DNews

Trong "cuồng phong" giá gạo: Thái Lan mắc kẹt, bị đe dọa bởi 2 cái tên

Hoàng Đại

(Dân trí) - Nông dân Thái Lan nói bị mắc kẹt trong thành công từ quá khứ. Trong khi đó, nhiều nước như Ấn Độ, Việt Nam lại đầu tư mạnh cho nghiên cứu, qua đó đe dọa vị thế của Thái Lan...

Trong "cuồng phong" giá gạo: Thái Lan mắc kẹt, bị đe dọa bởi 2 cái tên

Sau khi hoàn tất công việc thu hoạch vụ mùa mới nhất, Sripai Kaeo-eam ngay lập tức thu dọn đồng ruộng để bước vào một vụ mùa mới bất chấp việc chính phủ Thái Lan khuyến nghị hạn chế hoạt động trồng lúa nhằm tiết kiệm nguồn nước.

"Vụ mùa này là hy vọng duy nhất của chúng tôi", nông dân 58 tuổi tới từ tỉnh Chai Nat, miền Trung Thái Lan, chia sẻ bên cánh đồng mạ đã bắt đầu lên xanh tốt.

Sripai, cũng như nhiều nông dân Thái Lan khác, không muốn nghỉ ngơi khi giá gạo thế giới tăng lên ngưỡng cao nhất trong vòng 15 năm trở lại đây sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ. Và chính họ, những người nông dân từ quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, được dự báo hưởng lợi nhiều nhất.

Sự thật và thách thức

Trong cuồng phong giá gạo: Thái Lan mắc kẹt, bị đe dọa bởi 2 cái tên - 1

Bà Sripai Kaeo-eam bên thửa ruộng của chính mình tại tỉnh Chai Nat, Thái Lan (Ảnh: Reuters).

Thế nhưng, diện tích trồng lúa tại quốc gia Đông Nam Á này sụt giảm tới 14,5% trong năm qua, theo số liệu từ chính phủ. Trên thực tế, chỉ số trên chưa một lần nào tiến lên kể từ năm 2020.

Diện tích canh tác thu hẹp không chỉ kéo giảm sản lượng gạo cũng như thu nhập của người dân Thái Lan mà còn làm trầm trọng hóa thêm tình trạng lạm phát lương thực toàn cầu do nhiều khu vực sản xuất lúa gạo trọng điểm khác trên thế giới đang phải đối mặt với các hình thái thời tiết cực đoan.

Nền văn minh lúa nước trải dài hàng trăm năm tại Thái Lan đang phải đối diện với thách thức lớn hơn bao giờ hết. Những "cơn gió chướng" liên tục xuất hiện, từ hiện tượng biến đổi khí hậu, những khoản vay nợ nông nghiệp thiếu bền vững cho tới sự thiếu hụt đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực này.

Các vấn đề nói trên đang làm "kiệt quệ" những người nông dân đang ngập chìm trong nợ nần dù hàng chục tỷ USD tiền trợ cấp đã được tung ra trong suốt một thập kỷ qua. Chính thực tế trên khiến cho "bài ca" trả nợ của Sripai và nhiều người nông dân Thái Lan khác chưa biết đến khi nào kết thúc

"Diện tích canh tác bị thu hẹp do nguồn nước mưa cũng như nước ngầm sụt giảm", Somporn, chuyên gia cấp cao thuộc Viện mạng lưới tri thức Thái Lan (KNIT) trả lời Reuters. Và theo dự báo của chính phủ Thái Lan, tình trạng thiếu hụt nước có thể diễn biến xấu hơn trong năm 2024 khi El Nino hoành hành.

Còn theo Văn phòng điều phối nguồn nước quốc gia Thái Lan, một số loại hình hình thái thời tiết cực đoan gây ra bởi El Nino đang hình thành nhiều rủi ro đối với người nông dân. Lượng mưa từ đầu năm tới nay thấp hơn 18% so với thông thường. Những hồ chứa chỉ đạt khoảng hơn một nửa công suất.

Trong cuồng phong giá gạo: Thái Lan mắc kẹt, bị đe dọa bởi 2 cái tên - 2

El-Nino đe dọa nghiêm trọng tới nguồn nước phục vụ canh tác tại Thái Lan (Minh họa: Reuters).

Lúa gạo là cây trồng chủ lực của Thái Lan. Gần một nửa diện tích đất nông nghiệp tại quốc gia này được sử dụng để trồng lúa, là kế sinh nhai của hơn 5 triệu hộ gia đình, theo công ty nghiên cứu Krungsri Research.

Somporn cho biết chính phủ Thái Lan đã chi khoảng 1.200 tỷ baht (tương đương 33,85 tỷ USD) để hỗ trợ giá cũng như thu nhập cho người nông dân trong một thập kỷ vừa qua. "Nhưng số tiền đầu tư vào công tác nghiên cứu quá ít, qua đó chưa giúp cải thiện năng suất lao động cũng như cây trồng", ông chia sẻ.

Dù giá gạo có cao, nhưng thu nhập của người dân khó được cải thiện. Somporn ước tính sản lượng lúa gạo của Thái Lan có thể sụt giảm 30% trong hai mùa vụ tới.

Gánh nặng nợ nần

Trong một buổi sáng tháng 8, hàng chục nông dân và chủ đất tụ tập bên ngoài một ngân hàng nông nghiệp quốc doanh tại tỉnh Chai Nat, đòi hỏi được gặp lãnh đạo nhà băng này.

Danai Saengthabthim, 60 tuổi, tới đây với mong muốn thuyết phục ngân hàng không thu hồi đất của ông do đã quá hạn trả nợ, vốn đã trải qua nhiều thế hệ.

Thái Lan là quốc gia sở hữu tỷ lệ nợ gia đình thuộc diện cao nhất châu Á. Trong năm 2021, 66,7% các hộ gia đình nông dân sở hữu ít nhất một khoản nợ vay, chủ yếu liên quan tới hoạt động nông nghiệp, theo dữ liệu từ chính phủ.

"Tất cả hộ gia đình trong làng tôi đều có nợ", Sripai, cho biết. Hiện cô đang phải trả khoản lãi 6,785% mỗi năm cho khoản nợ lên tới 200.000 baht, tương đương 5.600 USD, của chính mình. "Chúng tôi phải vay nợ để có tiền tái sản xuất khi phải đối mặt với những điều kiện không thuận lợi như hạn hán, lũ lụt và sâu bệnh", cô nói.

"Giờ đây tôi đang mơ, vì Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo không khác gì một cơ hội trời cho", cô hào hứng chia sẻ.

Trong cuồng phong giá gạo: Thái Lan mắc kẹt, bị đe dọa bởi 2 cái tên - 3

Nợ hộ gia đình tại Thái Lan chủ yếu tới từ lĩnh vực nông nghiệp (Ảnh: Reuters).

Tân Thủ tướng  Srettha Thavisin cho biết một trong những ưu tiên chính sách ông trình lên quốc hội  Thái Lan hồi tuần trước nhắm tới mục tiêu cải thiện thu nhập cho người nông dân.

"Sẽ có sự thống nhất giữa công tác quản lý tài nguyên nước và đổi mới sáng tạo... nhằm gia tăng sản lượng. Chính phủ đồng thời tìm kiếm các thị trường đầu ra mới cho nông sản", ông chia sẻ.

Mắc kẹt trong thành công từ quá khứ

Nền tảng hình thành nên vị thế nông nghiệp hàng đầu của Thái Lan được gây dựng từ thế kỷ 19 dưới thời vua Chulalongkorn, người đã đẩy mạnh thương mại tự do, cải cách ruộng đất và lĩnh vực nông nghiệp. Nipon Poapongsakorn, chuyên gia tới từ Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan, chia sẻ với Reuters.

Việc chú trọng đầu tư nghiên cứu và xây dựng cơ sở hạ tầng cho phép người nông dân có thể tiếp cận với những giống lúa có năng suất cao kể từ thập niên 60 của thế kỷ trước, giúp xây chắc vị thể quốc gia xuất khẩu gạo số một thế giới của Thái Lan về sau.

Tuy nhiên, chính phủ Thái Lan dường như đã "bỏ quên" người nông dân từ thời điểm đó cho tới khi cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra lên nhậm chức vào năm 2011. Bà đã khởi xướng một kế hoạch chi trả tiền mua gạo từ người nông dân với giá cao hơn thị trường để họ có tiền tái đầu tư sản xuất.

Quyết định đó mở ra một thập kỷ người nông dân nhận được nhiều hỗ trợ hơn về mặt tài chính nhưng lại bỏ quên cách làm để gia tăng năng suất cây lúa, khiến cho sản lượng trung bình của Thái Lan xuống thấp hơn so với Bangladesh và Nepal.

Trong cuồng phong giá gạo: Thái Lan mắc kẹt, bị đe dọa bởi 2 cái tên - 4

Thu nhập của nông dân Thái Lan liên tục sụt giảm dù nhận được nhiều hỗ trợ. (Ảnh: Reuters).

"Chúng tôi mắc kẹt trong thành công từ quá khứ", Nipon chia sẻ. Ông nhấn mạnh vào mức sụt giảm đầu tư cho lĩnh vực nghiên cứu lúa gạo từ 300 triệu baht 10 năm về trước còn 120 triệu baht trong năm 2023. "Những giống lúa của chúng tôi đã già cỗi và năng suất cũng không còn cao như trước".

Điều này hoàn toàn trái ngược với một số quốc gia như Ấn Độ và Việt Nam với những khoản đầu tư khổng lồ cho nghiên cứu, qua đó đe dọa vị thế của Thái Lan trên thị trường lúa gạo toàn cầu.

Cùng với năng suất, thu nhập của người dân Thái Lan từ lúa gạo cũng sụt giảm. Trong thập kỷ vừa qua, người dân chỉ có thu nhập dương trong ba năm, theo dữ liệu chính phủ.

Quãng thời gian Sripai theo nghiệp nhà nông, những khó khăn đối với nghề trồng lúa tăng gấp nhiều lần, nhưng không thể phủ nhận mức giá hiện tại lại là một cơ hội hiếm có.

"Chúng tôi hy vọng có thể trả hết nợ", Sripai chia sẻ trước thềm căn nhà gỗ xập xệ mà cả gia đình đang sinh sống. "Chúng tôi chỉ biết cầu nguyện mà thôi", cô nói.