Tiết lộ mức lương của gần 700 người vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - UBND TP.Hà Nội đã chấp thuận bảng lương lao động vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông ở mức "trung bình tiên tiến" so với các doanh nghiệp Nhà nước. Lái tàu có lương cao nhất là 17 triệu đồng/tháng.

Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội - đơn vị sắp tiếp nhận và vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông, cho PV Dân trí biết thông tin trên.

Sau khi dự án được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phê duyệt và triển khai, song song với việc tuyển dụng lao động thì Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cũng xây dựng bảng lương và đến nay đã được TP. Hà Nội thông qua.

"Tổng số lao động vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông là 681 người, với 112 chức danh và vị trí việc làm. Mỗi vị trí công việc ứng với mức lương cụ thể đã được thành phố chấp thuận" - lãnh đạo Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội thông tin.

Tiết lộ mức lương của gần 700 người vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông - 1

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang vận hành thử nghiệm toàn hệ thống (ảnh: Tiến Tuấn)

Mặc dù từ chối nêu mức lương cụ thể ở từng chức danh và vị trí công việc, nhưng vị này cho biết bảng lương được xây dựng và chấp thuận ở mức "trung bình tiên tiến" so với các doanh nghiệp Nhà nước khác, trên tinh thần chung là xét yếu tố đặc thù và khuyến khích người lao động làm việc tại đây.

"Trực tiếp vận hành đoàn tàu, lái tàu được xác định là lao động đặc thù nhất, vì vậy bảng lương xây dựng theo 3 mức tùy vào trình độ, kinh nghiệm công tác là 13 triệu đồng/tháng, 15 triệu đồng/tháng và cao nhất là 17 triệu đồng/tháng" - vị lãnh đạo nói và cho biết nếu lao động vừa vào làm việc sẽ không được xếp ngay mức lương cao, muốn tăng lương thì phải trải qua một thời gian làm việc nhất định và có những đóng góp tích cực trong công việc...

Về nguồn lao động, dự án có một số lao động đã từng làm việc tại Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, lao động là giáo viên đào tạo về đường sắt và tùy chức danh công việc để thực hiện tuyển dụng lao động phù hợp, theo các yêu cầu cụ thể về độ tuổi, bằng cấp, ngành nghề, kinh nghiệm... Việc tuyển dụng lao động vận hành dự án có bảng mô tả cụ thể, tiêu chuẩn về đầu vào đầu ra ứng với từng chức danh.

Được biết, trước đây đã có nhiều người nộp hồ sơ ứng tuyển và trúng tuyển, nhưng do dự án chậm tiến độ, chậm vận hành, chờ đợi quá lâu nên nhiều người lao động đã bỏ. Thời điểm Covid-19 cũng ít người nộp đơn xin việc.

"Từ khi có thông tin vận hành thử nghiệm dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông thì nhiều người nộp hồ sơ xin việc. Đây là loại hình công việc rất triển vọng vì Hà Nội đang phát triển các dự án đường sắt đô thị, ngay sau đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ tới Dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội được vận hành" - lãnh đạo Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết và nói rằng đây là cơ hội, môi trường tốt để người lao động có chuyên môn, kỹ thuật và lành nghề làm việc lâu dài.

Trong một diễn biến khác, sau hơn 10 ngày vận hành thử nghiệm toàn hệ thống Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội thông tin mọi hoạt động diễn ra ổn định, các bên vẫn đang làm việc và hợp tác tích cực. Nhân sự Việt Nam được đào tạo đang vận hành tốt đoàn tàu.

Mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã giao 1 Phó Chủ tịch UBND thành phố làm Tổ trưởng tổ công tác về đường sắt Cát Linh - Hà Đông, nhằm chuẩn bị cho việc tiếp nhận và vận hành dự án. TP. Hà Nội sẵn sàng tiếp nhận tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông càng sớm càng tốt.

UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch tiếp nhận đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông và giao cho Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội xây dựng phương án cụ thể, chuẩn bị đầy đủ nhân lực và các điều kiện cần thiết để tiếp nhận, vận hành.

Lãnh đạo TP.Hà Nội cũng đặc biệt lưu ý trách nhiệm về toàn bộ vấn đề pháp lý, kỹ thuật, vận hành an toàn và nhấn mạnh cần tính toán chặt chẽ để thực hiện tốt nhất yêu cầu sau tiếp nhận dự án này từ Bộ GTVT.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2011, tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa hai Chính phủ Việt Nam - Trung Quốc.

Tổng thầu EPC là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc và tư vấn giám sát thi công là Công ty TNHH GSXD Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.

Dự án đang được vận hành thử nghiệm toàn hệ thống từ ngày 12/12 - 31/12/2020. Bộ Giao thông vận tải dự kiến đến ngày 20/1/2021 sẽ kết thúc quá trình đánh giá an toàn về dự án, để bàn giao cho UBND TP.Hà Nội đưa vào khai thác thương mại.