DMagazine

Vì sao bảo hiểm "bị dị ứng" và những hé lộ của người trong cuộc

(Dân trí) - Bị nghĩ là đa cấp, mang tai mang tiếng, phát bực vì đi vay ngân hàng bị yêu cầu mua bảo hiểm... là những câu chuyện về nghề bảo hiểm được ông Nguyễn Hoàng Hải chia sẻ với Dân trí.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, chuyên gia về chiến lược doanh nghiệp và cũng đang làm trong ngành bảo hiểm nhân thọ, đã có những chia sẻ thẳng thắn và cởi mở với Dân trí về nghề bảo hiểm, một trong những nghề nhiều tai tiếng và bị không ít người ghét. Câu chuyện của ngành này thực tế ra sao? 

Vì sao bảo hiểm bị dị ứng và những hé lộ của người trong cuộc - 1

Bảo hiểm lâu nay vẫn được coi là "tai tiếng". Tôi hỏi người thân quen hay bạn bè, 10 người thì có đến 7-8 người cảm thấy bảo hiểm thật là phiền toái. Vì sao lại vậy, suy cho cùng thì bán bảo hiểm vốn dĩ cũng là một công việc bình thường, thậm chí còn "hot" vì công việc này đôi khi giúp người ta kiếm cả vài nghìn USD/tháng?

- Ở Việt Nam, bảo hiểm nhân thọ còn non trẻ, mới xuất hiện vài chục năm nay. Mà phàm những ngành non trẻ thì không tránh khỏi sự khó khăn dù ở nước ngoài ngành này rất là danh giá. Vì mới, nên nhận thức về bảo hiểm của một bộ phận người dân cũng chưa được kỹ. Dù các công ty bảo hiểm cố gắng để đào tạo tư vấn viên nhưng mà khi triển khai thực tế, một số tư vấn viên này có thể vì áp lực gì đó lại gây ra một số vấn đề như kiện tụng, vấn đề liên quan chi trả, tư vấn viên tư vấn cho khách hàng chưa kỹ… nên phát sinh câu chuyện người ta nghĩ bảo hiểm thế này, thế kia…

Cái gọi là tai tiếng thì là đôi khi do tư vấn sai chưa đầy đủ hoặc vì doanh số mà tư vấn viên lại tư vấn cho khách một gói không phù hợp với khả năng tài chính. Ví dụ lương khách chỉ là 10-20 triệu đồng/tháng thôi nhưng họ tư vấn gói quá lớn dẫn tới khách hàng họ sẽ gặp khó khăn khi đóng những kỳ sau, năm sau và năm sau nữa.

Hay gần đây có một số khách hàng phản ánh với tôi là đóng bảo hiểm 2 năm nhưng người nhà lại bị ung thư mà bên công ty bảo hiểm chưa chi trả. Tìm hiểu ra thì hóa ra do lịch sử bệnh bị khai thiếu do tư vấn viên chưa tư vấn chuẩn. Phía công ty bảo hiểm thì nghĩ là khách hàng gian dối, khai sai còn khách lại nghĩ công ty bảo hiểm chậm trễ… thành ra phát sinh hiểu lầm.

Vì sao bảo hiểm bị dị ứng và những hé lộ của người trong cuộc - 3

Vì thế mà đòi hỏi sự hiểu nhau giữa khách hàng và người đi tư vấn, người đi tư vấn cũng cần có tâm. Nếu như tư vấn cho khách chưa đủ, chưa kỹ hoặc sai thì sẽ gây ra khó chịu cho khách hàng, kiểu vậy…

Ngày xưa, đội ngũ tư vấn viên đa số là người ít việc làm, người nông nhàn, người mất sức về hưu nhưng bây giờ thì lớp tư vấn viên là người trẻ, được đào tạo tốt nên sẽ mang tới góc nhìn khác hơn về nghề bảo hiểm.

