(Dân trí) - Theo Bloomberg, nền kinh tế thế giới đã có bước tiến tốt trong việc tránh khỏi một đợt lạm phát đình trệ như kiểu những năm 1970 nhưng chịu không ít tổn thương.
"CÚ SỐC" DẦU MỎ NHỮNG NĂM 1970 VÀ BÂY GIỜ
Giá hàng hóa, vốn ở mức cao trong thời đại dịch, đã tăng vọt lên cao nhất trong lịch sử sau khi chiến sự Nga - Ukraine diễn ra, khiến các nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế liên tưởng đến cú sốc năng lượng cách đây 4 thập kỷ và sau đó là sự suy giảm kéo dài.
"Họ có quyền lo lắng cho điều đó", ông Maurice obsfeld, cựu nhà kinh tế trưởng tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho hay. Theo ông, những cú sốc này càng tiếp tục kéo dài thì ngày càng có nhiều nền kinh tế sẽ phải hứng chịu "điều gì đó giống như xảy ra trong những năm 1970".
Tuy nhiên, hầu hết nhà kinh tế cho rằng nhìn chung "vết xe đổ" đó vẫn có thể tránh được.
Nhưng để kìm cương lạm phát, tăng trưởng kinh tế có thể suy yếu hơn, thậm chí là suy thoái, đặc biệt với các nền kinh tế mới nổi dễ bị tổn thương. "Chúng ta nên lo lắng về sự giảm tốc đáng kể của tăng trưởng kinh tế toàn cầu hơn là lạm phát tăng vọt", Kazuo Momma, người từng là người đứng đầu chính sách tiền tệ tại Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, nói.
Lý giải tại sao có thể tránh được "con đường đen tối" đó, ông Mark Zandi - nhà kinh tế trưởng tại Bộ phận phân tích của Moody - cho rằng, một phần là do các ngân hàng trung ương như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã rút ra bài học từ cuộc lạm phát kéo dài những năm 1970.
"Họ thà đẩy chúng ta vào một cuộc suy thoái sớm hơn là đi vào kịch bản lạm phát đình trệ và sau đó là một cuộc suy thoái tồi tệ hơn nhiều", ông Zandi nói.
Một lý do chính khác khiến các nhà kinh tế không cho rằng nền kinh tế thế giới sẽ trở lại như những gì xảy ra ở những năm 1970 là vì người lao động sẽ không thể mặc cả tăng lương như họ đã từng làm thời điểm đó.
Ở Mỹ và Anh, các liên đoàn lao động đã bị thu hẹp đáng kể. Thậm chí ngay ở Đức, nơi các liên đoàn lao động đóng vai trò lớn hơn, vẫn có sự thận trọng trong việc đòi nâng lương. Điều đó có nghĩa khả năng lặp lại vòng xoáy giá cả - tiền lương, vốn là vấn đề chính của đợt lạm phát những năm 1970, ít xảy ra. Song nó cũng khiến các hộ gia đình có nguy cơ bị siết nợ lớn khi thu nhập không theo kịp giá cả tăng cao tại các siêu thị và trạm xăng.
Những năm 1970 nổi lên với các cú sốc năng lượng kép đến từ lệnh cấm vận dầu mỏ của OPEC năm 1973 và cuộc cách mạng Hồi giáo ở Iran 6 năm sau đó, khiến giá dầu tăng gấp 4 lần, đẩy các nước phương Tây vào suy thoái và lạm phát cao.
Còn hiện nay, chỉ vài tuần sau khi Nga tiến vào Ukraine, giá dầu thô đã vọt lên 130 USD/thùng, với những bước nhảy giá mạnh hơn trước đó. Nga là nhà sản xuất chính nhiều mặt hàng từ lúa mì, phân bón đến niken và những lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga cũng đã làm chao đảo các thị trường đó.
Cả hai cú sốc giá dầu của những năm 1970 và hiện nay đều ảnh hưởng đến các nền kinh tế vốn đang có các vấn đề về lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ - nền kinh tế số 1 thế giới - dự kiến tăng 7,9% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất kể từ năm 1982.
Ngoài ra cũng có một số nguyên nhân khác gây ra lạm phát. Ví như những năm 1970, sự sụp đổ của chế độ bản vị vàng dẫn đến sự mất giá của đồng USD và làm đình trệ các biện pháp kích thích kinh tế những năm 1960. Ngay cả cá cơm của Peru, một thành phần chính trong thức ăn gia súc, cũng đóng một vai trò nào đó khi sản lượng khai thác sụt giảm vào năm 1972 do hiện tượng thời tiết El Nino, khiến cho giá thịt bò và thức ăn cao hơn.
Trong năm ngoái, đại dịch Covid-19 đã khiến cho các nguồn cung bị đình trệ, trong khi các chính phủ chi tiêu lớn hơn và chính sách tiền tệ dễ dàng hơn đã kích thích giá cả tăng cao. Thậm chí châu Âu đã và đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng ngay cả trước khi chiến sự ở Ukraine nổ ra.
