(Dân trí) - Thưởng tiền triệu, tăng lương, tặng tiền cho người giới thiệu nhân viên mới… làm đủ mọi cách nhưng các doanh nghiệp ở TPHCM, Bình Dương vẫn không giữ chân được người lao động bỏ việc về quê.
Tặng tiền, tăng lương... công nhân TPHCM vẫn quyết nghỉ, bỏ phố về quê
(Dân trí) - Thưởng tiền triệu nếu ở lại làm việc, tăng lương, tặng tiền cho người giới thiệu nhân viên mới… làm đủ mọi cách nhưng các doanh nghiệp ở TPHCM và Bình Dương vẫn không giữ chân được người lao động bỏ việc về quê.
"Chắc hai vợ chồng xin nghỉ luôn, không dám lên lại thành phố nữa, tăng lương hay cho tiền cũng vậy" - chị Hà Thị Nam (30 tuổi), công nhân một công ty ở Quận 7, chia sẻ khi đang trong khu cách ly tập trung tại Trà Vinh, sau khi rời TPHCM từ đêm 30/9.
Tăng lương, thưởng tiền triệu vẫn… nghỉ
Để về được với quê nhà, cách Sài Gòn chỉ khoảng 130 km, vợ chồng chị Nam mất 2 ngày, vượt hơn 10 chốt kiểm soát ở của các địa phương trên đường, từ TPHCM qua Long An, Tiền Giang, Bến Tre.
Trải qua mấy tháng khó khăn cầm cự ở thành phố, gia đình chị Nam tính ở lại quê luôn, dù cuộc sống túng thiếu hậu Covid-19 có thể nhìn thấy trước mắt. Nguyên nhân chính để họ chọn không lên lại Sài Gòn làm việc nữa, theo chị Nam, vì không cảm thấy an toàn.
"Cách ly xong, tụi tôi sẽ xin vào khu công nghiệp Long Đức (Trà Vinh) làm. Dù lương thấp nhưng sáng đi chiều về nhà, không phải trả tiền trọ, chắc vẫn lo được cho con. Trên Sài Gòn không biết khi nào mới hết dịch" - chị Nam nói.
Mấy ngày trước, anh Minh Cảnh (28 tuổi), vừa được quản lý từ công ty Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân, TPHCM) mời trở lại làm việc nhưng anh đã từ chối.
3 tháng nay vẫn nhận được trợ cấp từ bảo hiểm thất nghiệp hơn 4 triệu đồng/tháng, nếu chịu khó tiết kiệm, anh Cảnh không đến nỗi thiếu ăn. Tuy nhiên vì vợ và con gái 8 tháng tuổi của anh đã về quê, bản thân phải trải qua nỗi sợ có thể nhiễm bệnh bất cứ lúc nào suốt mấy tháng nay nên lúc này, anh chỉ mong được về nhà, đoàn tụ gia đình.
"Ở quê tôi có vợ con, gia đình, thiếu thốn mấy cũng sống được. Tôi sẽ chờ ngày dịch ổn hơn để lo nốt thủ tục" - anh Cảnh cho biết.
Đó là 2 trong số hàng ngàn trường hợp người lao động tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long rời các tỉnh Đông Nam Bộ gần đây. Dòng người về quê "chảy" ồ ạt ngay khi nhiều địa phương nơi tập trung đông công nhân tứ xứ nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch.
"Bình thường mới", vốn tưởng là tín hiệu lạc quan cho công cuộc khôi phục kinh tế lại đúng là thời điểm doanh nghiệp phải lo chuyện thiếu hụt lao động trở lại sản xuất.
Ông Trương Chí Thiện, CEO Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (TPHCM) cho biết, doanh nghiệp có khoảng hơn 400 công nhân. Kinh doanh mặt hàng thực phẩm thiết yếu, đặc biệt là trứng gia cầm, trong mùa dịch, khi nhiều doanh nghiệp lao đao, công ty vẫn hoạt động ổn định.
Thời điểm thực hiện sản xuất theo nguyên tắc "3 tại chỗ", có 20% công nhân xin nghỉ việc vì lý do gia đình. Sau một thời gian "rơi rụng dần" trong quá trình sản xuất, Vĩnh Thành Đạt mất 40% nhân lực.
Với các lao động còn ở lại nhà máy, để khuyến khích tinh thần, công ty tăng phúc lợi, hỗ trợ ăn uống, đồng thời treo thưởng 3 triệu đồng cho những ai chấp nhận làm việc xuyên suốt thời điểm giãn cách.
Tuy nhiên khi TPHCM vừa bắt đầu bình thường mới, hàng loạt đơn xin nghỉ việc của lao động được nộp lên. Chỉ riêng ngày 1/10, doanh nghiệp ghi nhận ít nhất 8 trường hợp. Sau khi ra sức thuyết phục, họ giữ được 3 người.
"Chúng tôi vừa phải vận động người đã nghỉ việc trở lại, ngoài ra phải chú ý đến số lao động đang làm nhưng có tâm lý muốn đi về. Tình hình nhân sự rất căng" - ông Thiện nói.