Như anh chia sẻ thì một trong những lý do khiến bảo hiểm không có thiện cảm với không ít người là do áp lực doanh thu, doanh số của tư vấn viên. Nhưng rõ ràng áp lực này cũng xuất phát từ các công ty bảo hiểm đó chứ?

- Cũng không hẳn đâu. Ai có tham vọng doanh thu lớn thì có khi họ nhắm mắt và tư vấn không kỹ. Còn các công ty bảo hiểm, tôi nghĩ họ không khuyến khích tư vấn sai. Vì trong ngắn hạn thì chúng tôi phải có doanh số. Nhưng dài hạn thì danh tiếng công ty bị ảnh hưởng nhiều chứ chẳng có lợi gì cả.

Tôi nghĩ trong ngắn hạn, chuyện tư vấn sai chỉ có một vài tư vấn viên hoặc một nhóm nào đó thôi. Trong vài chục nghìn tư vấn viên không thể tránh khỏi việc một số người thế này, thế nọ. Còn về tổng thể, một doanh nghiệp có bề dày, uy tín thì chẳng ai muốn đánh đổi danh tiếng theo kiểu đó. Các lãnh đạo chủ chốt cũng không khuyến khích doanh số bằng mọi giá.

Nhưng mà rõ ràng người ta vẫn tôn vinh những người có doanh số cao đó chứ. Và doanh số cao thì lương cũng cao. Nói như trên thì có vẻ mâu thuẫn không?

- Chuyện tôn vinh là chuyện khác. Bất cứ ngành nghề nào thì người ta đều tôn vinh những doanh nghiệp có doanh thu lớn, người tạo ra doanh thu lớn… Chuyện bình thường mà. Nhưng không tôn vinh bằng mọi giá. Nếu phi pháp hay vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thì chả ai được tôn vinh cả.

Chuyện tai tiếng có thể là hiện tượng nhỏ thôi nhưng người ta lại nhìn vào hiện tượng nhỏ để kết luận một ngành thì đôi khi không hợp lý lắm. Bất cứ ngành nghề nào cũng có người nọ người kia.

Nhưng tần suất của ngành bảo hiểm có lẽ hơi nhiều?

- Tôi nghĩ cũng có thể một phần do lịch sử quá khứ là đội ngũ tư vấn viên chưa được đào tạo. Nhưng giờ thì về mặt thị trường, chúng ta có khoảng một nửa người dân mua bảo hiểm thôi thì cũng có rất nhiều khách hàng đang chờ tư vấn viên, trong khi lực lượng tư vấn bảo hiểm, tư vấn tài chính cũng vẫn thiếu. Cần nói thêm là đội ngũ này là những người tư vấn làm sao cho người ta đầu tư để đúng thì lại cần phải có kiến thức.

Vì sao bảo hiểm bị dị ứng và những hé lộ của người trong cuộc - 5

Vậy thì bảo hiểm có phải nghề "hot" không, theo anh?

- Tôi nghĩ rất "hot". Hiện số người mua bảo hiểm ở Việt Nam mới chiếm khoảng 10-12% dân số thôi, đang rất thấp so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia… Ở nhiều nước, tỷ lệ này là 40-50%, có khi tới 70-80% như các nước châu Mỹ như Canada chẳng hạn. Do vậy lực lượng rất lớn có tiềm năng là khách hàng, trong khi đội ngũ tư vấn tài chính, bảo hiểm còn khá hạn chế.

Chứ không phải "hot" vì thu nhập "khủng"?

- Thu nhập hiện nay của các bạn làm bảo hiểm nếu mà làm tận tâm thì rất lớn, có thể tới 100 triệu đồng một tháng là bình thường, thậm chí còn hơn. Tôi có một bạn nhân viên cũ giờ làm cấp độ cao trong ngành bảo hiểm, quản lý vài nghìn tư vấn viên và thu nhập có thể tới tiền tỷ một tháng.

Tỷ lệ người đạt được thu nhập này có nhiều không?

