(Dân trí) - "Gánh nặng với tôi 17 năm qua đã quá mệt rồi. Chữ kế nhiệm trên vai tôi hơi nặng nề. Tôi hoàn toàn không có suy nghĩ ba mẹ phải để lại công ty cho tôi", doanh nhân Minh Nhựa trải lòng.
Minh Nhựa là biệt danh đã trở thành thương hiệu của Phạm Trần Nhật Minh, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Nhựa Long Thành. Anh là một trong những người dẫn đầu phong trào chơi siêu xe tại Việt Nam với hàng loạt "xế khủng" Pagani, Bugatti, Ferrari, Lamborghini, Roll-Royces.
Trong cuộc hẹn phỏng vấn Dân trí cuối tháng 11, Minh Nhựa chọn lái chiếc SUV Mercedes đến điểm hẹn. Đây cũng là chiếc xe xuất hiện trong ca từ của MV về Minh Nhựa do người bạn thân Wowy sáng tác và thể hiện. Chiếc xe được mua vào thời điểm Minh Nhựa thừa nhận "hết tiền chơi xe nên chuyển sang SUV cho nhanh" nhưng cũng chính là chiếc xe anh cảm thấy "đáng đồng tiền bát gạo" nhất.
Những vị trí nổi bật nhất trên xe đều được dán decal logo của công ty gia đình như một lời nhắc nhở rằng ngoài những chiếc siêu xe, công việc chính của anh vẫn là gánh vác cơ nghiệp của gia đình.
Anh muốn được biết đến với hình ảnh một thiếu gia Minh Nhựa dẫn đầu phong trào siêu xe hay một doanh nhân Phạm Trần Nhật Minh?
- Phải làm doanh nghiệp mới có nền tảng ổn định, có tiền để chơi xe. Nếu chỉ là một người chơi xe đơn thuần, có lẽ những người biết tôi sẽ nhớ đến hình ảnh chỉ biết tiêu xài.
Tôi muốn được mọi người gọi là doanh nhân hơn là thiếu gia hay đại gia. Hai từ đó không ổn lắm với tôi. Thiếu gia thì tôi đã qua tuổi thiếu rồi, tôi đã dư còn đại thì tôi vẫn chưa đủ lớn. Dùng chữ doanh nhân sẽ cân bằng hơn.
Nhưng tôi vẫn thích tên Minh Nhựa vì gia đình tôi làm nhựa mà (cười). Mọi người đã biết đến tôi 10 năm nay, theo dõi, quan sát, quý mến tôi với cái tên này thì không có lý do gì tôi phải bỏ. Cái gì tốt thì mình cứ theo, xấu thì khắc phục. Nó không xấu và tôi cũng chẳng làm gì xấu với ai. Tôi mong mọi người vẫn nhớ đến mình là Minh Nhựa nhưng đi kèm với hai chữ doanh nhân.
Cái tên Minh Nhựa gắn liền với những chiếc siêu xe. Nhưng cuộc sống của anh chắc hẳn còn nhiều thứ khác, đặc biệt về công việc tại công ty gia đình chứ?
- Mọi người biết tới tôi một cách vô tình thông qua xe. Thật sự tôi không khát khao được biết tới về xe. Nhưng đó đã là điểm bắt đầu, tôi nghĩ cũng không thể kết thúc được nó vì đó là đam mê.
Công việc với tôi rất quan trọng. Tôi đang là người định hướng dự án cho kế hoạch 15 năm của Nhựa Long Thành từ đầu tư máy móc, thiết bị, nhà xưởng đến thiết kế lại về logistics, nghiên cứu và phát triển (R&D), truyền thông, bán hàng.
Công ty của tôi đứng trong nhóm đầu ở lĩnh vực của mình, nếu chia sẻ quá nhiều về chiến lược kinh doanh cũng không hay. Đó là lý do vì sao tôi hoạt động nhiều trên mạng xã hội nhưng ít nói về công việc.
Nhiều người chỉ biết anh là người kế nghiệp của Nhựa Long Thành. Nhưng cụ thể những công việc chính của anh tại công ty là gì thì lại không nhiều người nắm được?
- Đầu tiên, tôi khẳng định mình chưa bao giờ có suy nghĩ về việc kế nhiệm, cha truyền con nối. Ngày đầu tiên vào công ty, tôi đã cam kết sẽ không thừa hưởng cơ nghiệp ba mẹ để lại. Còn nếu ba mẹ muốn làm vậy, hãy nhìn những gì tôi làm liệu có đủ khả năng hay không.
Tôi vào công ty gia đình năm 2004, gánh nặng với tôi 17 năm qua đã quá mệt rồi. Chữ kế nhiệm trên vai tôi hơi nặng nề. Tôi hoàn toàn không có suy nghĩ ba mẹ phải để lại công ty cho tôi. Tôi chỉ muốn công ty phát triển hơn và có nhiều nhân sự hơn cùng tôi làm việc đó.
Công ty có thể cổ phần hóa, kêu gọi quỹ đầu tư, có rất nhiều định hướng để phát triển. Nếu có người nào tài giỏi hơn, công ty có thể trao chức CEO cho họ, tôi sẽ đứng ở vai trò khác, là nhà đầu tư.
Từ ngày đầu, tôi đã suy nghĩ như vậy để tránh trường hợp ba tôi không hài lòng về tôi nhưng cứ nghĩ rằng không đưa cho nó thì đưa cho ai. Chính tôi cũng không thể có suy nghĩ cái đó chắc chắn là của tôi rồi.
Tôi đứng ở vị trí phó tổng giám đốc cũng là sự bầu chọn trong công ty. Nhiều người nói là không bầu con ông chủ thì bầu ai. Nhưng ngày hôm đó, tôi đã từ chối nhận vị trí này vì thấy mình chưa đủ lực Tuy nhiên, thời điểm đó lại không có ai đủ lực và táo bạo dám chịu trách nhiệm.
Ở vị trí đó, tôi luôn phải đối đầu với ban tổng giám đốc để đưa công ty đi lên. Nếu kế hoạch chưa ổn, tôi không chỉ nói không mà còn phải đấu tranh để nó trở thành "có", đối đầu với mọi người để mở ra bầu trời mới cho công ty.
Đó cũng là câu trả lời cho câu hỏi của nhiều người tại sao tôi được tặng những chiếc xe mà không phải tự mình mua.
Cách đây mấy ngày, mẹ tôi nhắc lại câu chuyện với tất cả nhân viên về thời điểm công ty bắt đầu bán sóng nhựa. Khi đó, ở Việt Nam gần như không ai biết nó là gì, sóng nhựa chỉ được dùng cho một ít công dụng. Tôi chính là người đi đầu, đưa ra dự án thuyết phục công ty, nhà cung cấp, khách hàng chuyển từ thùng giấy các tông sang sóng nhựa.
Ban tổng giám đốc lúc đó hoàn toàn bài xích, nói rằng việc đó không khả thi. Nhưng tôi vẫn đi gặp từng khách hàng một để trao đổi, thuyết phục họ. Bây giờ, sóng nhựa, rổ nhựa trở thành những sản phẩm mà đi ngoài đường ở đâu cũng thấy.
Bạn có thể hình dung trong giai đoạn đó, công ty tôi bán được số lượng sản phẩm khủng khiếp như thế nào. Nên ba mẹ tặng tôi xe như phần thưởng cũng đâu có sao (cười). Đó là sức lao động của tôi, không chỉ quy đổi bằng lương hay cổ tức được.
Ở trong công ty gia đình, có khi nào anh cảm thấy áp lực dưới cái bóng của ba mẹ và muốn bứt ra, xây dựng sự nghiệp riêng cho mình?
- Nếu hỏi muốn bung ra không thì có lẽ ai cũng có. Còn hỏi áp lực, stress không, đó là chuyện hàng ngày.
Có ngày tôi đi làm từ 7h sáng, 8-9h tối mới về. Cả gia đình quây quần quanh mâm cơm, mới được nửa chén cơm lại xoay về chuyện công ty, cũng không có chuyện khác để nói. Nói chuyện công việc thì mọi người lại giận dỗi nhau vì việc này kia. Lúc cao trào, thậm chí mạnh ai người đấy đứng dậy bỏ đi.
Những lúc đó, tôi nghĩ mình bất hiếu, đã làm ba mẹ nặng nề, muốn rời khỏi công ty. Nhưng ba mẹ lại thấy cả nhà đã cư xử quá cảm xúc nên họp gia đình, chia sẻ nhẹ nhàng hơn, vui vẻ hơn, dành cho nhau món quà nào đấy. Sau đó, mọi chuyện lại ổn.
Một ngày làm việc của anh diễn ra như thế nào?
- Tôi đã trực chiến ở nhà máy suốt 16 năm. Với cương vị phó tổng giám đốc điều hành nhà máy, công việc của tôi liên quan chính đến sản xuất, nhà xưởng, logistics, kỹ thuật và sản phẩm. Sau đó, tôi quay ngược ra tham gia vào việc bán hàng, yểm trợ bộ phận bán hàng để tăng doanh số, nhất là trong tình hình dịch vừa qua. Hiện tại, tôi ít có mặt ở nhà máy mà đi thị trường để tìm hiểu, phát triển sản phẩm mới.
Còn hồi mới ra trường, tôi không có kinh nghiệm gì cả. Muốn điều hành một công ty, một phòng ban hay làm trưởng nhóm cũng phải học rất nhiều.
Tôi học từ cách khuân vác hàng. Đó là công việc đầu tiên của tôi khi vào công ty gia đình. Nhìn vậy chứ không phải dễ nếu muốn làm thế nào ít tốn sức nhất mà khuân được nhiều nhất, không làm đổ bể hàng hóa. Tôi cũng bị công nhân thử thách vì họ biết mình là con ông chủ mà.
Nhưng là con ông chủ, sớm hay muộn, anh cũng sẽ điều hành công ty. Phải chăng việc bắt đầu ở vị trí khuân vác chỉ để làm hình ảnh?
- Suy nghĩ tôi diễn cũng dễ hiểu. Đúng là ở đa số công ty gia đình, những việc như vậy chỉ là thủ tục. Tôi cũng có rất nhiều bạn bè nghe tiếng là điều hành doanh nghiệp nhưng thật ra đã được sắp đặt vị trí.
Còn ai muốn biết câu chuyện của tôi, họ có thể tìm những nhân viên làm việc tại công ty thời điểm đó và hỏi họ ngẫu nhiên tôi làm việc thế nào. 4-5 năm đầu tiên ở nhà máy, tôi làm việc rất cật lực. Nếu cho tôi tập rượt lại 2-3 lần, giờ tôi vẫn có thể khuân vác hàng bình thường. Kỹ năng đó vẫn trong đầu tôi.
Tôi không cần phải chứng minh việc đó để làm gì. Nhưng nếu hỏi tôi có quên quá khứ không thì không. Tôi không quên để nhắc mình phải tạo điều kiện tốt nhất cho công nhân, không phải mình từng làm việc cực khổ rồi giờ lên vị trí cao mà không thay đổi, không cải thiện gì, không có những thiết bị công cụ để hỗ trợ cho công nhân.
Công ty tôi lúc trước có thời điểm có cả nghìn người làm việc ở nhà máy. Nhưng dự án của tôi trong 15 năm tới là đưa con số đó về 0. Việc này không dễ nhưng tôi đã chứng kiến một nhà máy ở nước ngoài bằng quy mô công ty mình chỉ có đúng 2 nhân sự là bảo vệ và quản lý. Tôi biết dự án đó sẽ tốn bao nhiêu tiền và công ty dư sức làm việc đó.
Nhưng tôi nói với ba làm như vậy cần thời gian. Chúng tôi có thể bỏ một cục tiền ra làm ngay nhưng nhân viên sẽ đi đâu về đâu? Đó là lý do cần có lộ trình nhiều năm một cách chắc chắn. Nhân viên của tôi nếu muốn cơ hội tốt hơn có thể học thêm để tự nâng tầm bản thân. Ngoài ra, thị trường Việt Nam còn cạnh tranh rất lớn nên nếu chúng tôi tự động hóa 100%, giá thành sản phẩm sẽ không thích nghi ngay được với thị trường.
Anh nói mình gánh vác rất nhiều trách nhiệm ở công ty. Nhưng chơi xe cũng mất nhiều thời gian. Vậy làm thế nào để anh dung hòa giữa công việc và đam mê?
- Tất cả công việc tôi đang làm, tôi đều tôn trọng nó. Nhưng để làm được như vậy, tôi phải có một thời gian biểu tốt, cùng một ekip sau lưng hỗ trợ, sắp xếp công việc làm gì, lúc nào.
Tất nhiên, công việc vẫn là quan trọng nhất. Mười mấy năm, tôi trải nghiệm điều hành sản xuất, đưa những phần mềm tiên tiến áp dụng trong nhà máy với chi phí cả triệu USD mỗi dự án. Nhờ đó, tôi đã tiết kiệm hơn 50% thời gian ở nhà máy. Tôi chỉ còn giám sát chất lượng, còn lại máy đã tính hết rồi.
