1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

TS Trần Đình Thiên:

Giảm phát thải ròng bằng 0 cần sự đầu tư từ khu vực Nhà nước, tư nhân

Kiều Dung

(Dân trí) - Ước tính, tổng chi phí cải thiện khả năng chống chịu của các tài sản thương mại và công nghiệp dễ bị tổn thương với biến đổi khí hậu và giảm phát thải sẽ lên tới 228 tỷ USD giai đoạn 2022-2050.

Hội thảo "Tầm nhìn xanh Việt Nam và những câu chuyện điển hình" do Cafef tổ chức diễn ra sáng nay (22/11) tại Hà Nội.

Chia sẻ tại sự kiện, TS Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Việt Kinh tế Việt Nam - cho biết, sau hơn 2 thập kỷ tăng trưởng ổn định, Việt Nam đặt mục tiêu tham vọng trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.

Để đạt được vị thế này, ngoài tốc độ tăng trưởng bình quân cần vượt trội giai đoạn 1990-2020 thì Việt Nam cần vượt qua nền kinh tế thâm dụng tài nguyên.

Chính phủ Việt Nam đã ban hành 2 chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh cho 2 thời kỳ phát triển khác nhau.

Để tạo lập nền tảng cho quá trình xanh hóa nền kinh tế, ngày 25/9/2012, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020, tầm nhìn 2050. Chiến lược có 3 nhiệm vụ quan trọng: giảm khí nhà kính, xanh hóa sản xuất và xanh hóa tiêu dùng.

Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 (Đại hội Đảng 13) cũng khẳng định vai trò quan trọng của đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Hay Quyết định 1658 ngày 1/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon, đóng góp vào hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu theo 4 mục tiêu chính.

Đó là các mục tiêu: giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, xanh hóa các ngành kinh tế, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững, xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.

Giảm phát thải ròng bằng 0 cần sự đầu tư từ khu vực Nhà nước, tư nhân - 1

TS Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Việt Kinh tế Việt Nam - chia sẻ tại sự kiện (Ảnh: Cafef).

Để cụ thể hóa chiến lược tăng trưởng xanh thì ngày 22/7/2022, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định 882 về Phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, nêu rõ kế hoạch hành động tăng trưởng xanh

Theo đó, Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh gồm 18 chủ đề, 57 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 134 nhiệm vụ. Xây dựng, tích hợp "Chỉ số tăng trưởng xanh tổng hợp" vào các văn bản định hướng, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.

Tuy đạt được những bước tiến lớn trong huy động đầu tư cho biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2021 nhưng theo TS Trần Đình Thiên, nguồn lực tài chính huy động để thực hiện chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế.

Theo đó, giai đoạn 2016-2021, nguồn đầu tư công chỉ đạt khoảng 26 trên 60 tỷ USD, tương đương đạt khoảng 40%. Về nguồn vốn viện trợ phát triển nước ngoài, ông cho biết giai đoạn 2012-2021, nguồn tài chính phát triển quốc tế cho biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh vào Việt Nam khoảng 2,26 tỷ USD mỗi năm.

Với các nguồn vốn huy động được dựa vào công cụ của thị trường, TS Trần Đình Thiên nói sau khi Chiến lược Quốc gia và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh được ban hành thì hệ thống pháp luật về tín dụng xanh, trái phiếu xanh ở Việt Nam được chú trọng hơn. 

Về nguồn từ hợp tác công tư, cho tới hết năm 2021 có khoảng 146 dự án PPP lớn với giá trị ước tính khoảng 2,71 tỷ USD cho các hoạt động biến đổi khí hậu được thực hiện thông qua mô hình PPP ở Việt Nam.

Ông Thiên cho biết, để giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 thì đòi hỏi sự đầu tư đáng kể từ khu vực Nhà nước và tư nhân.

"Rất khó định lượng các khoản đầu tư cần thiết vì việc này đòi hỏi phải xác định và tính toán được chi phí của các biện pháp thích ứng không chỉ ở các ngành kinh tế khác nhau", TS Trần Đình Thiên chia sẻ.

Theo đó, với tổng giá trị tài sản thương mại và công nghiệp dễ bị tổn thương với rủi ro biến đổi khí hậu ở Việt Nam ước tính khoảng 300 tỷ USD, tổng chi phí cải thiện khả năng chống chịu của các tài sản này với biến đổi khí hậu và giảm phát thải sẽ lên tới 228 tỷ USD trong cả giai đoạn 2022-2050.

Chi phí có thể phát sinh thêm từ nhu cầu nâng cấp và bổ sung cơ sở hạ tầng công cộng, cũng như từ các khoản đầu tư mới cần thiết để tăng cường khả năng thích ứng với khí hậu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã ước tính các chi phí đó hàng năm vào khoảng 3-4% GDP trong giai đoạn 2021-2025.

Dòng sự kiện: Kinh tế bền vững

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm