Những lần sáp nhập của TPHCM trong 50 năm qua
(Dân trí) - Kể từ ngày 30/4/1975, TPHCM đã nhiều lần chia tách, sáp nhập các đơn vị hành chính trên địa bàn. Sắp tới, TPHCM sẽ tiến hành đợt sáp nhập quy mô lớn nhất 50 năm qua.

TPHCM những ngày này đang đứng trước thời khắc lịch sử. Trong không khí người dân đang vui mừng tận hưởng không khí rộn ràng của dịp lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) thì các cơ quan chức năng cũng đang bận rộn các bước để tiến hành công tác sáp nhập TPHCM với 2 tỉnh lân cận là Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Hiện 3 tỉnh, thành đã xong bước thống nhất định hướng sáp nhập, từng địa phương cũng đã hoàn tất phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Theo đó, địa bàn TPHCM hiện nay sẽ tổ chức lại thành 102 đơn vị hành chính cấp xã; địa bàn Bình Dương tổ chức thành 36 đơn vị; địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức thành 30 đơn vị. Khi sáp nhập 3 địa phương này lại với nhau thành TPHCM mới thì thành phố này sẽ có tổng cộng 168 đơn vị hành chính cấp xã.

Sau lần sáp nhập này, TPHCM sẽ trở thành siêu đô thị hơn 13 triệu dân (Ảnh minh họa: Hải Long).
Trong 50 năm qua, TPHCM đã nhiều lần điều chỉnh đơn vị hành chính nhưng lần sáp nhập này là lớn nhất. Sau khi sáp nhập, TPHCM sẽ trở thành địa phương có quy mô dân số, kinh tế lớn nhất cả nước, là một siêu đô thị ở cấp độ Châu Á.
Lần đổi tên lịch sử, xác định địa giới TPHCM
Theo tài liệu của Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, sau ngày 30/4/1975, tỉnh Gia Định và Đô thành Sài Gòn được sáp nhập thành một với tên mới là thành phố Sài Gòn - Gia Định. Lúc này, thành phố Sài Gòn - Gia Định có 18 quận, huyện; gồm 13 quận nội thành (1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Gò Vấp, Phú Nhuận, Bình Hòa và Thạnh Mỹ Tây) và 5 huyện (Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè và Thủ Đức).

Bản đồ Đô thành Sài Gòn năm 1966 (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia II).
Ngày 2/7/1976, Quốc hội ban hành nghị quyết chính thức đặt tên cho thành phố Sài Gòn - Gia Định là thành phố Hồ Chí Minh.
Nghị quyết nêu rõ: "Trong cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài và gian khổ, thành phố Sài Gòn - Gia Định đã không ngừng phát huy truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc ta, lập được nhiều chiến công xuất sắc, xứng đáng được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại".
Lúc này, địa giới thành phố bao gồm 10 quận của Đô thành Sài Gòn cũ, toàn tỉnh Gia Định, quận Phú Hòa (tỉnh Bình Dương) và quận Củ Chi (tỉnh Hậu Nghĩa).
TPHCM thời điểm này được phân thành 17 quận, huyện; bao gồm 12 quận nội thành (1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Gò Vấp, Phú Nhuận và Bình Thạnh) và 5 huyện ngoại thành (Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Thủ Đức).
Ngày 29/12/1978, Quốc hội khóa VI ban hành Nghị quyết chấp thuận sáp nhập huyện Duyên Hải (tỉnh Đồng Nai) vào TPHCM (năm 1992 đổi tên thành huyện Cần Giờ), nâng tổng số quận, huyện của thành phố lên 18. Từ đó, TPHCM có địa giới hành chính như hiện nay.

Bản đồ năm 1988 thể hiện TPHCM bao gồm 12 quận nội thành (Nguồn: Xí nghiệp Bản đồ - Cục Đo đạc và bản đồ Nhà nước).
Những lần điều chỉnh nội bộ
Tài liệu của Trung tâm Lưu trữ quốc gia II cho thấy, lúc mới thành lập, diện tích nội thành của TPHCM là hơn 146km2, chỉ chiếm 7% tổng diện tích thành phố (2.093km2).
Năm 1984, dân số thành phố là 3.563.900 người, đạt mật độ 1.702 người/km2. Kết quả tổng điều tra dân số ngày 1/4/1989, TPHCM có 3.924.400 người, mật độ dân số khoảng 1.875 người/km2. Điều đó cho thấy, giai đoạn này thành phố hầu như chưa phát triển nhiều.
Trong thời gian này, thành phố chỉ thiết lập thêm một số đô thị nhỏ ở khu vực ngoại thành như: Thị trấn Hóc Môn thuộc huyện Hóc Môn (theo Quyết định số 55-BT ngày 23/3/1977); thị trấn An Lạc thuộc huyện Bình Chánh (theo Quyết định số 67-HĐBT ngày 12/9/1981); thị trấn Củ Chi (theo Quyết định số 25-HĐBT ngày 1/2/1985)…
Chỉ sau năm 1986, khi đất nước đổi mới, nền kinh tế thành phố mới phát triển nhanh chóng, quá trình đô thị hóa diễn ra mãnh liệt dẫn đến sự chia tách nội bộ trong địa giới thành phố.
Sau 10 năm đô thị hóa kể từ ngày đổi mới, ngày 6/1/1997, Chính phủ ban hành Nghị định số 03/CP về việc chia tách huyện Thủ Đức để thành lập quận Thủ Đức, quận 2 và quận 9; thành lập mới quận 7 và quận 12.
Sau khi chia tách các quận mới, TPHCM có tổng cộng 22 quận, huyện; bao gồm: Quận 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Tân Bình, Gò Vấp, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Thủ Đức, huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ.

Bảng thống kê các đơn vị hành chính và dân số ở TPHCM năm 1997 (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia II).
Đến năm 2003, TPHCM tiếp tục chia tách thêm 2 quận mới là Tân Phú và Bình Tân (trên cơ sở tách một phần quận Tân Bình và huyện Bình Chánh), nâng tổng số quận, huyện lên thành 24 (19 quận, 5 huyện).
Sau hơn 20 năm phát triển mạnh mẽ, đô thị hóa chóng mặt, TPHCM muốn tìm một mô hình phát triển đô thị mới và TP Thủ Đức thuộc TPHCM ra đời.
Theo Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 ngày 9/12/2020 của Ủy ban Thường vụ quốc hội, TP Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sáp nhập các quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức.
Như vậy, từ năm 2021, TPHCM có 22 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm: 1 thành phố (Thủ Đức), 16 quận (quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh, Phú Nhuận và Bình Tân) và 5 huyện (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ).

Bảng thống kê đơn vị hành chính và dân số ở TPHCM năm 2010 (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia II).
Kể từ đó đến nay, địa giới hành chính nội bộ TPHCM có thêm một lần biến động lớn khi tiến hành sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã vào cuối năm 2024.
Cụ thể, vào tháng 11/2024, Quốc hội đồng ý sắp xếp 80 phường thuộc 10 quận của TPHCM để hình thành 41 phường mới; tổng số đơn vị cấp xã giảm từ 321 xuống còn 273.
Như vậy, từ đầu năm 2025, TPHCM có 22 đơn vị hành chính cấp huyện, chia thành 273 phường, xã, thị trấn.
Trở thành siêu đô thị của châu Á
Ngày 14/4, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 759/QĐ-TTg phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Theo đề án, 52 đơn vị cấp tỉnh sẽ sáp nhập với nhau để trở thành 23 tỉnh, thành mới. TPHCM được quyết định sáp nhập với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Bình Dương trở thành một thành phố trực thuộc Trung ương có tên gọi là TPHCM.

Những năm gần đây, khu vực đô thị của TPHCM phát triển rất nhanh (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia II).
Ngày 18/4, HĐND TPHCM ban hành Nghị quyết 25/NQ-HĐND về tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Theo đó, 273 đơn vị hành chính cấp xã của TPHCM hiện tại sẽ được sắp xếp lại thành 102 phường, xã mới.
Ngày 24/4, HĐND tỉnh Bình Dương cũng đã thông qua đề án sắp xếp 91 đơn vị hành chính hiện nay thành 36 xã, phường mới.
Ngày 27/4, 100% đại biểu HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng biểu quyết thông qua phương án sắp xếp 77 đơn vị cấp xã hiện nay thành 30 đơn vị mới.
Như vậy, sau khi sáp nhập, TPHCM mới sẽ có 168 đơn vị hành chính cấp xã với diện tích tự nhiên là 6.772,6 km2 và quy mô dân số lên đến 13.608.800 người.
Theo TS Trần Du Lịch, khi mở rộng TPHCM theo hướng sáp nhập thêm Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố mới sẽ trở thành một siêu đô thị tầm cỡ châu lục chứ không chỉ ở Đông Nam Á.

TS Đoàn Anh Tú (Ảnh: NVCC).
TS Đoàn Anh Tú (Đại học Khánh Hòa) nhấn mạnh việc sáp nhập này không chỉ là phép tính cộng về diện tích, dân số, quy mô nền kinh tế... của 3 địa phương để trở thành một siêu đô thị.
Theo ông, mục tiêu chính của lần sáp nhập này là mở ra không gian phát triển rộng lớn hơn cho TPHCM. Sau khi sáp nhập, thành phố có dư địa lớn để chuyển dịch những ngành nghề không còn phù hợp đang tập trung ở vùng lõi. Đất đai nội thành hiện hữu sẽ được khai thác hiệu quả hơn với các ngành kinh tế phù hợp định hướng phát triển như kinh tế số, kinh tế xanh, tài chính, công nghệ...
TS Đoàn Anh Tú cho rằng, những năm gần đây, kinh tế TPHCM đang có dấu hiệu chững lại, giảm động lực để phát triển. Trong khi đó, TPHCM là đầu tàu kinh tế của cả nước nên sự chững lại của thành phố ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của đất nước. Do đó, mở rộng địa giới TPHCM lần này là một quyết định táo bạo, là giải pháp tạo động lực cho thành phố phát triển mạnh mẽ hơn, xứng đáng vị thế đầu tàu kinh tế.

Thiết kế: Đức Bình.