1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

10 thách thức chờ đón tân Tổng thống Biden để cứu vãn nền kinh tế Mỹ

Đức Mạnh

(Dân trí) - Đại dịch đã gây thiệt hại nặng nề lên nền kinh tế Mỹ và đẩy hàng triệu người vào tình cảnh thất nghiệp. Đây là một trong số những lĩnh vực đòi hỏi sự chú ý của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden.

10 thách thức chờ đón tân Tổng thống Biden để cứu vãn nền kinh tế Mỹ - 1

10 thách thức đang chờ đón tân Tổng thống Biden để cứu vãn nền kinh tế Mỹ (Ảnh: The New York Times)

Tất cả các tổng thống Mỹ mới nhậm chức đều thề sẽ nhanh chóng thực hiện một chương trình nghị sự đầy tham vọng. Trong bài phát biểu hôm thứ Năm (14/01) về đề xuất chi tiêu 1,9 nghìn tỷ USD của mình, ông Biden nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết của việc hành động "ngay bây giờ".

Dưới đây là một số lĩnh vực đòi hỏi sự chú ý và quyết định sự thành công trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Joe Biden.

Khắc phục nền kinh tế

12 năm trước, Tổng thống Barack Obama đã phải tiếp nhận một nền kinh tế đang rơi tự do từ người tiền nhiệm. Ông Biden thì may mắn hơn: Nền kinh tế Mỹ đang có những phục hồi đáng kể sau đại dịch. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế đã chậm lại trong những tháng gần đây và vào tháng 12, nó đã bắt đầu đi thụt lùi khi các nhà tuyển dụng cắt giảm việc làm trước tình hình đại dịch đang bùng phát trở lại.

Công việc đầu tiên của ông Biden sẽ là điều hướng lại con tàu mang tên nước Mỹ, điều mà ông đề xuất thực hiện thông qua kế hoạch chi tiêu 1,9 nghìn tỷ USD mà ông đã công bố vào tuần trước.

Một khi cuộc khủng hoảng trước mắt qua đi, ông sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức có lẽ còn khó khăn hơn: chữa lành những vết sẹo mà đại dịch đã để lại cho các gia đình và cộng đồng, đồng thời giải quyết các vấn đề sâu xa của sự bất bình đẳng đã tồn tại trong nhiều thập kỷ nhưng nổi lên nhờ đại dịch.

Giải quyết vấn đề công nghệ

Các quyết định gần đây của Facebook, Twitter và các công ty công nghệ khác khi cắt tài khoản của Tổng thống Trump đã cho thấy tầm ảnh hưởng của Thung lũng Silicon.

Trung tâm của cuộc tranh luận là một luật được gọi là Mục 230, miễn trừ trách nhiệm pháp lý cho các trang web đối với nội dung mà họ lưu trữ. Đảng Cộng hòa và một số nghị sĩ đảng Dân chủ đang kêu gọi sửa đổi hoặc hủy bỏ luật trong khi các công ty công nghệ hùng mạnh có thể sẽ chống lại những thay đổi lớn. Chính quyền Biden cũng phải tiếp nhận các vụ kiện chống độc quyền của chính phủ liên bang đối với Google và Facebook.

Suy nghĩ lại về thuế

Ông Biden đã nhiều lần tuyên bố rằng Bộ Luật thuế Liên bang đang thiên vị người giàu và các tập đoàn lớn. Ông đang đề xuất một số biện pháp khiến họ phải trả thuế nhiều hơn để tài trợ chi tiêu cho năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng, giáo dục và các phần khác.

Ông sẽ cần phải vượt qua sự phản kháng từ các nhà vận động hành lang và cân bằng các đề xuất của mình với các kế hoạch cạnh tranh từ các nghị sĩ trong Quốc hội - những người cũng muốn tăng thuế đối với các công ty và người giàu nhưng khác về cách thức.

Đối đầu với Trung Quốc

Trung Quốc thậm chí còn trở nên mạnh mẽ hơn từ đại dịch, là đối thủ kinh tế hàng đầu của Mỹ.

Sau nhiều năm đầu tư mạnh vào đào tạo công nhân và tự động hóa, lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đã chứng tỏ tính cạnh tranh cao với Mỹ.

Sức mạnh quân sự đang trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc sẽ khiến chính quyền Biden phải đưa ra lựa chọn khó khăn về việc có cho phép bán nhiều công nghệ trước nguy cơ khiến nước này mạnh hơn nữa hay không.

Đánh giá lại thương mại

Chính quyền Biden đã đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng nhằm hồi sinh ngành công nghiệp Mỹ và làm việc với các đồng minh để chống lại Trung Quốc.

