"Giấc mơ" vượt Mỹ của kinh tế Trung Quốc khi nào mới thành hiện thực?
(Dân trí) - Tăng trưởng giảm tốc mạnh của Trung Quốc đã cho thấy thời điểm mà nền kinh tế nước này vượt qua Mỹ ngày càng xa hơn. Một số chuyên gia thậm chí nghi ngờ khả năng Trung Quốc làm được điều này.
"Giấc mơ" vượt Mỹ của kinh tế Trung Quốc khi nào mới thành hiện thực?
Sự giảm tốc mạnh trong tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã cho thấy thời điểm mà nền kinh tế Trung Quốc vượt qua Mỹ đã lùi xa hơn trong tương lai. Một số chuyên gia thậm chí nghi ngờ khả năng Trung Quốc làm được điều này trong tương lai.
Khi nào nền kinh tế Trung Quốc vượt qua Mỹ?
Cách đây 20 năm, nền kinh tế Trung Quốc chỉ bằng 14% nền kinh tế Mỹ. Nhưng từ lâu, các chuyên gia kinh tế đã bắt đầu đặt câu hỏi về thời điểm Trung Quốc vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Từ năm 2003, Ngân hàng Goldman Sachs đã đưa ra dự báo rằng năm 2041, nền kinh tế Trung Quốc sẽ chính thức vượt qua Mỹ. Nhưng đến nay, khoảng cách giữa Trung Quốc và Mỹ dần được thu hẹp nhanh hơn do những khủng hoảng kinh tế của Mỹ liên tục xảy ra. Ở chiều ngược lại, nền kinh tế Trung Quốc lại bền bỉ tăng trưởng và đồng nhân dân tệ cũng tăng giá đều đặn.
Vào năm 2010, GDP Trung Quốc đã bằng 40% của Mỹ. Khi đó, Goldman Sachs đã cập nhật lại thời điểm mà nền kinh tế Trung Quốc vượt Mỹ từ những năm 2040 sang cuối những năm 2020
The Economist thậm chí còn mạnh dạn hơn khi tạo ra biểu đồ tương tác trong năm 2010 cho phép độc giả đưa ra dự đoán của riêng họ về thời điểm Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ, dựa trên các giả định của độc giả về tăng trưởng, lạm phát và tỷ giá hối đoái. Kết quả ghi nhận thời điểm kinh tế của Trung Quốc vươn lên lớn nhất thế giới có thể đến sớm nhất là năm 2019.
Tuy nhiên, chỉ 5 năm sau đó, nhiều chuyên gia nhận định kết quả này sẽ rất khó có thể đạt được. Đà tăng trưởng của Trung Quốc đã gây thất vọng cho các chuyên gia kinh tế và tỷ giá hối đoái, được điều chỉnh theo lạm phát cũng đột ngột ngừng tăng.
Trung Quốc cũng đã phá giá đồng nhân dân tệ vào năm 2015, khiến cho các nhà đầu tư lo ngại rằng đồng tiền này tiếp tục giảm.
Sự trì hoãn này thậm chí còn khiến nhiều người nghi ngờ rằng liệu ngày kinh tế Trung Quốc vượt được Mỹ có thực sự diễn ra hay không. Ngày Trung Quốc được dự đoán sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng đã bị điều chỉnh xa hơn.
Cuối năm 2015, công ty Economist Intelligence Unit (EIU) dự báo rằng Trung Quốc sẽ không thể vượt qua Mỹ cho đến năm 2032, tức muộn hơn 8 năm so với dự báo mà họ đưa ra trước đó.
Và khi xem xét lại dự báo kinh tế năm 2022, các nhà kinh tế tỏ ra lo lắng hơn về triển vọng dài hạn của Trung Quốc, với điều kiện về dân số kém thuận lợi và mức nợ cao có khả năng gây áp lực đối với sự phục hồi của quốc gia này.
Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh CEBR (Anh), từng dự báo Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2028. Tuy nhiên, trong báo cáo cập nhật mới đây, tổ chức này đã lùi thời điểm thêm 2 năm tới năm 2030.
Tỏ ra kém lạc quan hơn, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản nhận định việc Trung Quốc vượt qua Mỹ sẽ không thể xảy ra cho đến năm 2033, muộn hơn 4 năm so với dự báo trước đó của họ. Một số tổ chức khác thậm chí còn hoài nghi khả năng vươn lên hạng nhất của nền kinh tế số 2 thế giới.
Ông Lawrence Summers, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, cho biết dân số già của Trung Quốc và xu hướng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong việc can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp, cùng với những thách thức khác, đã khiến ông giảm kỳ vọng đáng kể về tăng trưởng của quốc gia này.
Ông chỉ ra điểm tương đồng giữa những dự báo về sự trỗi dậy của Trung Quốc và các tiên lượng trước đây về khả năng Nhật Bản hoặc Nga sẽ vượt qua Mỹ. "Những dự đoán như vậy giờ đây nhìn lại thấy thật nực cười. Điều tương tự có khả năng cũng sẽ xảy ra với Trung Quốc", ông Summers chia sẻ với WSJ.
Các chuyên gia dự kiến đồng USD vẫn là tiền tệ dự trữ của thế giới trong nhiều năm tới. Trả lời WSJ, ông Leland Miller, Giám đốc công ty nghiên cứu China Beige Book, cho biết mức sống ở Mỹ, được đo bằng GDP bình quân đầu người đang cao hơn 5 lần so với ở Trung Quốc và khoảng cách này khó có thể sớm thu hẹp.
Khó khăn bủa vây
Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4,5% trong quý đầu năm nay, được thúc đẩy bởi việc Bắc Kinh dỡ bỏ các hạn chế Covid-19. Nhưng những tín hiệu gần đây cho thấy đà phục hồi đang giảm nhanh.
Tăng trưởng bán lẻ trong tháng 4 chỉ tăng 0,5% so với tháng trước đó. Hàng loạt dữ liệu sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và đầu tư đều thấp hơn so với kỳ vọng của các chuyên gia kinh tế.
Hơn 20% số người trẻ trong độ tuổi 16-24 ở Trung Quốc thất nghiệp trong tháng 4 năm nay. Hai gã khổng lồ thương mại điện tử là Alibaba và Jingdong vừa công bố báo cáo doanh thu ảm đạm trong quý đầu năm. Chỉ số chứng khoán Hang Seng của các doanh nghiệp Trung Quốc giảm 5,2% từ đầu năm đến nay, trong khi đồng nhân dân tệ đang yếu đi so với đồng USD.
Các chuyên gia đánh giá rằng Trung Quốc có thể đóng góp ít hơn cho đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu và thấp hơn kỳ vọng của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp. Không chỉ vậy, điều này còn khiến cho Trung Quốc kém quan trọng hơn đối với một số công ty nước ngoài và khó có khả năng để vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Lạm phát tiêu dùng rất thấp của Trung Quốc cùng giá sản xuất giảm trong tháng 5 tiếp tục làm dấy lên nhiều lo ngại về rủi ro giảm phát và nhu cầu thấp.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,2% trong tháng 5, con số này thấp hơn so với mức dự báo là 0,3%. Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI), phản ánh sự thay đổi giá hàng hóa được bán bởi các nhà sản xuất, giảm 4,6% trong tháng 5, thấp hơn con số kỳ vọng.
"Lạm phát CPI của Trung Quốc vẫn gần mức 0 trong tháng 5. Nguy cơ giảm phát vẫn còn", Zhang Zhiwei, chuyên gia của công ty quản lý Pinpoint Asset Management, chia sẻ với WSJ. "Các chỉ số kinh tế gần đây gửi đi tín hiệu rằng nền kinh tế đang giảm nhiệt. Chính phủ vẫn chưa phát tín hiệu rõ ràng về khả năng kích thích chính sách".
Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 5 đã thu hẹp do nhu cầu hàng hóa nước này trên toàn cầu giảm. Xuất khẩu đã giảm 7,5% và nhập khẩu cũng ghi nhận mức giảm 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với con số mà giới chuyên gia dự báo trước đó.
Hàng loạt chỉ số kinh tế trong thời gian gần đây đã cho thấy đà phục hồi kinh tế không đồng đều của Trung Quốc đang bắt đầu chậm lại, trong đó sản lượng công nghiệp, hoạt động sản xuất và tăng trưởng tín dụng đều giảm.
Lực lượng lao động Trung Quốc cũng đang giảm mạnh và sự suy giảm này còn có khả năng tiếp diễn trong nhiều thập kỷ tới. Liên hợp quốc dự báo rằng dân số trong độ tuổi 15-64 của Trung Quốc sẽ giảm hơn 100 triệu người trong những năm 2030.
Nếu GDP Trung Quốc không vượt được Mỹ vào giữa thập kỷ đó, thì có khả năng sẽ không bao giờ vượt được nữa, theo cơ quan nghiên cứu Capital Economics.
Động lực tăng trưởng vẫn lớn
Tuy nhiên, nhiều tổ chức dự báo khác như OECD, Lowy, và trung tâm nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR) đều dự báo rằng GDP của Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ tại một thời điểm nào đó trong những năm 2030.
EIU cho rằng nó sẽ xảy ra vào năm 2039. Dự báo rằng rất sát với thời điểm mà Goldman Sachs đưa ra ban đầu từ năm 2003.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng khả năng Trung Quốc vượt Mỹ sẽ phụ thuộc vào việc nước này có theo đuổi các thay đổi về chính sách kinh tế hay không.
"Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ về GDP vào năm 2035 nếu họ tăng tuổi nghỉ hưu, cho phép nhiều lao động ở nông thôn di cư tới thành thị để nâng cao năng suất lao động cùng với việc chi tiêu nhiều hơn cho giáo dục và y tế", ông Bert Hofman, chuyên gia tại Đại học Quốc gia Singapore, nhận định với WSJ.
"Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không thể bắt kịp Mỹ nếu các nhà hoạch định chính sách chỉ theo đuổi những cải cách hạn chế hoặc nếu Trung Quốc rơi vào khủng hoảng nợ". Ông cũng cho rằng việc rời xa Mỹ cũng có thể khiến Trung Quốc khó tiến xa hơn vì dòng kiến thức từ nước ngoài bị gián đoạn.
Nội dung: Phương Liên (tổng hợp)