thế nào để hướng ra biển. Đây là bài toán đã đặt ra từ sớm nhưng do nhiều yếu tố ảnh hưởng như Dịch Covid-19 mà đến bây giờ chúng ta mới giải quyết, chứ không phải thời điểm này Trung ương mới đặt ra vấn đề sáp nhập các tỉnh theo định hướng phát triển kinh tế biển".

"Cú hích" mạnh mẽ giúp kinh tế các tỉnh phát triển

Trong 34 tỉnh thành hình thành sau khi sáp nhập, Việt Nam chỉ có 21 tỉnh ven biển so với con số 28 tỉnh hiện nay. Tuy nhiên, nếu so sánh về tỷ lệ thì sau sáp nhập, tỷ lệ các tỉnh thành có biển là 62% (21/34 tỉnh), lớn hơn nhiều so với con số 44% hiện nay (28/63 tỉnh). Đặc biệt, 21/21 tỉnh thành ven biển sau khi sáp nhập đều có cảng biển.

Sự tương đồng khi nhập Hải Phòng-Hải Dương, Đắk Lắk-Phú Yên, TPHCM-Vũng Tàu - 3

Các tỉnh thành dự kiến giáp biển và có cảng biển sau sáp nhập (Đồ họa: Tùng Nguyên).

TS Đoàn Anh Tú cho biết, định hướng sáp nhập như thế vừa giải quyết được bài toán phát triển kinh tế biển, hệ thống cảng biển mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền quốc gia, vừa giải quyết được bài toán phát triển kinh tế liên vùng, làm động lực phát triển kinh tế cả nước.

Ông chỉ ra đặc điểm dễ nhận thấy ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên là mối liên kết ngang theo trục Đông - Tây, sáp nhập một hoặc hai tỉnh không có biển với một tỉnh giáp biển.

TS Đoàn Anh Tú chia sẻ: "Trên mạng gần đây hay đùa là đi Gia Lai, Đắk Lắk tắm biển. Họ đùa như thế vì lâu nay ai cũng biết các địa phương trên không có biển, trong tâm thức đều nghĩ đó là các tỉnh vùng núi, vùng cao. Nhưng nay đã khác, các tỉnh trên sắp có biển".

Theo ông, việc các tỉnh này có biển, được mở rộng không gian theo hướng biển vô cùng quan trọng, sẽ là "cú hích" mạnh mẽ giúp kinh tế phát triển trong tương lai.

Sự tương đồng khi nhập Hải Phòng-Hải Dương, Đắk Lắk-Phú Yên, TPHCM-Vũng Tàu - 4

Mở rộng không gian theo hướng biển sẽ là "cú hích" mạnh mẽ giúp kinh tế các tỉnh ven biển phát triển trong tương lai (Ảnh: Minh Tuấn).

TS Đoàn Anh Tú cho rằng: "Các tỉnh Tây Nguyên đều mạnh về nông nghiệp, giàu tài nguyên nhưng xuất khẩu đi đâu? Muốn phát huy giá trị nông sản thì phải đưa về phía biển để xuất khẩu. Con đường nào ngắn nhất, tiết kiệm nhất, nhanh nhất thì con đường đó sẽ được lựa chọn. Đó là nguồn lực để tạo động lực cho các tỉnh phát triển mạnh hơn sau khi sáp nhập. Việc sáp nhập này không chỉ giải quyết bài toán 5 năm, 10 năm mà cả trăm năm trở lên".

Thậm chí, theo ông Tú, định hướng sáp nhập này còn giải quyết được cả bài toán quan hệ quốc tế với 2 nước láng giềng là Campuchia và Lào. Bởi các tỉnh phía nam Lào và đông bắc Campuchia kém phát triển vì không có đường ra biển, nông sản của họ không có đường xuất khẩu với giá rẻ.

Ông nói: "Khi sáp nhập các tỉnh Tây Nguyên với Duyên hải miền Trung, phát triển các cao tốc trục ngang hướng biển, nối thông đường biên giới phía Tây với các cảng biển phía Đông thì đó sẽ là tuyến đường thuận lợi cho họ đưa nông sản ra thế giới, thúc đẩy giao thương tại những đặc khu kinh tế ở biên giới".

Từ trục dọc, cả nước sẽ thêm nhiều trục ngang

Khó khăn lớn nhất trong việc kết nối Đông - Tây là giao thông liên kết giữa các địa phương trên hiện rất kém. Ví dụ như Đắk Lắk với Phú Yên hiện chỉ kết nối với nhau qua Quốc lộ 29, Lâm Đồng kết nối với Đắk Nông và Bình Thuận qua Quốc lộ 28… Hầu hết các tuyến đường này đều nhiều đèo dốc, quanh co, mặt đường hẹp nên khả năng vận chuyển rất thấp.

Sự tương đồng khi nhập Hải Phòng-Hải Dương, Đắk Lắk-Phú Yên, TPHCM-Vũng Tàu - 5

Những tuyến cao tốc nối biển với Tây Nguyên đang tạo cơ hội cho việc kết nối hàng lang Đông - Tây, nối rừng với biển (Ảnh: Trung Thi).

Theo TS Đoàn Anh Tú, việc sáp nhập các tỉnh lần này sẽ nhanh chóng giúp cải thiện hiện trạng giao thông. Sáp nhập không chỉ tạo nên nguồn lực kinh tế lớn hơn cho mỗi địa phương mà còn tạo ra yêu cầu bắt buộc phải phát triển giao thông trục ngang của các tỉnh này. Địa phương phải làm những con đường như vậy để thông thương nội tỉnh, đáp ứng nhu cầu quản lý hành chính, phát triển kinh tế…

Hiện nay, hệ thống giao thông nước ta đã có trục dọc mạnh với Quốc lộ 1, cao tốc Bắc Nam, đường sắt Bắc Nam, đường Hồ Chí Minh, sắp tới là đường sắt cao tốc… Với việc sáp nhập các tỉnh miền Trung theo hướng biển, kết nối Đông - Tây thì các tỉnh sắp tới sẽ xây dựng nhiều tuyến đường lớn theo trục ngang.

"Muốn phát triển thì phải có điện, đường, trường, trạm. Đây là bài toán phải giải quyết của các tỉnh. Nguồn lực của một tỉnh ít thì khi nhập lại 2-3 tỉnh sẽ mạnh hơn, làm đường dễ hơn. Cái khó là giải quyết bài toán chiến lược, định hướng phát triển tương lai thế nào. Nay giải quyết được bài toán chiến lược rồi thì làm đường kết nối, xây dựng những trục ngang rất đơn giản", ông Tú nói.

Sự tương đồng khi nhập Hải Phòng-Hải Dương, Đắk Lắk-Phú Yên, TPHCM-Vũng Tàu - 6

Phát triển hướng biển là định hướng chiến lược trong thời gian tới (Ảnh minh họa: Nam Anh).

TS Đoàn Anh Tú nhấn mạnh: "Định hướng có lâu rồi, phương pháp có rồi, đây là thời điểm làm quyết liệt. Làm cách mạng, hiểu theo Bác Hồ nói là thay cũ đổi mới. Bây giờ cái mới đã ra đời nhưng chắc chắn trong đó vẫn có những cái cũ, những cán bộ, người dân chưa thích ứng được thì từ từ sẽ thích ứng. Còn bây giờ, chúng ta đang thực hiện công cuộc cách mạng mang tầm chiến lược, giải quyết bài toán trăm năm, thậm chí hơn nữa, thì phải quyết tâm làm".