Nhân sự tiến thoái lưỡng nan khi cơ quan nằm trong diện tinh giản
(Dân trí) - Tự ví mình như "chuột sa chĩnh gạo" khi có được vị trí công chức trong một đơn vị thủy lợi của thành phố, sau 6 năm, anh Nguyễn Tiến Thành (39 tuổi) hoang mang khi cơ quan nằm trong diện sáp nhập.

Chấp chới trước kế hoạch mới
"Nghe ọp ẹp lắm, nhiều đồng nghiệp cũng chấp chới", Tiến Thành thở dài chia sẻ như vậy khi được hỏi về tình hình công việc hiện tại. Thành làm nhân viên kỹ thuật trong một công ty vận hành thủy lợi thuộc sở hữu của nhà nước 6 năm qua. Công việc hàng ngày là kiểm tra, giám sát việc vận hành trạm bơm, cấp nước.
"Mang danh kỹ thuật nhưng công việc của chúng tôi tay chân là chính. Chúng tôi phải trực ở trạm 24/24, mấy anh em thay nhau. Công việc bao gồm kiểm tra đường điện, đường nước, đóng, mở máy xem an toàn chưa, lượng nước tưới tiêu đủ chưa để tránh ngập úng hoặc khô hạn", anh Sơn nói và cho biết đặc thù công việc lặp đi lặp lại và đến giờ anh không thấy công việc nào tương tự ở ngoài môi trường tư nhân.

Tương tự, anh Võ Hồng Sơn, 35 tuổi, cán bộ đội Quản lý Trật tự đô thị của một huyện thuộc tỉnh Lào Cai cũng làm việc vật vờ trong những tháng qua, kể từ khi có kế hoạch giải thể đội của anh. Anh Sơn có 3 tháng để chuẩn bị cho việc này, nhưng với anh, dù 3 hay 6 tháng cũng như nhau, vì anh không làm gì khác trong 13 năm qua, kể từ khi cầm bằng cao đẳng vào đội công tác.
Công việc hàng ngày của anh Sơn là kiểm tra bảo dưỡng đường, xử lý thủ tục cấp phép kinh doanh, hướng dẫn người dân làm hồ sơ, thủ tục để xin phép kinh doanh, làm báo cáo lên cấp trên… Công việc chủ yếu trong giờ hành chính, nhưng chỉ khoảng 30% thời gian hành chính là "thực sự làm việc, còn lại ngồi chơi".
"Về lý thì đội của tôi phải bị giải thể 10 năm trước rồi, vì nó không thực sự hoạt động, 6 năm qua cũng không có đội trưởng, đội phó. Nhưng tôi vẫn cảm thấy chới với trước một thực tế mà tôi đã tôi đã dự tính trước. Chỉ đơn giản vì tôi không biết phải làm gì tiếp theo", anh Sơn chia sẻ.
Đi không được, ở cũng không xong
Dù vẫn có công việc để "sáng dắt xe đi, chiều dắt về" nhưng giờ đây những công chức như anh Thành, anh Sơn như ngồi trên đống lửa vì lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan trong thời gian "chưa có gì chính thức".
Sau 6 năm làm việc, anh Thành nhận mức lương cứng 5,4 triệu đồng mỗi tháng. Trong tháng 3 tới đây, cơ quan anh bắt đầu nhận lương theo định mức công việc với mức thực nhận sẽ chỉ được 50% lương hàng tháng. Như vậy, nếu tiếp tục làm việc, anh sẽ chỉ được trả khoảng 2,7 triệu đồng/tháng.
"Dù tôi có nhà và tiền ăn hàng tháng không phải lo nhưng ở Hà Nội thì sống sao với số tiền như vậy, dù là tạm bợ đi chăng nữa", anh Sơn thở dài.