Việc rối nhất đã gỡ được nên trao lại trách nhiệm cho những người ở nhà máy. Giờ tôi thúc đẩy hoạt động bán hàng, marketing. Tôi hy vọng nếu ai biết đến Minh Nhựa, họ cũng sẽ biết Việt Nam có một công ty ngành nhựa có tầm, có sản phẩm được khách hàng yêu thích. Nên hiện tại, tôi tập trung thời gian làm kênh online, mạng xã hội.
Hàng ngày, tôi thức dậy sớm nhất có thể, chừng nào hết việc thì về. Ngoài chuyện công việc, tôi còn theo đạo Phật, dành thời gian cho gia đình, con cái, làm mạng xã hội, đi quay, chia sẻ về xe.
Anh có thể chia sẻ cụ thể hơn về việc tu tập của mình?
- Với một Phật tử, họ cần cuộc sống cân bằng, không quá cao nhưng cũng không quá thấp, trong bất kỳ tình huống nào từ vợ chồng, con cái, gia đình, tiền bạc, đam mê. Khi cố gắng giữ sự cân bằng ở mức ổn nhất, tâm mình mới bình an, an lạc nhất. Khi tâm an, lạc thì thân, khẩu, vỹ sẽ hợp nhất.
Khi tôi dành thời gian tu tập, tôi trưởng dưỡng lòng từ bi của mình. Hiểu nôm na tôi sẽ cư xử tốt hơn khi có sự cố xảy ra từ vợ chồng, con cái cãi nhau đến nhân viên không đạt chỉ tiêu.
Ví dụ nếu nhân viên không hoàn thành kế hoạch, mình phải có lòng thương với họ trước tiên. Tôi phải tự hỏi tại sao họ không đạt được, tôi chưa làm tốt nhiệm vụ lãnh đạo hay đã chọn sai người. Ngay từ giây phút đầu tiên, mình phải có suy nghĩ như vậy chứ không phải hoạnh họe nhân viên rồi mới thấy thương họ.
Anh thay đổi cách hành xử với nhân viên sau khi tu tập nhưng làm như vậy có ảnh hưởng đến kết quả, hiệu suất của công ty?
- Có giai đoạn rất nhiều nhân viên rời bỏ tôi. Khi đó, tôi vẫn đạt doanh số rất lớn, đào tạo nâng tầm nhân viên cao hơn nhưng cuối cùng chính tôi lại mất đi những người đó. Đó là giai đoạn tôi chưa học về Phật giáo.
Hôm nay, tôi áp dụng triết lý Phật giáo vào, có đúng và có sai, đúng với tôi và sai với suy nghĩ nhiều người khác. Nhiều nhân viên của tôi 4 năm qua đã vi phạm rất nhiều lần, đến mức độ trưởng phòng hành chính nói rằng không hài lòng về cách xử lý của tôi, tôi quá dễ dãi với nhân viên.
Tôi sống đúng với những điều tôi đang nghĩ nhưng việc tôi chưa làm tốt là chưa tu tập tới, chưa đủ năng lượng, trí tuệ để có thể nói với bạn trưởng phòng để bạn thay đổi. Với tôi, mọi người phải nhìn vào chính bản thân họ trước để phân xử.
Bạn trưởng phòng đó cần tự hỏi mình đã làm tốt hay chưa, đã cùng nhân viên giải quyết những khó khăn của họ chưa, nếu nhân viên khó khăn khi phối hợp với những đồng nghiệp khác, bạn đó đã hướng dẫn rõ ràng cho nhân viên chưa.
Con người không ai mong muốn làm sai cả, làm sai đâu có vui vẻ gì. Tất nhiên có những cá thể đặc biệt, họ không làm đúng được thì mình đành phải chia tay.
Tôi đang làm theo sự đúng đắn, trái tim của mình nên công ty có thể đi chậm lại về phát triển nhân sự nhưng những người còn lại sẽ hạnh phúc hơn. Giống như xây một tòa nhà, nếu phần móng còn sang chấn, phải làm cho nó êm ả trở lại, bình tĩnh kiểm tra đến khi nền móng đủ lực mới có thể xây tòa nhà theo ý mình.
Tôi nghĩ khi mình xây dựng một môi trường đẹp, thích hợp, tự khắc những người có năng lượng tích cực tương tự sẽ đến với mình.
Anh tự nhận mình thực hành triết lý nhà Phật. Nhưng liệu việc đó có mâu thuẫn với sự hào nhoáng bên ngoài của anh như siêu xe, đồng hồ đắt tiền, hàng hiệu?
- Nếu chính thống nhất và để đi đến kết quả tốt nhất, đúng là không nên giống như tôi hiện tại. Kể cả một buổi phỏng vấn cũng không nên làm vì sẽ có người thích, người không. Việc đó sẽ làm mình phân tâm, sinh sự lo lắng không biết người khác nghĩ gì về mình. Nếu muốn làm một người Phật tử tốt nhất, nên loại bỏ những điều không cần thiết.
Nhưng tất yếu tôi vẫn phải làm những việc cần thiết. Có những khái niệm mà ranh giới giữa cần thiết hay không tùy thuộc vào nhận thức, tùy thời điểm.
Với tôi, mục đích của một người Phật tử là truyền năng lượng tích cực đến những người xung quanh bằng cách chính mình phải hạnh phúc trước rồi mới chia sẻ sự hạnh phúc đó. Không phải mình ôm nỗi đau rồi lại gồng, tỏ ra thảo mai, trong lòng không vui mà lại cố nói vui.
Với Minh Nhựa, tiền nhiều để làm gì?
- Đầu tiên phải hỏi bao nhiêu là nhiều? Với Phật tử như tôi, việc từ thiện, hạnh nguyện, bố thí, phóng sinh, cúng dường là hàng đầu. Đó là việc mình cho đi rồi nhận lại trong tương lai. Hôm nay, tôi giúp một gia đình khó khăn, biết đâu lúc tôi sa cơ thất thế, họ sẽ cho tôi một bữa cơm.
Với tôi, việc từ thiện là đầu tiên nếu có nhiều tiền. Nếu có những khoản tiền phát sinh đến với mình, tôi sẽ dùng phần lớn trong số đó để làm từ thiện. Còn dòng tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh đều đã có kế hoạch hết rồi, mọi thứ cứ thế chạy.
Vậy với một người dư dả như anh, anh dùng bao nhiêu phần cho từ thiện, bao nhiêu cho gia đình, bao nhiêu cho đầu tư hay đam mê xe?
- Tôi không hề dư, tôi luôn nói với mọi người là tôi thiếu tiền để làm từ thiện.
Còn cá nhân tôi cũng có nhiều nguồn thu từ đầu tư, ngành nghề khác nhau chứ không chỉ từ công việc chính. Mỗi nguồn tôi thu hoạch một ít, khi vào đúng mùa vụ, tự nhiên gom lại thấy ổn, tôi sẽ dành một phần để chơi.
Anh là một ông bố 5 con, cũng đã lên chức ông ngoại. Anh có lo các con sẽ ỉ lại khi sinh ra trong gia đình giàu có? Anh dạy các con thế nào về tiền?
- Không bao giờ tôi để con ỉ lại. Tôi không muốn dùng chữ tiền vì các con của mình vẫn còn nhỏ.
Trong một tháng đầu tiên sau khi bé sinh ra, tôi sẽ tập trung chăm sóc rất kỹ bé. Qua một tháng đầu tiên, ngày bé đủ khả năng cầm bình sữa cũng là ngày bé bắt đầu tự lập. Tôi muốn con của mình phải tự giác, tự lập ngay từ khi còn nhỏ nhất, từ những việc nhỏ nhất như uống sữa, ăn cơm.
Nhiều người thuộc giới siêu giàu trên thế giới thường tuyên bố sẽ cho đi phần lớn tài sản và chỉ để lại một phần nhỏ cho các con. Anh có suy nghĩ tương tự không?
- Tôi dám chắc sẽ làm như vậy và có thể còn khắc nghiệt hơn vì các vị tỷ phú có nhiều tiền còn tôi có ít hơn.
Tôi dự định chuẩn bị cho các con đi du học, từ độ tuổi 14-15. Tôi mong các con sẽ học lấy kiến thức, ở lại nước ngoài đến khi có gia đình, cảm thấy đủ sức bật rồi về nước. Tôi không muốn con chỉ du học rồi xách tấm bằng về mà hãy ở lại trải nghiệm, thích nghi, học kiến thức, kinh nghiệm của người nước ngoài để về đây ứng dụng vào công việc.
Tôi không có ý định bắt con vào công ty phụ việc hay để con kế nhiệm. Tôi đã không có khái niệm kế nghiệp ba mình thì cũng không đặt khái niệm đó cho con. Còn nếu con thích thì đó là việc của con.
Trong garage hiện tại của Minh Nhựa có bao nhiêu chiếc xe?
- Hiện trong garage của tôi có 10 chiếc từ SUV, Sedan, 2 cửa đến hypercar, đa dạng đủ dòng xe. Trước đây, người ta biết đến Minh Nhựa chủ yếu là những chiếc supercar. Nhưng có lẽ đến tuổi rồi nên tôi cũng hơi đổi phong cách một xíu.
Vậy anh có nhớ được mình đã sở hữu tổng cộng bao nhiêu chiếc siêu xe trong suốt hàng chục năm qua?
- Việc này chắc tôi phải thống kê lại vì nhiều chiếc tôi mua vào, sau 3-4 ngày cảm thấy không thích nữa nên bán ra, nhưng vừa bán cho người ta xong đã muốn mua lại, không biết nên đếm là một hay nhiều chiếc.
Thời gian mới bắt đầu chơi xe, chưa có nhiều điều kiện, tôi rất chăm chút, tập trung tài chính để mua từng chiếc. Đến khi đã có nhiều xe, cảm xúc của tôi lại giảm đi khi có quá nhiều. Xe nào tôi cảm thấy không còn cảm xúc thì bán lại, mua chiếc khác. Nhưng sau đó, thấy người ta chạy xe của mình, tôi lại muốn mua lại.
Nhiều lần tôi phải ngã giá mua chiếc xe vừa bán ra, có khi bán buổi sáng sang buổi chiều mua lại đã lỗ cả tỷ đồng. Cũng có chiếc tôi qua ngày hôm sau muốn thu lại thì họ không bán. Đó là những quyết định sai lầm trong đời chơi xe của tôi. Có lẽ do tính cách của tôi nhanh chán nhưng đó cũng là động lực để tôi vươn lên những chiếc xe đẳng cấp hơn. Hiện tại, tôi vẫn muốn mua những chiếc xe đã từng là của mình, dù nó đã qua tên nhiều người.
Ở tuổi đôi mươi, anh đã sở hữu xế hộp. Anh tự mua hay là quà của ba mẹ?
- Đến bây giờ, hầu như 90% xe của tôi vẫn là quà ba mẹ tặng. Cũng có xe do tôi tự mua nếu tôi quá thích nhưng ba mẹ lại không thích, đặc biệt là mô tô vì ba mẹ không ủng hộ tôi chạy mô tô.
Cứ tròn một năm, vào ngày sinh nhật, tôi sẽ có một chiếc xe mới. Đó là sự bất ngờ đặc biệt của ba dành cho tôi. Ba cũng là người dìu dắt tôi chơi xe.
Những chiếc siêu xe làm Minh Nhựa nổi tiếng nhưng cũng khiến anh trở thành đề tài được nhiều người bàn tán. Với anh, đam mê xe có những cái được và mất gì?
- Nói về cái mất, đầu tiên là chắc chắc là mất tiền. Sau đó là mất thời gian vì muốn cảm được một chiếc xe, tôi phải mất thời gian học cách trải nghiệm nó, cảm nhận nó.
Đôi khi tôi cũng mất cả bạn bè. Ví dụ trước đây, mọi người có thể chạy xe đạp chung với nhau ai cũng vui vẻ. Nhưng mình chuyển sang chạy ô tô, rồi xe 2 chỗ thì người bạn còn lại thế nào. Mình muốn vào quán cà phê cóc ngồi cũng không được. Đi xe tới đó, những người xung quanh cũng nói này nói nọ. Đó là điều tôi không muốn.
Nhiều bạn trẻ hỏi tôi "anh Minh giàu như vậy không biết sống như thế nào". Việc ăn uống với tôi không tốn kém bao nhiêu. Tôi sống ở khu chợ từ bé. Mỗi ngày mở mắt ra, tôi đều thấy những người bán rau, bán cá, bán đậu hũ như một việc rất bình thường. Vào thời điểm này, cá nhân tôi có điều kiện chứ nói giàu cũng không biết bao nhiêu là đủ. Lúc này, tôi thích giàu về tình cảm nhiều hơn.
Nói như vậy có lẽ nhiều người lại nghĩ tôi có tiền sẽ có cảm giác khác, còn người chưa có tiền còn phải vật lộn với lao động mỗi ngày. Nhưng nếu bạn không có tiền, bạn có nhiều người bên cạnh vẫn tốt vậy. Còn tôi có tiền nhưng xung quanh tôi được bao nhiêu người?
Ngược lại, cái được là nhiều người lắng nghe tôi chia sẻ. Đó là sự hạnh phúc của tôi.
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!