1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Báo Anh: Tại sao các đòn trừng phạt kinh tế không làm Nga run sợ?

Nhật Linh

(Dân trí) - Hãy chuẩn bị cho một chặng đường dài. Đó là ẩn ý trong thông điệp của Thủ tướng Anh Boris Johnson gửi tới các nghị sĩ khi cam kết tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga, theo The Guardian.

Lời cảnh báo chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài và sẽ không có kết thúc nhanh chóng vì Tổng thống Nga Putin đã chuẩn bị kỹ cho kế hoạch này.

Về một mặt nào đó, đây là một cuộc chiến không cân sức. Nga là vùng đất lớn nhất thế giới nhưng lại có sản lượng hàng năm nhỏ hơn Italia. Thu nhập bình quân đầu người của Nga cũng chỉ bằng 1/4 so với Anh.

Nền kinh tế Nga cũng đã trải qua những giai đoạn khác nhau kể từ khi Liên Xô sụp đổ vào đầu những năm 1990. Ban đầu đó là cú sốc về sự sụp đổ của Liên Xô khiến nền kinh tế Nga rơi vào suy thoái nghiêm trọng mà đỉnh điểm là cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998. Đến đầu thế kỷ 21, nền kinh tế nước này phục hồi mạnh mẽ nhờ bùng nổ xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt. Và gần đây nền kinh tế lại rơi vào giai đoạn trì trệ do không đa dạng hóa nền kinh tế.

Sau khi tăng trưởng ở mức trung bình 7%/năm trong một thập kỷ trước khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 nổ ra, nền kinh tế Nga chỉ tăng 2%/năm trong 3 năm trước đại dịch (tức 2017-2019). Mặc dù Nga vẫn là quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên và nhân lực nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn chậm và có mối quan hệ hạn chế với phương Tây.

Báo Anh: Tại sao các đòn trừng phạt kinh tế không làm Nga run sợ? - 1

Là nhà cung cấp khí đốt lớn cho châu Âu, Nga có thể "khóa van" năng lượng sang khu vực này để trả đũa các lệnh trừng phạt kinh tế (Ảnh: Bloomberg).

Tiến sĩ Holger Schmieding, chuyên gia kinh tế trưởng tại ngân hàng đầu tư Berenberg, cho rằng Nga là một cường quốc quân sự và sản xuất năng lượng, nhưng không phải là thị trường có mối liên quan chặt chẽ với hầu hết các quốc gia. Ví dụ như Đức xuất khẩu sang Ba Lan nhiều hơn so với Nga.

Tuy nhiên, những ai đối đầu với Nga trong quá khứ đều phải trả giá, và tại sao phương Tây vẫn khó giành được chiến thắng chóng vánh trước Nga?

Theo The Guardian, thứ nhất ông Putin đã tích cực giảm sự phụ thuộc của Nga ra khỏi phương Tây kể từ sau sự kiện Crimea năm 2014. Nhập khẩu thịt, trái cây, rau và sữa từ các nước phương Tây đã bị cấm khi các lệnh trừng phạt được áp đặt.

Thứ 2, việc tự cung tự cấp đi kèm với nỗ lực đa phương hóa, trong đó có chính sách xoay trục có chủ đích sang Trung Quốc. Năm 2014, một thỏa thuận với Bắc Kinh đã mở đường cho việc xây dựng dự án đường ống dẫn khí đốt Power of Siberia nối liền 2 nước Nga - Trung khai trương vào năm 2019. Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và có nhu cầu lớn về năng lượng. Đây là một trong những yếu tố thúc đẩy giá năng lượng toàn cầu tăng lên trong năm qua. Ông Putin cũng đã phê duyệt dự án Power of Siberia 2.

Thứ 3 là Nga đã dùng tiền bán dầu và khí đốt để xây dựng các phòng thủ tài chính. Moscow hiện có nguồn dự trữ ngoại tệ trị giá khoảng 500 tỷ USD và có mức nợ quốc gia cực thấp theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong khi đại dịch khiến tỷ lệ nợ quốc gia của Anh tăng trên 100% GDP thì tỷ lệ này của Nga lại giảm dưới 20% GDP.

Sức mạnh tài chính đó có thể làm mất tác dụng của lệnh cấm Nga phát hành hoặc mua bán nợ có chủ quyền ở London hay New York - một trong những vũ khí mà phương Tây triển khai để đối phó với cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Bởi số lượng trái phiếu Nga cần bán tương đối nhỏ. Trong năm ngoái, những người mua không cư trú ở Nga chỉ chiếm 10% tổng số trái phiếu phát hành của nước này.

Cuối cùng, ông Putin sở hữu một số vũ khí mà ông có thể sử dụng để trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây. Nga là nhà cung cấp 40% dầu và than, 20% khí đốt cho châu Âu. Nước này cũng là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới về phân bón và palladium, một thành phần quan trọng trong ngành công nghiệp ô tô.

Viện Kiel, một tổ chức tư vấn của Đức, cho biết việc ngừng xuất khẩu khí đốt sẽ làm giảm 3% GDP của Nga còn ngừng xuất khẩu dầu sẽ làm Nga hụt 1,2% GDP. Trong khi các nước phương Tây có thể phải tìm kiếm nguồn cung cấp năng lượng ở nơi khác thì việc nguồn cung sụt giảm sẽ khiến giá dầu và khí đốt tăng vọt.

Tuy nhiên, ngay cả thời kỳ chiến tranh lạnh, Liên Xô vẫn tiếp tục cung cấp năng lượng cho phương Tây. Do đó, nếu Nga cắt nguồn cung dầu và khí đốt như đã từng triển khai trong lịch sử, nước này có thể phải trả giá đắt.

Đồng rúp Nga giảm kỷ lục khi Tổng thống Putin đưa quân vào Ukraine

Đồng rúp Nga đã giảm sâu kỷ lục so với đồng USD khi quân đội nước này bắt đầu tấn công vào các cơ sở quân sự của Ukraine.

Đồng USD đã tăng hơn 10% so với đồng rúp khiến đồng tiền của Nga giảm xuống mức thấp nhất từ trước tới nay so với đồng bạc xanh. 

Sáng nay, tại Moscow, đồng rúp được giao dịch ở mức 89,8903 đổi một USD khi đồng bạc xanh tăng 10,45% so với ngày trước đó. Moscow đã tuyên bố ngừng giao dịch trên tất cả các thị trường cho tới khi có thông báo tiếp theo.

Theo The Guardian

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm