DMagazine

Thương mại với Trung Quốc có giúp Nga giảm bớt thiệt hại?

(Dân trí) - Trung Quốc là đối tác duy nhất có thể giúp Nga giảm bớt tác động của các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, liệu Bắc Kinh có chịu đánh đổi các lợi ích kinh tế với G7 để hỗ trợ Nga?

Vài giờ sau khi Nga đưa quân sang Ukraine, Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã công bố các biện pháp trừng phạt mới nhằm cô lập Moscow khỏi nền kinh tế toàn cầu. Các lệnh trừng phạt này bao gồm phong tỏa tài sản các ngân hàng lớn của Nga và cắt giảm xuất khẩu công nghệ cao tới nước này nhưng không bao gồm các hạn chế đối với việc mua bán dầu và khí đốt của Nga, một động lực quan trọng của nền kinh tế nước này.

Thế nhưng, theo Reuters, Mỹ và các đồng minh trước đây chưa bao giờ loại bỏ được nền kinh tế trị giá 1.500 tỷ USD này ra khỏi thương mại toàn cầu và không rõ liệu bây giờ các lệnh trừng phạt của phương Tây có thể gây thiệt hại cho Nga bao nhiêu?

TRUNG QUỐC - THỊ TRƯỜNG QUAN TRỌNG VỚI NGA

Một đánh giá từ Ngân hàng Thế giới và Liên Hợp Quốc cho thấy kể từ khi các lệnh trừng phạt nhẹ hơn được áp dụng vào năm 2014 sau khi Nga sáp nhập Crimea, Trung Quốc đã trở thành điểm đến xuất khẩu lớn nhất của Nga.

Thương mại với Trung Quốc có giúp Nga giảm bớt thiệt hại? - 1

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Nga (Ảnh: AFP).

Ông Harry Broadman, cựu nhà đàm phán thương mại của Mỹ và là một quan chức của Ngân hàng Thế giới am hiểu về Trung Quốc và Nga, cho rằng các biện pháp trừng phạt mới có thể thúc đẩy Nga tiến sâu hơn vào mối quan hệ thương mại với Bắc Kinh trong nỗ lực giảm thiểu các thiệt hại do bị hạn chế.

Hãng tin AP cũng cho rằng, Trung Quốc là đối tác duy nhất có thể giúp Nga giảm bớt tác động của các lệnh trừng phạt.

Thực tế, Trung Quốc là "cứu tinh" của ông Putin sau các lệnh trừng phạt thương mại và tài chính năm 2014. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này đã chi hàng tỷ USD mua khí đốt từ Nga.

"Trung Quốc là thị trường quan trọng đối với xuất khẩu năng lượng của Nga", ông Bajiv Biswas, nhà kinh tế trưởng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IHS Markit nói và cho biết năm ngoái Trung Quốc đã mua 1/6 tổng kim ngạch xuất khẩu của Nga và 2/3 trong số đó là khí đốt.

Thương mại giữa Trung Quốc và Nga đạt mức cao kỷ lục 146,9 tỷ USD vào năm 2021, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm ngoái, theo cơ quan hải quan Trung Quốc. Nhập khẩu của Trung Quốc từ Nga đã vượt quá xuất khẩu hơn 10 tỷ USD.

Từ mức xuất nhập khẩu hiện tại, thương mại giữa hai nước sẽ cần phải tăng thêm 37% để đạt mục tiêu 200 tỷ USD của Moscow và Bắc Kinh vào năm 2024.

TÍN HIỆU TỪ TRUNG QUỐC

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga và Ukraine. Cả hai nước đều là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường - một kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng khu vực nhằm gia tăng ảnh hưởng toàn cầu của Bắc Kinh.

Ngày 24/2, ngay sau khi Tổng thống Nga Putin tuyên bố chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và đem quân tiến vào thủ đô Kiev, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định thương mại của nước này với Nga và Ukraine vẫn "bình thường".

Thương mại với Trung Quốc có giúp Nga giảm bớt thiệt hại? - 2

Trung Quốc khẳng định thương mại với Nga vẫn bình thường (Ảnh: TASS).

