Các dự án điện gió Gia Lai được Bộ Công an yêu cầu cung cấp hồ sơ

Khổng Chiêm Thanh Thương

(Dân trí) - Trong 32 dự án được Bộ Công an yêu cầu cung cấp hồ sơ, Gia Lai có 4 dự án điện gió.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa có yêu cầu đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc cung cấp thông tin, tài liệu về 32 dự án nhà máy điện gió, điện mặt trời tại nhiều địa phương.

Trả lời phóng viên Dân trí liên quan đến việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chỉ đạo cơ quan liên quan cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an về 32 dự án điện gió, điện mặt trời hay chưa, ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN, cho biết ông không có thông tin gửi rồi hay chưa.

Trong số 32 dự án trên có 10 dự án điện mặt trời và 22 dự án điện gió. EVN được yêu cầu phải cung cấp toàn bộ hồ sơ đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán điện; hồ sơ kiểm tra, nghiệm thu, công nhận ngày vận hành thương mại; hồ sơ kiểm định, kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất hệ thống đo đếm điện năng và kiểm tra công suất lắp đặt thực tế của các nhà máy điện.

Các dự án điện gió, điện mặt trời trong diện phải cung cấp hồ sơ cho Cơ quan An ninh điều tra thuộc nhiều địa phương, nhưng tập trung nhiều ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên và miền Tây.

Trong đó chỉ riêng tại tỉnh Gia Lai, có 4 dự án thuộc diện phải cung cấp hồ sơ cho Cơ quan An ninh điều tra, gồm: Nhà máy điện gió Hưng Hải ở huyện Kông Chro, Nhà máy điện gió Cửu An ở thị xã An Khê, Nhà máy điện gió Ia Le 1 ở huyện Chư Pưh và Nhà máy điện gió Ia Bang 1 ở huyện Chư Prông.

Các dự án điện gió Gia Lai được Bộ Công an yêu cầu cung cấp hồ sơ - 1

Dự án điện gió tại tỉnh Đắk Nông (Ảnh: Đặng Dương).

Yêu cầu trên nhằm phục vụ công tác điều tra vụ án Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại Bộ Công Thương và các tỉnh, thành phố do Cơ quan An ninh điều tra thụ lý. Vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Trong đó, Gia Lai có 4 nhà máy điện gió trong danh sách yêu cầu cung cấp hồ sơ gồm nhà máy điện gió Hưng Hải (huyện Kông Chro), nhà máy điện gió Cửu An (thị xã An Khê), nhà máy điện gió Ia Le 1 (huyện Chư Pưh) và nhà máy điện gió Ia Bang 1 (huyện Chư Prông), theo TTXVN.

Trong đó, nhà máy điện gió Hưng Hải do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phong điện Gia Lai làm nhà đầu tư. Doanh nghiệp này được thành lập năm 2020, do ông Vũ Quang Bảo (sinh năm 1970) làm Chủ tịch HĐQT kiêm Người đại diện pháp luật.

Các dự án điện gió Gia Lai được Bộ Công an yêu cầu cung cấp hồ sơ - 2

Nhà máy điện gió Hưng Hải (Ảnh: BB Group).

Dự án có tổng công suất các tuabin gió là 100 MW, được xây dựng trên diện tích đất gần 51ha. Trong đó, hơn 24ha đất có thời hạn và hơn 24ha đất tạm thời. Các thông tin được nêu trong quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án của UBND tỉnh Gia Lai, tháng 3/2021.

Công ty Đầu tư và Phát triển Phong điện Gia Lai - chủ đầu tư dự án điện gió này - là thành viên thuộc Tập đoàn BB Group do ông Vũ Quang Bảo làm Chủ tịch. Dự án điện gió được vận hành vào năm 2021 với 25 trụ điện gió.

Còn nhà máy điện gió Ia Le 1 do Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Điện gió Cao Nguyên 1 làm chủ đầu tư. Theo quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án được tỉnh Gia Lai cấp tháng 8/2020, nhà máy điện gió Ia Le 1 có công suất thiết kế 100 MW, diện tích đất sử dụng 65ha. Vốn đầu tư dự kiến là gần 4.022 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ tháng 6/2020 đến tháng 11/2021 đưa vào vận hành thương mại.

Công ty Đầu tư Phát triển Điện gió Cao Nguyên 1 - chủ đầu tư dự án - do ông Nguyễn Ngọc Minh (sinh năm 1986) làm Giám đốc kiêm Người đại diện pháp luật. Dự án được hưởng các chế độ ưu đãi về tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

Dự án nhà máy điện gió Ia Bang 1 được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt chủ trương đầu tư tháng 9/2020. Công ty cổ phần Điện gió Ia Bang là chủ đầu tư dự án, người đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch HĐQT là Nguyễn Thái Hà (sinh năm 1980).

Nhà máy này có công suất thiết kế 50 MW, được xây dựng trên diện tích đất hơn 30,5ha. Vốn đầu tư dự kiến 2.200 tỷ đồng, thực hiện từ cuối năm 2020 đến tháng 10/2021. Dự án này cũng được hưởng các chế độ ưu đãi về tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, cùng các ưu đãi khác theo quy định hiện hành.

Trước đó vào tháng 9/2023, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an có công văn gửi UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu cung cấp chứng cứ, tài liệu liên quan việc lập, thẩm định và phê duyệt bổ sung các dự án điện mặt trời nối lưới tại tỉnh vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, giai đoạn 2016 - 2020.

Hồi tháng 5 năm nay, UBND tỉnh Đắk Nông cũng giao các sở, ngành liên quan cung cấp hồ sơ các dự án điện gió, báo cáo, tham mưu cho UBND tỉnh. Nội dung hồ sơ gồm thông tin về các dự án (chủ đầu tư, quy mô, tổng vốn đầu tư, địa điểm thực hiện, thời gian và tiến độ thực hiện dự án…). Động thái này được thực hiện theo yêu cầu của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.