Lý giải về tình trạng trên, ông Thiện nhìn nhận, tâm lý của người lao động muốn về có từ trước nhưng vì di chuyển mùa dịch khó khăn mà phải ở lại. Công nhân sau một thời gian làm việc xa gia đình nên rất nhớ quê hương. Ngoài ra, vì tình hình dịch phức tạp, kéo dài cũng khiến họ e ngại ở lại TPHCM.
Lo sợ mất lao động vào tay các doanh nghiệp khác, cũng đang thiếu hụt lực lượng sản xuất, ngày 1/10, Vĩnh Thành Đạt thông báo tăng lương. Ban lãnh đạo công ty cũng ban hành chính sách thưởng tiền cho người giới thiệu lao động mới vào ký hợp đồng chính thức.
Mọi nỗ lực đến giờ này mới chỉ giúp công ty "trám" được 70% nhu cầu nhân lực.
"Điều chỉnh lương là điều bắt buộc, không còn cách nào khác, nếu không, chúng tôi sẽ bị các nơi khác giành giật và mất lao động, nhất là lao động phổ thông" - Ông Thiện nhận định.
Khi nào khôi phục kinh tế?
Ông Đặng Quang Duẩn, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Apparel Far Eastern chuyên về lĩnh vực may mặc (có trụ sở tại Bình Dương) cho biết, vào tháng 11 tới, công ty dự kiến sẽ trở lại sản xuất như bình thường. Hiện tại, thiếu lao động đang là mối lo lớn vì công ty chỉ còn 30% công nhân làm việc "3 tại chỗ".
Theo ông Duẩn, với 70% nhân sự đang tạm nghỉ, công ty vẫn duy trì chi trả mức hỗ trợ mùa dịch là 50% lương tối thiểu vùng (khoảng 2,1 triệu đồng/tháng). Nơi này cũng tăng cường khảo sát tình hình, tâm tư nguyện vọng của công nhân nhằm có biện pháp giữ chân, để họ có thể trở lại làm việc.
Qua thống kê của công ty, số lượng người lao động về quê chủ yếu ở các tỉnh gần như Long An, Tiền Giang, các trường hợp có việc gia đình, thai sản… Còn lại, lượng lớn công nhân xa quê vẫn ở lại Bình Dương mùa dịch. Thu nhập giảm mà vẫn phải trang trải tiền sinh hoạt, tiền trọ suốt nhiều tháng, mức hỗ trợ từ địa phương có hạn nên các khoản tiết kiệm của nhiều gia đình gần như đã cạn.
Ông Duẩn chia sẻ, có nhiều khó khăn cho doanh nghiệp lẫn lao động tại Bình Dương nếu muốn trở lại sản xuất. Chẳng hạn như vấn đề di chuyển, dù nói là "bình thường mới" nhưng thực tế, công nhân ra đường, đi làm vẫn phải kiểm tra giấy tờ khá gắt, không dễ dàng khi đến công ty hay trở về nhà.
"Ngành may cần lao động có tay nghề, tình hình này ảnh hưởng rất nhiều đơn hàng của nhà máy. Chúng tôi đang lo khi ổn định sản xuất, không biết tuyển đâu ra người" - ông Duẩn bày tỏ.
Trao đổi với Dân trí, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) thừa nhận, việc người lao động bỏ việc về quê là áp lực rất lớn mà doanh nghiệp phải đối mặt hậu Covid-19.
Phân tích về thực trạng trên, ông Dũng chia người lao động làm 3 nhóm:
Thứ nhất là người lao động có trình độ cao như tại Khu công nghệ cao TPHCM. Nhóm này thành phố vẫn giữ chân rất tốt và hiện vẫn đảm bảo hơn 80% nhân sự.
Thứ hai là nhóm lao động kỹ thuật, có tay nghề ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Nhóm này trình độ trung bình, vẫn ở quanh nơi làm việc chứ không đi xa nên vẫn còn khoảng 50% (như TPHCM còn khoảng 140.000/288.000 lao động). Trong thời gian tới, khi có các điều kiện thuận lợi, họ chắc chắn sẽ quay lại làm việc.
Cuối cùng là nhóm lao động phổ thông. Đây là lực lượng đông nhất và cũng nghỉ việc nhiều nhất. Nguyên nhân, trong thời gian qua, những người lao động này đã quá khổ và hoảng loạn vì dịch bệnh.
Khi đã cùng cực, tâm lý cơ bản của nhiều người Việt sẽ nghĩ đến nơi còn lại để dựa vào là gia đình. Sau đại dịch, dù họ có trở lại làm việc nhưng mức thu nhập cũng chưa thể đảm bảo để cải thiện cuộc sống ngay. Do đó các doanh nghiệp dù tìm cách vận động cũng trong chừng mực nhất định.
Theo ông Dũng, một bộ phận các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực buôn bán, cửa hàng, trung tâm thương mại… chủ yếu sử dụng lao động nữ. Tuy nhiên trong tình hình hiện tại, khi trẻ em chưa được đến trường mà phải học trực tuyến, phụ nữ vẫn ở nhà lo chuyện gia đình, chăm sóc con cái, dạy học… nên khó có thể quay trở lại làm việc.
"Giới chuyên gia dự báo, không dưới 2 năm nữa mới có thể nghĩ đến việc các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục kinh tế như trước khi có dịch" - Chủ tịch HUBA nói.