1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Mỹ "bơm" thêm khí đốt cho EU, giúp giảm phụ thuộc Nga

Nhật Linh

(Dân trí) - Mỹ và EU sẽ tăng cường thúc đẩy nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho các nước châu Âu vào cuối năm nay nhằm thay thế nguồn cung của Nga.

Mỹ bơm thêm khí đốt cho EU, giúp giảm phụ thuộc Nga - 1

Mỹ sẽ bổ sung thêm 15 tỷ m3 khí đốt tự nhiên hóa lỏng cho châu Âu vào cuối năm nay (Ảnh: Reuters).

Theo thỏa thuận vừa đạt được giữa Mỹ và EU, châu Âu sẽ nhận ít nhất 15 tỷ m3 nguồn cung LNG bổ sung vào cuối năm nay nhưng không nói rõ nguồn cung sẽ đến từ đâu. Các quốc gia thành viên cũng sẽ nỗ lực đảm bảo nhu cầu nhập 50 tỷ m3 nhiên liệu của Mỹ cho đến ít nhất là năm 2030. Mục đích của thỏa thuận hợp tác này là nhằm giúp châu Âu giảm phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga, vốn chiếm khoảng 40% nhu cầu của lục địa này.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Tổng thống Mỹ Biden cho biết: "Chúng tôi đang cùng nhau giảm bớt sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng Nga".

Ông Ursula von der Leyen cho rằng 15 tỷ m3 bổ sung trong năm nay là "một bước tiến lớn trong định hướng đó".

Châu Âu đang cố gắng đa dạng hóa các nguồn cung năng lượng nhằm "bỏ đói" nguồn thu của Nga. Nhưng đó là một nhiệm vụ nặng nề. Bởi mỗi năm Nga cung cấp cho châu Âu khoảng 150 tỷ m3 khí đốt thông qua các đường ống và 14 -18 tỷ m3 LNG. Điều đó có nghĩa bất kỳ sự gián đoạn nào về dòng khí đốt từ Nga sẽ khiến châu Âu khó mà đối phó nổi.

Ông Jonathan Stern, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, cho biết: "Đó là một bước khởi đầu, nhưng tương đối nhỏ so với nguồn cung tổng thể từ Nga".

Vấn đề quan trọng là Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu. Lục địa này cũng chiếm thị phần lớn nhất trong việc nhập khẩu than và dầu của Nga. Do đó, EU đã phải vật lộn để chuyển chính sách năng lượng ra khỏi Moscow.

Chi tiết về việc thực hiện kế hoạch như thế nào hiện nằm trong tay các công ty năng lượng. Các nhà cung cấp LNG của Mỹ và những người mua từ Đức sẽ gặp nhau vào tuần tới tại Berlin để tìm ra các giao dịch khả thi.

Mỹ đã và đang cung cấp nhiều LNG cho châu Âu hơn, với các chuyến hàng tăng gấp đôi lên mức kỷ lục 4,4 tỷ m3 vào tháng 1 và mức tương tự vào tháng 2. Việc cung cấp thêm 15 tỷ m3 LNG nữa có thể khả thi miễn là châu Âu tiếp tục trả giá cao hơn cho các chuyến hàng này so với người mua châu Á. Nguồn cung LNG toàn cầu sẽ chỉ tăng đáng kể vào năm 2025 khi các chính sách mới được thực thi.

Chưa rõ liệu nguồn cung bổ sung này sẽ đến từ đâu hay là các chuyến hàng được chuyển hướng từ các khu vực khác. Các quan chức cấp cao của Mỹ cho biết không thể nói rõ bao nhiêu nguồn cung trong 15 tỷ m3 LNG bổ sung đó được cung cấp từ Mỹ và bao nhiêu từ các nguồn cung châu Á hay các nơi khác.

Nhưng hiện tại, những người mua châu Âu vẫn đang phải cạnh tranh với các nước châu Á các chuyến hàng cung cấp LNG ít ỏi trên thế giới.

Đức cũng công bố kế hoạch giảm đáng kể lượng nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga, với mục tiêu sẽ gần như độc lập hoàn toàn với khí đốt của Nga vào giữa năm 2024. Các nhà phê bình cho rằng, kế hoạch này là không thể đạt được vì Đức là khách hàng lớn nhất ở châu Âu nhập khẩu khí đốt của Nga.

Thỏa thuận đầy tham vọng của Mỹ và EU rất chi tiết. Các quan chức cấp cao của Mỹ cho biết các dự án của Mỹ có thể đáp ứng nhu cầu 50 tỷ m3 và châu Âu cam kết sẽ cố gắng đáp ứng nhu cầu đó để các cơ sở sản xuất của Mỹ có thể đưa ra quyết định đầu tư.

Mỹ cũng đã làm việc với các đối tác ở châu Á để đảm bảo nguồn cung trong mùa đông năm nay nhưng đồng thời cũng đang tích trữ cho mùa đông tới.

Theo Bloomberg

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm