DMagazine

"Ông tổ" xứ trầm trăm tỷ

(Dân trí) - Cụ Ánh được biết đến là một trong những người đầu tiên mang nghề xoi dó tìm trầm về xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Nhờ công lao của cụ, vùng quê này đổi thay, người dân có cuộc sống ấm no.

Ông tổ xứ trầm trăm tỷ - 1

Trên con đường dẫn vào xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) - nơi được mệnh danh "thủ phủ" trầm hương, rộn ràng tiếng đục đẽo. Xen lẫn trong thứ âm thanh ấy, mùi hương trầm phảng phất theo gió tạo nên thứ cảm giác bình yên, cuốn hút chỉ có ở xứ trầm.

Trong ngôi nhà cấp bốn được bao bọc bởi màu xanh cây dó bầu (hay còn được gọi là cây dó trầm, trầm dó, trầm hương), cụ Đinh Công Ánh (SN 1928) đang miệt mài hướng dẫn thế hệ trẻ xoi trầm. Xuân này, cụ Ánh bước sang tuổi 97, mái tóc bạc trắng như cước nhưng đôi mắt vẫn còn tinh anh, thân hình rắn chắc.

Cụ Ánh được biết đến là một trong những người đầu tiên mang nghề xoi dó tìm trầm về Phúc Trạch. Chứng kiến những thăng trầm của một làng nghề đi lên từ nghèo khó, bao năm nay, nhiều người biết đến cụ với cái tên "ông tổ" làng nghề trầm hương. 

Ông tổ xứ trầm trăm tỷ - 3

"Ở đâu không biết, nhưng riêng vùng này, đặt chân đến đã thấy bình yên, tâm hồn thư thái vì có mùi hương đặc biệt", cụ Ánh mở đầu câu chuyện.

Trong hồi ức của cụ Ánh, mảnh đất này trước đây được ví là vùng đất "khó" vì mùa nắng khô khốc, mùa mưa lũ ngập trắng đồng. Riêng cây dó bầu mọc rải rác khắp vùng, cứ xanh tốt, vươn mình hiên ngang, tạo bóng mát che chở cho dân làng.

Trồng lúa năm hai vụ chẳng đủ ăn, thời điểm "gạo châu củi quế" (gạo quý như ngọc trai, củi quý như quế), không ít gia đình chặt bỏ cây dó bầu làm củi, đổi gạo về dùng. 

Năm 1980 được xem là dấu mốc khai sinh nghề trầm hương ở Phúc Trạch. Ngày ấy, khi thấy nhiều người ở Huế đến địa phương này thu mua cây dó bầu được lấy từ rừng sâu, cụ Ánh bàn với vợ cùng lên rừng săn lùng.

Thời đó, cụ Ánh từng tham gia chiến trường nên hiểu rõ địa thế khu vực rừng núi Trường Sơn. Nơi nào "tiềm năng" có nhiều cây dó bầu trăm năm, nghìn năm giữa rừng, cụ cùng vợ tìm đến. 

Tay cầm cưa, chân mang dép cao su, cứ thế đôi vợ chồng nghèo cùng lội bộ vào rừng. Cụ Ánh nói, cây dó bầu lúc này trở thành loài cây có giá trị rất lớn, xếp vào tốp "quý như vàng".

Ông tổ xứ trầm trăm tỷ - 5

Lúc đó, người dân đổ xô đi tìm cây dó bầu tự nhiên, nhộn nhịp cả khu rừng. Cánh rừng nguyên sinh dần in đậm bước chân phu trầm. Nhưng để lấy được trầm từ cây dó bầu, không phải là điều dễ dàng, mà đòi hỏi có kỹ năng cùng đôi tay khéo léo và sự may mắn.

Vượt qua những khu đồi cao thăm thẳm, khuất sâu, cụ Ánh tìm những gốc cây dó bầu cổ thụ trên trăm tuổi để đục trầm. Nhưng kinh nghiệm chưa có, bàn tay cầm đục cũng chưa thuần thục, nên đành chặt nguyên gốc mang về nhập cho thương lái. 

"Ngày đầu đi lên rừng kiếm được gốc dó bầu, nhưng không biết cách khai thác trầm bên trong. Mãi sau này thấy một người dân ở Huế đục trầm, từ đó vợ chồng học dần, tiếp tục lại mang hành trang vào rừng", cụ Ánh nhớ lại.

Học hỏi được cách xoi, đục trầm trong lõi cây dó bầu, trong đầu cụ Ánh bắt đầu nghĩ đến việc tìm nguồn xuất bán hàng. Bởi cụ hiểu, khi khai thác hết nguyên liệu từ rừng, giá trị kinh tế từ trầm hương sẽ không còn.

Ông tổ xứ trầm trăm tỷ - 7

Cứ thế, cụ Ánh miệt mài trên chiếc xe đạp cũ đi khắp vùng bắt đầu mua cây dó bầu về chế tác trầm. Tiếng đục đẽo, tiếng cưa tay văng vẳng trong ngôi nhà nhỏ, có những hôm xuyên đêm để tạo ra sản phẩm từ trầm.

Tiếng lành đồn xa, tay nghề của cụ Ánh nổi tiếng khắp vùng, nhiều người đến học tập và được cụ cầm tay chỉ việc. Làng trầm cũng phất lên từ đó, người người nhà nhà trồng, chế tác đồ mỹ nghệ từ trầm… 

Ngày đó, trầm "lên đời", nhà cụ Ánh lúc nào cũng đông đúc, xưởng có nhiều người làm việc. Những sản phẩm từ trầm được cụ Ánh khéo léo làm, đóng gói đưa vào Nam, ra Bắc để tiêu thụ.

