DMagazine

Những chuyện "độc nhất vô nhị" ở phiên chợ trâu, bò

(Dân trí) - Tại phiên chợ trâu, bò, việc mua bán diễn ra đơn giản, song cũng rất độc lạ. Giá cả được hai bên thỏa thuận với nhau bằng thứ tiếng lóng như "mật ngữ" và nếu đồng ý, người bán sẽ đập tay chốt giá...

4h sáng, con đường đến chợ Nhe, ở xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh bỗng trở nên náo nhiệt. Vượt quãng đường hơn 20km, ông Hồ Phúc Mẫu (45 tuổi, trú tại thôn Ích Hậu, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) có mặt tại đây từ rất sớm.

Ánh đèn, tiếng còi inh ỏi từ chiếc xe máy kéo của ông Mẫu len lỏi tìm vị trí trong chợ để "xí chỗ" xé tan màn đêm tĩnh mịch. Rồi từng đoàn phương tiện khác, trong đó có không ít ô tô mang biển số ngoại tỉnh cũng nối đuôi nhau đổ về chợ.

Ông Hồ Phúc Mẫu cũng như những lái buôn khác mang đến chợ Nhe một món hàng rất đặc biệt. Đó là trâu và bò.

Những chuyện độc nhất vô nhị ở phiên chợ trâu, bò - 1

Bình minh ló rạng, một ngày mưu sinh của những lái buôn tại chợ Nhe bắt đầu. Cánh cửa xe tải, xe kéo mở ra, những người chủ buôn lùa gia súc xuống. Tiếng kêu rống của trâu, bò, giọng lái trâu giới thiệu về con vật của mình, tiếng người mua bình xét về tướng mạo món hàng rồi ngã giá... tạo nên bầu không khí huyên náo cả một khoảnh sân rộng khoảng 2.000m2.

"Chợ Nhe mua bán trâu, bò có từ bao giờ?". Câu hỏi của vị khách lạ khiến ông Hồ Phúc Mẫu cũng như những lái buôn khác có mặt ở đây khá lúng túng, khó thống nhất với một con số cụ thể. Có người nói phiên chợ có cách đây hơn 100 năm. Một số lái buôn địa phương thì cho biết, chợ Nhe xuất hiện khoảng 60 năm về trước, trong thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

Dù chưa rõ thời điểm xuất hiện cụ thể, song chợ Nhe là điểm giao thương trâu, bò lớn nhất Hà Tĩnh thì ai cũng xác nhận. Ngoài giới buôn trong vùng, người tứ xứ cũng nghe danh của chợ mà tìm đến. Họ có thể từ Nghệ An sang, Quảng Bình ra, thậm chí có người đến từ các tỉnh Tây Bắc như Lào Cai, Lạng Sơn…

Một điểm đặc biệt là phiên chợ này chỉ họp vào các ngày chẵn là mùng 2, 12, 22 và những ngày lẻ mùng 7, 17, 27 Âm lịch trong tháng. Mỗi phiên kéo dài từ sáng sớm đến khoảng 10h là tan chợ.

Những chuyện độc nhất vô nhị ở phiên chợ trâu, bò - 3

Những người đến chợ Nhe để mua trâu, bò thường truyền nhau kinh nghiệm dân gian rằng, tránh những con "Đầu tang, xoáy tóc, hàm sà/Trong ba thứ ấy cửa nhà ra đi" và nhắm chọn những con "Mồm gầu dai, tai lá mít, đít lồng bàn".

Và cũng tùy thuộc vào mục đích mua con vật về làm thịt hay nuôi, mỗi người sẽ có cách lựa chọn khác nhau.

Việc mua bán diễn ra đơn giản, song cũng rất độc lạ. Giá cả sẽ được hai bên thỏa thuận với nhau bằng thứ tiếng lóng như "mật ngữ" nhằm giữ kín với nhau.

Số 1 đến 10 sẽ được thống nhất bằng các từ lần lượt: Chách, lái, thâm, chớ, kèo, mục, tháp, bét, khươm, nạp. Còn 500.000 đồng được gọi là "kẹo", 20 triệu đồng là "bị chục"…

"Ví dụ mua một con bò giá 11 triệu đồng thì ghép hai chữ thành nạp chách, con 22 triệu đồng là bị chục lái", thương lái Hồ Phúc Mẫu bật mí. Nếu đồng ý mức giá trả, người bán sẽ đập tay. Sau khi giao đủ tiền, con vật sẽ được đưa lên xe chủ mới ra về.

Những chuyện độc nhất vô nhị ở phiên chợ trâu, bò - 5

Những phiên chợ gần đây, ông Hồ Phúc Mẫu thường mang đến 4 con bê từ 4-5 tháng tuổi. Đứng suốt hơn 2 tiếng đồng hồ "quảng cáo", người đàn ông 45 tuổi này đã giao dịch thành công một con.

Ông Mẫu đã mưu sinh tại chợ Nhe được hơn 20 năm. "Tôi đi theo cha đến đây bán trâu, bò từ nhỏ đến nay. Con trai tôi cũng đã 2 năm theo tôi làm nghề này, giờ cháu 18 tuổi. Nhà tôi như vậy có 3 thế hệ buôn bán trâu, bò tại chợ Nhe rồi", ông Mẫu chia sẻ.

Theo người đàn ông này, con vật được đưa đến chợ Nhe sẽ dễ bán hơn là chờ khách đến nhà. Bởi nơi đây nhiều người có nhu cầu, việc mua bán lại diễn ra nhanh, không thách giá cao, được sẽ bán, không thì mang về chờ phiên chợ sau.

Phiên chợ ngày 2/7, bà Nguyễn Thị Dung (47 tuổi, trú tại xã Phú Lộc, huyện Can Lộc) bán được một con bò giá 11 triệu đồng. "Con bò này tôi mua 10 triệu đồng rồi mang đến chợ bán. Như vậy là tôi có lãi 1 triệu đồng", bà Dung hồ hởi nói.

Bà Dung là nữ thương lái buôn trâu, bò duy nhất ở chợ Nhe. Hơn 10 năm trước, bà theo chồng đến chợ để hỗ trợ buôn bán. "Ngày đó tôi thấy buôn trâu, bò có lãi nên cũng thử làm. Ai ngờ gắn bó với nghề này đến giờ", bà nói.

Những chuyện độc nhất vô nhị ở phiên chợ trâu, bò - 7

Cứ thế, công việc vốn chỉ dành cho nam giới này trong suốt hơn một thập kỷ qua đã giúp bà nuôi 3 con gái và một con trai ăn học nên người.

Trong ký ức của ông Mẫu, bà Dung và các lái buôn, chợ Nhe ngày trước người đông nườm nượp. Mỗi phiên, người ta mang đến 400-500 con trâu, bò.

Còn mấy năm gần đây, đặc biệt là trong hơn 2 năm ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, chợ không được họp phiên thường xuyên vì hạn chế tập trung đông người. Cũng trong khoảng thời gian đó, con vật ít đi và người mua, kẻ bán cũng giảm hẳn. Thời gian qua, dịch Covid-19 đã được kiểm soát, những thương lái buôn trâu, bò có tuổi nghề trên dưới chục năm tại chợ Nhe và người trong vùng lại đều đặn tìm đến chợ.

Với nhiều người, đến chợ Nhe không chỉ buôn bán trâu, bò. Họ đến đây còn để tham khảo giá cả thị trường, trao đổi kinh nghiệm chăm sóc, vỗ béo con vật hay chọn giống. Cũng có người đi chợ là một thói quen, thú vui để xem trâu, bò, nghe tiếng đồng thanh "ậm ò" của chúng hoặc được chứng kiến cái cảnh thương lái trao đổi rôm rả, đập tay chốt giá.

Tất cả những điều đó góp phần duy trì, gìn giữ nét văn hóa họp chợ phiên bán buôn trâu, bò độc đáo nơi miền quê của Hà Tĩnh.

Những chuyện độc nhất vô nhị ở phiên chợ trâu, bò - 9

Trong câu chuyện trao đổi với phóng viên Dân Trí, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Khánh Vĩnh Yên nhớ lại, thời kháng chiến chống Pháp, chợ Nhe ở bên kia chiếc cầu cùng tên, cách vị trí hiện tại hơn 500m. Đến thời chống Mỹ, cầu Nhe bị giặc đánh phá nhiều nên địa điểm họp chợ phải dời lên đồi.

Hòa bình lập lại, thời kỳ năm 1975, chợ Nhe được chính quyền, nhân dân chuyển về vị trí như hiện nay. "Chợ có từ xa xưa, tuổi đời của chợ dao động trên dưới trăm năm, còn mốc thời gian cụ thể nào thì chưa ai rõ", ông Nguyễn Văn Hùng nói.

Ngày trước, chợ Nhe còn bán các mặt hàng hiếm có ở thời điểm đó như đài cassette, xe đạp, đồng hồ. Sau này, vào phiên chợ ngày 25 và 29 Âm lịch, lái buôn bán lợn con, còn các ngày 2-7-12-17-22-27 sẽ bán mặt hàng trâu, bò như hiện nay.

Những chuyện độc nhất vô nhị ở phiên chợ trâu, bò - 11

Cũng theo vị Chủ tịch UBND xã Khánh Vĩnh Yên, những năm 1990 về trước, chợ Nhe là một điểm nóng an ninh trật tự của tỉnh Hà Tĩnh. Hồi đó, thấy phiên chợ tụ họp đông người, các đối tượng trộm cắp, móc túi tụ đến hoành hành. Sau này, nạn trộm cắp giảm hẳn khi chính quyền, công an vào cuộc quyết liệt. Chuyện bảo kê, dìm giá bán cũng được giải quyết và hiện không còn xảy ra.

Về vấn đề phòng dịch bệnh cho trâu, bò, ông Hùng nói đó là chuyện địa phương luôn quan tâm nhất. "Lái buôn chở trâu, bò từ tỉnh khác về phải có giấy tờ xác nhận đầy đủ khi đi qua các trạm kiểm dịch. Còn ở địa phương, giữa xã và huyện này với xã và huyện kia, cơ quan chức năng tổ chức tiêm phòng dịch một năm 2 lần cho trâu, bò và cấp cho chủ nuôi giấy tờ liên quan. Ban quản lý chợ sẽ căn cứ vào các giấy tờ này để kiểm soát, ai không chấp hành sẽ xử phạt", ông Hùng thông tin.

Trải qua nhiều thăng trầm và dù có những "vấn đề nóng" từng xảy ra, song phiên chợ vẫn tồn tại đến ngày nay. Theo ông Hùng, chợ Nhe có lẽ là ngôi chợ duy nhất ở Hà Tĩnh mua bán trâu, bò đến thời điểm này, là nét văn hóa đặc sắc của địa phương.

"Chợ Nhe còn giúp người dân phát triển các ngành, nghề buôn bán, đồng thời mang lại thu nhập kinh tế khá hơn cho họ", Chủ tịch UBND xã Khánh Vĩnh Yên nói.

Nội dung, ảnh: Dương Nguyên

Thiết kế: Đỗ Diệp