(Dân trí) - Lúc 7h30 sáng nay (31/3) đoàn kiểm tra của Bộ GTVT tiến hành kiểm tra hiện trường Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông để đánh giá toàn bộ hiện trạng dự án, bắt đầu quá trình chuyển giao cho TP. Hà Nội.
Toàn cảnh tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông trong ngày chuyển giao đầu tiên
Lúc 7h30 sáng nay (31/3) đoàn kiểm tra của Bộ GTVT đã tiến hành kiểm tra hiện trường dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông để đánh giá toàn bộ hiện trạng dự án, bắt đầu quá trình chuyển giao cho TP. Hà Nội.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2011, tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa hai Chính phủ Việt Nam - Trung Quốc.
Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông là dự án đường sắt đô thị đầu tiên được cho phép triển khai thí điểm tại Việt Nam. Dự án có tính đặc thù cao, nền tảng kỹ thuật phức tạp, công nghệ mới, các đơn vị tham gia thực hiện còn thiếu kinh nghiệm, đồng thời khung pháp lý điều chỉnh hoạt động quản lý, tổ chức thực hiện loại hình Hợp đồng EPC chưa thực sự đầy đủ.
Tại ga Cát Linh, đoàn công tác của Bộ GTVT đã đi thị sát hiện trường Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông để đánh giá toàn bộ hiện trạng, tiến tới bàn giao toàn bộ dự án cho TP. Hà Nội quản lý, vận hành, khai thác.
Trong 15 ngày đầu vận hành, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ miễn phí cho hành khách đi tàu.
Nhân viên khai thác sẽ hướng dẫn người dân trải nghiệm máy bán vé tự động.
Cận cảnh chiếc vé đi tàu với thiết kế hoa văn truyền thống, mang bản sắc văn hóa và địa danh nổi tiếng của Hà Nội. Mặt sau vé cũng được đưa đầy đủ thông tin cần biết trong quá trình sử dụng.
Mỗi vé tàu sẽ chỉ được quẹt 1 lần khi cửa ra vào mở và mất 30 giây tiếp cho lần quẹt tiếp theo.
Nhân viên khai thác hướng được bố trí tại nhiều khu vực, hướng dẫn người dân di chuyển ra khu vực tàu chờ. Đối với những người tàn tật sẽ có thang máy riêng để phục vụ.
Tại mỗi cửa lên tàu được bố trí nhân viên đứng trước phục vụ công tác đón khách.
Đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông được thiết kế gồm 4 toa, toa khách nặng 32 tấn, rộng khoảng 2,8 m, bố trí 6 ghế dài, 2 hàng cột cong về phía giữa toa, dọc theo lối đi giúp hành khách đứng bám ổn định, tàu sẽ dừng đỗ đón trả khách ở 13 ga trên cao.
Nội thất bên trong đoàn tàu được thiết kế chủ đạo là màu ghi sáng, các tấm ốp đầu ghế, tay vịn cho khách hàng đứng trên toa sử dụng màu xanh lá cây.
Cabin hệ thống điều khiển tàu đường sắt trên cao. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80 km/h, vận tốc bình quân khai thác 35 km/h, dự kiến khai thác với tần suất 2 phút một chuyến.
Sơ đồ mô tả hành trình và các ga dọc chặng đường nằm phía trên cửa. Với mỗi ga đến, hành khách sẽ được nghe loa thông báo.
Người dân có thể trải nghiệm không gian bên ngoài khi tàu chạy. Đoàn tàu có điểm ga đầu là Yên Nghĩa và ga cuối Cát Linh. Về phía Metro Hà Nội, đơn vị này cũng cho biết đã sẵn sàng tiếp nhận và khai thác Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông với đội ngũ nhân lực 600 người.
Đỗ Linh