1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Lúc khủng hoảng, doanh nghiệp lo nhân viên "dứt áo ra đi"

Hoài Nam

(Dân trí) - Trước đó đã có ý định thay đổi công việc, đến khi công ty giảm lương "sốc", thu nhập chỉ còn một nửa, Trần Ngọc Vy quyết định "ra đi".

Sau giảm lương là "nhảy việc"

Trần Ngọc Vy, làm việc cho công ty truyền thông M. tại TPHCM cho biết, cách đây 3 tháng, công ty cô giảm lương chỉ còn chưa đến 50% so với trước, vỏn vẹn 5,5 triệu đồng, chỉ đủ cô chi trả tiền phòng trọ.

Ngay sau khi quyết định giảm lương của công ty được thực thi, một số người nản chí, lo lắng, thấy không có tương lai nên đã "nhảy ngang" khi có cơ hội. Ngọc Vy cũng là một trong số đó, cô chuyển sang chỗ mới từ giữa tháng 9.

Lúc khủng hoảng, doanh nghiệp lo nhân viên dứt áo ra đi - 1

Giảm lương, doanh nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng nhân sự nhảy việc (Ảnh minh họa).

Cô gái trẻ cho biết, cô đã có ý định thay đổi công việc trước đó, khi thấy môi trường nơi mình gắn bó 3 năm không còn phù hợp, bản thân bị trì trệ, không còn nhiều động lực, sáng tạo. 

Khi dịch Covid-19 bùng phát, làm việc tại nhà, Vy có thời gian suy nghĩ, xem xét lại mọi thứ, xác định phải thay đổi để phát triển, làm mới mình chứ không thể chần chừ thêm được nữa. 

Ngọc Vy nói: "Trong điều kiện bình thường, nhảy việc chỉ là chuyện nhỏ. Tuy nhiên lúc này, đó là một quyết định vô cùng khó khăn. Tìm được việc mới không hề dễ dàng và đặc biệt là mình mang cảm giác áy náy của người "bỏ nhau khi hoạn nạn".

Nhân sự xuống tinh thần, làm việc cầm chừng, có ý định ra đi, thậm chí nhảy việc ngay là vấn đề không ít doanh nghiệp đang phải đối mặt sau quyết định cắt, giảm lương vì tác động của dịch bệnh. 

Chị Trần Lệ Thủy, quản lý nhân sự tại một doanh nghiệp tài chính ở TPHCM chia sẻ: Đầu tháng 8 vừa rồi, lãnh đạo công ty ra thông báo giảm 40% lương. 

Ngay sau đó, công ty phải chứng kiến hiệu quả làm việc của nhân viên sụt giảm trông thấy, nhiều người lên dây cót tinh thần để thay đổi.

Một số người nếu đã có dự định chuyển việc từ trước thì thời điểm giảm lương lúc này chính là chất xúc tác để họ "chốt hạ", đi đến quyết định thay đổi. Một số trường hợp khác cũng bắt đầu thăm dò thị trường lao động để tìm cơ hội mới. 

Đau đầu bài toán "giảm lương, giữ người"

"Dìu nhau đi qua khó khăn" là thông điệp được nhắc nhiều giữa doanh nghiệp và người lao động lúc này. Nhưng thực tế không lung linh như lý thuyết, không ít doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhân sự cũng như nhiều nhân sự chọn "dứt áo ra đi" lúc khó khăn. 

Lúc này mọi thứ biến chuyển, nhiều người nghiêm túc nhìn lại con đường nghề nghiệp của mình, thấy cần phải thay đổi, đột phá. Có thể nói, quyết định giảm lương từ công ty như là "đòn bẩy" đối với nhiều người để họ dứt khoát trước các lựa chọn.

Lúc khủng hoảng, doanh nghiệp lo nhân viên dứt áo ra đi - 2

Chuyên gia quản trị nhân sự Phan Sơn cho rằng, khi giảm lương, doanh nghiệp cần đối diện với những phản ứng không mong muốn từ người lao động.

Nhiều lĩnh vực cắt giảm nhân sự vì dịch bệnh nhưng cạnh đó, giữ chân nhân sự trong thời điểm khó khăn, chờ ngày hoạt động trở lại là bài toán đau đầu của không ít doanh nghiệp hiện nay, ngay cả với những công ty, tập đoàn lớn. 

Tại một hội thảo trực tuyến về quản trị nhân sự, duy trì hiệu suất trong bối cảnh "làm việc từ xa" mới đây, đại diện hàng hoạt doanh nghiệp chia sẻ băn khoăn chung: Làm thế nào để giữ được người, giữ được tinh thần làm việc của nhân sự khi vì điều kiện, buộc phải cắt giảm lương, có thể giảm đến 50% vì tác động của dịch bệnh?

Ông Phan Sơn, Giám đốc chuyên môn Học viện HRD Academy khuyến cáo, trước thực tế quá khó khăn, doanh thu sụt giảm, nhiều doanh nghiệp buộc phải tối ưu các chi phí. Biện pháp cuối cùng nhiều nơi phải tính đến là cắt giảm lương.

Cơ hội đánh giá nhân sự phù hợp

"Doanh nghiệp cũng phải chấp nhận khi giảm lương sẽ có người phản ứng, không bằng lòng. "Gian nan mới biết lòng người", đây cũng là cơ hội để lãnh đạo xem ai là người phù hợp có thể đồng hành cùng doanh nghiệp", chuyên gia quản trị nhân sự Phan Sơn

Đi cùng với việc giảm lương, mỗi người sẽ có chia sẻ, phản ứng khác nhau. Nhưng nhìn chung khó tránh được việc tinh thần của nhân viên giảm sút, có cả những băn khoăn, hoang mang.

"Không có biện pháp nào tốt nhất khi giảm lương. Chỉ có cách giảm mức độ phản ứng để nhân viên cùng thông cảm, chia sẻ", ông Phan Sơn khẳng định.

Chuyên gia quản trị nhân sự này phân tích, câu chuyện nào cũng có gốc rễ. Trước hết cần xem doanh nghiệp trước đây đối xử với nhân sự thế nào, có thật sự giúp họ thấy mình là một thành viên của doanh nghiệp chưa?

Lúc khủng hoảng, doanh nghiệp lo nhân viên dứt áo ra đi - 3

Truyền thông tốt trước khi giảm lương là cách chống "sốc" cho nhân viên (Ảnh minh họa).

Đặc biệt, doanh nghiệp cần có phương án, kịch bản cụ thể trước các quyết định. Cho mọi người thấy kịch bản kinh doanh của công ty, ví dụ như giãn cách 2 tuần, 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng... thì sẽ có các phương án A, B, C tương ứng. Trong đó, có thể phải tính đến những giải pháp không hề dễ chịu như giảm lương 30% hay 50%. 

Lúc này, doanh nghiệp cần đẩy mạnh truyền thông nội bộ, lãnh đạo cần chia sẻ để người lao động hiểu đây là phương án cuối cùng trong tình cảnh hiện nay để mọi người đồng lòng, cùng vượt qua thời điểm khó khăn.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận vấn đề ở một khía cạnh khác, việc nhân viên tìm những cơ hội mới, thu nhập cao hơn là quy luật trên thị trường lao động. "Buông tay" nhau có khi cũng chính là cơ hội để mỗi bên thanh lọc, sắp xếp lại mọi thứ.