DNews

Có bằng thạc sĩ, cô gái Việt vẫn sẵn sàng tâm lý bị đuổi việc ở Trung Quốc

Tiến Bùi

(Dân trí) - Quyết định ở lại Trung Quốc để sinh sống và làm việc, Diệu Linh đã có những ngày dài nỗ lực vượt qua khối lượng công việc khổng lồ, tích lũy thêm nhiều trải nghiệm đáng quý.

Có bằng thạc sĩ, cô gái Việt vẫn sẵn sàng tâm lý bị đuổi việc ở Trung Quốc

Nguyễn Diệu Linh (SN 1996, Thanh Hóa) là cựu sinh viên chuyên ngành Kinh tế, Đại học Kinh tế Quốc dân. Cô sở hữu thành tích học tập ấn tượng như hai lần nhận học bổng toàn phần du học Trung Quốc, tốt nghiệp thạc sĩ ngành Tài chính tại Đại học Tài chính Kinh tế Trung ương Bắc Kinh…

Du học Trung Quốc đúng vào thời điểm dịch bệnh bùng phát

Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân, Diệu Linh trở về làm việc ở quê nhà và phát hiện số lượng khách du lịch Trung Quốc đến Sầm Sơn (Thanh Hóa) khá ổn định. Nhận thấy đây có thể là ngôn ngữ phổ biến trong tương lai, cô nàng sinh năm 1996 nảy sinh ý định học thêm tiếng Trung.

Nói là làm, Diệu Linh ngay lập tức quay trở lại Hà Nội, tìm hiểu về các loại học bổng toàn phần ở Trung Quốc và bắt tay vào thực hiện hồ sơ với hy vọng sẽ nhận được cơ hội trải nghiệm học tập, sinh sống ở đất nước tỷ dân.

Hành trình du học của Linh chưa bao giờ là dễ dàng khi mới đặt chân sang Trung Quốc được vài tháng cũng là lúc dịch bệnh Covid-19 bùng phát căng thẳng ở khắp mọi nơi.

Có bằng thạc sĩ, cô gái Việt vẫn sẵn sàng tâm lý bị đuổi việc ở Trung Quốc - 1
Có bằng thạc sĩ, cô gái Việt vẫn sẵn sàng tâm lý bị đuổi việc ở Trung Quốc - 2

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Diệu Linh cho biết: "Thời điểm đó, hầu hết các bạn du học sinh khác đều lựa chọn trở về nước tránh dịch, còn tôi vẫn phải ở lại hoàn thiện việc học còn dang dở.

Bản thân tôi đã mong muốn chinh phục mức học bổng thạc sĩ ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Quá trình chuẩn bị hồ sơ giữa mùa dịch Covid-19 diễn ra vô cùng khó khăn khi Chính phủ Trung Quốc liên tục phong tỏa các tỉnh thành, các điểm thi chứng chỉ ngoại ngữ đều đóng cửa".

Sau nhiều lần bị hủy bỏ, may mắn cuối cùng cũng "mỉm cười" với cô gái sinh năm 1996. Vượt qua quãng đường vài trăm kilomet, Diệu Linh đã tìm thấy một điểm tổ chức thi chứng chỉ tiếng Trung. Cô trở thành thí sinh duy nhất tham gia kỳ thi này và thành công chinh phục học bổng thạc sĩ tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Đối với Diệu Linh, khoảng thời gian khó khăn nhất có lẽ là lúc cô nàng gặp phải những áp lực về mặt tinh thần khi phải học tập trong suốt mấy năm dịch bệnh hoành hành. Linh không được ra ngoài, chỉ có thể học trực tuyến một mình trong ký túc xá vì trường học liên tục đăng thông báo bị phong tỏa vô thời hạn.

"Khi ấy, tôi là du học sinh Việt Nam duy nhất trong trường. Thật may mắn vì vẫn còn một số người bạn từ những quốc gia khác ở chung ký túc xá, chúng tôi đã an ủi và động viên nhau rất nhiều", Diệu Linh bộc bạch.

Diệu Linh phải học cách làm quen với sự vội vàng, ngột ngạt tại môi trường công sở Trung Quốc (Video: NVCC).

Lựa chọn du học vào những năm dịch Covid-19 bùng phát, tình hình kinh tế và thị trường việc làm không mấy khả quan, Diệu Linh cảm thấy khá lo lắng cho những dự định trong tương lai.

Ngay từ kỳ 1 của năm nhất, nữ sinh Thanh Hóa đã chủ động đi phỏng vấn xin việc theo nhiều hình thức khác nhau tại các công ty ở Bắc Kinh để rèn luyện kỹ năng và tìm kiếm cơ hội việc làm.

Đến năm hai thạc sĩ khi hoàn thành hết các môn học trên lớp và báo cáo đề tài luận văn, Diệu Linh đã thuyết phục giáo sư hướng dẫn cho phép đi thực tập nhằm trau dồi thêm kinh nghiệm thực tế.

Chỉ sau khoảng một năm vừa học, vừa thực tập, cô nàng sinh năm 1996 đã chính thức tốt nghiệp, được công ty thăng cấp lên vị trí chính thức và gắn bó làm việc cho tới thời điểm hiện tại.

Luôn sẵn sàng đón nhận việc bị đào thải bất cứ lúc nào

Đối với Diệu Linh, thị trường lao động Trung Quốc có tỷ lệ cạnh tranh và đào thải rất cao. Ngưỡng 35 là độ tuổi khó khăn nhất đối với những bạn trẻ Trung Quốc khi tới các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải… để tìm kiếm việc làm.

Cô cho biết, nhiều công ty đặt trụ sở tại các thành phố lớn ở Trung Quốc sẽ lựa chọn sa thải nhân viên ở độ tuổi 35 trở đi và tuyển người trẻ hơn vì nhiều lý do khác nhau. Chủ yếu là do các bạn trẻ chỉ cần được chi trả mức lương thấp nhưng lại cố gắng cống hiến và nhanh nhẹn nắm bắt tình hình hơn.

"Vào buổi sáng, có những đồng nghiệp vẫn còn thảo luận công việc cùng nhau nhưng buổi chiều, họ đã bị đàm phán bồi thường và nghỉ việc. Đa số họ đều bị sa thải bất ngờ, thủ tục rất nhanh gọn nên chúng tôi đều chuẩn bị trước tâm lý đón nhận", Diệu Linh nói thêm.

Có bằng thạc sĩ, cô gái Việt vẫn sẵn sàng tâm lý bị đuổi việc ở Trung Quốc - 3

Khung cảnh chen chúc đi một tuyến tàu điện ngầm ở Bắc Kinh, Trung Quốc.

Những ngày đầu mới đặt chân tới thủ đô Bắc Kinh, Diệu Linh từng bị một số đồng nghiệp bản địa đối xử khác biệt. Tuy nhiên, cô nghĩ đây là một trong những thử thách mà nhiều bạn trẻ khi sang nước ngoài học tập và sinh sống đều sẽ phải trải qua.

"Tôi nhận ra, đôi khi cũng nên cảm ơn những trải nghiệm hơi buồn như vậy vì đã giúp bản thân rèn luyện được nhiều kỹ năng sống và cách xử lý tình huống phù hợp lúc sinh sống ở một đất nước xa lạ", Diệu Linh tâm sự.

Sau hơn 3 năm sinh sống tại Trung Quốc, Diệu Linh nhận thấy mức sinh hoạt ở Bắc Kinh tương đối cao so với nhiều thành phố khác và chủ yếu đắt đỏ do tiền thuê nhà.

Để tiết kiệm chi phí sinh hoạt, cô phải lựa chọn thuê nhà ở khu vực ngoại thành, cách xa công ty và mất khoảng 3 tiếng để di chuyển giữa các điểm.

Về ăn uống và giao thông, công ty của Linh có những khoản trợ cấp nhất định. Ngoài ra mỗi tháng, Linh sẽ cân đối chi tiêu bằng cách nhận dạy kèm gia sư ngoại ngữ trực tuyến nhằm kiếm thêm thu nhập phụ, phục vụ cho những sở thích cá nhân.

Có bằng thạc sĩ, cô gái Việt vẫn sẵn sàng tâm lý bị đuổi việc ở Trung Quốc - 4
Có bằng thạc sĩ, cô gái Việt vẫn sẵn sàng tâm lý bị đuổi việc ở Trung Quốc - 5
Có bằng thạc sĩ, cô gái Việt vẫn sẵn sàng tâm lý bị đuổi việc ở Trung Quốc - 6

Diệu Linh cho biết, gần đây, các doanh nghiệp Trung Quốc ở mọi ngành nghề dần dịch chuyển hướng sang khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, để tìm kiếm cơ hội phát triển. Đa số các công ty này đều cần nguồn lao động vừa thành thạo tiếng Trung, vừa am hiểu văn hóa của nước bản địa. Đây chính là "thời điểm vàng" dành cho các bạn du học sinh đang muốn tìm kiếm việc làm ổn định.

Trung Quốc vẫn là nước đang phát triển nhưng mức thu nhập hiện tại chưa thực sự cao. Bù lại, Diệu Linh nhận về những trải nghiệm thú vị, được tìm hiểu nhiều nét văn hóa mới, sống một cuộc sống tự do và ngày càng trở nên tích cực hơn.

Nhắc về những dự định trong tương lai, Diệu Linh tiết lộ, bản thân cô mong muốn dành nhiều thời gian nỗ lực làm việc, trau dồi khả năng ngoại ngữ và chăm chỉ xây dựng kênh TikTok cá nhân giúp mọi người có cái nhìn rõ nét hơn về cuộc sống của một nhân viên ngoại quốc ở đất nước tỷ dân.

Ảnh: NVCC