Nhiều công chức như ngồi trên đống lửa vì lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan trong thời gian "chưa có gì chính thức" (Ảnh: Gia Đoàn).
Anh Thành gọi đây là thời điểm khó khăn trong cơ quan mà mình đang công tác, khi hai đơn vị sẽ nhập lại làm một, một trong hai thủ trưởng được "giữ nguyên ghế, người còn lại sẽ phải làm phó". Còn 6 phó thủ trưởng trước đây sẽ chỉ còn 2 suất, những người còn lại nếu may mắn thì sẽ giữ các vị trí trưởng phòng, trưởng nhóm kỹ thuật.
Anh tự ý thức: "Xuống đến bậc nhân viên như tôi thì hầu như cũng chẳng còn cơ hội gì nữa. Giờ ai muốn giữ chỗ thì cứ chịu sống chung với lũ, còn ai không chịu được thì để lương lại, chạy ra làm ngoài".
Dù không có nhiều việc để làm, chọn một nghề tay trái trong thời điểm này để chuẩn bị đường lui cho chính mình cũng không phải điều dễ dàng. Anh Thành tính làm shipper kiếm thêm chút tiền trang trải, nhưng có những công việc, nhiệm vụ cơ quan buộc anh phải có mặt đầy đủ trong giờ làm việc dù đôi khi "chẳng để làm gì".
Đi không đành, ở cũng không xong, anh Thành tự nhủ sẽ cố bám trụ thêm vài tháng nữa, khi có quyết định chính thức rồi tính sau. Những đồng nghiệp của anh lần lượt rời đi, chấp nhận không còn mác công chức, viên chức nhà nước nữa vì miếng cơm manh áo. Anh tâm tư: "Ở tuổi như tôi, ở cũng chán mà đi cũng khó. Trên 40 chắc vẫn ở nguyên đấy, tôi vẫn đang tính toán đường lui, chỉ là không biết lui kiểu gì cho an toàn thôi. Giờ chạy xe ôm toàn mười tám đôi mươi, mình đã ngấp nghé 40 rồi, sức khỏe hạn chế hơn mà tinh thần học hỏi nó cũng không còn được như xưa nữa".
Với hai con nhỏ, anh Võ Hồng Sơn cũng lo lắng khi thời gian rời vị trí công chức nhà nước đang cận kề. Theo kế hoạch, anh sẽ được hỗ trợ 6 tháng lương, tương đương khoảng hơn 40 triệu đồng. Nhưng với số vốn này, anh nói khó làm gì vì anh vốn không có kinh nghiệm kinh doanh, đầu tư.
Anh tặc lưỡi: "Chắc tôi vẫn để dành tiết kiệm, còn lại vẫn phải đi tìm công việc mới. Tôi tính sẽ xuống Bắc Giang làm công nhân. Nếu tuổi của tôi không được nhận thì lại quay về quê nhà nuôi heo, nuôi gà thôi".
Hướng đi nào tiếp theo?
Có khoảng 100.000 cán bộ, công chức, viên chức bị ảnh hưởng khi tinh gọn bộ máy, theo thông tin được Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình đưa ra tại hội nghị của Bộ Nội vụ cuối năm ngoái.
Để hỗ trợ những người nghỉ việc, Chính phủ ban hành Nghị định 178 với 8 chính sách hỗ trợ tài chính vượt trội. Trong số này, một số người vừa nhận được trợ cấp vừa đủ điều kiện hưởng lương hưu ngay, nhưng cũng có nhiều trường hợp phải tìm việc mới.
Đánh giá về mức tương thích của nhóm cán bộ tinh giản với thị trường việc làm ở khu vực tư, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Nội vụ Vũ Trọng Bình cho rằng, về ưu điểm, đây là những lao động thường xuyên được đào tạo và có trình độ cơ bản, đã có nhiều kinh nghiệm làm việc, có tác phong làm việc trong môi trường chuyên nghiệp.

Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Nội vụ (Ảnh: Gia Đoàn).
Tuy nhiên, thách thức với những người tinh giản là hầu hết đều trên 35 tuổi, sự linh hoạt và sức khỏe đều suy giảm, ảnh hưởng đến việc tham gia đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp, khó cạnh tranh với lớp lao động trẻ hiện tại. Đồng thời nhóm cán bộ rời nhà nước này lại có yêu cầu lựa chọn công việc cao hơn vì cần nhiều thời gian hơn để chăm sóc gia đình.
Theo TS Lê Duy Bình, giám đốc Economica Việt Nam, quá trình tinh gọn bộ máy đang diễn ra mạnh mẽ. Nhóm nghỉ việc có thể được chia ra nhiều thành phần gồm: Tới tuổi nghỉ hưu và không còn nhu cầu làm việc; còn trẻ nên tiếp tục làm thuê cho doanh nghiệp và khởi nghiệp làm chủ. Tùy vào nhu cầu của mỗi thành phần mà nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ khác nhau.
Cục trưởng Vũ Trọng Bình cho rằng, để việc dịch chuyển lần này diễn ra thuận lợi và hiệu quả, ngoài chính sách hỗ trợ của nhà nước còn cần sự tham gia của toàn xã hội, hỗ trợ hiệu quả cho khu vực tư nhân tiếp nhận lực lượng lao động dôi ra.
Cơ quan quản lý ngành sẽ tổ chức cung cấp thông tin thị trường lao động để kết nối việc làm, hỗ trợ đào tạo lại để họ chuyển đổi kỹ năng phù hợp với yêu cầu thị trường lao động ngoài nhà nước.
Cục trưởng Cục Việc làm cũng đồng tình với những đề xuất xem xét các chính sách hỗ trợ về thuế, đất đai khi lực lượng tinh giản tham gia khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, làm kinh tế gia đình… để tự tạo việc làm bền vững, có giá trị cao.