DNews

Cách bán hàng "khác người" của ông chủ trại nấm thu gần nửa tỷ đồng mỗi năm

Hoàng Lam

(Dân trí) - Không phải khách hàng mua bao nhiêu nấm anh Nguyễn Văn Quang (Nghệ An) cũng giao. Anh ước chừng lượng tiêu thụ để xuất bán, tránh hàng bị tồn, ảnh hưởng tới chất lượng nấm.

Cách bán hàng "khác người" của ông chủ trại nấm thu gần nửa tỷ đồng mỗi năm

"Đi làm thuê, về làm chủ"

Sau hơn 5 năm khởi nghiệp, anh Nguyễn Văn Quang (51 tuổi, ở xã Thượng Tân Lộc, Nam Đàn, Nghệ An) đã tạo được thương hiệu và thị trường tiêu thụ ổn định cho trang trại trồng nấm của mình. Ít ai biết, cơ nghiệp này là thành quả của 10 năm tích lũy vốn liếng, kinh nghiệm khi anh Quang đi làm thuê ở xứ người.

Năm 2007, anh Quang sang Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS), làm việc trong một trang trại trồng rau cần, nấm sạch.

Cách bán hàng khác người của ông chủ trại nấm thu gần nửa tỷ đồng mỗi năm - 1

Xuất ngoại trở về, anh Quang phát triển kinh tế từ trang trại trồng nấm (Ảnh: Hoàng Lam).

"Ở bên đó người ta trồng rau, nấm chuyên nghiệp và khoa học lắm. Bằng việc sử dụng các loại máy móc giúp điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm, điều tiết cả lượng ô-xy cho cây nên sản phẩm tạo ra có chất lượng, sản lượng cao", anh Quang nói.

10 năm làm việc ở trang trại trồng rau trên đất Hàn, anh Quang chịu khó học hỏi, nghiên cứu, nắm bắt công nghệ, máy móc, ấp ủ khi về Việt Nam sẽ áp dụng. Năm 2018, anh Quang trở về, bắt tay vào kế hoạch phát triển kinh tế từ cây nấm.

Người đàn ông xuất ngoại trở về làm giàu bằng trại nấm (Video: Hoàng Lam).

"Thực ra trước khi đi xuất khẩu lao động tôi đã thử nghiệm trồng nấm nhưng thất bại ngay lần đầu tiên. Khi trở về, nhận định nấm là loại thực phẩm không mới nhưng chưa thực sự phổ biến rộng rãi trên thị trường, quyết định trồng nấm có phần rủi ro nhưng tôi tự tin vào kế hoạch của mình", anh Quang nói.

Với những gì học hỏi được trong quá trình làm việc ở nước ngoài, anh Quang mày mò chế tạo, lắp ráp máy trộn nguyên liệu, lò hấp, máy đóng bịch nấm... Bằng cách này, anh chủ động được về kỹ thuật, tiết kiệm gần cả tỷ đồng so với việc mua máy móc nhập khẩu.

Cách bán hàng khác người của ông chủ trại nấm thu gần nửa tỷ đồng mỗi năm - 2

Anh Quang chế tạo máy trộn nguyên liệu trồng nấm, giúp tiết kiệm gần 200 triệu đồng so với mua máy mới (Ảnh: Hoàng Lam).

Năm 2019, vợ chồng anh Quang đầu tư hơn 2,5 tỷ đồng để xây dựng trang trại trồng nấm trên diện tích 1.500m2.

"Với kinh nghiệm, kỹ thuật có được trong 10 năm làm việc ở nước ngoài, tôi tự tin bắt tay thực hiện kế hoạch khởi nghiệp. Tính làm ăn lâu dài nên tôi làm bài bản ngay từ đầu. Trang trại trồng nấm được chia làm 16 phòng khép kín, mỗi phòng rộng 18m2, ngăn cách bằng các tấm cách nhiệt để luôn đảm bảo kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm phù hợp. Hệ thống tưới, phun, dẫn nhiệt cũng được đầu tư theo hướng tự động hóa", anh Quang giới thiệu về trang trại của mình.

Không bán hàng bằng mọi cách

Anh Quang lựa chọn nấm bào ngư để trồng. Đây là loại nấm giàu chất dinh dưỡng, dễ trồng, dễ chăm sóc, có năng suất cao và thị trường tiêu thụ rộng. Sau 3 tháng bắt tay vào trồng 15.000 bịch phôi, anh Quang đã thu hoạch lứa nấm đầu tiên.

Áp dụng quy trình sản xuất khép kín, tiên tiến và sử dụng nguồn nước đập Ba Khe giàu chất dinh dưỡng trong vùng để tưới cho nấm, trang trại không chỉ tiết kiệm về chi phí sản xuất mà những bịch phôi cho ra tai nấm bào ngư to đều, màu trắng đẹp.

Cách bán hàng khác người của ông chủ trại nấm thu gần nửa tỷ đồng mỗi năm - 3

Mô hình trồng nấm, đặc biệt là nấm bào ngư đã mang lại doanh thu mỗi năm nửa tỷ đồng cho gia đình anh Quang (Ảnh: Hoàng Lam).

Tuy nhiên, việc tiêu thụ mỗi ngày vài ba tạ nấm không đơn giản như anh Quang dự tính ban đầu. Cùng với việc bán lẻ ra thị trường các chợ nông thôn trong vùng, anh đẩy mạnh liên kết tiêu thụ đến các nhà hàng, đại lý. Để giảm bớt chi phí, anh bán hàng trực tiếp tới nơi tiêu thụ, không qua khâu trung gian.

Ngoài việc chia từng khu vực trồng nấm để thu hoạch và tiêu thụ theo hình thức cuốn chiếu, anh Quang tính toán mùa vụ cụ thể để đạt được hiệu quả kinh tế cao nhất.

"Vụ mùa trồng nấm lớn nhất trong năm bắt đầu vào cuối tháng 7, đầu tháng 8, đến tháng 9 là có thể thu hoạch. Đây là thời điểm mưa bão, nguồn cung rau xanh khan hiếm, giá cao nên lượng tiêu thụ nấm sẽ cao hơn. Bên cạnh đó, có 2 thời điểm trong tháng, nhu cầu tiêu thụ cao là vào ngày rằm và mùng 1 âm lịch. Do vậy, việc điều tiết, chăm sóc để đảm bảo nấm cho thu hoạch đúng thời điểm là quan trọng", anh Quang chia sẻ.

Cách bán hàng khác người của ông chủ trại nấm thu gần nửa tỷ đồng mỗi năm - 4

Với kinh nghiệm trồng nấm 10 năm ở nước ngoài, cộng với kỹ thuật canh tác và nguồn nước giàu dinh dưỡng, anh Quang trồng nấm đạt yêu cầu về sản lượng, chất lượng và mẫu mã (Ảnh: Hoàng Lam).

Thời điểm này, trung bình mỗi ngày, cơ sở sản xuất của anh Quang cung ứng cho thị trường 1-3 tạ nấm. Thương hiệu nấm sạch của trang trại đã có mặt tại các chợ dân sinh, đại lý, nhà hàng và đang tiến đến các chuỗi siêu thị trong tỉnh Nghệ An.

Điều đặc biệt, trồng nấm để bán nhưng không phải khách hàng đặt bao nhiêu anh Quang giao bấy nhiêu. Ông chủ trại nấm ước lượng khả năng tiêu thụ của từng cửa hàng để bán hàng. Theo anh, việc này để tránh việc nấm tồn đọng, ảnh hưởng đến chất lượng nấm và giảm thiệt hại cho khách hàng. Trong trường hợp nấm tồn đọng, giảm chất lượng, anh sẵn sàng thu, đổi cho khách.

"Làm ăn lâu dài, việc xây dựng thương hiệu và đảm bảo chất lượng nấm là quan trọng", anh Quang đúc rút.

Bên cạnh nấm bào ngư, anh Quang đang trồng thêm nấm tai mèo, nấm linh chi. Cơ sở của anh tạo việc làm cho 4 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình gần 5 triệu đồng/tháng. Với quy mô sản xuất hiện có, trung bình mỗi năm, trang trại trồng nấm của anh Quang có doanh thu gần nửa tỷ đồng.

Không dừng lại ở đó, anh Quang đang nghiên cứu chuyển sang trồng nấm trong lọ nhựa để giảm chi phí và chủ động điều chỉnh năng suất theo ý muốn. Với việc chuyển sang trồng trong lọ nhựa thay vì đóng bịch, theo anh, tuy đầu tư ban đầu lớn nhưng có thể tái sử dụng nhiều lần, năng suất cao hơn và ít ảnh hưởng tới môi trường.

Cách bán hàng khác người của ông chủ trại nấm thu gần nửa tỷ đồng mỗi năm - 5

Anh Quang đang có kế hoạch chuyển sang trồng nấm trong lọ để chủ động điều tiết về năng suất và sản lượng (Ảnh: Hoàng Lam).

Ông chủ trại nấm đang nghiên cứu thay mùn cưa bằng lõi ngô xay. "Lõi ngô có nhiều chất dinh dưỡng, phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây nấm. Nếu nghiên cứu thành công, chúng tôi sẽ giảm được chi phí sản xuất và bao tiêu phụ phẩm cho bà con trồng ngô trong vùng", anh Quang nói.

Theo ông Hồ Đình Thắng, Chủ tịch Hội nông dân huyện Nam Đàn, so với các mô hình trồng nấm khác trên địa bàn, cơ sở của anh Quang được đầu tư bài bản và quy mô lớn hơn.

"Lợi thế lớn nhất của anh Nguyễn Văn Quang là có nguồn vốn và kỹ thuật được tích lũy trong thời gian đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, cũng giống như các sản phẩm nông nghiệp khác, thị trường tiêu thụ của cây nấm đang là một bài toán khó, nhất là trong bối cảnh cơ sở trồng nấm của anh Quang đang có kế hoạch mở rộng quy mô.

Hội nông dân huyện đang đẩy mạnh liên kết để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các hộ sản xuất, trong đó có cơ sở trồng nấm của anh Quang. Trước mắt chúng tôi phối hợp tổ chức công đoàn đưa nấm vào các hội chợ dành cho công nhân và các bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp", ông Hồ Đình Thắng cho hay.