1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Ngư dân lao ra biển kiếm 800 triệu đồng, người ở nhà cũng... không kịp thở

Ngô Linh

(Dân trí) - Vùng biển gần bờ tỉnh Quảng Nam xuất hiện dày đặc cá cơm, nhiều chủ tàu sau một đêm đánh bắt có thể thu về 5-10 tấn cá. Hậu cần nghề cá như vận chuyển, phơi khô, muối mắm… làm không kịp thở.

Những ngày này, khoảng 5h, vùng biển bãi ngang thuộc thôn Tân An (xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) lại tấp nập tàu thuyền cập bến, trên bờ nhộn nhịp cảnh người, xe ra vào mua bán, vận chuyển cá cơm.

Theo ngư dân địa phương, vụ khai thác cá cơm bắt đầu từ tháng 12 âm lịch, nhưng chính vụ từ tháng 2 đến tháng 6. Mỗi đêm đánh bắt, nhiều chủ tàu có thể thu hoạch được 5-10 tấn cá cơm.

Ngư dân lao ra biển kiếm 800 triệu đồng, người ở nhà cũng... không kịp thở - 1

Từ sáng sớm, hàng chục tàu thuyền cập bến đưa cá cơm vào bờ (Ảnh: Ngô Linh).

Ngư dân Quảng Nam phấn khởi được mùa cá cơm (Video: Ngô Linh).

Ông Trần Công Cường - Trưởng thôn Tân An (xã Bình Minh) - cho hay, hiện toàn thôn Tân An có 835 hộ với 60 tổ thuyền lớn nhỏ tham gia đánh bắt. Thuyền khai thác vùng biển cách bờ 25-30 hải lý.

Từ giữa tháng 2 âm lịch đến nay, có thuyền khai thác hàng chục tấn cá cơm, mực cơm mỗi chuyến, thu về hàng trăm triệu đồng.

Cá cơm hiện nay có nhiều mức giá: cá to, loại 1 dùng để phơi khô có giá 20.000 đồng/kg; cá dùng để hấp 13.000-15.000 đồng/kg; cá dùng muối mắm 7.000-10.000 đồng/kg.

Ngư dân lao ra biển kiếm 800 triệu đồng, người ở nhà cũng... không kịp thở - 2

Cá cơm được mùa, ngư dân rất phấn khởi (Ảnh: Ngô Linh).

May mắn trúng đậm "lộc biển" đầu năm, ngư dân Đặng Văn Tiến (xã Bình Minh, huyện Thăng Bình) cho biết, qua 10 ngày đánh bắt (từ 22/2 âm lịch đến 2/3 âm lịch), tàu ông đánh bắt được hàng chục tấn cá, thu nhập trên 800 triệu đồng.

"Từ khoảng gần cuối tháng 2 âm lịch, cá cơm kéo nhau về vùng biển ven bờ và tuyến lộng. Nay là vụ cá cơm chính nên chúng tôi tranh thủ đánh bắt. Năm nay cá dồi dào, lại được giá nên ngư dân cũng có thêm thu nhập", ông Tiến chia sẻ.

Sau khi đưa vào bờ, cá cơm được bán ngay tại chỗ để bán cho các cơ sở chế biến nước mắm, hấp và phơi khô. Năm nay, sản lượng cá cơm đánh bắt được rất lớn, do đó, nhiều cơ sở chế biến nước mắm gần như "quá tải" nguyên liệu đầu vào. Công việc hậu cần nghề cá khiến người làm không kịp thở.

Ngư dân lao ra biển kiếm 800 triệu đồng, người ở nhà cũng... không kịp thở - 3

Hậu cần nghề cá như muối mắm, hấp, phơi khô… làm không kịp thở (Ảnh: Ngô Linh).

Ông Nguyễn Huệ - chủ cơ sở chế biến cá ở thôn Hà Bình (xã Bình Minh, huyện Thăng Bình) - cho biết, cơ sở của ông vừa chế biến mắm từ cá cơm, vừa sơ chế cá cơm phơi khô.

Để đảm bảo nguyên liệu đầu vào, cơ sở của ông Huệ phải hợp đồng sẵn với các chủ thuyền, mỗi mùa thu mua hàng chục tấn để chế biến, phục vụ nhu cầu của thị trường.

"Cá cơm thời điểm này có hàm lượng dinh dưỡng cao nhất lại trắng tinh, nên ủ chượp sẽ thu được nước mắm vừa nhiều, vừa đạt chuẩn, tinh tươm", ông Huệ nói.

Ngư dân lao ra biển kiếm 800 triệu đồng, người ở nhà cũng... không kịp thở - 4

Phụ nữ làng biển có thêm thu nhập từ nghề gánh cá (Ảnh: Ngô Linh).

Ông Lê Xuân Tới - Phó Chủ tịch xã Bình Minh - cho hay, hiện nay địa phương có gần 90 tàu thuyền, trong đó có 49 chiếc đánh bắt xa bờ, 32 chiếc hành nghề lưới vây, còn lại đánh bắt gần bờ, giải quyết việc làm cho hơn 1.200 lao động. Năm nay, được mùa cá, mực nên ngư dân rất phấn khởi.

Năm nay cá cơm được mùa, các bến cá như Tam Tiến (huyện Núi thành), An Lương (xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên), phường Thanh Hà, thành phố Hội An… nhộn nhịp tàu thuyền của ngư dân cập bờ liên tục, mang theo những sọt cá cơm tươi rói, hứa hẹn một năm đánh bắt thuận lợi.