Cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc
Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) mới đây có văn bản thông báo sẽ hủy niêm yết bắt buộc với cổ phiếu ITA của Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo.
Lý do là cổ phiếu ITA đang trong các diện theo dõi vi phạm như cảnh báo (vi phạm công bố thông tin từ 4 lần trở lên trong một năm), kiểm soát (chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2024 quá 30 ngày so với quy định), đình chỉ giao dịch (vi phạm các quy định về công bố thông tin sau khi đã đưa vào diện hạn chế giao dịch).
Theo HoSE, tính đến nay, Tân Tạo chưa công bố nhiều thông tin liên quan báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024 , báo cáo thường niên 2023, quyết định mở thủ tục phá sản của TAND TPHCM.
Công ty đã có các văn bản đề nghị tạm hoãn công bố các thông tin trên vì lý do bất khả kháng. Tuy nhiên, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có 2 công văn vào tháng 6 và tháng 10/2024, nêu việc Tân Tạo báo cáo tạm hoãn công bố thông tin là bất khả kháng nhưng chưa cung cấp các tài liệu, bằng chứng làm cơ sở chứng minh lý do đó.
Ngày 16/9/2024, HoSE có văn bản đề nghị Tân Tạo nhanh chóng khắc phục tình hình vi phạm công bố thông tin. Trường hợp không khắc phục được tình trạng chậm công bố thông tin, cổ phiếu ITA sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc.
Tuy nhiên, theo HoSE, từ thời điểm cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch (26/9/2024) đến nay, các vi phạm công bố thông tin của công ty chưa được khắc phục, có khả năng tiếp tục xảy ra và kéo dài, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông.
Trước khi HoSE đưa ra quyết định trên, Tân Tạo cũng có gửi văn bản lên sở, báo cáo tình hình khắc phục cổ phiếu thuộc diện cảnh báo, kiểm soát, hạn chế giao dịch, đình chỉ giao dịch. Đồng thời, công ty đề nghị HoSE đưa cổ phiếu ra khỏi các diện trên. Đây là lần thứ 9, Tân Tạo có văn bản đề nghị đưa cổ phiếu ITA ra khỏi diện cảnh báo.
Công ty cho biết đã khắc phục hết nguyên nhân đưa cổ phiếu ITA vào diện cảnh báo do vi phạm quy định về công bố thông tin. Hơn 17 tháng kể từ ngày công ty đủ điều kiện đưa ra khỏi diện cảnh báo theo quy định, Tân Tạo đã gửi rất nhiều công văn báo cáo tình hình đã khắc phục hết các nguyên nhân nhưng HoSE vẫn không có bất cứ phản hồi lý do và không giải quyết đưa cổ phiếu ITA ra khỏi diện cảnh báo.
Việc giải quyết chậm trễ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh, gây thiệt hại cho công ty và ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các cổ đông, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tân Tạo đề nghị HoSE xem xét và ban hành quyết định đưa cổ phiếu ITA ra khỏi diện cảnh báo theo quy định.
Tân Tạo cũng đề nghị HoSE đưa cổ phiếu ITA ra khỏi diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 16/7/2024, ra khỏi diện đình chỉ giao dịch kể từ ngày 26/9/2024, ra khỏi diện kiểm soát kể từ ngày 24/10/2024.
Công ty nêu vào ngày 11/11/2024 đã gửi báo cáo tình hình khắc phục cổ phiếu ITA thuộc diện cảnh báo, kiểm soát, hạn chế giao dịch, đình chỉ giao dịch quý IV/2024 và đề nghị HoSE đưa cổ phiếu ITA ra khỏi các diện này nhưng đến nay, HoSE vẫn chưa phản hồi.
Tân Tạo cho biết vẫn đang nỗ lực tìm kiếm thuyết phục các công ty kiểm toán để thực hiện báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024 và chuẩn bị cho kỳ báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024.
"Việc có tìm được đơn vị kiểm toán hay không còn phụ thuộc vào những hành động thể hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi, lợi ích của cổ đông, nhà đầu tư của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HoSE", văn bản của Tân Tạo nêu.
Chân dung doanh nghiệp từng là "lá cờ đầu" trong ngành khu công nghiệp
Theo giới thiệu, Tân Tạo là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của Việt Nam được cấp đất phát triển khu công nghiệp, vào năm 1996. Đến năm 1997, doanh nghiệp này khởi công dự án khu công nghiệp Tân Tạo - giai đoạn 1 (Long An). Sau đó, doanh nghiệp khởi công Khu công nghiệp Nhơn Trạch (Đồng Nai), Khu công nghiệp Tân Tạo - giai đoạn 2, Khu công nghiệp Tân Đức - giai đoạn 1 (Long An).
