(Dân trí) - Chỉ ít giờ sau lễ nhậm chức, ông Biden lập tức ký phê duyệt 17 sắc lệnh phủ quyết hoặc đảo ngược hoàn toàn nhiều chính sách của Trump. Một số trong đó là các quyết sách kinh tế có tầm ảnh hưởng lớn.
Chính sách kinh tế của ông Trump và ông Biden khác biệt ra sao?
Ông Joe Biden vừa chính thức tiếp quản Nhà Trắng hôm 20/1, chấm dứt nhiệm kỳ 4 năm đầy tranh cãi của người tiền nhiệm Donald Trump. Chỉ ít giờ sau lễ nhậm chức, tân Tổng thống Mỹ Biden lập tức ký phê duyệt 17 sắc lệnh phủ quyết hoặc đảo ngược hoàn toàn nhiều chính sách của ông Trump. Một số trong đó là các quyết sách kinh tế có tầm ảnh hưởng lớn.
Chiếc ghế chủ nhân Nhà Trắng nhiệm kỳ 2020 đã gọi tên ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden bất chấp những nỗ lực pháp lý lật ngược kết quả bầu cử của phe ông Trump. Sau vụ bạo loạn ở tòa nhà Quốc hội Mỹ hôm 6/1, ông Trump đành phải thừa nhận chiến thắng của đối thủ Joe Biden. Sau đó 2 tuần, ông Trump rời Nhà Trắng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 xóa sạch những thành tựu kinh tế mà ông dày công xây dựng trong 3 năm đầu nhiệm kỳ.
Khi tiếp quản nền kinh tế suy yếu từ tay ông Trump, ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden chắc chắn là vực dậy tăng trưởng.
Dù cả ông Trump và ông Biden đều đặt ra những mục tiêu tăng trưởng kinh tế đầy tham vọng, nhưng cách tiếp cận dưới góc độ chính sách của họ lại hoàn toàn khác nhau.
Ông Trump muốn kích thích tăng trưởng thông qua cắt giảm thuế để tăng thu nhập thực tế, kích thích chi tiêu tiêu dùng; trong khi ông Biden tìm cách tăng thuế với doanh nghiệp và hộ gia đình có thu nhập cao; lấy đó làm cơ sở để tăng chi tiêu chính phủ trong hàng loạt lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế, an sinh xã hội và năng lượng sạch.
Trong khi các nghị sĩ đảng Cộng hòa của ông Trump có xu hướng thận trọng tài khóa và ủng hộ cắt giảm chi tiêu chính phủ, thì tân Tổng thống Biden lại chấp nhận thâm hụt ngân sách, tăng chi ngân sách để thúc đẩy mục tiêu xuyên suốt của đảng Dân chủ: phân phối lại thu nhập, giải quyết vấn đề bất bình đẳng kinh tế. Thực tế, đa phần chính sách kinh tế của ông Biden như tăng thuế hay tăng tiền lương tối thiểu đều nhằm mục đích phân bổ lại nguồn lực trong nền kinh tế.
Chính sách thuế
Ngay trong năm đầu tiên nắm quyền tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã ký ban hành Đạo luật Việc làm và Cắt giảm thuế. Đạo luật này đưa thuế suất doanh nghiệp giảm từ mức 35% xuống 21%, đồng thời thay đổi mức thu nhập trong các khung áp thuế cá nhân. Trong thông điệp liên bang đầu năm 2018, ông Trump nhấn mạnh rằng, chính sách giảm thuế này sẽ giúp khoảng 3 triệu công dân Mỹ hưởng lợi hàng nghìn USD và hàng trăm nghìn doanh nghiệp cắt giảm được chi phí kinh doanh, qua đó tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Thực tế, chính sách giảm thuế đã giúp đưa mức tăng lương bình quân người lao động trong 3 năm đầu nhiệm kỳ của ông Trump lên tới 3%. Thu nhập bình quân hộ gia đình Mỹ cũng tăng 6,8% lên mức 68.700 USD trong năm 2019 - mức tăng lớn nhất trong hơn nửa thế kỷ kể từ năm 1967.
Tuy nhiên, chính sách cải cách thuế của ông Trump đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của phe Dân chủ, những người lập luận rằng việc giảm thuế sẽ có lợi nhiều hơn cho những người giàu, thậm chí còn làm tăng gánh nặng nợ công của Mỹ lên 1.500 tỷ USD trong thập kỷ tiếp theo.
Do đó, ngay từ thời điểm tranh cử, một trong những chính sách kinh tế hàng đầu mà Tổng thống Joe Biden theo đuổi là đảo ngược đạo luật giảm thuế của ông Trump. Ông Biden tuyên bố sẽ tăng thuế với những người lao động kiếm được nhiều hơn mức 400.000 USD/năm, đồng thời khôi phục khung thuế cao nhất với cá nhân về mức 39,6% (áp dụng cho những cá nhân kiếm được hơn 518.400 USD hoặc cặp vợ chồng có thu nhập hơn 622.000 USD mỗi năm). Mức thuế doanh nghiệp được nâng từ 21% lên 28%.