Ông tổ xứ trầm trăm tỷ - 9

Nhắc đến ngày quyết định gắn bó với trầm, đưa nghề đẽo trầm về làng, đôi mắt cụ Ánh sáng bừng. Cụ cho biết, ngày đó chọn làm trầm, trồng trầm và truyền nghề cho lớp trẻ là quá đúng đắn. Bởi, không ít câu chuyện được truyền tai về việc đi tìm trầm trong núi có nhiều người phải bỏ xác nơi rừng sâu, núi thẳm, nhưng cụ cùng người ở làng vẫn quyết theo đuổi.

"Nhiều người truyền tai câu "ngậm ngải tìm trầm", ngày trước đúng như vậy. Bởi con đường vào rừng đi rất khó khăn, vì vừa phải chống chọi với thú rừng, nước độc trong suốt hành trình tìm kiếm trầm hương", cụ Ánh tâm sự.

Theo cụ Ánh, không phải gốc dó bầu nào cũng có trầm, bởi có những gốc to, nhưng tìm mỏi mắt cũng không thấy miếng trầm nào. Trầm được tạo thành từ trong vết thương, từ nơi bị sâu đục. Đó là nhựa cây dó bầu bị tác động bởi con người hay điều kiện tự nhiên sẽ tự tạo ra chất tự chữa lành. Trải qua đau thương, thử thách, những giá trị đó tạo ra tinh túy, hương vị của đất, của trời - đó là trầm hương.

Ông tổ xứ trầm trăm tỷ - 11

"Trầm hương vốn dĩ được kết tinh từ trong đau thương của cây dó. Có thể là vị trí cành bị gãy, đạn bắn trúng hay nơi bị sâu, kiến đục…, nhựa cây dó qua thời gian tạo thành trầm. Bởi lẽ đó, nhiều người nói trầm hương tựa như hơi thở của đất trời, của hương gió tạo thành, ở đó ẩn chứa câu chuyện sự sống và sự hồi sinh", cụ Ánh bồi hồi. 

Khoảng 10 năm nay, khi đôi tay dần yếu, cụ Ánh lùi về sau để con cháu trong nhà phát triển nghề. Dù "giải nghệ" từ lâu, song, bàn tay cụ vẫn thoăn thoắt hướng dẫn cách đục, gạn trầm.

Cụ Ánh cho biết, để lấy được trầm, thông thường phải qua nhiều công đoạn gồm: đẽo phá, xổ phá, ép sát và xổ gạn (tỉa sạch). Trong đó, xổ gạn là công đoạn khó nhất. Làm nghề này cần có đôi tay dẻo dai và đôi mắt tinh tường. Mỗi lần đục trầm, người thợ phải tập trung cao độ, bởi chỉ cần sơ sẩy dẫn đến thất thoát trầm hương.

"Trồng loài cây này thì dễ, nhưng để tạo ra trầm hương lại cực kỳ khó. Giờ người dân đục lỗ tạo trầm trên cây nhưng cũng cần phải có kỹ năng. Bởi không ít người làm không đúng kỹ thuật khiến cây bị chết. Từ lâu, trầm luôn có giá trị lớn, được mệnh danh là nơi hội tụ linh khí đất trời, giúp mang lại bình yên và may mắn cho gia chủ. Giờ tôi nghỉ làm rồi, hai người con nối nghiệp, vẫn mong thương hiệu trầm Phúc Trạch sẽ vươn ra thế giới", cụ Ánh trải lòng.

Ông tổ xứ trầm trăm tỷ - 13

Làng Phúc Trạch đang chuyển mình, từ những ngôi nhà mái ngói khiêm tốn nay đang dần đổi thay. Nhiều gia đình tậu xe hơi, làm nhà cao tầng. Hơn hết, họ giữ nghề và truyền nghề, từ đó tạo nên giá trị kinh tế hiếm vùng quê nào đạt được.

Đất ở Phúc Trạch được ví như "kho báu" bởi có sự kết nối giữa con người với thiên nhiên. Đó là những gốc dó bầu được nghệ nhân đục, tạo vết thương qua thời gian hội tụ có nắng hè, mưa phùn gió bấc tạo nên "tinh hoa của đất trời".

Ông Trần Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch, đánh giá rằng, trong nghề chế tác trầm ở địa phương, cụ Đinh Công Ánh là một con người đặc biệt. Theo ông Khánh, ngày trước, nghề xoi dó tìm trầm như thủy triều biển, lúc lên, lúc xuống nhưng cụ Ánh vẫn duy trì. Đặc biệt, cụ còn truyền đạt cho bà con kiến thức về giá trị, nghề trầm cho họ.

"Từ đó, người dân mới nghe theo, duy trì nghề trồng, chế tác trầm và có cuộc sống thay đổi, ấm no như ngày hôm nay. Còn trong cuộc sống, cụ Ánh luôn chan hòa, mẫu mực, là một tấm gương sáng cho con cháu và mọi người", Chủ tịch xã Phúc Trạch nói.

Ông tổ xứ trầm trăm tỷ - 15

Nội dung: Dương Nguyên

Thiết kế: Tuấn Huy