- Nhiều. Chính vì nghịch lý là nhiều người ngại bảo hiểm thì lại tạo ra cơ hội cho những người dám làm bảo hiểm. Thị trường bây giờ mở lắm. Ví dụ, đi bán bất động sản giờ có dễ đâu, bảo "chốt" được một căn để kiếm 50 triệu hay 100 triệu đồng/tháng cũng không dễ. Còn với bảo hiểm, có thể là người đi bán thật đấy nhưng kiếm được vài hợp đồng một tháng là chuyện rất bình thường. Cũng chẳng phải do nhân viên bảo hiểm giỏi hơn các ngành khác mà vì nhu cầu với bảo hiểm đâu đó vẫn có. Ví dụ trong gia đình có thể bố mẹ mua, rồi mua cho các con, một gia đình 3 thế hệ có 5-6 hợp đồng bảo hiểm cũng là chuyện rất bình thường.

Anh nói sao chứ tôi đi hỏi bạn bè thì thứ mà mọi người đang quan tâm hơn vẫn là các kênh đầu tư, chứ chưa hẳn là kênh có tính chất "phòng thủ" như là bảo hiểm? Nói thật người ta có phần "dị ứng" với bảo hiểm vì nhiều lý do trong đó có chuyện tư vấn sai như anh nói đấy hoặc những vấn đề khác như chèo kéo, tư vấn một kiểu, giải quyết một kiểu?

- Vấn đề giải quyết thì như tôi nói đó. Các doanh nghiệp bảo hiểm họ phải xử lý theo quy trình, có nghĩa là có đơn yêu cầu thanh toán bảo hiểm thì họ phải làm theo quy trình, họ phải có những hóa đơn, chứng từ xác nhận của bệnh viện, chính quyền… Với trường hợp sự cố xảy ra thì họ phải theo quy trình chứ không phải theo cảm tính được.

Những vấn đề này đòi hỏi phía tư vấn phải giải thích rõ cho người mua bảo hiểm để người ta biết là khi sự việc bảo hiểm xảy ra thì cần có những giấy tờ gì để chứng minh đó là sự việc bảo hiểm. Vấn đề này đôi khi là do là người mua bảo hiểm chưa được tư vấn hợp lý, vì thế mà người ta có thể bức xúc là tại sao có nhiều giấy tờ quá hoặc tại sao tôi cần phải giấy tờ này.

Tôi nghĩ rất đơn giản, có thể đến từ 2 việc. Một là các công ty bảo hiểm có thể cân nhắc cải thiện quy trình. Hoặc là thứ hai là bản thân những người mua bảo hiểm hoặc tư vấn viên của công ty bảo hiểm phải hiểu, tuân thủ quy trình thôi. Tư vấn viên thì cần giải thích rõ cho người mua bảo hiểm ngay từ đầu, đâu là những giấy tờ cần thiết và khi sự việc xảy ra thì họ luôn phải có mặt. Vì cũng có câu chuyện là tư vấn viên bán bảo hiểm nhưng sau đó sự việc phát sinh thì họ lại nghỉ việc rồi thì khách mua không được hỗ trợ dẫn tới bức xúc… Về vấn đề này thì không còn cách nào khác là các công ty bảo hiểm cần lưu ý và quản lý.

Vì sao bảo hiểm bị dị ứng và những hé lộ của người trong cuộc - 7

Ban nãy anh nói thu nhập cao nếu người làm bảo hiểm tận tâm. Nhưng tận tâm lại là cái gì đó rất định tính?

- Ý là làm khách hàng hài lòng. Với bất cứ ngành nghề nào, khi chúng ta muốn lên đỉnh cao thì cũng phải dành thời gian nhất định, chuyên tâm và tập trung vào công việc, chứ không chuyên tâm kiểu vừa làm việc này vừa làm việc kia thì khó để mà thành công lắm.

Mức thu nhập anh nêu khá hấp dẫn nhưng thường mất bao lâu để từ khi bắt đầu đến khi đạt được thu nhập "khủng" như vậy?

- Khoảng 1 đến 2 năm. Còn trong năm đầu tiên thì chỉ tạm tính là để nhân sự ngành này quen môi trường công việc. Thời gian dài hay ngắn lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố lắm, có người tận dụng được sẵn mối quan hệ thì dễ thành công hơn. Ví dụ như nhiều người khoảng 30-40 tuổi tận dụng được các mối quan hệ sẵn có thì họ cũng dễ thành công hơn người trẻ mới ra trường.

Thế vô hình trung có mâu thuẫn với chiến lược của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm bây giờ là trẻ hóa đội ngũ tư vấn viên như anh chia sẻ? Vì người trẻ thì thường làm gì có quan hệ gì đâu và như thế thì nước lại chảy chỗ trũng, người có thu nhập "khủng" lại chỉ toàn là những người có kinh nghiệm, mối quan hệ, tệp khách hàng?

- Cái này thì phải nói là bất cứ đội nhóm nào cũng nên có sự đan xen giữa những người có kinh nghiệm và các bạn trẻ. Người có kinh nghiệm thì cũng có hạn chế về sức khỏe chẳng hạn, rồi phân bổ thời gian. Còn người trẻ thì có nhiều thời gian hơn nhưng lại ít kinh nghiệm, ít mối quan hệ. Tôi nghĩ đều có điểm cân bằng. Ví dụ người trẻ có thể tham gia học hỏi nhiều hơn, tham gia hội nhóm trên mạng xã hội… để tạo ra các mối quan hệ tích cực. Nói chung là quan trọng bạn có chuyên tâm hay không thôi, và có ý thức được bảo hiểm thật ra cũng là nghề danh giá hay không thôi.

Vậy tỷ trọng tư vấn viên trong lĩnh vực bảo hiểm là người không có công ăn việc làm hay người về hưu mất sức hiện tại như thế nào?

- Thật ra chưa có con số chính xác, nhưng cảm quan đội ngũ giờ là lực lượng trẻ rất nhiều. Độ tuổi từ 20 đến 40 tuổi nhiều hơn. Nhiều bên cũng đang có sự trẻ hóa.

Vì sao bảo hiểm bị dị ứng và những hé lộ của người trong cuộc - 9

Trong ngành này có câu chuyện lợi dụng lẫn nhau hay không, ví dụ như người có kỹ năng, kinh nghiệm thì lại lợi dụng các bạn trẻ để phục vụ cho mục đích kiếm tiền của mình chẳng hạn?

- Không. Cá biệt thì chắc ngành nào cũng có, nhưng trong ngành bảo hiểm, các công ty hiện đại đang xây dựng mô hình thì sự kết hợp giữa người trẻ và người có kinh nghiệm sẽ đem lại lợi ích cho cả 2 bên. Người trẻ thì học được kinh nghiệm vì có những mối quan hệ bạn trẻ không bao giờ có nếu chỉ đi một mình. Ngược lại, các anh chị có kinh nghiệm lại cần thời gian hơn cho gia đình chẳng hạn, nên có một số việc có thể kết hợp được với nhau trong đội nhóm, tôi tạm gọi đó là sự hỗ trợ lẫn nhau. Các cụ vẫn bảo "khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già" là ý đó. Tôi nghĩ là linh hoạt thôi.

Vậy anh nghĩ sao khi có người bảo mô hình bảo hiểm giống như mô hình đa cấp vậy?

- Tôi không hiểu thế nào là đa cấp, cũng chưa tìm hiểu kỹ. Chứ hệ thống bảo hiểm được đa số tập đoàn lớn vận hành, được sự quản lý của Bộ Tài chính, có doanh nghiệp vốn điều lệ cả chục nghìn tỷ đồng, doanh thu cả vài chục tỷ USD một năm thì họ không thể nào không kiểu mẫu được.

