Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV):
Nhiều doanh nghiệp lo lắng nhưng không biết lấy tiền đâu để chuyển đổi xanh
(Dân trí) - Giám đốc Văn phòng Ban IV cho biết phần lớn các doanh nghiệp trong tình trạng lo lắng, nhìn được thách thức và cơ hội nhưng không biết bắt đầu từ đâu, lấy tiền ở đâu để chuyển đổi xanh.
Tăng trưởng xanh được xác định là xu hướng tất yếu trong chính sách phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, nhằm hướng tới sự phát triển bền vững.
Tại Hội nghị COP26, Việt Nam cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về việc đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Ngay sau COP26, Việt Nam đã khẩn trương cụ thể hóa, bắt tay thực hiện ngay những cam kết của mình trước cộng đồng quốc tế.
Ước tính của Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC, để đạt được mục tiêu kép là thu nhập cao và trung hòa cacbon, Việt Nam cần đầu tư 6,8% GDP mỗi năm từ nay đến năm 2040. Con số này tương đương 368 tỷ USD, theo giá trị hiện tại, cho phát triển, thích ứng, và giảm nhẹ.
Chia sẻ tại Diễn đàn thường niên 2023 (AF6) do Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) tổ chức, ông Darryl Dong - Kinh tế trưởng, Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC tại Việt Nam - cho rằng một nửa khoản đầu tư này dự kiến sẽ do khu vực tư nhân gánh vác. Các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư xanh nhiều hơn nữa.
Nhận thức và mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp ở mức thấp
Mặc dù đóng vai trò quan trọng trong vấn đề tăng trưởng xanh nhưng thực tế hiện nay nhận thức về vấn đề này của doanh nghiệp vẫn còn ở mức độ thấp.
Lấy số liệu từ cuộc khảo sát "Đánh giá mức độ nhận thức của doanh nghiệp liên quan tới bài toán giảm phát thải và chuyển đổi xanh" được thực hiện vào tháng 8/2022, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), cho biết 20% những người tham gia cho biết đến cam kết tại COP26.
Chỉ có hơn 10% doanh nghiệp biết đến những bài toán ảnh hưởng trực diện tới doanh nghiệp như xu hướng thuế carbon, xu hướng điều chỉnh thuế cacbon tại các quốc gia châu Âu, các quốc gia phát triển, những Nghị định, Quyết định trong nước liên quan cần phải thực hiện ngay trong năm 2022 và 2023.
Khảo sát cũng cho thấy các doanh nghiệp đang đối diện 3 thách thức lớn nhất trong bài toán chuyển đổi xanh.
Thứ nhất là doanh nghiệp có rất ít thông tin để hành xử, đưa ra quyết định mặc dù rất nhiều thông tin truyền thông về chuyển đổi xanh, ESG, giảm phát thải.
Thứ hai là doanh nghiệp rất thiếu và không nắm được những biện pháp kỹ thuật để chuyển đổi xanh.
Thứ ba là hơn 60% doanh nghiệp cho biết áp lực lớn khác là bài toán vốn để thực hiện chuyển đổi xanh cho dù có thông tin, đã lựa chọn được giải pháp chuyển đổi.
"Đặc biệt năm 2023, doanh nghiệp đối diện với khủng hoảng, vốn để duy trì hoạt động bình thường còn khó nữa là câu chuyện chuyển đổi", bà Thủy nhấn mạnh.
Về vấn đề tín dụng, giám đốc văn phòng Ban IV cho biết nút thắt chính hiện nay là chưa có tiêu chuẩn phân loại xanh làm cơ sở ngôn ngữ chung giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Hiện nay Việt Nam đang thiếu những tiêu chí để các bên khẳng định thế nào là doanh nghiệp xanh hay không xanh. Hiện nay, ngân hàng và doanh nghiệp đang tìm tiêu chí của những tổ chức khác nhau cả trong nước lẫn quốc tế.
Sau gần 2 năm Ban IV làm việc với doanh nghiệp hầu hết các ngành lĩnh vực và các Hiệp hội cho thấy có 3 doanh nghiệp nhóm khác nhau trong vấn đề chuyển đổi xanh.
Nhóm 1 là rất ít các doanh nghiệp đã xác định được chiến lược và bắt đầu có lộ trình chuyển đổi xanh, mô hình sáng kiến, có thể thừa nhận ở cấp độ quốc tế.
Nhóm 2 được gọi là các doanh nghiệp "to do list". Các chủ doanh nghiệp đã cố gắng tìm ra một số việc cụ thể để làm. Đây là những hoạt động cụ thể như đầu tư năng lượng điện mặt trời trên mái nhà, thay đổi máy móc trong phạm vi có thể nhưng không gắn với chiến lược, bài toán quản trị chung.
Nhóm 3 chiếm số đông là các doanh nghiệp trong tình trạng lo lắng, nhìn được thách thức và có thể nhìn được một ít cơ hội nhưng không biết bắt đầu từ đâu, lấy tiền ở đâu để làm.
Doanh nghiệp cần làm gì nếu muốn chuyển đổi xanh?
Bà Thủy cho biết sau hơn một năm thực hiện khảo sát và thực hiện chương trình nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp, nhận thức của doanh nghiệp đã thay đổi đáng kể. Tuy nhiên họ lại đối mặt với câu hỏi khác là "Nhưng phải bắt đầu từ đâu?".
Đại diện Ban IV cho biết khuyến cáo của các chuyên gia trong và ngoài nước là doanh nghiệp cần bắt đầu từ việc đơn giản nhất là minh bạch thông tin về hoạt động hiện tại.
Hiện Việt Nam đã có văn bản pháp luật quy định thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Quy định này bắt buộc áp dụng với 1.912 doanh nghiệp, năm nay tăng lên gần 4.000 doanh nghiệp. Các chuyên gia khuyến khích những doanh nghiệp có hoặc không trong danh sách bắt buộc đang mong muốn chuyển đổi xanh cần thực hiện kiểm kê khí nhà kính.
Bà Thủy cho biết đây là bước cơ sở để cho biết phát thải của doanh nghiệp đang nằm ở mức độ nào, đâu là nguồn phát thải chính. Nếu đưa giải pháp, kỹ thuật vào doanh nghiệp cần ưu tiên khu vực phát thải cao nào, từ đó sẽ dẫn tới câu chuyện bố trí vốn.
Về phía tổ chức tín dụng, ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), cho rằng để tiếp cận tín dụng xanh dễ dàng hơn, doanh nghiệp cần thực hiện 2 điều.
Thứ nhất là doanh nghiệp cần thay đổi quản trị, chiến lược cũng như tuyên bố của doanh nghiệp xanh hơn, ít phát thải hơn, thân thiện với môi trường hơn. Ví dụ như giảm phát thải 20% theo tiêu chuẩn của IFC.
Thứ hai là doanh nghiệp cần tuân thủ và phù hợp với các công ước, thông lệ quốc tế.