DNews

Tạm hoãn xuất cảnh sếp doanh nghiệp nợ thuế: Góc nhìn chuyên gia

Thảo Thu

(Dân trí) - Nhiều luồng quan điểm khác nhau liên quan tới câu chuyện lãnh đạo doanh nghiệp bị "bêu tên" tạm hoãn xuất cảnh khi doanh nghiệp nợ thuế. Chuyên gia nêu góc nhìn và đưa ra nhiều đề xuất, giải pháp.

Tạm hoãn xuất cảnh sếp doanh nghiệp nợ thuế: Góc nhìn chuyên gia

Thời gian vừa rồi, hàng loạt giám đốc, đại diện doanh nghiệp nợ thuế từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng nhận "trát" của cơ quan chức năng liên quan đến việc cấm xuất cảnh.

Hồi tháng 7, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Quân, bị tạm hoãn xuất cảnh vì chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế cho Cục Thuế Cần Thơ.

Trước đó, hồi cuối tháng 5, ông Nguyễn Tâm Thịnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung Nam Group, cũng bị hoãn xuất cảnh do doanh nghiệp nợ thuế.

Gần đây, Tổng giám đốc Bamboo Airways Lương Hoài Nam cũng bị Cục Thuế tỉnh Bình Định ra thông báo tạm hoãn xuất cảnh do là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang nợ thuế.

Tạm hoãn xuất cảnh là một trong số các biện pháp cưỡng chế nợ được ngành thuế áp dụng với những trường hợp chây ỳ, có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bỏ trốn… Cá nhân, đại diện doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế, có thể bị thủ trưởng các cơ quan thuế, hải quan ra quyết định hoãn xuất cảnh, theo Luật Quản lý thuế năm 2019 và Nghị định 126/2020.

Các quy định hiện nay không nêu ngưỡng nợ cụ thể bị xem xét, áp dụng biện pháp cưỡng chế này, tức nợ thuế quá hạn 1 đồng cũng có thể bị cưỡng chế thu hồi. Lãnh đạo cơ quan thuế từng khẳng định quyết định tạm hoãn xuất cảnh được đưa ra dựa trên quy trình chặt chẽ, cân nhắc hồ sơ từng trường hợp.

Bộ Tài chính hồi cuối tháng 5 cũng đã có văn bản yêu cầu ngành thuế tăng cấm xuất cảnh để thu hồi nợ thuế, tránh thất thoát ngân sách Nhà nước.

Việc tạm hoãn xuất cảnh là đánh vào ý thức, quy định đã công khai, cần được thực hiện minh bạch

Ông Phan Phương Nam, Phó khoa Luật Thương mại, Trường đại học Luật TPHCM, đồng tình với quy định tạm hoãn xuất cảnh đại diện doanh nghiệp nợ thuế. Theo ông Nam, luật pháp đã công khai, cần thực hiện minh bạch. Khoản thuế là nguồn thu quan trọng cho ngân sách Nhà nước, là công cụ điều chỉnh vĩ mô nền kinh tế xã hội. Tuy nhiên, ông Nam cho rằng cần có cách làm hợp lý.

Tạm hoãn xuất cảnh sếp doanh nghiệp nợ thuế: Góc nhìn chuyên gia - 1

Cá nhân, chủ hộ kinh doanh nợ thuế có thể bị cấm xuất cảnh (Ảnh minh họa: Hải Nam).

Ông đề xuất cơ quan thuế có thêm cơ chế về việc cảnh báo với các cá nhân, doanh nghiệp. Chẳng hạn, sau các quy định cảnh báo cụ thể như việc ra thông báo, gửi vào điện thoại, email… mà doanh nghiệp vẫn không nộp thì tính đến trường hợp hoãn xuất cảnh.

Không cần có ngưỡng thuế để cấm xuất cảnh bởi ngưỡng này chỉ dùng khi xử lý hình sự. "Việc hoãn xuất cảnh với đại diện doanh nghiệp nợ thuế là để đánh vào ý thức", ông nêu và cho biết không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng đang áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh với đại diện doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thuế. 

Về việc cơ quan thuế cần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, ông Nam cho rằng việc "bêu" tên đại diện doanh nghiệp nợ thuế nên thực hiện khi doanh nghiệp nhận được nhiều nhắc nhở của cơ quan thuế mới áp dụng. "Trong trường hợp cơ quan thuế đã có nhiều hình thức nhắc nhở, doanh nghiệp vẫn chây ỳ thì cần có biện pháp bêu tên để răn đe", ông Nam nói.

Ở phía cơ quan thuế, ông Phan Phương Nam cho rằng cần đảm bảo sự công bằng, để mức nợ thuế bị cấm xuất cảnh của các doanh nghiệp là ngang nhau. "Có doanh nghiệp nợ vài trăm nghìn cũng bị cấm xuất cảnh, có doanh nghiệp nợ cả tỷ đồng song lại không bị. Cần rà soát để có sự công bằng, bởi có chi cục làm, có chi cục không làm, hoặc cùng chi cục thuế nhưng có cán bộ làm, có cán bộ không, gây bất công", vị này bày tỏ.

Ông Nam cũng lưu ý, Nhà nước đã có cơ chế với doanh nghiệp khó khăn, có thể được hoãn, giảm, miễn thuế. Bản thân doanh nghiệp cũng cần chủ động đề xuất xem doanh nghiệp thuộc diện nào. Nếu làm đúng thủ tục, thể hiện sự thiện chí thì cơ quan thuế sẽ cho tạm hoãn trước khi thực thi các biện pháp cấm xuất cảnh.

