Cột 10kg xích sắt vào người, lặn xuống đáy sông tìm săn bờm bợp
(Dân trí) - Mang trên người 10kg xích sắt, dưới đáy sông sâu 4m, đối mặt với tử thần là điều khó tránh khỏi. Đó là những việc người thợ săn bờm bợp ở Đà Nẵng phải trải qua hàng ngày.
Khoảng 7h sáng, ông Nguyễn Văn Ảnh (50 tuổi, trú tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) mang dụng cụ, kéo chiếc "thuyền" tự chế của mình tiến về cống lớn cảng cá Thọ Quang để săn bờm bợp.
Ra đến nơi, ông nhìn nước rồi than thở: "Đục quá, không biết lặn được gì không ". Nói xong, ông vội mặc bộ đồ lặn, mang một đoạn xích sắt nặng hơn 10kg lên người.
"Máy xong chưa bà ơi", ông Ảnh hô to cho vợ kiểm tra máy thở. "Máy được rồi ông ơi", vợ ông Ảnh trả lời. Khi vợ xác nhận đã kiểm tra xong, ông Ảnh yên tâm đeo chiếc kính lặn lên mặt.
Kiểm tra lại hệ thống một lần nữa, ông Ảnh bơi ra giữa cống nước. "Nghề này là vậy đó, phải có máy thở, nguy hiểm thì luôn rình rập dưới nước", chưa nói hết câu, ông Ảnh đã lặn mất hút dưới làn nước đục.
Bên cạnh đó, anh Phan Thanh Trúc (44 tuổi, trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) cũng vừa trang bị xong thiết bị lặn cho mình. "Mùa này nước lạnh lắm, mỗi lần lặn thường dài 5-15 phút, khi rổ đầy mới ngoi lên. Lúc lên thì cóng hết cả người!", anh Trúc nói.
Cũng như ông Ảnh, anh Trúc đeo máy thở và lặn sâu dưới đáy sông. Theo anh Trúc, công việc của thợ lặn bờm bợp không cố định thời gian, làm sớm hay muộn còn phụ thuộc vào con nước.
Muốn làm được nghề này, phải có sức khỏe tốt và kinh nghiệm. Quá trình lặn có thể xảy ra các sự cố như máy thở bị hỏng giữa chừng khi đang ở vị trí nước sâu. Khi phát hiện, thợ lặn phải ngoi lên ngay, nếu không sẽ mất mạng.
Lần này anh Trúc phải lặn sâu hơn 4m và đi bộ dưới đáy để tìm kiếm. Trong làn nước đục ngầu, anh cố gắng "đánh hơi" vị trí những con bờm bợp đang bám. Khi thấy "hàng", anh dùng dụng cụ chuyên dụng đục từng con, bỏ vào rổ.
Sau 15 phút, anh Trúc "xé" toang làn nước rồi ngoi lên, trên tay cầm chiến lợi phẩm. Với hơn 5 năm kinh nghiệm lặn, anh đã quá quen với việc đi bộ dưới nước trong thời gian lâu như vậy.
"Hàng thưa quá bà ơi. Chuyến này chắc không bao nhiêu", vừa nói dứt lời, anh Trúc dùng hết sức đẩy chiếc rổ chứa đầy bờm bợp lên cho vợ đứng trên bờ. Mẻ này, ước tính anh thu được khoảng 20kg.
Bờm bợp ở dưới đáy sông nên phải rửa sạch trước khi đưa lên bờ. Ông Ảnh cho biết, mỗi buổi sáng ông làm khoảng 6 giờ, lặn được 1-2 tạ, thu nhập 300.000 - 500.000 đồng.
Bờm bợp là tên gọi người dân Đà Nẵng đặt cho sinh vật thân mềm có hai mảnh vỏ, giống loài vẹm đen. Chúng có kích thước chừng ngón tay, vỏ màu đen, sinh sống chủ yếu tại các vách đá, cọc tre vùng nước ngọt và lợ.
Mùa khai thác bờm bợp bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm. Loài này ít thịt, là thực phẩm được đánh bắt làm thức ăn cho tôm hùm.
Anh Trúc cho biết trước đây, chưa có người thu mua loại hải sản này nên không ai đánh bắt. Chỉ ít năm gần đây, thương lái tìm mua nhiều nên người dân có thêm nghề mới. Bờm bợp được thu mua với giá 3.500 đồng/kg.
Công việc lặn thường kết thúc vào 12h trưa. Dù cực khổ là vậy, nhưng người lặn vẫn tươi cười sau một ngày miệt mài dưới đáy sông.
Khi được thắc mắc sao nghề vốn nguy hiểm mà cánh thợ lặn lại "ham" đến vậy, anh Trúc cười xòa, đáp gọn: "Vì cuộc sống mưu sinh, vì cơm áo gạo tiền nên làm liều chứ sao!".