Năm 2006, Tân Tạo niêm yết cổ phiếu lên HoSE, cũng là công ty phát triển khu công nghiệp đầu tiên được niêm yết sàn chứng khoán.
Cùng với phát triển bất động sản khu công nghiệp, Tân Tạo còn phát triển các khu đô thị - dân cư. Ngoài ra, công ty còn gia nhập ngành giáo dục, y tế với thương hiệu Đại học Tân Tạo, Bệnh viện Đại học Y Tân Tạo; tham gia ngành năng lượng.
Tân Tạo từng lọt top 10 công ty có vốn hóa lớn nhất và thanh khoản cao nhất trong rổ chỉ số S&P Vietnam Index, cũng thuộc top 9 công ty được lựa chọn tính chỉ số Russell Vietnam Index.
Người sáng lập Tân Tạo là bà Đặng Thị Hoàng Yến (sinh năm 1959) - chị gái ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc (mã chứng khoán: KBC), một doanh nghiệp phát triển khu công nghiệp lớn ở miền Bắc.
Bà Yến gắn bó với Tân Tạo nhưng đã vắng mặt ở nhiều cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên cách đây gần chục năm và chỉ xuất hiện theo hình thức họp trực tuyến trong vài năm gần đây. Nhiều lần, bà Yến được giới thiệu với tên mới là Maya Dangelas.
Vào năm 2023, trong một văn bản công bố thông tin, Tân Tạo đã công bố bà Yến với tên Maya Dangelas, mang quốc tịch Mỹ, thường trú tại thành phố Houston, bang Texas (Mỹ).
Bà Yến không còn là người đại diện theo pháp luật của Tân Tạo từ tháng 6/2023. Thay vào đó, người đại diện pháp luật mới là ông Nguyễn Thanh Phong - Tổng giám đốc và đảm nhận chức vụ tới nay.
Theo báo cáo quản trị nửa đầu năm 2024, bà Yến sở hữu 5,79% vốn điều lệ công ty. Ông Đặng Thành Tâm (em trai bà Yến) nắm 3,1% vốn. Một số doanh nghiệp liên quan bà Yến như Tập đoàn Tân Tạo, Công ty cổ phần Đại học Tân Tạo, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Tân Đông Phương sở hữu tổng cộng 49,28% vốn.
Đến thời điểm này, Tân Tạo vẫn chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2023 và bán niên 2024, báo cáo thường niên 2023. Một trong những lý do bất khả kháng mà công ty từng nêu ra là doanh nghiệp đã nỗ lực liên hệ làm việc và thuyết phục 30 công ty kiểm toán được chấp thuận kiểm toán trên thị trường, song tất cả đều từ chối.
Nguyên nhân chính, theo văn bản giải trình của Tân Tạo, do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đình chỉ tư cách kiểm toán với 4 kiểm toán viên đã thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính cho Tân Tạo năm 2021, 2022 và bán niên 2023. Điều này khiến các công ty đều ngại kiểm toán cho Tân Tạo, sợ cũng bị đình chỉ tư cách kiểm toán viên.
Trước năm 2021, Tân Tạo đều kinh doanh có lãi. Tuy nhiên trong 2 năm 2021-2022, công ty đều lỗ, lần lượt 404 tỷ đồng và 258 tỷ đồng.
Lý do kiểm toán thực hiện điều chỉnh hồi tố làm giảm lợi nhuận năm 2021 như tăng trích lập dự phòng các khoản nợ phải thu khó đòi và quá hạn từ 4 năm trở lên, tăng các loại chi phí khác... Năm 2022, nguyên nhân bất khả kháng buộc công ty thanh lý hợp đồng thuê đất dài hạn xây dựng Trung tâm Điện lực Kiên Lương.
Năm 2023, theo báo cáo tự lập, công ty đạt lợi nhuận 206 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2024, Tân Tạo báo lãi 131 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Một trong những vấn đề tồn tại trên báo cáo tài chính của Tân Tạo là hàng tồn kho lớn. Tại ngày 30/9/2024, doanh nghiệp có hơn 3.670 tỷ đồng hàng tồn kho, chiếm 65% tài sản ngắn hạn. Tồn kho chủ yếu là dự án nhà ở E-City Tân Đức (Long An), còn lại ở một số dự án khu công nghiệp khác.
Công ty khá hạn chế về tiền nhàn rỗi, tại ngày 30/9/2024 chỉ có hơn 68 tỷ đồng. Về nợ vay, doanh nghiệp có 127 tỷ đồng nợ vay tài chính, khá nhỏ so với vốn chủ sở hữu gần 10.434 tỷ đồng.
Trong năm 2024, HoSE cũng hủy niêm yết bắt buộc với 2 trường hợp khá điển hình là cổ phiếu HBC của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và HNG của Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai.
Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình có tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp. Còn Công ty Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai thua lỗ 3 năm liên tiếp.