(Dân trí) - An toàn chạy tàu là yêu cầu số 1, dự án phải đảm bảo an toàn mới đưa vào vận hành khai thác. Thậm chí, có phương án tiếp tục diễn tập những tình huống giả định trong vận hành, khai thác chạy tàu.
TIẾT LỘ ĐẦU TIÊN VỀ KẾT QUẢ CHẠY THỬ NGHIỆM ĐƯỜNG SẮT CÁT LINH - HÀ ĐÔNG
An toàn chạy tàu là yêu cầu số 1, dự án phải đảm bảo an toàn mới đưa vào vận hành khai thác. Thậm chí, có phương án tiếp tục diễn tập những tình huống giả định trong vận hành, khai thác chạy tàu.
Chiều 4/1, trao đổi với PV Dân Trí, ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) - đưa ra vấn đề nói trên.
Dự án được vận hành thử nghiệm toàn hệ thống theo 166 quy trình, từ ngày 12/12 - 31/12/2020. Toàn hệ thống dự án được vận hành theo cơ chế điều khiển tập trung, tự động từ Trung tâm Điều hành OCC đặt tại Depot Hà Đông. Các thông tin, tín hiệu của hệ thống tự động truyền về trung tâm điều hành để phục vụ chỉ huy, điều hành.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn tất chương trình vận hành thử nghiệm theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt trong 20 ngày. Suốt quá trình này có sự giám sát chéo, chặt chẽ của nhiều bên là Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, Ban Quản lý dự án, tư vấn độc lập của Pháp, Metro Hà Nội, Tổng thầu Trung Quốc.
Hiện nay, Tổng thầu Trung Quốc và các đơn vị có trách nhiệm đang xây dựng báo cáo chung, đánh giá về quá trình vận hành thử nghiệm này. Trong khi đó, Tư vấn độc lập của Pháp đang trong kỳ nghỉ Tết dương lịch, tới 10/1 họ mới trở lại công việc và hoàn thiện báo cáo đánh giá riêng của họ về dự án này.
"Đến khoảng 15/1, cơ bản các báo cáo đánh giá an toàn, kỹ thuật, vận hành dự án sẽ được hoàn tất. Khi đó, những nội dung trong báo cáo đánh giá độc lập và báo cáo tổng thể sẽ được thẩm định, xem xét, phân tích kỹ lưỡng" - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho hay.
Khi được hỏi về đánh giá sơ bộ quá trình vận hành thử nghiệm dự án dưới góc độ là Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực, ông Nguyễn Ngọc Đông cho PV Dân Trí biết toàn hệ thống vận hành "tiến bộ dần lên theo từng ngày thử nghiệm".
"Về cơ bản các bên thống nhất được với nhau những nội dung cần thiết, xử lý những tình huống giả định về an toàn chạy tàu, trong quá trình vận hành có những phát sinh được phối hợp giải quyết kịp thời" - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng nhấn mạnh, an toàn chạy tàu là yêu cầu số 1, sau khi kết thúc quá trình vận hành thử, những vấn đề còn chưa nhuần nhuyễn sẽ tiếp tục được đánh giá kỹ để có hướng khắc phục và hoàn thiện, thậm chí có phương án tiếp tục diễn tập những tình huống giả định trong vận hành, khai thác chạy tàu.
"Dự án phải đảm bảo an toàn mới đưa vào vận hành khai thác. Vì vậy, thời điểm này không thể khẳng định bất kỳ điều gì về dự án, kết quả thử nghiệm phải chờ các đơn vị có trách nhiệm đưa ra cụ thể" - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh.
Với vai trò là đơn vị tham gia vận hành dự án, ông Vũ Hồng Trường - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Metro Hà Nội - thông tin tới PV Dân Trí: "Chúng tôi đang chờ kết quả đánh giá về dự án của các đơn vị có trách nhiệm. Đội ngũ vận hành dự án đã tuân thủ quy trình vận hành đã được phê duyệt, chúng tôi sẽ tiếp tục củng cố, bồi dưỡng kiến thức để nâng cao hiệu quả vận hành".
Đề cập tới thời gian tiếp nhận dự án và chính thức đưa vào khai thác thương mại, ông Trường cho biết việc này phụ thuộc vào kết quả đánh giá, nghiệm thu dự án. Metro Hà Nội sẵn sàng tiếp nhận càng sớm càng tốt.
Được biết, chiều 4/1, Tổ công tác riêng về đường sắt Cát Linh - Hà Đông của TP. Hà Nội đã có cuộc họp về dự án này. Tuy nhiên, một đại diện Tổ công tác cho biết đây là cuộc họp thường lệ và ít nhất 10 ngày nữa kết quả đánh giá vận hành thử nghiệm Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông mới được công bố.
Mới đây, đề cập tới Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết đặc thù đường sắt khác với đường bộ. Đường bộ làm xong có thể thông xe kỹ thuật và đưa vào khai thác, sử dụng. Thậm chí, có dự án sử dụng 1-2 năm vẫn chưa bàn giao; có những công trình đường bộ chưa xong thủ tục đã đưa vào khai thác, vì đường bộ an toàn và không nguy hiểm như đường sắt. Đường sắt phải đánh giá kỹ lưỡng và đảm bảo an toàn mới được vận hành khai thác.
Vận tốc thiết kế 80km/h và vận tốc khai thác thương mại trung bình 35km/h, khi khai thác, tần suất đoàn tàu đến ga khoảng 6-7 phút/chuyến, giờ cao điểm có thể 2-3 phút/chuyến.
Nhiều câu hỏi đã đặt ra rằng liệu đây có phải thời điểm "hoàng hôn về đích" tốt nhất cho Metro Cát Linh - Hà Đông? Bởi nhu cầu thực của người dân về phương tiện công cộng là rất lớn, họ cũng đã chờ quá lâu để có thể tự mình trải nghiệm như một hành khách đi tàu sau gần 10 năm dự án được xây dựng.
Được coi là giải pháp cho giao thông đô thị ở Hà Nội, đường sắt trên cao hy vọng sẽ "ghi điểm" khi được đưa vào vận hành khai thác thương mại chính thức phục vụ người dân, đặc biệt là ở trục đường Nguyễn Trãi thường xuyên ùn tắc giờ cao điểm.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2011, tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa hai Chính phủ Việt Nam - Trung Quốc.
Tổng thầu EPC là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc và tư vấn giám sát thi công là Công ty TNHH GSXD Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.