"Chợ đen" rao bán vàng giá đắt, có dịch vụ đặt chỗ mua vàng hộ
(Dân trí) - Thị trường "chợ đen" xuất hiện tin rao bán vàng giá 82,5-83 triệu đồng/lượng, cao hơn niêm yết 1-2 triệu đồng, tin rao nhận đặt chỗ mua vàng hộ giá 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/lần đặt thành công.
"Chợ đen" rao bán vàng giá cao
Hơn một tuần nay, anh Quang Vinh (quận 10, TPHCM) tìm hiểu và đăng ký lịch mua vàng trực tuyến của Công ty SJC. Anh khai báo các thông tin cần thiết như họ tên, số căn cước công dân, địa chỉ... và nhận được thông báo đặt chỗ thành công kèm theo số thứ tự.
"Tuy nhiên, không phải một lần là được. Tôi phải thao tác đăng nhập, khai báo 5-6 lần mới đặt chỗ thành công để mua vàng", anh Vinh nói.
Ngay khi đăng ký thành công, anh nhanh chóng đến chi nhánh SJC tại quận 3 để thanh toán, đối chiếu thông tin và nhận vàng miếng vì nếu đến trễ qua khung giờ giao dịch đã đăng ký thành công thì sẽ bị hủy. Mỗi lượt đăng ký chỉ được mua tối đa 1 lượng vàng.
Chị Thùy Dương (Hoàng Mai, Hà Nội) có nhu cầu mua 2 lượng vàng miếng SJC để trả nợ. Thế nhưng, nhiều ngày nay chị không thể đặt mua vàng trực tuyến từ 4 ngân hàng quốc doanh cũng như từ Công ty SJC. Chị cho biết bị tình trạng báo lỗi hệ thống ở thời điểm đầu ngày, khó khăn khi đăng nhập đặt trước mua vàng của các ngân hàng. Vài phút sau khi mở cửa, hệ thống các ngân hàng cũng kín chỗ, thông báo ngừng đặt trước.
Chị đi nhiều cửa hàng vàng kinh doanh vàng lớn trên địa bàn Hà Nội cũng không mua được vàng miếng.
Theo khảo sát của phóng viên Dân trí tại một cửa hàng lớn thuộc quận 10, TPHCM, nhân viên tư vấn cho biết vàng nhẫn khan hàng trong nhiều tháng qua, khách có nhu cầu mua có thể đặt cọc, 10-15 ngày sau sẽ có hàng.
Đăng ký mua vàng miếng nhiều ngày không được, trong khi giá vàng thế giới tăng liên tục, anh Ngọc Thành (Cầu Giấy, Hà Nội) dự tính chuyển sang mua vàng nhẫn. Tuy nhiên, 3 ngày liên tục đi mua đều không mua được. Nhân viên tại một tiệm vàng lớn trên đường Cầu Giấy nói "không có sẵn hàng". Các tiệm vàng khác cũng đều đề nghị anh Thành đặt cọc và sẽ báo ngày nhận vàng sau, đồng thời không chắc chắn khi nào vàng nhẫn có hàng trở lại.
Sau 1,5 tháng bất động, giá vàng miếng những ngày này bất ngờ tăng thêm hơn 3 triệu đồng, lên ngưỡng 80 triệu đồng/lượng ở chiều bán, khi giá thế giới gần đây tăng vọt. Như vậy, sau 1,5 tháng bất động, vàng miếng được điều chỉnh. Theo quy định, Công ty SJC và 4 ngân hàng quốc doanh được bán vàng miếng ra thị trường với biên độ tối đa 1 triệu đồng so với giá mua vàng từ Ngân hàng Nhà nước.
Trước đó, từ đầu tháng 6, nhà điều hành tiền tệ tăng cung vàng miếng ra thị trường thông qua việc bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng quốc doanh và Công ty SJC. Ban đầu, các ngân hàng và Công ty SJC bán vàng trực tiếp tại các điểm giao dịch.
Tuy nhiên, các đơn vị này chuyển sang bán online (cho phép người mua đặt mua trên website, nhận vàng tại chi nhánh), thay vì trực tiếp tại các điểm bán của họ. Việc này nhằm giảm tải tình trạng tụ tập xếp hàng dài chờ đợi trước các phòng giao dịch, chi nhánh.
Tuy nhiên, như khảo sát của phóng viên Dân trí, việc mua vàng vẫn không hề dễ dàng. Người đặt mua trực tuyến phải đối diện với tình trạng mở kênh đăng ký vài phút là hết lượng bán mỗi ngày.
Các nhà băng cũng không công khai số lượng bán do tùy thuộc vào nguồn cung. Các doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng như DOJI, Bảo Tín Minh Châu, PNJ... cũng gần như ngừng bán vàng miếng ra thị trường từ sau khi Ngân hàng Nhà nước bán can thiệp định giá.
Khánh Huy (huyện Bình Chánh, TPHCM) cho biết gặp lỗi ngay từ khâu đăng nhập tạo tài khoản để đặt chỗ mua vàng trực tuyến của Công ty SJC. Huy nhiều lần thao tác nhưng đến lúc bấm "xác nhận" thì hệ thống bị treo. Lúc đầu, nghĩ hệ thống quá tải những ngày đầu nhưng đến nay, gần một tháng trôi, anh qua vẫn không thể đăng ký được.
Sau đó, Huy có tìm hiểu trên các trang mạng xã hội và phát hiện nhiều hội nhóm nhận đặt hộ suất mua vàng. Nhiều tin rao nhận đặt chỗ mua vàng hộ với chi phí 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/lần đặt chỗ thành công.
Cũng trên các hội nhóm, nhiều tin rao giao dịch vàng miếng, vàng nhẫn nhỏ lẻ. Giá vàng miếng "chợ đen" được một số tài khoản rao bán quanh mốc 82,5-83 triệu đồng/lượng (mua - bán), cao hơn giá niêm yết 1-2 triệu đồng.
Vì đâu hình thành thị trường "chợ đen"?
Đại diện Công ty cổ phần Vàng Bạc Đá Quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết định hướng chiến lược của công ty vẫn là bán lẻ, bán sỉ trang sức. Về cơ bản, hoạt động kinh doanh sỉ, lẻ trang sức vẫn là nguồn doanh thu chính của công ty. Do đó, PNJ không quá chú trọng trong việc trữ vàng miếng, vàng nhẫn để đáp ứng đủ, đáp ứng theo nhu cầu của thị trường.
Thời gian vừa rồi, cũng có thời điểm giá vàng nhẫn và vàng miếng gần như bằng nhau. Điều này, theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, là do chính sách ấn định giá vàng miếng SJC của Ngân hàng Nhà nước trong khi giá vàng nhẫn vẫn diễn biến theo kim loại quý trên thị trường quốc tế.
Trước những tín hiệu tích cực từ nền kinh tế Mỹ, giá vàng thế giới những phiên gần đây đã tăng mạnh, thậm chí lập kỷ lục. Điều này tạo tác động, đẩy giá vàng nhẫn trong nước tăng mạnh. "Việc giá vàng nhẫn vượt giá vàng miếng SJC là điều dễ hiểu", ông Thịnh nói.
Ông Thịnh nhận định rằng nếu giá vàng thế giới tiếp tục tăng mạnh trong một thời gian dài, giá vàng miếng SJC rất có thể cũng sẽ được điều chỉnh theo chiều hướng tăng theo. Lúc đó, khoảng cách giữa giá vàng nhẫn và vàng miếng nhiều khả năng sẽ thay đổi.
Về việc nhiều người không mua được vàng miếng SJC, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho biết "không quá bất ngờ". Hiện tượng này đã xuất hiện trong khoảng một tháng trở lại đây. Ngân hàng Nhà nước đã thành công trong việc kéo giá vàng từ mức 92,4 triệu đồng/lượng xuống mức dưới 80 triệu đồng/lượng. Thế nhưng, đây chỉ mới là điều kiện đủ để bình ổn thị trường, yếu tố còn lại đó là khối lượng cung ra thị trường.
Theo ông Hiếu, người dân có nhu cầu mà không mua được vàng đã dần dần hình thành thị trường "chợ đen", buôn bán ngầm xảy ra giữa các tổ chức, cá nhân.
Nếu đúng theo quy định, người dân chỉ được phép giao dịch ở những điểm mua bán vàng được nhà nước cấp giấy phép mua bán vàng miếng SJC. Thế nhưng, với mặt bằng giá vàng hiện nay, các đơn vị được phép này nếu có vàng miếng SJC cũng sẽ không thể nào bán được bởi thời gian trước, giá mua vào của các đơn vị có thời điểm lên 85-90 triệu đồng/lượng, nếu bán với giá 78-80 triệu đồng/lượng thì coi như lỗ. Do đó, không tránh khỏi trường hợp các công ty dù có vàng cũng sẽ không muốn bán.
Thị trường chỉ có thể bình ổn nếu nguồn cung dồi dào và kéo giá giảm. Với vùng giá thấp thì khả năng nhu cầu sẽ tiếp tục tăng lên nhiều. "Trường hợp cung vàng thoải mái thì sẽ là một khối lượng không hề nhỏ. Điều này sẽ liên quan đến vấn đề tỷ giá mà Ngân hàng Nhà nước sẽ phải tính toán", vị chuyên gia nhấn mạnh.