Một phân tích dựa trên mô hình Ngân sách Penn Wharton cho thấy, trong 1 thập kỷ tới, chính sách tăng thuế của ông Biden sẽ giúp ngân sách chính phủ tăng thu thêm 3,375 nghìn tỷ USD, qua đó tăng chi tiêu chính phủ thêm 5,37 nghìn tỷ USD.
Một nghiên cứu khác được thực hiện bởi các nhà kinh tế Rabobank chỉ ra rằng, chính sách tăng thuế của ông Biden sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP khả quan hơn so với chính sách giảm thuế của ông Trump. Nguyên nhân là trong kịch bản giảm thuế của ông Trump, tác động của giảm thuế và giảm chi tiêu chính phủ sẽ triệt tiêu nhau. Còn trong kịch bản tăng thuế của ông Biden, tác động tích cực từ chi tiêu chính phủ cao sẽ vượt qua hệ quả tiêu cực từ việc tăng thuế với nhóm người thu nhập cao. Thêm vào đó, chính sách kinh tế của ông Biden cũng chú trọng đầu tư vào các yếu tố tăng trưởng bền vững như giáo dục hay R&D, giúp nâng cao năng suất nền kinh tế trong dài hạn.
Chính sách tiền lương tối thiểu
Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng bất đồng với người tiền nhiệm Donald Trump về chính sách mức lương tối thiểu liên bang. Trong khi ông Trump đề xuất để các bang tự điều chỉnh mức lương tối thiểu theo tình hình cụ thể của từng bang, ông Biden lại muốn tăng lương tối thiểu toàn quốc từ mức 7,25 USD/giờ hiện tại lên 15 USD/giờ. Vị Tân Tổng thống lập luận rằng đây là con số hợp lý để duy trì mức sống tối thiểu cho người lao động Mỹ.
Thời điểm ông Biden công bố đề xuất này, Viện Chính sách Kinh tế Mỹ đã bày tỏ quan điểm đồng tình rằng, người lao động Mỹ xứng đáng nhận được mức lương tối thiểu cao hơn hiện tại. Viện này ước tính sẽ có khoảng 40 triệu người lao động được hưởng lợi từ đề xuất tăng lương tối thiểu liên bang của ông Biden.
Tuy nhiên, một nghiên cứu được công bố hồi tháng 11/2020 của hai nhà phân tích kinh tế là David Macpherson từ Đại học Trinity (Texas) và William Even từ Đại học Miami (Ohio) chỉ ra rằng, động thái tăng lương tối thiểu lên 15 USD/giờ có thể đẩy 2 triệu người Mỹ vào cảnh mất việc làm, trong đó chủ yếu là phụ nữ và người lao động trẻ.
Một phân tích được công bố vào tháng 1/2021 của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ CBO thậm chí còn cho thấy kết quả tệ hại hơn, rằng đề xuất tăng lương tối thiểu lên 15 USD/giờ sẽ xóa sổ khoảng 3,7 triệu việc làm trên thị trường lao động Mỹ.
CBO nhận định rằng, khoảng 17 triệu lao động sẽ được hưởng lợi từ việc tăng lương tối thiểu cho đến năm 2025, nhưng mức thu nhập tăng lên này đồng thời sẽ khiến tỷ lệ thất nghiệp cao hơn rõ rệt. Nguyên nhân là do việc tăng lương làm tăng chi phí sử dụng lao động, qua đó giảm lợi nhuận hoạt động của doanh nghiệp. Trong trường hợp đó, chủ doanh nghiệp sẽ chọn cách sa thải bớt lao động hoặc tăng giá sản phẩm, chuyển gánh nặng lên vai người tiêu dùng để bù đắp phần chi phí tăng thêm, tránh nguy cơ lỗ hoặc phá sản. Kết quả là chỉ một số lao động được hưởng lợi từ tăng lương nhưng tất cả người tiêu dùng sẽ phải trả mức giá cao hơn, nguy cơ gây lạm phát cao.
Hãy nhìn vào bài học từ chuỗi nhà hàng Unlimited với 35 chi nhánh hoạt động ở bờ Tây nước Mỹ. Chuỗi nhà hàng này đã nộp đơn xin phá sản vào năm 2019 khi 3 thành phố nó hoạt động là Seattle, San Francisco và Portland lần lượt nâng mức lương tối thiểu lên 15 USD/giờ. Đơn xin phá sản của Unlimited thời điểm đó ghi rõ: "Trong 3 năm gần nhất, lợi nhuận hoạt động của doanh nghiệp đã giảm sút đáng kể khi nhiều chính quyền thành phố dọc bờ Tây nâng mức lương tối thiểu, khiến chi phí lao động hàng năm của doanh nghiệp đội lên tới 10,6 triệu USD".
Tất nhiên, mặt tích cực của việc tăng tiền lương tối thiểu là khả năng phân phối lại thu nhập, đúng như ưu tiên của đảng Dân chủ. Theo CBO, những hộ thu nhập dưới ngưỡng nghèo sẽ nhận thêm khoảng 8 tỷ USD thu nhập thực tế tới năm 2025 nếu chính sách tăng mức lương tối thiểu liên bang được thông qua. Điều này sẽ giúp đưa 1,3 triệu người lao động Mỹ thoát nghèo. Gánh nặng chi phí tăng sẽ dồn lên vai các hộ gia đình có thu nhập trên ngưỡng nghèo, khi thu nhập thực tế giảm khoảng 16 tỷ USD trong cùng thời gian. Tức là các hộ gia đình thu nhập thấp có xu hướng được hưởng lợi nhiều hơn từ tăng lương tối thiểu.
Nhưng nhìn chung, theo nhận định của Tiến sĩ Michael Busler, chuyên gia phân tích chính sách cộng đồng tại Đại học Stockton (California), việc tăng lương tối thiểu chắc chắn sẽ đi cùng hệ quả tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt. "Đề xuất tăng lương tối thiểu liên bang không có lợi cho người tiêu dùng - những người sẽ phải trả giá đắt hơn, càng không có lợi cho doanh nghiệp - những người phải chịu chi phí lao động cao hơn và cả người lao động - những người có nguy cơ rơi vào cảnh mất việc làm" - ông Michael Busler nói thêm.
Chính sách thương mại
Chính sách thương mại là khía cạnh chứng kiến một số điểm tương đồng giữa cựu Tổng thống Trump và người kế nhiệm Biden, ví dụ quan điểm cứng rắn trong vấn đề đối phó với hoạt động thương mại không lành mạnh của Trung Quốc. Nhưng cách tiếp cận của tân Tổng thống Biden vẫn có nhiều khác biệt cơ bản so với ông Trump.
Trong nhiệm kỳ của mình, ông Trump coi cách tiếp cận "America First" (Nước Mỹ trên hết) là trụ cột trong chính sách thương mại, dù các chính sách của ông Trump cho đến nay vẫn gây tranh cãi và mang lại nhiều kết quả trái chiều cho nền kinh tế.
Ông Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà chính quyền Obama - Biden đã ủng hộ trước đó, đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ NAFTA (đổi tên thành Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada). Ông Trump còn châm ngòi cho cuộc chiến tranh thương mại tốn kém với Trung Quốc trong nỗ lực buộc Bắc Kinh trả giá cho những hành vi thương mại không lành mạnh.
Để gây áp lực lên Trung Quốc, chính quyền Trump không ngần ngại áp thuế quan trừng phạt lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ nước này. Một số mức thuế hiện vẫn còn hiệu lực. Tuy nhiên, theo một phân tích được thực hiện bởi Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ, chính người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ là đối tượng phải chịu đựng tác động lớn hơn từ mức thuế quan mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc.
Thương chiến Mỹ - Trung tạm chấm dứt vào tháng 1/2020, khi Trung Quốc đồng ý ký Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giải quyết một số mâu thuẫn trước mắt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong nội dung thỏa thuận, Trung Quốc đồng ý tăng cường nhập khẩu 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ từ Mỹ trong 2 năm 2020-2021, điều mà ông Trump nhấn mạnh là một thắng lợi lớn của Mỹ. Tuy nhiên, sự bùng phát đại dịch Covid-19 sau đó đã làm trì hoãn tiến trình đàm phán thỏa thuận giai đoạn sau và đẩy căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục leo thang.
Kế thừa di sản dưới thời ông Trump và với sự ủng hộ của lưỡng đảng, chính quyền Tân Tổng thống Biden tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì quan điểm cứng rắn với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Biden cho hay sẽ chọn cách tiếp cận đa phương thông qua làm việc với các đồng minh Mỹ để hạn chế sự can thiệp kinh tế của Bắc Kinh. Không loại trừ khả năng ông Biden sẽ xem xét đưa Mỹ tái gia nhập Hiệp định TPP như một đối trọng với Trung Quốc khi quốc gia Đông Á này vừa gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) gồm 15 quốc gia, trọng tâm là khối ASEAN.
Với kịch bản chính sách thương mại đa phương của ông Biden, các nhà kinh tế Rabobank kỳ vọng kim ngạch nhập khẩu Mỹ sẽ tăng khoảng 6-7% trong trung hạn và dài hạn. Tuy nhiên, xuất khẩu không tăng sẽ dẫn đến thâm hụt thương mại Mỹ tăng vọt so với thời điểm ông Trump tại chức.
