DBiz

"Ông lớn" điện gió của TTC Group và 4 dự án bị yêu cầu cung cấp thông tin

Thanh Thương
"Ông lớn" điện gió của TTC Group và 4 dự án bị yêu cầu cung cấp thông tin

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang điều tra vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Bộ Công Thương và các tỉnh, thành phố. Vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Hồi tháng 8, Cơ quan An ninh điều tra đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cung cấp thông tin, tài liệu về 32 dự án nhà máy điện gió, điện mặt trời tại nhiều địa phương.

4 trong số 32 dự án này là của "ông lớn" ngành năng lượng - Công ty cổ phần Điện Gia Lai (mã cổ phiếu: GEG) - thành viên trong hệ sinh thái của Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group). Số đó gồm dự án nhà máy điện gió la Bang 1 (50MW), nhà máy điện gió VPL Bến Tre (30MW), nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 (100MW) và Tân Phú Đông 2 (50MW).

4 dự án điện gió hàng nghìn tỷ đồng

Cụ thể, dự án Nhà máy điện gió Tân Phú Đông là dự án điện gió đầu tiên tại tỉnh Tiền Giang, bao gồm 2 nhà máy Tân Phú Đông 1, 2 có công suất lần lượt là 100MW và 50MW do Công ty cổ phần Năng lượng Điện gió Tiền Giang - thành viên của Công ty cổ phần Điện Gia Lai - làm chủ đầu tư.

Dự án Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 nằm tại khu vực ven biển thuộc xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 4.464 tỷ đồng, trong đó có hơn 1.339 tỷ đồng vốn đầu tư và 3.125 tỷ đồng vốn vay ngân hàng.

Diện tích sử dụng đất xây dựng là 22ha. Trong đó có 14,5ha đất mặt nước trên biển (xã Phú Tân); 4,5ha diện tích móng cột đường dây 110kV (huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây và thị xã Gò Công); 3ha diện tích nhà quản lý vận hành và trạm biến áp 35/110kV (ấp Bà Canh, xã Tân Thành). Nhà máy vận hành thương mại từ tháng 5/2023.

Trước đó, dự án Nhà máy Tân Phú Đông 2 (50MW) được triển khai tại xã Tân Thành, huyện Tân Phú Đông vào tháng 3/2021 và chính thức hoàn thành vào tháng 10/2021. 

Tổng vốn đầu tư dự án này được giới thiệu là 2.242 tỷ đồng. Trong đó, 672,57 tỷ đồng từ vốn đầu tư, 1.569 tỷ đồng từ vốn vay ngân hàng. Dự án được xây dựng trên 10,25ha đất, trong đó, 1,25ha móng tháp gió trên biển; 9ha cầu dẫn, cáp ngầm trên biển.

Ông lớn điện gió của TTC Group và 4 dự án bị yêu cầu cung cấp thông tin - 1

Dự án Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 và 2 nằm trong diện 32 dự án điện gió và điện mặt trời được Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công An yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu hồi tháng 8 (Ảnh: GEC).

Về Nhà máy điện gió la Bang 1 tại huyện Chư Rông, tỉnh Gia Lai, dự án này do Công ty cổ phần Điện gió la Bang 1 - thành viên của Công ty cổ phần Điện Gia Lai - làm chủ đầu tư. Dự án được triển khai xây dựng vào tháng 10/2020 và vận hành thương mại từ tháng 10/2021 với tổng công suất lắp máy là 50MW và có thời gian hoạt động dự kiến là 50 năm.

Tổng vốn đầu tư dự án lên đến 2.200 tỷ đồng. Trong đó 660 tỷ đồng từ vốn góp của nhà đầu tư, 1.540 tỷ đồng từ vốn vay ngân hàng. Toàn bộ công trình được xây dựng trên diện tích 30,5ha gồm 10 turbine gió. 

Cuối cùng là dự án Nhà máy điện gió VPL Bến Tre thuộc địa bàn xã Thới Thuận và xã Thừa Đức, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre do Công ty cổ phần Năng lượng VPL - thành viên của Công ty cổ phần Điện Gia Lai - làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư dự án là 1.452 tỷ đồng. Dự án này cũng đã vận hành thương mại từ cuối tháng 10/2021.

Nợ vay gấp gần 1,7 lần vốn chủ sở hữu

Công ty cổ phần Điện Gia Lai được thành lập vào năm 1989, với tiền thân là công ty 100% vốn Nhà nước có nhiệm vụ quản lý các nhà máy thủy điện nhỏ ở miền Trung.

