Vùng đất bụi mù vì xi măng ở Thái Lan trở thành thủ phủ xanh ra sao?
(Dân trí) - Từ một nơi bụi mù vì sản xuất xi măng, cung ứng 80% xi măng cho Thái Lan, Saraburi được thí điểm để trở thành thành phố carbon thấp kiểu mẫu đầu tiên của xứ sở chùa vàng.
Tại Hội nghị chuyên đề ESG 2023 diễn ra mới đây ở Thái Lan, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin kêu gọi tất cả bên liên quan cùng tham gia thiết lập mô hình "Saraburi Sandbox".
Mô hình này dự kiến sẽ là thành phố carbon thấp kiểu mẫu đầu tiên của Thái Lan tập trung vào các ngành công nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững và du lịch sinh thái.
Saraburi là một tỉnh thuộc miền Trung Thái Lan. Nơi đây tập trung nhiều nhà máy sản xuất công nghiệp nặng, đặc biệt là xi măng. Hơn 80% tổng sản lượng xi măng của Thái Lan được làm ra tại tỉnh này. Do đó, Saraburi gắn liền với những vấn đề về ô nhiễm môi trường.
Chính vì vậy, Thái Lan đã triển khai các quy định về việc bắt buộc sử dụng xi măng carbon trong tất cả công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Saraburi từ năm 2024.
"Saraburi là địa phương có nhiều thách thức đáng kể và là nơi tập trung các ngành công nghiệp trọng điểm. Nếu thành công, Saraburi có thể trở thành hình mẫu cho các thành phố và ngành công nghiệp khác", Thủ tướng Thái Lan nhấn mạnh.
Ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn SCG, cũng cho rằng thế giới hiện đang bước vào kỷ nguyên "nung nóng toàn cầu" với những ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống bao gồm cả kinh tế, xã hội và môi trường.
Để hiện thực hóa lộ trình này, Thái Lan đã bắt đầu áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn với 3 ngành công nghiệp chủ chốt là bao bì, xây dựng và công nghiệp ô tô.
Không những vậy, Thái Lan đã tự do thương mại nguồn điện tái tạo qua hệ thống lưới điện và cho phép các khu vực công và tư nhân chia sẻ giúp mạng lưới điện dễ tiếp cận và thuận tiện hơn.
Thái Lan cũng hỗ trợ phát triển công nghệ tích trữ pin cho năng lượng tái tạo; tối ưu các không gian trống để lưu trữ năng lượng dưới nhiều hình thức; phát triển nguồn năng lượng thay thế mới và đưa các nguồn năng lượng này vào kế hoạch năng lượng quốc gia, như năng lượng hydro, năng lượng sinh học, chất thải cộng đồng và chất thải công nghiệp.
Với mục tiêu thúc đẩy năng lượng tái tạo, chính phủ nước này cam kết tối ưu hóa việc sử dụng và tìm kiếm các cơ hội khai thác. Định hướng chiến lược này hứa hẹn sẽ thu hút các nhà đầu tư và tập đoàn nước ngoài trong tương lai.
Không những vậy, người dân nơi đây còn chuyển đổi thức ăn thừa thành phân bón nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên.
Tổ chức hợp tác quản lý rác thải có thể tái chế để sản xuất các mặt hàng mới như hộp carton, giấy photocopy, giấy hỗn hợp, băng giấy và phân bón hữu cơ.
Bên cạnh đó, Thái Lan cũng sử dụng xi măng thủy lực nhằm hướng đến phát triển sản phẩm xi măng thân thiện với môi trường. Công nghệ in phun xi măng 3D được thiết kế để giảm chất thải xây dựng.
"Rất nhiều đối tượng, đáng chú ý là các doanh nghiệp nhỏ, nông dân và cộng đồng, vẫn chưa nhận thức được cuộc khủng hoảng này hoặc chưa tìm được giải pháp. Do đó, chúng ta cần tạo điều kiện để họ có thể tiếp cận kiến thức, công nghệ và nguồn vốn để họ có thể thích nghi và tồn tại", Thủ tướng Thái Lan nhấn mạnh.
Người đứng đầu chính phủ Thái Lan cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng nền kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng tái tạo và đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.