Còn về mô hình vận hành thì rõ ràng các tập đoàn vận hành rất hợp pháp, đặc biệt mô hình bảo hiểm khó hơn một chút là phần lương thu nhập cứng một số công ty quy định. Tôi không hiểu đa cấp ý chị nói là thế nào vì nếu vận hành theo đội nhóm thì ngành nghề nào cũng đều vậy, thành quả đội nhóm sẽ được chia thành thành quả cá nhân, các cấp quản lý, rồi các vị trí khác… Tổng hay phó tổng giám đốc của nhiều bên cũng có trực tiếp đi bán hàng đâu nhưng họ vẫn nhận lương quản lý nên tôi nghĩ không có chuyện đa cấp gì ở đây cả.

Vì sao bảo hiểm bị dị ứng và những hé lộ của người trong cuộc - 11

Vậy hỏi thật là để đạt được thu nhập như vậy thì có cần mánh mung gì không?

- Tôi không gọi đó là mánh mung mà gọi tạm đó là các kiến thức, kỹ năng, thái độ. Mấy yếu tố này thì nghề nào cũng cần cả, còn nghề bảo hiểm thì cần thêm kiến thức vĩ mô, bảo hiểm, kiến thức về sức khỏe…

Anh nói tới kiến thức, nhưng theo thông tin thì tư vấn viên bảo hiểm lại có thời gian được đào tạo khá là nhanh. Vậy có mâu thuẫn giữa việc cần có kiến thức sâu rộng để kiếm được lương cao như anh nói?

- Việc chỉ cần đào tạo 3 ngày là tôi muốn nói đến 3 ngày để tư vấn viên được cấp chứng chỉ. Nhưng để mà có được kiến thức cơ bản thì khi đi làm trong doanh nghiệp, đội ngũ tư vấn viên được đào tạo khủng khiếp về sản phẩm, ví dụ như thế nào là sản phẩm tiết kiệm, sản phẩm đầu tư, sản phẩm sức khỏe… Họ còn được đào tạo về kỹ năng mềm, kỹ năng thuyết phục, cách nói chuyện, cách ăn mặc… Có thực tế là những người làm bảo hiểm nếu vì lý do gì đó mà không làm nữa thì các ngành khác cực kỳ ưa thích sử dụng nhân sự đã được đào tạo qua các tập đoàn bảo hiểm lớn ra vì họ được đào tạo rất chuẩn mực.

Nhưng cuối cùng thì ngành gì cũng phải cần chuyên môn, chứ đâu chỉ là kỹ năng mềm?

- Chưa chắc nhé. Cứ nhìn mà xem, có 2 người cùng tốt nghiệp một đại học, có khi cùng lớp, nhưng tại sao khi ra cuộc sống có người phát triển nhanh, người phát triển chậm hơn. Có những người không giỏi bằng bạn bè khi đi học nhưng ra đời lại phát triển rất mạnh. Đó là những kiến thức chung, còn ứng dụng vào thực tế thì lại thiên biến vạn hóa, không đơn giản là anh học tốt hơn tôi, điểm cao hơn tôi thì có nghĩa là anh sẽ thành công hơn tôi, dù rõ ràng kiến thức là tối quan trọng vì ta không thể tư vấn sai về sản phẩm…

Anh thấy sao khi mà người ta nói ở Việt Nam bảo hiểm nhân thọ là cái gì đó khiến cho người ta vừa thương lại vừa ghét?

- Thì như tôi nói, do lịch sử để lại thôi. Một ngành mới non trẻ 20-30 năm thì không tránh khỏi việc phải chờ nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao hơn. Việc này cần sự chung tay của tất cả các thành tố, trong đó có việc bản thân mỗi người phải tự tìm hiểu, vì sao lại sẵn sàng chọn các kênh đầu tư trong đó có cả những kênh đầy rủi ro, đi đầu tư mất tiền chẳng tiếc nhưng lại tiếc khi bỏ 20-30 triệu để đi mua bảo hiểm…

Nói đi cũng cần nói lại, phải xem xét việc công ty bảo hiểm làm thế nào mà lại để ngành của mình khiến người ta mất niềm tin vậy, chứ đâu phải từ phía người dân, người mua?

- Đúng rồi. Rõ ràng về mặt quản lý hệ thống, các công ty nên tuyển chọn nhân viên kỹ hơn, đào tạo kỹ hơn, lãnh đạo phải nên sâu sát với nhân viên, để xem đảm bảo rằng là có hệ thống kiểm soát chéo xem khách hàng được tư vấn và chăm sóc đầy đủ chưa, nên có hệ thống kiểm tra chéo lẫn nhau. Bên cạnh đó là đảm bảo đội ngũ tư vấn viên làm đúng chức trách nhiệm vụ của mình và khách hàng cũng được hưởng quyền lợi một cách đầy đủ thay vì cứ bảo thôi mua đi mua đi mua giúp tôi, không phải như thế, đây là tốt cho khách hàng, nhưng tốt như thế nào thì tư vấn viên phải nói được, chứ không chỉ đơn giản là câu chuyện "thôi mua đi giúp em cho em có doanh số".

Nhưng mà bây giờ trên thị trường đa số là câu chuyện "thôi mua đi giúp em cho em có doanh số đấy"?

- Chính thế, nên là mới hình thành câu chuyện hiểu sai, không có giúp gì ở đây cả.

Vì sao bảo hiểm bị dị ứng và những hé lộ của người trong cuộc - 13

 Anh có chia sẻ về câu chuyện thị trường non trẻ và so sánh với các kênh đầu tư khác, tôi chợt liên tưởng đến thị trường chứng khoán. Bảo hiểm hay chứng khoán đều có tuổi đời non trẻ đấy thôi nhưng rõ ràng thị trường chứng khoán thu hút người dân tham gia mạnh còn bảo hiểm thì mang tai mang tiếng?

- Chứng khoán với bảo hiểm hơi khác nhau. Với chứng khoán thì gần như là ta góp vốn với công ty, ta là cổ đông doanh nghiệp và đúng nghĩa lời ăn lỗ chịu. Chứng khoán là đầu tư. Còn bảo hiểm thì cũng có phần nào đó là đầu tư vì người mua sẽ được nhận lãi suất 3-4%/năm gì đó, nhưng bản chất bảo hiểm là sản phẩm phòng ngừa rủi ro, nếu có rủi ro thì người mua được chia sẻ, tiền đó không mất đi đâu. Đầu tư chứng khoán thì bạn có thể "về zero" nhưng bảo hiểm thì không bị mất. Một bên là đầu tư, một bên là phòng thủ.

Ý tôi là 2 thị trường đó khác nhau mà, đều mới mẻ nhưng chứng khoán thì phát triển hơn còn bảo hiểm vẫn trong vùng trũng tâm lý của nhà đầu tư. Ngay cả tầng lớp có kiến thức người ta vẫn đôi khi nghĩ bảo hiểm như một cái gì như kiểu lừa đảo ấy?

- Thực ra ngành nghề nào cũng có chính sách để phát triển thôi. Hoặc cũng có thể do sự truyền thông của các đơn vị làm bảo hiểm. Lý do thì có nhiều, nhưng tôi nghĩ đôi khi là do sự truyền thông đấy. Bảo hiểm hay chứng khoán đều thuộc sự quản lý của Bộ Tài chính nhưng sự truyền thông đến người dân liệu đã đủ hay chưa. Các công ty bảo hiểm cần xem xét về câu chuyện truyền thông.

Bên cạnh đó là nhận thức chung mà cái này lại từ nhiều phía, cả câu chuyện giáo dục nữa. Ở các nước, học sinh được dạy rất sớm về quản lý tiền, quản lý tài chính cá nhân nhưng ở Việt Nam thì chưa. Hy vọng là trong tương lai thì chúng ta sẽ chú trọng hơn đào tạo kiến thức tài chính cá nhân cho những người trẻ, để họ có nhận thức đúng đắn hơn. Hiện nay, nhiều sinh viên không có kiến thức về đầu tư đâu, hoặc cũng rất mông lung. Họ không thích an toàn mà thích phải nhanh, luôn.