Trên bình diện quốc tế, chính sách đa phương của ông Biden dự kiến cũng sẽ thúc đẩy một số thị trường mới nổi tăng trưởng do giảm bớt căng thẳng địa chính trị, ổn định môi trường kinh doanh và hạn chế những lo ngại bất ổn thương mại.
Chính sách môi trường
Vấn đề môi trường và phát triển bền vững là một trong những trọng tâm quan trọng của chiến dịch tranh cử của ông Joe Biden. Chỉ vài giờ sau lễ nhậm chức chính thức, ông Biden đã ký phê duyệt lệnh hành pháp đưa Mỹ trở lại hiệp định khí hậu Paris, đảo ngược hoàn toàn quyết sách trong nhiệm kỳ của người tiền nhiệm Donald Trump.
Thực tế, các chính sách về môi trường của ông Trump và ông Biden có nhiều điểm đối lập rõ rệt.
Tờ New York Times cho hay, trong thời gian cầm quyền tại Nhà Trắng, ông Trump đã vô hiệu khoảng 100 quy định về môi trường như lệnh cấm khoan ở Khu bảo tồn Động vật Hoang dã Quốc gia Bắc Cực; lệnh yêu cầu các công ty dầu khí báo cáo lượng khí mê-tan phát thải hay quy định về tiêu chuẩn hiệu suất phát thải của ô tô.
Ông Trump còn gây phẫn nộ khi gọi biến đổi khí hậu là "trò lừa bịp", sau đó rút Mỹ khỏi Hiệp ước Khí hậu Paris vào năm 2017. Hành động này đã vấp phải làn sóng phản đối từ nhiều nhóm hoạt động vì môi trường.
Do đó, việc ông Biden cam kết kế hoạch 2 nghìn tỷ USD để chống biến đổi khí hậu và đầu tư vào năng lượng sạch, hướng đến mục tiêu dài hạn là mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nhóm này. Những kế hoạch được ông Biden công bố bao gồm đưa Mỹ trở lại hiệp ước khí hậu Paris, thúc đẩy các ngành năng lượng sạch, hạn chế và dần thu hồi các mỏ than, mỏ quặng; đưa thêm các lựa chọn giao thông công cộng như đường sắt hạng nhẹ, đường ưu tiên cho người đi bộ và đi xe đạp vào những thành phố hơn 100.000 dân… Để vạch rõ sự đối lập với ông Trump, ông Biden đã gọi người tiền nhiệm là "kẻ đốt cháy khí hậu".
Tuy nhiên, con đường hướng tới sự phát triển bền vững của chính quyền Biden chắc chắn không dễ dàng. Các chính sách chống biến đổi khí hậu hoàn toàn đi ngược lại lợi ích của ngành công nghiệp dầu khí, năng lượng hóa thạch Mỹ cũng như các gã khổng lồ trong ngành công nghiệp ô tô. Thêm vào đó, sự chia rẽ chính trị tại Mỹ cũng tạo thành lực cản lớn.
Tin mừng là ngày càng nhiều doanh nghiệp có chung mối quan tâm về vấn đề khí hậu với ông Biden. Năm 2019, GM và Nissan từng đứng trong đội ngũ hàng loạt nhà sản xuất ô tô danh tiếng thế giới bao gồm Toyota Motor Corp, Fiat Chrysler Automobiles NV… ủng hộ Tổng thống Trump cấm California ban hành quy tắc không phát thải dành riêng cho các dòng xe. Nhưng gần đây, GM và Nissan bất ngờ chuyển hướng, từ bỏ sự ủng hộ với lệnh cấm của ông Trump.
Đại diện Nissan khẳng định: "Chúng tôi tin tưởng rằng những cuộc đối thoại chính quyền tân Tổng thống Biden, bang California và các đại diện ngành công nghiệp ô tô toàn cầu có thể mang đến một bộ tiêu chuẩn quốc gia chung (về vấn đề phát thải)".
Nhìn chung, mọi mô hình so sánh hai chính sách kinh tế của Trump và Biden cũng như hệ quả của nó đều không tránh khỏi sai số. Một kết quả thú vị là mặc dù các chính sách của ông Biden được dự báo sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP mạnh mẽ hơn so với ông Trump, nhưng nó cũng kéo theo tỷ lệ nợ công trên GDP tăng vọt. Liệu các chính sách của ông Biden có thuyết phục được đông đảo nghị sĩ lưỡng đảng hay không, và liệu các đảng viên Cộng hòa có chấp nhận đánh đổi tỷ lệ nợ công cao để lấy tăng trưởng kinh tế hay không, điều đó vẫn khó dự báo.