"Trung Quốc và Nga là đối tác thương mại toàn diện. Trung Quốc và Ukraine cũng là đối tác hữu nghị. Vì vậy, Trung Quốc sẽ tiến hành quan hệ thương mại bình thường trên cơ sở 5 nguyên tắc chung sống hòa bình của Trung Quốc với quan hệ quốc tế và cơ sở mối quan hệ hữu nghị với cả hai nước", Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying nói với CNBC.

Nhưng khi AP hỏi liệu Trung Quốc có mua thêm dầu của Nga hay không, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không trả lời và khẳng định Bắc Kinh và Moscow tiếp tục "hợp tác thương mại bình thường".

Theo New York Times, nhập khẩu dầu của Trung Quốc từ Nga trong tháng 12 vừa qua đã vượt qua Saudi Arabia. 6 ngày trước khi thực hiện chiến dịch quân sự, Nga đã công bố thỏa thuận kéo dài nhiều năm bán 100 triệu tấn than cho Trung Quốc trị giá hơn 20 tỷ USD.

Tháng trước, hai nước cũng đã ký một thỏa thuận cung cấp khí đốt kéo dài 30 năm và đang nỗ lực hoàn thiện dự án đường ống dẫn khí đốt Power of Siberia 1 và 2. Các dự án này dự kiến sẽ hoàn thành trong ít nhất 3 năm tới.

Cũng trong tuần này, lần đầu tiên Trung Quốc thông báo cho phép nhập khẩu lúa mì từ tất cả các vùng của Nga.

Thương mại với Trung Quốc có giúp Nga giảm bớt thiệt hại? - 3

Trung Quốc vừa cho phép nhập khẩu lúa mì từ tất cả các vùng của Nga (Ảnh: Bloomberg).

Các thỏa thuận về lương thực và năng lượng gần đây chỉ là những tín hiệu mới nhất về sự liên kết kinh tế của Trung Quốc với Nga. Dù không thể thay thế toàn bộ doanh thu từ khí đốt bị mất nếu châu Âu ngừng mua nhưng việc Trung Quốc đồng ý mua lúa mì của Nga có thể phần nào giúp nâng cao thu nhập cho nông dân Nga.

"Việc Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế đối với nhập khẩu lúa mì và lúa mạch của Nga rõ ràng là nhằm bù đắp những tác động của các lệnh trừng phạt", ông Stephen Olson, chuyên viên nghiên cứu cấp cao tại Hinrich Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào các vấn đề thương mại, nhận xét.

Mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đã được thắt chặt hơn vào đầu tháng này với các cuộc gặp cấp cao của các nhà lãnh đạo tại Bắc Kinh ngay trước Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh. Trong một thông báo chính thức, phía Trung Quốc cho biết hai nước cần "tăng cường quan hệ hợp tác chiến lược về năng lượng" và "thúc đẩy hợp tác về đổi mới khoa học và công nghệ".

Cùng ngày, hai tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga là Gazprom và Rosneft đã ký các thỏa thuận với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc để cung cấp dầu và khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc.

Nhưng ngay cả khi Bắc Kinh muốn "bù đắp", hỗ trợ Moscow thì việc nhập khẩu thêm khí đốt và hàng hóa khác của Nga cũng sẽ bị hạn chế.

Do đó, theo AP, Bắc Kinh chỉ có thể ủng hộ ông Putin trong những giới hạn nhất định, ví như các công ty Trung Quốc có thể tận dụng tình hình để đạt được các thỏa thuận tốt hơn, nhưng sẽ né tránh việc công khai vi phạm các lệnh trừng phạt và bị nhắm mục tiêu trừng phạt.

Thương mại với Trung Quốc có giúp Nga giảm bớt thiệt hại? - 4

Đường ống dẫn dầu từ Nga sang Trung Quốc đang được xây dựng (Ảnh: Financial Times).

"Trung Quốc không muốn can dự đến mức phải chịu thiệt hại để ủng hộ Nga", ông Mark Williams, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á tại Capital Economics, nhận định.

Vì dù thương mại của Trung Quốc với Nga đã tăng lên 146,9 tỷ USD vào năm ngoái, nhưng con số này chưa bằng 1/10 trong tổng số 1.600 tỷ USD kim ngạch thương mại của Trung Quốc với Mỹ và EU.

