Chàng trai xứ Nghệ làm điều không tưởng trên vùng đất cằn cỗi
(Dân trí) - Trở về từ Đài Loan, anh Lê Xuân Hải biến vùng đất cằn cỗi ở Nghệ An thành vườn nho hạ đen, dưa lưới trĩu quả, mỗi vụ thu hàng trăm triệu đồng và trở thành điểm du lịch canh nông hút khách.

Vườn nho công nghệ cao giữa vùng quê lúa
Sau nhiều năm mưu sinh nơi xứ người, anh Lê Xuân Hải (SN 1982, trú tại xóm Nam Phượng Sơn, xã Quan Thành, Nghệ An) trở về quê lập nghiệp mang theo khát vọng với chính mảnh đất mình sinh ra là làm nông nghiệp sạch, an toàn và hiện đại.
Không chọn theo lối mòn bằng con đường quen thuộc với cây lúa hay hoa màu như bao người, anh Hải quyết định trồng nho hạ đen và dưa lưới - hai loại cây vốn xa lạ với vùng đất cằn cỗi quê mình.

Không chọn lối đi quen thuộc với cây lúa hay hoa màu, anh Hải quyết định trồng nho hạ đen và dưa lưới - hai loại cây vốn xa lạ với vùng đất cằn cỗi quê mình (Ảnh: Nguyễn Phê).
Cuối năm 2022, anh mạnh dạn thuê 5.000m² đất, đầu tư dựng hệ thống nhà kính khép kín, tiến hành các giải pháp kỹ thuật để cải tạo đất; tìm tòi học hỏi các quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây nho trên mạng cũng như đi thực tế các vườn nho đã trồng thành công trên địa bàn tỉnh, hay tỉnh bạn trước khi đưa vào trồng giống nho hạ đen nhập từ nước ngoài về.
Đây là giống nho mặc dù đòi hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc cao nhưng được đánh giá là phù hợp với điều kiện khô hạn, có thể sinh trưởng phát triển tốt và cho hiệu quả kinh tế cao trên vùng đất quê mình.
“Lúc tôi bắt đầu, nhiều người cho là mạo hiểm. Nhưng nhờ từng làm việc tại các nông trại nho ở Đài Loan (Trung Quốc), tôi có sẵn kinh nghiệm và tin mình sẽ thành công”, anh Hải chia sẻ.

Anh Hải kiểm tra hệ thống nước tưới tự động cho cây nho (Ảnh: Nguyễn Phê).
Để cải tạo đất, anh mua hàng chục xe đất đồi về san lấp, tạo luống, xử lý kỹ bằng nấm trichoderma (trichoderma là loại nấm, vi sinh vật sống đối kháng chống lại các loại nấm hại trong đất, giúp cân bằng pH đất trung tính, giải độc đất, phân giải chất xơ: cỏ, cây, cành lá khô… thành mùn hữu cơ) và men vi sinh.
Toàn bộ phân bón được anh dùng từ phân chuồng hoai mục, ủ kỹ từ 6 tháng trở lên.
“Giống nho này rất nhạy với độ ẩm. Mỗi giai đoạn cần một mức khác nhau, nếu không kiểm soát kỹ là hỏng cả vườn”, anh Hải nói.

Vườn nho hơn 1.300 gốc mỗi vụ cho thu 1,5-2 tấn quả (Ảnh: Nguyễn Phê).
Theo anh, thời điểm cây nho ra hoa, trổ bông cần giữ ẩm 70-80%, tỉa quả giảm còn 30-40% và khi thu hoạch chỉ cần 20-30%.
Bên cạnh trồng nho, anh còn trồng dưa lưới trên diện tích 3.000m². Những trái dưa xanh, vàng óng ánh được trồng theo quy trình hữu cơ nghiêm ngặt. Dưa lưới đòi hỏi kỹ thuật cao, dễ nhiễm bệnh trong điều kiện độ ẩm cao, nhất là sau mưa.
“Khó nhất là phải giữ cho cây luôn khỏe mạnh mà không được dùng thuốc bảo vệ thực vật”, anh Hải cho biết.
Điểm đến trải nghiệm hút khách trong và ngoài tỉnh
Sau gần ba năm kiên trì, khu vườn của anh Hải đã kết trái ngọt. Vườn nho hơn 1.300 gốc mỗi vụ cho thu 1,5-2 tấn quả. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận mỗi vụ đạt hàng trăm triệu đồng. Riêng dưa lưới, mỗi vụ anh thu gần 10 tấn, mang về nguồn thu không kém cạnh.
Không dừng lại ở đó, anh còn tận dụng thời gian xen vụ để trồng hoa, cây cảnh phục vụ dịp Tết, nâng cao thu nhập và xoay vòng sản xuất liên tục.

Những trái dưa xanh, dưa vàng óng ánh được trồng theo quy trình hữu cơ nghiêm ngặt (Ảnh: Nguyễn Phê).
Từ đầu năm 2024, đã có hàng trăm đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm vườn nho, dưa của anh.
“Có đoàn khách từ Trung Quốc về quê chơi cũng ghé vườn tôi. Họ hái nho, ăn dưa tại chỗ, ai cũng khen ngon và thú vị”, anh Hải cười tươi kể lại.
Trước tiềm năng rõ rệt, anh Hải đang mong muốn mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm sạch để hướng tới một nền sản xuất bền vững. Xây dựng mã vùng trồng để quản lý sản phẩm và hướng tới xây dựng hồ sơ sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm)

Không chỉ dừng lại ở sản xuất nông sản sạch, mô hình của anh còn dần trở thành điểm đến trải nghiệm hấp dẫn với người dân và du khách (Ảnh: Nguyễn Phê).
Bà Đặng Thị Dung, Chủ tịch UBND xã Quan Thành, Nghệ An, đánh giá: “Mô hình của anh Hải rất có tiềm năng phát triển cả về kinh tế lẫn du lịch. Chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn hỗ trợ anh Hải hoàn thiện một số tiêu chí như cấp mã vùng trồng, hồ sơ chất lượng, xây dựng tem nhãn, bao bì sản phẩm để hỗ trợ sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP và phát triển du lịch canh nông gắn với sản xuất để mang lại hiệu quả cao hơn”.
Từ một vùng đất khô cằn, chỉ phù hợp với cây lúa một vụ, chàng trai xứ Nghệ đã tạo nên điều không tưởng. Vườn nho trĩu quả, dưa lưới vàng óng không chỉ giúp anh vượt qua nghịch cảnh, mà còn mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp địa phương - nơi người trẻ có thể làm giàu từ chính bàn tay, khối óc và tình yêu với quê hương mình.