Vì sao bảo hiểm bị dị ứng và những hé lộ của người trong cuộc - 15

Anh toàn điểm ra cơ hội mà hình như không nói đến thách thức, rào cản của ngành bảo hiểm nhỉ?

- Thách thức thì bây giờ mình nói về đội ngũ tư vấn. Đội ngũ tư vấn phải có kiến thức, không chỉ kiến thức về bảo hiểm đâu mà có kiến thức toàn diện vi mô, vĩ mô, lạm phát…

Nói thế liệu có "chém gió", làm gì có ai mới, trẻ mà lại có ngần đó kiến thức?

- Không, về tương lai bảo hiểm tức là quản lý tài sản, quy ra tư vấn tài chính, chứ không chỉ bảo hiểm vì hiện nay sản phẩm bảo hiểm cũng đa dạng lắm, sản phẩm đầu tư có, tiết kiệm có, hưu trí, y tế có, bảo vệ nhân thọ bồi thường cũng có thì đòi hỏi kiến thức rất đa dạng các ngành nghề và kiến thức chung về kinh tế. Cho nên, dù làm ngành nghề gì bạn cũng nên hiểu thế nào là đầu tư, lãi suất, lạm phát…

Tức là thách thức với ngành bảo hiểm là chất lượng nguồn nhân lực? Và làm sao để tâm lý của người dân liên quan đến bảo hiểm tốt hơn?

- Không chỉ ngành bảo hiểm mà ngành giáo dục cũng nên thay đổi. Ví dụ ở các nước từ cấp 3 thì người trẻ đã được học về quản lý tài chính, tiền tệ, đầu tư, hoặc chọn một số môn học quan kinh tế, biết các kiến thức cơ bản về kinh tế. Ở Việt Nam thì các môn đó còn khá xa lạ, các gia đình mang tính truyền miệng thậm chí ở một số gia đình mà bố mẹ có tư duy cho con biết đến tài chính sớm lại không hay.

Hỏi thật là các anh làm bảo hiểm đã từng gặp khách hàng nào mà người ta phản ứng rất dữ dội chưa?

- Có chứ, em họ tôi làm doanh nghiệp khi phải vay gói ở ngân hàng nào đó mà nhân viên tư vấn sai thì cậu ấy phải mua trong bối cảnh bị cưỡng ép thì gần như là không vui vẻ gì lắm. Khi khách hàng đi vay đã phải chịu lãi suất vay rồi, sau đó lại thêm món bảo hiểm nữa thì có khi không giải đáp kỹ là họ chỉ mua năm đầu để được vay thôi.

Thậm chí, tôi đi gặp doanh nghiệp lớn, họ nói để tiếp cận được khoản tín dụng đó thì họ cũng phải mua bảo hiểm. Tôi không biết mua trong tư thế bảo hiểm kiểu gì nhưng số tiền khá lớn, lên đến cả chục tỷ đồng đấy.

Nhưng gì thì gì, bây giờ mọi người cũng thay đổi dần cách nghĩ rồi. Ngày xưa, có nhiều gia đình, thậm chí bố hay mẹ còn không muốn cho con cái làm bảo hiểm, còn bảo "không làm được gì mới làm bảo hiểm", nhưng giờ thì đỡ rồi. Trong xã hội bao giờ cũng sẽ có một số nghề bị định kiến, nhưng nếu người ta làm ăn chân chính và tạo ra giá trị cho xã hội thì đương nhiên sẽ được pháp luật bảo vệ thôi.

Nội dung: Bảo Anh
Thiết kế: Thủy Tiên
Ảnh: Tiến Tuấn - Mạnh Quân

Dòng sự kiện: Nghề hot