Làm thế nào để tra cứu nợ thuế, cấm xuất cảnh?
(Dân trí) - Không ít người bất ngờ với các khoản nợ thuế, cấm xuất cảnh… Thực tế, mỗi người có thể tự tra cứu trên cổng dịch vụ công, trước khi nhận "trát" của cơ quan thuế.
Tổng cục Thuế cho biết 6 tháng qua, hàng loạt biện pháp cưỡng chế nợ (tạm hoãn xuất cảnh, kê biên tài sản, thu qua hóa đơn...) được ngành thuế áp dụng.
Theo đó, cơ quan thuế ban hành gần 16.900 lượt thông báo tạm hoãn xuất cảnh với số tiền nợ thuế 24.100 tỷ đồng. Các đơn vị đã thu hồi gần 920 tỷ đồng của người nợ thuế qua hình thức này.
Cùng với biện pháp thu hồi nợ qua tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan thuế cũng đưa ra 174.500 quyết định cưỡng chế thuế trong 6 tháng đầu năm. Ngoài ra, đơn vị thuế công khai thông tin để nhắc nhở với 631.800 người không nộp đúng hạn, với số tiền gần 229.300 tỷ đồng.
Từ đầu năm, cơ quan thuế giao chỉ tiêu thu nợ thuế tới từng cán bộ. Ngành thuế theo dõi, lập danh sách doanh nghiệp, cá nhân nợ theo từng nhóm để có các biện pháp phù hợp. Tổng số tiền cơ quan thuế quản lý tính đến hết tháng 6 là khoảng 204.400 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cuối năm 2023.
Thực tế, mỗi người đều có thể tự tra cứu bằng mã số thuế cá nhân trên cổng dịch vụ công về các nghĩa vụ và cưỡng chế liên quan đến thuế, trong đó có nợ thuế thu nhập cá nhân, lệnh cấm xuất cảnh.
Dưới đây là các cách tra cứu về các nghĩa vụ thuế:
Cách 1: Tra cứu trên website chính thức của Tổng cục Thuế
Bước 1: Đăng nhập/đăng ký tài khoản tại đường link https://thuedientu.gdt.gov.vn/ bằng thông tin mã số thuế của mình.
Bước 2: Đăng nhập và tra cứu thông tin
Bước 3: Chọn mục "Tra cứu" rồi chọn "Tra cứu nghĩa vụ thuế"
Cách 2: Tra cứu trên ứng dụng eTax Mobile
Năm 2022, Tổng cục Thuế ra mắt ứng dụng eTax, giúp người nộp thuế có thể tra cứu các thông tin liên quan đến nghĩa vụ thuế.
Bước 1: Đăng nhập/đăng ký tài khoản, tương tự cách làm trên website Thuế điện tử.
Bước 2: Nhấn vào nút tra cứu để kiểm tra mình được hoàn thuế hay phải nộp thêm thuế và cụ thể số tiền bao nhiêu
Cơ quan thuế khuyến cáo người nộp thuế cài đặt ứng dụng eTax mobile trên điện thoại thông minh và tra cứu thông tin về các nguồn thu nhập trên ứng dụng này để tự đảm bảo kiểm soát đầy đủ, chính xác các nguồn thu nhập của bản thân.
Theo Luật Quản lý thuế, vào tháng 3-4 hàng năm, người nộp thuế cần thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân. Thông thường, thời hạn quyết toán với bên chi trả thu nhập là ngày cuối cùng của tháng 3; với cá nhân trực tiếp quyết toán thuế chậm nhất là cuối tháng 4.
Khoản 5 Điều 36 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 quy định về một trong các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh là: "Người nộp thuế, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế".
Theo quy định trên, nếu bạn chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân thì thuộc đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh.
Ngoài ra, thời hạn tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp chưa nộp thuế thu nhập cá nhân được kết thúc khi bạn hoàn thành xong nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân, theo điểm b khoản 1 Điều 3 của Luật Xuất cảnh.
Năm nay, Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính tăng cường đôn đốc, xử lý thu hồi nợ đọng thuế, đảm bảo tỷ lệ nợ đọng trên tổng số thực thu ngân sách Nhà nước đến 31/12 không vượt quá 8%. Cùng đó, tổng số nợ thuế, phí đến cuối năm nay cũng không được vượt quá 5%.
Để thu hồi nợ, trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc yêu cầu cơ quan thuế cung cấp thông tin nhằm kịp thời có biện pháp cưỡng chế. Theo đó, người nộp thuế chây ỳ sẽ bị công khai thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ngành thuế cũng được yêu cầu tăng cường áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với các cá nhân, người đại diện doanh nghiệp đang bị cưỡng chế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, đặc biệt trường hợp không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.