Thách thức trước mắt của ông Biden là phải làm gì đối với nhiều hành động thương mại của ông Trump, bao gồm thuế quan áp lên hơn 360 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và kết quả là thỏa thuận thương mại khiến Trung Quốc phải mua hàng trăm tỷ USD hàng hóa Mỹ.

Trong khi đó, chính quyền của ông Biden cũng phải tìm ra cách để xoa dịu các đồng minh như liên minh châu Âu sau sự khó chịu với cách tiếp cận thương mại  của người tiền nhiệm.

Giám sát Tài chính

Ông Biden đã từng hứa sẽ giám sát hệ thống tài chính chặt chẽ hơn. Ông sẽ phải giải quyết hệ thống "ngân hàng bóng tối" không được kiểm soát của các quỹ đầu cơ, các công ty cổ phần tư nhân và các nhà quản lý tiền tệ mà hiện đang nắm giữ hàng nghìn tỷ USD. Điều này có khả năng sẽ gây ra sự xáo trộn lớn trên thị trường tài chính.

Nói rộng hơn, tham vọng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các chủng tộc và chống lại biến đổi khí hậu có khả năng ảnh hưởng đến cách tiếp cận điều tiết tài chính của ông Biden.

Giúp các doanh nghiệp nhỏ

Các công ty nhỏ sử dụng khoảng một nửa số lao động phi chính phủ của Mỹ. Theo ước tính, đã có khoảng 400.000 công ty đóng cửa vĩnh viễn kể từ khi đại dịch xảy ra.

Ông Biden đã kêu gọi tài trợ trực tiếp 15 tỷ USD cho ít nhất một triệu doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề nhất - có thể lên tới 15.000 USD/doanh nghiệp - và kêu gọi liên bang đầu tư 35 tỷ USD vào các chương trình tài trợ của tiểu bang và địa phương.

Xóa nợ hộ gia đình

Tổng nợ của các hộ gia đình đã giảm xuống trong thời kỳ đại dịch, nhưng việc mất việc làm đã đẩy hàng triệu gia đình vào cảnh nghèo đói. Ngoài ngân phiếu 1.400 USD mỗi người và trợ cấp thất nghiệp mở rộng, ông Biden đang tìm kiếm hỗ trợ 30 tỷ USD để giúp các hộ gia đình đang gặp khó khăn thanh toán các hóa đơn tiền thuê nhà, nước và điện quá hạn. Ông cũng đề xuất tăng mức lương tối thiểu lên 15 USD/giờ.

Ông có kế hoạch gia hạn lệnh tạm hoãn thanh toán khoản vay cho sinh viên liên bang nhưng chưa nói trong bao lâu. Trong khi ông ủng hộ việc loại bỏ khoản nợ liên bang của sinh viên là 10.000 USD/người, ông đã không đưa điều này vào Kế hoạch Giải cứu Mỹ của mình.

Đổi mới về năng lượng

Mục tiêu của ông Biden về một hệ thống điện không carbon vào năm 2035 sẽ yêu cầu một cuộc đại tu triệt để ngành năng lượng đòi hỏi hàng trăm tỷ USD đầu tư cũng như các chính sách mới, chẳng hạn như củng cố lưới điện ở các bang như California. Một số nhà phê bình cho rằng, mục tiêu này là không thể đạt được.

Sự chuyển dịch lớn sang năng lượng tái tạo và xe điện sẽ làm giảm nhu cầu về dầu, khí đốt và than đá, đe dọa một số doanh nghiệp. Điều này cũng có thể dẫn đến tình trạng thất nghiệp, vì những người được đào tạo để làm việc với nhiên liệu hóa thạch có thể không có các kỹ năng mà các công việc năng lượng tái tạo yêu cầu.

Sửa chữa ngành giao thông

Ngành giao thông vận tải đã nhận được hàng tỷ USD viện trợ liên bang nhưng vẫn đang quay cuồng với đại dịch. Chính quyền Biden sẽ phải quyết định xem có nên làm nhiều hơn để giúp hay không, bao gồm việc cung cấp thêm hỗ trợ tài chính và yêu cầu khách du lịch đeo khẩu trang.

Lời hứa của ông Biden về việc sửa chữa và mở rộng các tuyến đường cao tốc, đường sắt, hệ thống vận chuyển và cơ sở hạ tầng khác của quốc gia cũng là ưu tiên của các doanh nghiệp. Lĩnh vực giao thông vận tải là một ngành đóng góp lớn vào biến đổi khí hậu, mà ông Biden đã cam kết sẽ giải quyết tích cực.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm