Moscow Times: Kinh tế Nga đối mặt với khủng hoảng trầm trọng
(Dân trí) - Ngay sau khi Nga đưa quân sang Ukraine, đồng rúp đã giảm giá kỷ lục so với đồng USD và euro. Điều này càng gây áp lực lớn cho nền kinh tế vốn đã khó khăn của Nga.
Theo tờ Moscow Times, mặc dù Moscow tuyên bố nền kinh tế Nga có khả năng bảo vệ tốt trước bất kỳ lệnh trừng phạt nào của phương Tây, song nước này đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế mới sau động thái điều quân sang Ukraine.
Chính phủ Nga cho biết, họ có nguồn dự trữ chính phủ đáng kể là hơn 630 tỷ USD và điều này sẽ bảo vệ được nền kinh tế khỏi tình trạng tồi tệ nhất của bất kỳ cuộc khủng hoảng kinh tế nào. Nga cũng có thặng dư hàng năm, nghĩa là không cần phải vay tiền mặt trên thị trường trong nước và quốc tế. Nợ chính phủ là dưới 20% GDP.
Nga cũng cho biết họ đã thành công trong việc thay thế hàng nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp từ phương Tây sau khi sáp nhập Crimea vào năm 2024, chủ yếu nhờ phát triển ngành nông nghiệp.
Sberbank, thuộc sở hữu nhà nước, cho đến nay là tổ chức tài chính lớn nhất và quan trọng nhất của Nga, cũng lạc quan tuyên bố đã sẵn sàng cho mọi tình huống và có các kịch bản để đảm bảo nguồn tài nguyên, tài sản và quyền lợi khách hàng.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, điều đó sẽ không đủ khi Nga đối mặt với một phản ứng "chưa từng có" của phương Tây, dẫn đến những hậu quả trong ngắn hạn lẫn dài hạn. Theo đó, Nga có thể bị trục xuất khỏi hệ thống thanh toán tài chính toàn cầu SWIFT. Dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 có thể bị hoãn vô thời hạn.
Washington và Brussels trước đây từng nhấn mạnh đến khả năng sẽ ngăn chặn xuất khẩu công nghệ sang Nga - một động thái được cho sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân của nước này khi họ vốn phụ thuộc nhiều vào phần cứng và phần mềm của các nước phương Tây trong các hoạt động.
Theo số liệu thống kê từ Viện Nghiên cứu các nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi (BOFIT) của Ngân hàng Phần Lan, bất chấp nỗ lực chống đô la hóa cao độ của Moscow trong những năm gần đây, hơn một nửa hàng xuất khẩu của Nga vẫn được định giá bằng đồng USD, 30% khác được tính bằng đồng euro. Vì các đối tác kinh tế của Nga, phần lớn là khách hàng mua dầu và khí đốt, từ chối thanh toán bằng đồng rúp.
Điều đó khiến nền kinh tế Nga vẫn phải chịu nhiều ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Việc đồng rúp giảm giá sẽ càng gây áp lực lớn cho nền kinh tế vốn đã khó khăn của Nga. Lạm phát đang ở mức cao nhất trong 6 năm khi ở mức 8,7%, trong khi tài chính hộ gia đình đang trong tình trạng tồi tệ hơn thập kỷ trước. Một cuộc thăm dò gần đây cho biết, gần 2/3 hộ gia đình ở Nga không có tiền tiết kiệm.
Sự mất giá của đồng rúp sẽ càng làm nổi bật cuộc khủng hoảng về mức sống ở nước này. Giá cả có thể bị đẩy lên đáng kể. Theo một nghiên cứu, hàng hóa nhập khẩu chiếm khoảng 75% hàng hóa và nguyên liệu đang bày bán ở Nga.
Động lực đó sẽ khiến Ngân hàng Trung ương Nga rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, đó là giảm lạm phát nhưng không tác động đến toàn bộ nền kinh tế. Các nhà phân tích dự đoán, Nga sẽ ưu tiên những thứ như trước đây, như năm 2014 khi nền kinh tế Nga đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế sau khi sáp nhập Crimea và giá dầu toàn cầu giảm.
Trong sáng 24/2, đồng rúp của Nga đã giảm 10% xuống mức thấp nhất so với đồng USD và đồng euro ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Nhằm bảo vệ đồng tiền và tăng thanh khoản trong lĩnh vực ngân hàng, Moscow đã cho ngừng toàn bộ hoạt động giao dịch trên các thị trường cho đến khi có thông báo mới.
Nhà phân tích Levon Kameryan của Scope Ratings cho rằng cuộc xung đột leo thang cũng có thể khiến dòng vốn tháo chạy khỏi Nga khi người dân tìm cách bảo vệ các khoản tiết kiệm và tài sản của họ trước cuộc khủng hoảng đang rình rập.
Tuy nhiên, theo ông Kameryan, ẩn số quan trọng ảnh hưởng đến nền kinh tế Nga chính là dòng năng lượng. Bởi gần 2/3 lượng khí đốt tự nhiên xuất khẩu sang châu Âu của Nga và khoảng một nửa doanh số bán dầu trên toàn cầu là nguồn thu khổng lồ để Nga xây dựng cái gọi là "pháo đài Nga" trong những năm gần đây.
Hiện tại có rất ít thông tin cho thấy châu Âu sẽ ngừng nhập khẩu năng lượng của Nga. Đức cũng cho biết có đủ dự trữ để vượt qua mùa đông này nếu dòng chảy năng lượng từ Nga bị gián đoạn. Nhưng có nhiều lo ngại cho rằng Nga có thể "khóa van" dầu để ép châu Âu, đáp trả bất kỳ lệnh trừng phạt nào.
Theo tính toán của Scope Ratings, xuất khẩu năng lượng của Nga sang châu Âu trị giá 90 tỷ euro mỗi năm. Do vậy, cho dù Nga có động thái làm gián đoạn nguồn cung năng lượng và chấp nhận mất nguồn thu thì hành động mới nhất của Nga cũng chỉ khiến châu Âu tăng cường các biện pháp dài hạn để giảm sự phụ thuộc vào dầu khí của Nga.