"Tín dụng xanh là xu hướng, các doanh nghiệp sẽ phải báo cáo về ESG"

Nhật Quang

(Dân trí) - Theo chuyên gia, tín dụng xanh là xu hướng tất yếu, các công ty sẽ phải báo cáo về ESG. Chuyển đổi mô hình xanh, các doanh nghiệp mới đủ năng lực cạnh tranh, tiếp cận thị trường khó tính.

Nhận định trên là của TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM, chia sẻ tại tọa đàm "Tín dụng xanh: Mỏ vàng để ngân hàng phát triển bền vững" do báo Dân trí tổ chức sáng ngày 2/10.

Tọa đàm nằm trong chuỗi tọa đàm mang tên "Đối thoại và Giải pháp" nhằm bàn về các giải pháp thúc đẩy tín dụng xanh, gắn với mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050. 

"Chuyển đổi xanh để đáp ứng yêu cầu thị trường nhập khẩu khó tính"

Ngày nay, các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đang dần trở thành tiêu chí quan trọng trong quyết định cho vay, đầu tư của các tổ chức tài chính quốc tế, từ đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh.

TS. Nguyễn Hữu Huân đánh giá tín dụng xanh, ESG là xu hướng tất yếu, dần dần các công ty sẽ phải báo cáo về ESG. Do đó, nhu cầu về vốn để doanh nghiệp chuyển cơ cấu sao cho bền vững, có trách nhiệm với môi trường, xã hội là nhu cầu bức thiết trong thời gian tới.

Tín dụng xanh là xu hướng, các doanh nghiệp sẽ phải báo cáo về ESG - 1

TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM. (Ảnh: Hữu Khoa)

Khi ngân hàng tài trợ vốn để doanh nghiệp chuyển sang hướng xanh hóa, bền vững, sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp. Với doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, sản phẩm phải có yếu tố xanh, bền vững.

Thời gian qua, hàng may mặc của Việt Nam gặp một số vấn đề khi xuất khẩu, vì chậm chuyển đổi mô hình. Trong khi Bangladesh đã chuyển đổi và họ tận dụng được cơ hội ở nước ngoài thì nhiều doanh nghiệp Việt chưa chú trọng.

Đó là bài học cho Việt Nam, cần chuyển đổi, xanh hóa, đáp ứng nhu cầu, tiêu chuẩn nghiêm ngặt ở quốc gia nhập khẩu. Việc các ngân hàng hỗ trợ quá trình chuyển đổi này tạo sức bật cho doanh nghiệp thời gian tới, thúc đẩy chiến lược xuất khẩu của Việt Nam, ông Huân nhấn mạnh.

"Tín dụng xanh vẫn còn là khái niệm mới mẻ"

Cũng tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Nguyện - Phó trưởng Phòng Tổng hợp kiểm soát nội bộ, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM - nhận định Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của tăng trưởng, phát triển tín dụng xanh. Do đó, nhận thức và hành động về vấn đề này chưa được tương xứng như kỳ vọng.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 6 năm nay, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt gần 528.300 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Ông Nguyện cho rằng con số này hợp lý với thực tế nhưng tăng trưởng hàng năm tăng trưởng đều đều, hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, để có tỷ lệ dư nợ như vậy cũng là nỗ lực lớn của các ngân hàng. Nhiều ngân hàng cũng xây dựng chiến lược quản lý rủi ro cho mình, rồi tích hợp nội dung quản lý rủi ro vào quy trình cấp tín dụng xanh để đánh giá khi cho vay, đánh giá tác động đến môi trường. Khi đánh giá tốt thì chất lượng tín dụng cũng tốt và khả năng thu hồi vốn tốt.

Tín dụng xanh là xu hướng, các doanh nghiệp sẽ phải báo cáo về ESG - 2

Ông Nguyễn Văn Nguyện - Phó trưởng Phòng Tổng hợp kiểm soát nội bộ, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM. (Ảnh: Hữu Khoa)

Đương nhiên ngân hàng cũng ưu tiên những doanh nghiệp làm tốt thì sẽ được hưởng vốn ưu đãi từ quốc tế. Ngân hàng cũng phải quan tâm, tăng tìm các nguồn vốn quốc tế để tăng nguồn vốn cho tăng trưởng tín dụng xanh, ông Nguyện cho biết.

Dưới góc độ là chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Hữu Huân đánh giá khái niệm về tín dụng xanh còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Chính phủ thể hiện quyết tâm thực hiện nền kinh tế xanh tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021, 2022 (COP26, COP27). Tức chỉ mới vài năm trở lại đây, Việt Nam quan tâm nhiều hơn tới phát triển, tăng trưởng bền vững.

Còn trước đây, kinh tế Việt Nam tập trung vào vấn đề tăng trưởng hơn là tăng trưởng bền vững, tức kinh tế "nâu"- điều thường thấy ở các quốc gia đang phát triển.

Tuy nhiên, hiện nay, phát triển bền vững trở thành nhu cầu cấp thiết, ở các quốc gia, thậm chí là các quốc gia đang phát triển. Trung Quốc thời gian qua cũng thay đổi cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh hóa, vì mọi người thấy đó là nhu cầu cấp thiết, cũng như nhìn thấy cái giá đắt phải trả cho nền kinh tế "nâu" là thế nào - đó là một tương lai không bền vững.

Do đó, những năm qua, kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, tín dụng xanh đã được quan tâm hơn ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

"Tỷ lệ tín dụng xanh so với tổng cơ cấu tín dụng ở Việt Nam hiện còn khiêm tốn, nhưng tôi tin, trong tương lai, sẽ tăng lên" ông Huân nhận định.

Dưới góc độ ngân hàng thương mại, ông Trần Hoài Phương, Giám đốc khối Khách hàng doanh nghiệp HDBank, đánh giá hiện tại Việt Nam nhiều cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp đã ý thức hơn về câu chuyện phát triển bền vững, kiến tạo sản phẩm xanh… càng thúc đẩy xu hướng kinh tế xanh, tăng trưởng xanh phát triển.

Theo ông Phương, tín dụng xanh là lĩnh vực khá mới, nhiều doanh nghiệp đã có nhu cầu tiếp cận tín dụng xanh, nên ngân hàng cũng cần nghiên cứu, hoàn thiện dần trong việc đưa ra các giải pháp tín dụng xanh phù hợp cho các đơn vị.

Doanh nghiệp, ngân hàng ngày càng quan tâm đến tín dụng xanh, như một cách để đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế xanh, nên theo tôi, xu hướng này sẽ còn phát triển mạnh trong tương lai.

Bà Văn Thành Khánh Linh, Phó tổng giám đốc BVBank, cho rằng các ngân hàng cũng đang nỗ lực từng ngày để thay đổi thói quen, tiếp cận tín dụng xanh và tiêu chuẩn xanh đối với từng cá nhân cán bộ ngân hàng, tâm lý khách hàng.

"Con số tỷ trọng tín dụng xanh 4% có vẻ khiêm tốn nhưng đó là sự nỗ lực từ các ngân hàng. Tôi nghĩ đó cũng là tín hiệu tốt cho tín dụng xanh trong tương lai", bà Linh chia sẻ.

"Đối thoại và Giải pháp" là chuỗi tọa đàm lĩnh vực kinh tế do báo Dân trí tổ chức. Mỗi số tọa đàm là một chủ đề khác nhau. 

Trong "Đối thoại và Giải pháp", các diễn giả dự kiến là nhà làm chính sách, cơ quan quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia, thành tố lĩnh vực kinh tế... sẽ cùng bàn luận, nêu quan điểm, góc nhìn, đồng thời đề xuất, kiến nghị, giải pháp cho những vấn đề kinh tế nóng hổi, cấp bách, được dư luận quan tâm.