Chuyên gia: Cần có ngưỡng cụ thể về nợ thuế để đưa vào diện cấm xuất cảnh

Trao đổi với phóng viên Dân trí, chuyên gia về thuế Nguyễn Ngọc Tú cho biết trước đây, Luật Quản lý thuế có quy định cấm xuất cảnh có cấm nhưng phạm vi thấp, chỉ trường hợp người nợ thuế có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bỏ trốn khỏi địa bàn hoặc người có quốc tịch nước ngoài, định chuyển địa điểm định cư thì mới thuộc diện cấm xuất cảnh.

Tuy nhiên, khi Luật Quản lý thuế ban hành, việc cấm xuất cảnh mở rộng hơn. Điều 121 của Luật Quản lý thuế quy định những trường hợp người nộp thuế là đại diện doanh nghiệp mà đang trong cưỡng chế thi hành thì có thể bị tạm hoãn xuất cảnh.

Tạm hoãn xuất cảnh sếp doanh nghiệp nợ thuế: Góc nhìn chuyên gia - 2

Nợ thuế quá hạn 1 đồng cũng có thể bị cưỡng chế thu hồi (Ảnh minh họa: Hải Nam).

"Tư tưởng của luật rất tốt, nhưng rất tiếc, khi ban hành Nghị định 126 và ra quy định hướng dẫn, các cơ quan chức năng không thi hành chữ "có thể". Do vậy, cứ trong thời gian thi hành thuế sau 90 ngày, đại diện doanh nghiệp bị cấm xuất cảnh. Việc áp dụng như vậy là tràn lan, không phù hợp thực tế Việt Nam", ông Tú nêu.

Theo chuyên gia này, cần tính toán đến cả tác động xã hội. Doanh nghiệp tạo giá trị cho xã hội và công ăn việc làm cho nhiều người, nếu bị ảnh hưởng sẽ ảnh hưởng. Ông cho rằng cần làm rõ thêm trách nhiệm của cơ quan thuế, đặc biệt trong việc cơ quan thuế cần cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, cho doanh nghiệp cơ hội phát triển để trả nợ thuế. 

Việc tạm hoãn xuất cảnh này nên được áp dụng với những doanh nghiệp "ma", doanh nghiệp cố tình vi phạm, có khả năng mà không chịu nộp thuế, những doanh nghiệp có thể mất khả năng thanh toán… Với các doanh nghiệp nợ thuế, theo ông, cần phải thông báo và đôn đốc bởi cơ quan thuế rải từ trung ương với địa phương, có thể thông báo bằng nhiều biện pháp chứ không chỉ biện pháp hành chính. "Tránh tình trạng có lãnh đạo ra sân bay mới ngớ người ra là bị cấm xuất cảnh", ông nói thêm.

Về vấn đề nợ, về mặt pháp luật phải sòng phẳng nhưng cần tính toán thêm về thiệt hại. "Nếu ai cũng nợ thuế và không có biện pháp đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến thu chi, an sinh xã hội. Vì vậy, cần có ngưỡng cụ thể về nợ thuế để đưa vào diện cấm xuất cảnh", ông đề xuất.

Năm 2015, Bộ Tài chính từng đề xuất ngưỡng nợ thuế áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với tổ chức sản xuất kinh doanh từ 1 tỷ đồng trở lên và cá nhân từ 50 triệu đồng trở lên. Tuy nhiên, quy định này chưa được áp dụng.

Trước kia, các cá nhân nợ thuế, chủ doanh nghiệp, nhất là các chủ doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài đã "cao chạy xa bay" trước khi cơ quan Hải quan đề nghị tạm hoãn xuất cảnh. Thủ trưởng các cơ quan thuế có quyền ra quyết định hoãn xuất cảnh, theo quy định mới. Quy định bổ sung thẩm quyền về cấm xuất cảnh sau này để tránh các đối tượng nợ thuế bỏ trốn, chống thất thu ngân sách nhà nước và thu hồi số thuế từ các cá nhân, doanh nghiệp chây ỳ.

Ở phía doanh nghiệp, theo chuyên gia, ngoài kinh doanh đơn thuần, doanh nghiệp cần có bộ máy quản trị về thuế. Ông Tú nói: "Hiện tại, doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường. Quyền kinh doanh là quyền của doanh nghiệp, nghĩa vụ thuế là bắt buộc, chủ doanh nghiệp cần trau dồi thêm và tuân thủ, kịp thời nắm bắt tình hình".

Năm nay, Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính đôn đốc, xử lý thu hồi nợ đọng thuế, đảm bảo tỷ lệ nợ đọng trên tổng số thực thu ngân sách Nhà nước đến 31/12 không vượt quá 8%. Cùng đó, tổng số nợ thuế, phí đến cuối năm nay cũng không được vượt quá 5%.

Để thu hồi nợ, ngành thuế được yêu cầu tăng áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với các cá nhân, người đại diện doanh nghiệp đang bị cưỡng chế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, đặc biệt trường hợp không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.

Nửa đầu năm, cơ quan thuế ban hành gần 16.900 lượt thông báo tạm hoãn xuất cảnh với tiền nợ thuế 24.100 tỷ đồng. Ngành thuế đã thu hồi gần 920 tỷ đồng của 1.482 người nợ qua hình thức này.