Những phát ngôn, con số rất đáng chú ý về gói hỗ trợ kích thích kinh tế
(Dân trí) - Sau một ngày làm việc tích cực, hiệu quả, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề "Phục hồi và phát triển bền vững" khép lại. Nhiều phát biểu, đề xuất, góp ý, hiến kế đáng chú ý đưa ra tại diễn đàn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, doanh nghiệp, người dân tạo ra của cải vật chất, đóng góp ngân sách, tạo dòng tiền cho ngân hàng. Do vậy, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân cũng chính là nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách và hệ thống ngân hàng.
"Ở đây không phải Nhà nước, ngân hàng làm ơn, ban ơn. Nhà nước, ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp cũng chính là tự giúp mình. Không có doanh nghiệp làm gì có lợi nhuận của ngành ngân hàng", Chủ tịch Quốc hội cho biết cần phải quán triệt nhận thức này, thông thoáng trong suy nghĩ.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi, giai đoạn 2020 và 2021, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến đời sống của người dân, việc làm người lao động, sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp.
Để hỗ trợ kịp thời người dân, người lao động và doanh nghiệp, trong hai năm vừa qua chúng ta đã ban hành 4 gói an sinh xã hội, với tổng giá trị dự toán khoảng 150.000 tỷ đồng. Trong đó, gói chính sách theo Nghị quyết 68 với dự toán là 26.000 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được 29.000 tỷ đồng. Gói theo Nghị quyết 116, với dự toán 38.000 tỷ đồng đã giải ngân gần 30.000 tỷ đồng. Trong tháng 12 việc giải ngân sẽ cơ bản hoàn thành.
TS. Cấn Văn Lực đã thay mặt trình bày nghiên cứu được thực hiện bởi Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cùng nhóm chuyên gia.
Theo đó nhóm nghiên cứu đề gói hỗ trợ bao gồm cả tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội cùng các chính sách lên tới 843.845 tỷ đồng, chiếm 10,38% GDP (giá trị công bố). Về giá trị thực tế sẽ chi, ông Lực cho biết con số thực tế sẽ là 445.760 tỷ đồng (chiếm 5,48% GDP), theo tính toán của nhóm nghiên cứu.
Theo ông Lực, nền kinh tế đang có dấu hiệu "lỡ nhịp", lỡ cơ hội, tụt hậu; Người dân và doanh nghiệp rất khó khăn.
Theo tính toán của chuyên gia Bùi Nhật Quang, Bùi Quang Tuấn, Phạm Anh Tuấn và nhóm nghiên cứu Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, dự kiến quy mô gói hỗ trợ kinh tế giai đoạn 2022-2023 là 8% GDP 2020, khoảng 666.000 tỷ đồng.
Ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng cần hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực hơn. Thực tế triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp vừa qua cho thấy hiệu quả chưa cao, chưa đúng đối tượng hoặc thủ tục hỗ trợ còn phức tạp.
TS. Trương Văn Phước - nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia - nhấn mạnh một vấn đề hết sức được quan tâm, đó là câu hỏi đầu tiên là tiền đâu. Làm sao có tiền mới thực hiện được gói hỗ trợ. "Đây là câu hỏi vô cùng quan trọng, không có tiền, không giải quyết được, không thực thi được gói hỗ trợ", ông Phước nói.
Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn Phước nêu quan điểm nên ưu tiên việc huy động vốn thị trường trong nước. Với xu hướng lãi suất quốc tế đang tăng dần, nên việc vay nợ nước ngoài chưa thật phù hợp thì nguồn tài chính chủ yếu là vay nợ trong nước.
Ông Vũ Sỹ Cường - Kinh tế trưởng Viện công nghệ và phát triển tài chính (Học viện Tài chính) - cho rằng dư địa thực hiện chính sách tài khóa của Việt Nam vẫn còn nhưng không quá lớn.
"Tính bất định của Covid-19 rất lớn, do đó, nếu chúng ta sử dụng hết dư địa tài khóa thì sẽ có rủi ro, không thể "chơi bài tất tay". Chúng ta phải để lại một phần nào đó để đề phòng cho những bất định này", ông Cường nêu ý kiến.
Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, Việt Nam chỉ nên đưa ra gói tài khóa ở mức độ vừa phải vào khoảng 3,8-4%/năm trong vòng 2 năm, chưa tính chi phí y tế. Nếu tính chi phí y tế thì con số này lên khoảng 5,8 - 6%/năm.
Theo Nguyễn Minh Cường - Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam - các gói hỗ trợ tài khóa là hết sức cần thiết trong giai đoạn nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch và cũng không kém phần quan trọng khi nền kinh tế bước sang giai đoạn chuyển tiếp hướng tới phục hồi.
"Điều quan trọng là cần xác định các mục tiêu phù hợp với từng thời kỳ để xây dựng gói hỗ trợ với quy mô đủ lớn (gói ngân sách hỗ trợ cho nền kinh tế hiện mới chưa đến 3% GDP nên có thể nâng lên khoảng 5 - 7% GDP) đáp ứng các tiêu chí kịp thời, đúng đối tượng, đủ dài, đủ bao trùm để mang lại hiệu quả như mong đợi", đại diện ADB nêu.
Ông Nguyễn Thành Phong - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, qua tính toán, ảnh hưởng từ đại dịch tới kinh tế là rất nặng nề.
Để tính toán thiệt hại về vật chất do Covid-19 gây nên, nhóm nghiên cứu đã sử dụng giả thiết: Nếu không có đại dịch thì GDP Việt Nam trong 2 năm 2020 và 2021 sẽ tăng bình quân 7%/năm.
Như vậy năm 2020 Việt Nam thiệt hại khoảng 161.400 tỷ đồng và năm 2021 khoảng 345.900 tỷ đồng và cả 2 năm, Việt Nam thiệt hại tổng cộng 507.300 tỷ đồng tính theo giá cố định 2010. Còn theo giá hiện hành, con số này tương đương khoảng 847.000 tỷ đồng (khoảng 37 tỷ USD).
Kinh tế trưởng WB - ông Jacques Morisset đưa ra "một số ý tưởng táo bạo chỉ dành cho phục hồi kinh tế". Trong đó kiến nghị giảm VAT để tăng kích thích tiêu dùng. Cụ thể, chấp nhận tăng nợ công, ví dụ khoảng 2% GDP, theo đó sẽ cho phép cắt giảm một nửa thuế suất thuế GTGT từ 10% xuống 5%.
"Chắc chắn sẽ kích thích tiêu dùng. Tất cả đều đang ảnh hưởng thì không thể yêu cầu người dân trả đủ ngần ấy thuế", chuyên gia WB nói.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai chuyển đổi số, cùng hệ thống ngân hàng đồng hành với nền kinh tế, tiếp tục duy trì thanh khoản cho hệ thống, ổn định mặt bằng lãi suất, không chủ quan với lạm phát.
TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, trong triển khai các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế cần quán triệt nguyên tắc bám sát tình hình, tường minh, rõ ràng, nếu cần điều chỉnh chính sách phải thông báo nhanh chóng với thị trường.
Trong thời gian qua, với sự phối hợp chặt chẽ giữa Quốc hội và Chính phủ, độ trễ trong của chính sách tài khóa đã được cải thiện phần nào. Tuy nhiên, ông Thành bày tỏ "đáng tiếc là chương trình phục hồi tổng thể này được nghĩ đến từ cách đây một năm, song đến nay mới được đưa ra xem xét, quyết định".
Ông Trương Gia Bình đặt vấn đề làm thế nào để Việt Nam chiến thắng Covid sớm nhất? Làm thế nào để sản xuất kinh doanh không gián đoạn trong mọi hoàn cảnh dịch bệnh?"
Theo Chủ tịch HĐQT FPT, muốn thắng Covid-19 chỉ có cách hành động nhanh hơn Covid, vì vậy không thể thắng Covid mà không chuyển đổi số chống Covid. Có nghĩa, Việt Nam cần đầy đủ dữ liệu tức thời và trí tuệ nhân tạo để người dân có thể điều chỉnh hành vi, được chăm sóc, điều trị tại nhà, kết nối chính quyền, cơ sở điều trị khi chuyển nặng và lãnh đạo các cấp ra các quyết sách kịp thời, chuẩn xác.