Bà Nguyễn Thị Mai Thanh từ nhiệm Chủ tịch HĐQT sau 31 năm
Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (mã chứng khoán: REE) - doanh nghiệp đầu tiên niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán vào năm 2000 - vừa có biến động nhân sự cấp cao.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh thôi chức Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) sau 31 năm tại vị. Thay thế chức vụ của bà Thanh là ông Alain Xavier Cany - Phó chủ tịch HĐQT công ty.
Điều này có thể gây bất ngờ trên thị trường khi nhiều thập kỷ qua, tên tuổi bà Thanh gắn liền với sự phát triển của REE. Bà Thanh từng đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc tại doanh nghiệp kể từ khi REE được cổ phần hóa (năm 1993).
Cho đến năm 2020, REE mới tách bạch 2 chức danh theo quy định mới. Lúc này, bà Thanh chỉ đảm nhận chức danh Chủ tịch HĐQT, còn Tổng giám đốc được chuyển giao cho ông Huỳnh Thanh Hải. Sau đó, REE bổ nhiệm ông Lê Nguyễn Minh Quang làm Tổng giám đốc thay ông Huỳnh Thanh Hải. Ông Hải ngồi "ghế nóng" được hơn 4 tháng, trước khi bà Thanh lên thay thế.
Chủ tịch HĐQT mới của REE, ông Alain Xavier Cany, gia nhập công ty từ năm 2021 và là người đại diện cho cổ đông ngoại quốc Platinum Victory Pte.Ltd (thuộc sở hữu của Jardine Cycle & Carriage, đầu tư vào REE từ năm 2015).
Vị này nhận chức vụ mới trong bối cảnh Platinum Victory Pte.Ltd đang muốn gia tăng sở hữu tại REE. Theo công bố giao dịch, quỹ này đăng ký mua vào 30 triệu cổ phiếu REE, dự kiến nâng sở hữu lên 42,07% vốn công ty.
Còn theo báo cáo quản trị nửa đầu năm, bà Mai Thanh đang sở hữu lượng cổ phiếu tương đương 12,8% vốn doanh nghiệp. Chồng bà Thanh - ông Nguyễn Ngọc Hải - nắm giữ 5,5% vốn. Con trai bà Thanh - Nguyễn Ngọc Thái Bình, Thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc REE - nắm 2% vốn. Bà Nguyễn Ngọc Nhất Hạnh - con gái bà Thanh - nắm 1,3% vốn. Tổng cộng cả gia đình bà Thanh nắm giữ khoảng 21,6% vốn điều lệ REE.
Dấu ấn của bà Mai Thanh tại REE
REE được thành lập từ năm 1977, trên cơ sở là một đơn vị Nhà nước. Đến năm 1993, doanh nghiệp chuyển đổi từ đơn vị nhà nước sang công ty đại chúng dưới hình thức cổ phần hóa. REE được biết đến với các sản phẩm điều hòa không khí mang thương hiệu Reetech từ năm 1996.
Đến năm 2000, REE là doanh nghiệp niêm yết đầu tiên trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Sau đó, công ty gia nhập lĩnh vực bất động sản với tòa nhà văn phòng đầu tiên được xây dựng; tham gia vào lĩnh vực năng lượng, năng lượng tái tạo...
Ngày nay, REE tiếp tục tập trung vào 3 lĩnh vực chính: Cơ điện công trình; Bất động sản thương mại và văn phòng; Năng lượng tái tạo, nước sạch và môi trường.
Với mảng năng lượng, REE sở hữu hàng loạt nhà máy thủy điện, nhiệt điện, điện gió, điện mặt trời áp mái, điện bán lẻ lớn như Thủy điện Thác Bà, Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, Thủy điện Thác Mơ, Nhiệt điện Phả Lại, Nhiệt Điện Ninh Bình, Phong điện Thuận Bình...
Với mảng nước sạch, REE đầu tư vào Nhà máy nước Tân Hiệp, Nước Thủ Đức, Nước sạch Sông Đà, Cấp nước Gia Định...
Với mảng bất động sản, doanh nghiệp phát triển một số dự án nhà ở thương mại và nhiều dự án cho thuê văn phòng tại TPHCM.
Trong năm 2023, theo cơ cấu doanh thu, mảng năng lượng chiếm 56% tỷ trọng, tiếp đến là cơ điện lạnh và bất động sản. Lợi nhuận từ mảng năng lượng cũng lớn nhất trong cơ cấu.
Trong 24 năm lên sàn chứng khoán, từ doanh nghiệp có vốn điều lệ ban đầu 150 tỷ đồng, đến ngày 30/9 năm nay, REE đã đạt hơn 4.710 tỷ đồng, gấp 31 lần. Quy mô tài sản cũng gấp 140 lần, đạt hơn 35.648 tỷ đồng.
Lợi nhuận doanh nghiệp cũng có sự tăng trưởng vượt trội, từ mức 30 tỷ đồng vào năm 2000 lên 1.514 tỷ đồng, gấp 50 lần.
Trong 5 năm gần đây, REE luôn duy trì lợi nhuận nghìn tỷ đồng mỗi năm. Mảng năng lượng có kết quả tích cực, đem lại giá trị lớn cho công ty.
Tuy nhiên, trong kế hoạch được công bố đầu năm nay, HĐQT REE xác định tập trung nguồn lực cho năng lượng tái tạo, năng lượng sạch nên sẽ chọn thời điểm phù hợp để thoái vốn các dự án nhiệt điện. Với mảng thủy điện, thủy văn là yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà máy. Năm nay, thủy văn được đánh giá không thuận lợi, dẫn đến sản lượng các nhà máy có thể giảm.
Công suất của REE trong mảng năng lượng khoảng 700 MW, không bao gồm nhiệt điện. Lãnh đạo công ty đánh giá công suất này còn nhỏ, đặt mục tiêu tăng công suất gấp đôi trong thời gian tới. REE cần thêm vốn cho mục tiêu này nhưng chưa có kế hoạch IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu) mảng năng lượng.
Tại ngày 30/9, REE có nợ vay tài chính hơn 10.587 tỷ đồng, trong đó 91% là nợ vay dài hạn. Hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu là 0,48 lần.
REE cũng có hơn 5.068 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, tăng 68% so với đầu năm. Công ty dành 1.119 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn, trong đó đầu tư vào chứng khoán gần 935 tỷ đồng.