"Tất cả đều phụ thuộc vào việc liệu họ (Trung Quốc) có sẵn sàng mạo hiểm thị trường phương Tây để giúp đỡ Nga hay không. Tôi nghĩ là không. Đó không phải là một thị trường lớn để đánh đổi", ông Williams nói.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cũng khẳng định Trung Quốc "không thể bù đắp" tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây. Bởi tỷ trọng của Trung Quốc và Nga trong nền kinh tế toàn cầu thấp hơn nhiều so với nhóm G7, bao gồm Mỹ và Đức.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, Trung Quốc chiếm 17,3% GDP toàn cầu trong năm 2020, so với 1,7% của Nga và 45,8% của G7.

TRUNG QUỐC SẼ HỖ TRỢ ĐẾN ĐÂU?

Tuy vậy, theo ông Olson, khả năng Trung Quốc "bù đắp" tác động của các lệnh trừng phạt từ phương Tây lên Nga đến đâu sẽ được xác định bởi quy mô và phạm vi của các lệnh trừng phạt. "Tại thời điểm này, phương Tây vẫn chưa đặt tất cả các quân bài của mình lên bàn, để ngỏ khả năng siết chặt các ốc vít sau này, nếu cần", ông nói.

Thương mại với Trung Quốc có giúp Nga giảm bớt thiệt hại? - 5

6 ngày trước khi thực hiện chiến dịch quân sự, Nga đã công bố thỏa thuận kéo dài nhiều năm bán 100 triệu tấn than cho Trung Quốc trị giá hơn 20 tỷ USD (Ảnh: New York Times).

Ông Martin Chorzempa, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho rằng các công ty Trung Quốc vi phạm các quy tắc đó có thể phải đối mặt với sự trừng phạt ngày càng tăng từ Mỹ. Những công ty này cũng có thể bị cắt đứt khỏi hệ thống tài chính và công nghệ của Mỹ.

Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của ông Biden áp dụng đối với hàng hóa sản xuất ở bất kỳ quốc gia nào miễn là chúng sử dụng công nghệ của Mỹ. Điều này bao gồm cả các nhà sản xuất chip của Đài Loan TSMC và Tập đoàn sản xuất chất bán dẫn quốc tế (SMIC) có trụ sở tại Thượng Hải (Trung Quốc).

Ông Gabriel Wildau, CEO của công ty tư vấn Teneo, cho biết cả hai công ty này đều phụ thuộc vào Mỹ về các thành phần và công nghệ sản xuất. Nếu các công ty này cung cấp cho Nga, họ có thể bị cắt khỏi công nghệ Mỹ như Huawei từng bị Mỹ trừng phạt.

Các ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc cũng có thể gặp rủi ro nếu tiếp tục cho Nga vay. Trung Quốc và Nga đã và đang thực hiện nhiều hoạt động thương mại bằng cách sử dụng đồng nhân dân tệ và đồng rúp. Bắc Kinh cũng đang phát triển việc sử dụng tiền kỹ thuật số như một sự thay thế đồng USD. Điều này có thể giúp Nga hạn chế ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt tài chính.

Các ngân hàng của Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào đồng USD nên có thể sẽ không mạo hiểm. Tuy nhiên, ông Wildau cho rằng, Bắc Kinh có thể sử dụng các ngân hàng nhỏ hơn không thực hiện nhiều hoạt động kinh doanh quốc tế đòi hỏi sử dụng đồng USD để hỗ trợ Nga. Dù vậy, ngay cả khi các thực thể của Trung Quốc muốn hỗ trợ Nga thì họ cũng khó có thể công khai điều đó.

Ông Tong Zhao, thành viên cao cấp trong chương trình chính sách hạt nhân tại Carnegie Endowment for International Peace, có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết: "Miễn là Trung Quốc tiếp tục thực hiện mối quan hệ thương mại của mình, những biện pháp đó sẽ rất hữu ích đối với Nga".

Song ông cũng khẳng định, nếu Trung Quốc thực hiện các biện pháp để hỗ trợ Nga, thì khả năng sẽ thực hiện các biện pháp đó một cách rất khiêm tốn để giảm thiểu các hành động trừng phạt từ các quốc gia khác.