Nhưng một điều khác biệt là hiện nay các nền kinh tế phát triển sử dụng ít năng lượng hơn so với hồi đó. "Tiêu thụ dầu tính theo tỷ trọng GDP thấp hơn nhiều và hiệu quả sử dụng năng lượng cũng được cải thiện hơn", ông Paul Donovan, nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại UBS Wealth Management, cho biết.
Không chỉ năng lượng, "chúng tôi cũng ít thâm dụng hàng hóa hơn. Chỉ 20% giá thành của ổ bánh mì là lúa mì", ông nói.
LẶP LẠI "VẾT XE ĐỔ"?
Tuy nhiên, một số con số có thể làm thay đổi cuộc khủng hoảng hiện tại.
Theo ông Alex Brazier, cựu quan chức của Ngân hàng Trung ương Anh và hiện là giám đốc điều hành tại Viện đầu tư BlackRock, ở châu Âu, nơi đang nhận phần lớn dầu và khí đốt của Nga, gánh nặng chi phí năng lượng đối với nền kinh tế có thể sẽ ở mức cao nhất kể từ những năm 1970.
Làn sóng tăng giá hàng hóa mới nhất đẩy các ngân hàng trung ương vào thế tiến thoái lưỡng nan khi đối mặt với rủi ro lạm phát kéo dài và tăng trưởng chậm lại.
Tại Mỹ, ít nhất các nhà đầu tư vẫn hy vọng Fed sẽ tăng 1,5 điểm phần trăm lãi suất trong năm nay, bắt đầu vào tuần tới. Các chuyên gia kinh tế tại Citigroup dự báo Fed sẽ đưa ra mức tăng 0,5 điểm phần trăm vào tuần tới.
Bà Isabella Weber, nhà kinh tế tại Đại học Massachusetts Amherst, cho rằng việc dựa vào Fed để kiềm chế giá có thể gây ra thiệt hại không đáng có cho nền kinh tế. Theo bà, ít nhất nên có một cuộc thảo luận về các biện pháp kiểm soát giá của chính phủ đối với các mặt hàng thiết yếu.
Đề xuất của bà Weber lần đầu đưa ra vào tháng 12 năm ngoái đã nhận được phản ứng tích cực từ các nhà kinh tế học chính thống, một phần bởi những ký ức về việc kiểm soát giá những năm 1970 ở Mỹ. Tuy nhiên, bà cho rằng trường hợp hiện nay thậm chí còn mạnh hơn khi giá thực phẩm và năng lượng đều tăng vọt.
Song có những dấu hiệu cho thấy những nhà hoạch định chính sách không muốn lặp lại sai lầm như những năm 1970 đó là để giá cả và tiền lương tăng lên.
Tại Mỹ, Tổng thống Biden đã cảnh báo các công ty không "té nước theo mưa". Khi công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga hôm 8/3, ông Biden cho biết chính quyền của ông sẽ kiểm soát chặt ngành xăng dầu đối với bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy việc tăng giá quá mức hay kiếm bộn lợi nhuận.
Về tiền lương, ở một số nước như Mỹ, Anh, sức mạnh đàm phán đã giảm đi nhiều kể từ những năm 1970 đến mức người lao động có rất ít lợi thế để mặc cả. Ở Đức, nơi các công đoàn vẫn hoạt động tương đối mạnh, cũng đưa ra một số ví dụ làm bài học.
Đó là sau cú sốc dầu mỏ năm 1973, các liên đoàn lao động đã đối phó với lạm phát chạm mức 8% bằng cách tăng lương ở mức 2 con số. Điều đó đã đẩy nền kinh tế rơi vào tình trạng tồi tệ nhất kể từ Thế Chiến thứ 2 và chấm dứt việc thâm dụng nhân công một cách hiệu quả.
Giờ đây, các liên đoàn và người lao động đang tìm kiếm sự trợ giúp từ chính phủ. IG Metall, công đoàn lớn nhất tại Đức và hiệp hội sử dụng lao động esamtmetall đã vận động hành lang cho một "gói biện pháp toàn diện" để bù đắp lạm phát.
Các quốc gia khác như Pháp, Tây Ban Nha cũng sử dụng chính sách tài khóa để giảm bớt cú sốc lạm phát, với các khoản trợ cấp để giúp các hộ gia đình phải chi trả những hóa đơn tăng cao. Một số nhà kinh tế ở Mỹ cũng ủng hộ các tiếp cận tương tự.
Tất cả những điều này đang góp phần thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu hồi phục hơn so với thời điểm những năm 1970, ông Christopher Smart, giám đốc chiến lược toàn cầu tại Barings, cho biết.
Theo ông, bất kỳ giai đoạn lạm phát đình trệ nào cũng có thể diễn ra trong thời gian ngắn. Mặc dù vậy, ông cho rằng cuộc chiến tại Ukraine có thể sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng thực sự kéo dài trong nhiều năm, thậm chí có thể là hàng thập kỷ.