Đến tháng 10/1995, công ty đổi tên thành Công ty Điện Gia Lai. Sau khi tiến hành niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) thành công vào tháng 7/2010, Công ty cổ phần Điện Gia Lai chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ tháng 9/2010 với vốn điều lệ hơn 261 tỷ đồng.

Từ năm 2013, công ty này chính thức trở thành đơn vị chủ lực trong mảng năng lượng thuộc Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group) của đại gia Đặng Văn Thành. Sau nhiều lần tăng vốn, tại thời điểm cuối năm 2023 vốn điều lệ của doanh nghiệp ở mức 4.054 tỷ đồng.

Về cơ cấu cổ đông tính đến cuối tháng 9 năm nay, Công ty cổ phần Điện Gia Lai có Tập đoàn JERA (Nhật Bản) đang nắm hơn 119,7 triệu cổ phiếu GEG (tương đương 35,1% cổ phần); Công ty cổ phần Đầu tư Thành Thành Công nắm 16,79% cổ phần, Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa nắm 10,99%, Công ty cổ Phần Xuất Nhập Khẩu Bến Tre nắm giữ 6,33%, Công ty cổ phần Khu công nghiệp Thành Thành Công nắm 3,83% cổ phần.

Hiện, Điện Gia Lai sở hữu 13 nhà máy thủy điện tập trung tại 3 khu vực Gia Lai, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế với tổng công suất 81MW, 11 nhà máy điện mặt trời và điện gió ở khu vực Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ, Duyên Hải Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ.

Về tình hình kinh doanh, trong quý III, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần đạt 543 tỷ đồng, giảm 4,1% so với cùng kỳ, chủ yếu do doanh thu bán điện giảm. 

Lợi nhuận gộp đạt 237 tỷ đồng, giảm 19,1% so với cùng kỳ 2023 do chi phí vận hành tăng. Đáng chú ý, doanh thu từ hoạt động tài chính chỉ đạt vỏn vẹn 10 tỷ đồng, trong khi đó chi phí tài chính lên tới hơn 230 tỷ đồng, giảm 8,7% so cùng kỳ, phần lớn là chi phí lãi vay đạt 224 tỷ đồng, giảm 5,1%. Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp trong quý tăng thêm 17%, lên mức 33 tỷ đồng.

Kết quả, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm gần 48 tỷ đồng, trong khi quý III/2023 lãi 315 triệu đồng. Lần đầu tiên "ông trùm" năng lượng tái tạo báo lỗ kể từ khi niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) vào năm 2019.

Theo giải trình của ban lãnh đạo doanh nghiệp, doanh thu bán điện từ Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 (100MW) đang ghi nhận doanh thu theo giá bán điện tạm thời bằng 50% giá trần và gánh nặng giá vốn tăng, chi phí tài chính là các nguyên nhân dẫn đến thua lỗ trong quý vừa qua.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu của Điện Gia Lai đạt 1.770 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Do khoản lỗ trong quý III, lợi nhuận sau thuế đạt gần 80 tỷ đồng, giảm 27,8% so với cùng kỳ. Như vậy, kết thúc 9 tháng, doanh nghiệp mới hoàn thành 57% kế hoạch doanh thu và 30% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Tính đến ngày 30/9, tổng tài sản của "ông lớn" năng lượng tái tạo này ghi nhận đạt hơn 16.000 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn đạt gần 2.060 tỷ đồng, tăng 41%. Tổng lượng tiền nắm giữ đạt gần 1.100 tỷ đồng, gấp 2,4 lần đầu năm.

Tổng nợ phải trả của doanh nghiệp đạt 10.203 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Đáng chú ý, nợ vay chiếm 97% với hơn 9.886 tỷ đồng - gấp gần 1,7 lần vốn chủ sở hữu.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đang là chủ nợ lớn nhất của công ty với dư nợ vay dài hạn lên tới 7.353 tỷ đồng. Đáng chú ý, tại hai dự án điện gió Tân Phú Đông 1 và Tân Phú Đông 2, Vietcombank ghi nhận dư nợ khoảng hơn 4.400 tỷ đồng. Còn tại dự án Điện gió la Bang 1 và Điện gió VPL Bến Tre, doanh nghiệp cũng còn dư nợ vay dài hạn tại Vietcombank với giá trị hơn 2.000 tỷ đồng.